VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 5/5/2021.

      Nhờ sản xuất vắc-xin Covid-19, dược phẩm Pfizer “bỏ túi” 3,5 tỷ USD trong quý I/2021; Chuyên gia cảnh báo Ấn Độ đối mặt “những tuần khủng khiếp” vì Covid-19; Ấn Độ trở thành nước thứ hai có hơn 20 triệu ca mắc Covid-19; Ca Covid-19 Mỹ giảm thấp nhất trong 6 tháng; Campuchia có số ca nhiễm kỷ lục, Singapore nâng thời gian cách ly Covid-19; Đến 5/5 thế giới ghi nhận 154.940.173 ca mắc mơi và 3.239.609 ca tử vong vì Covid 19…là những tin chính được cập nhật.
Nhờ sản xuất vắc-xin Covid-19, dược phẩm Pfizer “bỏ túi” 3,5 tỷ USD trong quý I/2021
Anh phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer để tiêm chủng vào tuần tới - Báo  Nhân Dân    Ảnh minh họa.
    Với mức thu đạt được trong ba tháng đầu năm, hãng dược Mỹ Pfizer đã nâng mức dự đoán doanh thu cả năm đạt 26 tỷ, cao hơn nhiều so với ước tính 15 tỷ USD trước đó.
Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer vừa thông báo, trong ba tháng đầu năm 2021, nhờ vắc-xin Covid-19, hãng đã đạt doanh thu 3,5 tỷ USD, vượt mức dự báo trước đó là 3,2 tỷ USD.
Vắc-xin Covid-19 được dự đoán sẽ tiếp tục mang lại khối doanh thu khổng lồ cho Pfizer và BioNTech, đặc biệt trong bối cảnh mọi người có thể cần tiêm nhắc lại thường xuyên. Hãng dược phẩm Pfizer dự đoán vắc-xin Covid-19 sẽ mang lại cho hãng 26 tỷ USD doanh thu trong năm nay, tăng hơn nhiều so với ước tính 15 tỷ USD được đưa ra trước đó.
Chuyên gia cảnh báo Ấn Độ đối mặt “những tuần khủng khiếp” vì Covid-19
(DTO) Chuyên gia cảnh báo những tuần tới Ấn Độ sẽ đối mặt với tình hình “khủng khiếp” khi số ca tử vong và mắc Covid-19 gia tăng với tốc độ đáng báo động.
Tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown ở Mỹ, cho biết ông lo ngại về việc các nhà hoạch định chính sách ở Ấn Độ, những người mà ông từng tiếp xúc, vẫn tin rằng tình hình dịch bệnh sẽ được cải thiện trong vài ngày tới.
“Tôi đã cố gắng nói với họ rằng nếu mọi thứ vẫn diễn ra như thế này, tình hình sẽ rất kinh khủng trong vài tuần tới, thậm chí có thể kéo dài lâu hơn nữa”, ông Jha cảnh báo.
Chuyên gia Jha cho rằng Ấn Độ cần tập trung vào các biện pháp y tế công cộng “truyền thống” như phong tỏa, xét nghiệm nhiều hơn, yêu cầu toàn dân đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người.
“Đó là những gì sẽ phá vỡ chuỗi gia tăng này”, ông Jha cho biết.
Số ca mắc Covid-19 do Ấn Độ công bố chính thức đã vượt mốc 20 triệu người hôm 4/5, tăng gần gấp đôi trong 3 tháng qua, trong khi số ca tử vong cũng vượt 220.000 người.
Tuy nhiên, theo AP, số ca nhiễm và tử vong thực tế được cho là lớn hơn nhiều so với số liệu được công bố.
Số ca nhiễm mới tại Ấn Độ tăng từ hơn 65.000 ca/ngày hồi đầu tháng 4 lên hơn 370.000 ca/ngày trong những tuần gần đây, trong khi số người chết tăng từ 300 ca/ngày lên hơn 3.000 ca/ngày.
Các ca nhiễm bắt đầu gia tăng ở Ấn Độ từ tháng 2. Nguyên nhân của làn sóng Covid-19 mới ở quốc gia hơn 1,3 tỷ dân được cho là liên quan đến các biến thể virus mới dễ lây lan hơn, cũng như việc chính phủ cho phép đám đông tụ tập để tham gia các lễ hội tôn giáo và các cuộc mít tinh chính trị trước thềm bầu cử.
Ấn Độ trở thành nước thứ hai có hơn 20 triệu ca mắc Covid-19
– Ấn Độ hôm qua (4/5) đã trở thành nước thứ hai sau Mỹ có số ca nhiễm Covid-19 vượt quá con số 20 triệu ca. Số ca tử vong vì virus corona được ghi nhận chính thức vượt qua con số 220.000 người.
Số ca mắc hàng ngày được ghi nhận chính thức đã tăng từ 65.000 ca lên tới con số chóng mặt là xấp xỉ 370.000 ca/1 ngày và số người tử vong là từ hơn 300 người/1 ngày leo lên con số 3.000 người/1 ngày kể từ hôm 1/4. Các chuyên gia và nhân viên y tế tin rằng, con số trên thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Tổ chức Y tế Thế giới đầu tuần này cho biết, trong hai tuần qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 đang tăng lên cao hơn so với sáu tháng đầu tiên của đại dịch. Ấn Độ và Brazil đang chiếm hơn một nửa số ca nhiễm trên toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bị chỉ trích về cách ứng phó với đại dịch Covid-19 khi các bệnh viện ở nước này đối mặt với tình trạng thiếu nguồn oxy nghiêm trọng.
Ca Covid-19 Mỹ giảm thấp nhất trong 6 tháng
Số ca Covid-19 mới tại Mỹ giảm trong ba tuần liên tiếp, thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Tính đến ngày 5/5, Mỹ ghi nhận hơn 33 triệu người nhiễm nCoV và gần 600.000 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận hơn 42.000 ca Covid-19. Số ca nhiễm mới ở Michigan, nơi từng là điểm nóng dịch bệnh, giảm 26% so với tuần trước. Trường hợp dương tính tại các bang có tỷ lệ lây nhiễm cao như Colorado và Minnesota cũng giảm.
Giới chức y tế cảnh báo nhiều biến thể nCoV vẫn đang lưu hành. Ở Oregon, biến thể Anh B.1.1.7 chiếm ưu thế. Tuần trước, thống đốc Kate Brown đã đưa gần một nửa số quận trong bang vào nhóm rủi ro cao mắc Covid-19. Các tiệm ăn phục vụ trong nhà bị cấm, hạn chế số lượng khách hàng.
Trên toàn quốc, số ca tử vong do Covid-19 giảm 3%, còn hơn 4.800 trong tuần đầu tháng 5, thấp nhất kể từ tháng 7. Số bệnh nhân Covid-19 trong viện giảm 8%.
Theo các chuyên gia, dịch bệnh ở Mỹ hạ nhiệt chủ yếu nhờ chiến dịch tiêm vaccine. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, gần một phần ba dân số nước này đã tiêm chủng đầy đủ, 44% đã nhận ít nhất một liều vaccine.
Tổng thống Joe Biden kỳ vọng sẽ tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành vào ngày 4/7. Mục tiêu này trở nên dễ dàng hơn khi thiếu niên 12-15 tuổi đủ điều kiện chủng ngừa. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 25% người dân Mỹ không có ý định tiêm phòng.
Ông Biden thừa nhận: “Giờ chúng ta sẽ phải mang vaccine cho những người thờ ơ hơn”.
Hiện, toàn cầu có hơn 3,2 triệu người nhiễm nCoV. Điểm nóng dịch bệnh là Ấn Độ, trở thành mối nguy đe dọa nhiều nước châu Á.
*** Campuchia có số ca nhiễm kỷ lục, Singapore nâng thời gian cách ly Covid-19
Trên thế giới có hơn 3,23 triệu ca tử vong vì Covid-19, song có hơn 133 triệu trường hợp đã khỏi sau khi nhiễm virus.
Cập nhật lúc 5h sáng ngày 5/5 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 154,9 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 3,23 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt trên 133 triệu trường hợp.
Ấn Độ tiếp tục trải qua một ngày khủng khiếp với số người nhiễm mới lên tới gần 382.700 và số người chết gần 3.800. Như vậy đến nay, nước này có tổng cộng hơn 20,6 triệu ca dương tính và trên 226.100 ca tử vong.
Brazil cũng đối mặt với sự lây lan và chết chóc nghiêm trọng khi ghi nhận thêm trên 65.400 ca nhiễm mới vào danh sách hơn 14,8 triệu bệnh nhân, và hơn 2.760 nạn nhân vào tổng 411.588 người tử vong vì Covid-19.
Campuchia phát hiện số ca Covid-19 mới cao kỷ lục
Tờ Thời báo Khmer cho biết, giới chức y tế Campuchia đã ghi nhận thêm 938 ca nhiễm mới trong ngày 4/5, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên hơn 16.300.
Thủ đô Phnom Penh vẫn là ‘điểm nóng’ Covid-19, khi các cơ quan y tế tại đây trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 608 ca nhiễm mới. Tiếp đó là tỉnh Kandal với 175 trường hợp và tỉnh Preah Sihanouk với 77 ca. Toàn bộ số ca dương tính mới được phát hiện đều liên quan đến một sự kiện cộng đồng được tổ chức hồi tháng 2/2021.
Tiến sỹ Hok Kim Cheng thuộc Bộ Y tế Campuchia nhận định, nguyên nhân số ca mắc Covid-19 ở nước này thời gian gần đây liên tục tăng cao là bởi giới chức y tế Campuchia đã tăng cường sử dụng bộ xét nhiệm nhanh có thể phát hiện các trường hợp dương tính trong vòng 15 phút.
“Phần lớn số ca dương tính được phát hiện ở những cư dân sống trong các Vùng Đỏ, tức các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Hơn 10% số mẫu xét nghiệm được thu thập ở các Vùng Đỏ cho kết quả dương tính. Chúng tôi đang thực hiện thêm nhiều xét nghiệm tại khu vực này. Và dù việc phong tỏa kéo dài ba tuần qua là không đủ để kiểm tra toàn bộ người dân cư trú trong Vùng Đỏ, nhưng công tác xét nghiệm vẫn được tiếp tục”, ông Hok nói với tờ Bưu điện Phnom Penh.
Singapore nâng thời gian cách ly Covid-19 với du khách
Chính quyền Singapore hôm 4/5 đã quyết định nâng thời gian cách ly bắt buộc với người nhập cảnh đến từ những quốc gia có nguy cơ cao từ 14 lên 21 ngày, dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 8/5 tới. Ngoài ra, số người được phép tụ tập nơi cộng cộng bị giảm xuống 5 người, các phòng tập thể dục, thể hình trong nhà được yêu cầu tạm ngừng hoạt động.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Y tế Singapore, ông Gan Kim Yong ngày 4/5 nhận định việc tiêm chủng là phương pháp hữu hiệu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19, cũng như ngăn bệnh tình trở nặng.
“Bởi đã được tiêm đủ hai mũi vắc-xin, nên có 9 trên 40 ca nhiễm mới không có triệu chứng bên ngoài hoặc triệu chứng bệnh tình nhẹ nên họ không cần tới thở oxy khi điều trị. Do vậy, việc tiêm chủng vẫn là ‘công cụ’ hữu hiệu để làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ khả năng sẽ áp dụng phong tỏa một phần, nếu tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn”, ông Kim Yong nói với hãng tin Reuters.
Mỹ hướng đến việc tiêm chủng cho 70% người trưởng thành
Theo hãng tin AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/5 đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng mới dành cho người dân nước này, khi ông tuyên bố 70% người trưởng thành ở Mỹ sẽ nhận được vắc-xin trước tháng 7/2021.
“Các bạn cần phải tiêm vắc-xin. Ngay cả khi cơ hội để bạn nhiễm bệnh cực kỳ thấp, thì sao không đi tiêm chủng. Việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có thể cứu lấy mạng sống của bản thân bạn hoặc của những người bạn yêu thương”, ông Biden nói trong cuộc họp tại Nhà Trắng.
Số liệu được hãng tin AP thu thập cho thấy, khoảng 56% người trưởng thành tại Mỹ đã nhận được ít nhất một mũi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, và số người được tiêm chủng mỗi ngày ở nước này đạt khoảng 965.000.
Đức nới lỏng hạn chế với người đã tiêm vắc-xin
Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Đức hôm 4/5 đã thông qua quy định mới về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch bệnh đối với những người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19 và những trường hợp đã khỏi bệnh.
Theo đó, những ai thuộc hai trường hợp trên có thể đi mua sắm, đến các hiệu tóc hoặc đi du lịch. Những người này cũng có thể miễn tuân thủ các lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Tuy nhiên, những trường hợp đã được tiêm vắc-xin vẫn cần đeo khẩu trang, cũng như tuân thủ các quy định về ‘giãn cách xã hội’ phòng dịch.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ các cơ quan y tế Đức cho biết, có khoảng 28% dân số nước này được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin phòng Covid-19. Với việc số ca nhiễm giảm và lượng người tiêm chủng đang tăng lên, Chính phủ Đức hy vọng các biện pháp phong tỏa được áp dụng từ hồi tháng 11/2020 sẽ sớm được dỡ bỏ.
*** Ấn Độ có thêm hơn 38 vạn ca mắc COVID-19 trong một ngày
(ĐCSVN) – Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 747.203 ca nhiễm và 12.649 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tính đến sáng hôm nay (5/5) lên lần lượt 154.940.173 và 3.239.609 trường hợp. Trong đó, Ấn Độ chiếm hơn 1 nửa số ca mắc mới trên toàn thế giới, với 382.619 ca.
Số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 5/5 cho thấy, hiện toàn thế giới có 132.300.551 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 19.400.013 ca bệnh đang điều trị, có 19.288.944 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 111.019 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 44.962.344 trường hợp, trong đó có 1.022.793 ca tử vong và 40.015.687 ca được điều trị khỏi. 24 giờ qua, lục địa già có thêm 91.760 ca nhiễm mới.
Hiện Bắc Mỹ có 38.554.919 ca nhiễm bệnh, trong đó có 865.547 ca tử vong vì COVID-19. Dù vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, song trong những ngày qua, số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã giảm đáng kể do những nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Tính tới sang 5/5, Mỹ ghi nhận tổng số 33.267.769 ca nhiễm và 592.286 ca tử vong vì COVID-19.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa tuyên bố mục tiêu sẽ tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine cho 70% người Mỹ trưởng thành vào đúng ngày quốc khánh 4/7, đồng thời sẽ phân bổ lại nguồn vaccine ngừa COVID-19 cho những bang có nhu cầu tiêm chủng cao và các cửa hàng dược phẩm phục vụ người dân tiêm vaccine bất cứ lúc nào mà không cần phải đặt hẹn. Bên cạnh đó, ông J.Biden cũng muốn đạt mục tiêu chủng 2 mũi cho khoảng 160 triệu người Mỹ trưởng thành đúng vào ngày quốc khánh, tức là nước Mỹ cần phải chủng thêm được khoảng 100 triệu liều vaccine trong 60 ngày tới.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 114.203 ca nhiễm và 3.784 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tới thời điểm hiện tại lên lần lượt 25.290.990 và 685.641 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực với 14.856.888 ca nhiễm và 411.588 ca tử vong.
Tính đến sáng 5/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 41.444.340 trường hợp, với 541.315 ca tử vong và 33.809.720 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 5.270.380 ca bệnh đang điều trị thì có 33.666 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 490.857 ca mắc mới COVID-19, trong đó Ấn Độ chiếm phần lớn, với 382.691 ca.
Trong nhiều ngày qua, diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ vô cùng căng thẳng và quốc gia Nam Á này đang là tâm dịch của thế giới, với số ca mắc và tử vong liên tục “lập đỉnh” mới mỗi ngày. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ là 20.658.234 ca, với 226.169 ca tử vong. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và tình trạng khan hiếm vaccine tại nhiều nơi, chính phủ liên bang tại Ấn Độ tiếp tục bác bỏ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn. Một số bang chỉ áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm hoặc phong tỏa từng phần. Còn thủ đô New Delhi đang trong giai đoạn thực hiện lệnh phong tỏa thứ 3 liên tiếp, kéo dài đến ngày 10/5 tới.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P), ngày 4/5 cảnh báo, sự bùng phát của làn sóng COVID-19 thứ 2 với sức tàn phá khủng khiếp tại Ấn Độ không chỉ cản trở phục hồi kinh tế của nước này mà còn khiến nhiều quốc gia khác đứng trước nguy cơ phải đối mặt với những đợt bùng phát tiếp theo của dịch bệnh.
Khung cảnh bên trong một bệnh viện tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nơi các bác sỹ đang giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19. Trong nhiều ngày qua, Ấn Độ đã trở thành “tâm điểm” của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới, với hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. (Video do France 24 công bố ngày 4/5/2021)
Tính đến sáng 5/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.623.627 trường hợp, trong đó có 123.090 ca tử vong và 4.154.764 ca bình phục. Trong tổng số 345.773 ca đang điều trị, có 3.479 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.586.148 ca nhiễm COVID-19 và 54.511 ca tử vong vì dịch bệnh.
Ngày 4/5, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize đã xác nhận rằng biến thể B.1.617 gây chết người đang tàn phá Ấn Độ chưa được phát hiện ở Nam Phi, tuy nhiên chính phủ nước này đang trong tình trạng “cảnh giác cao độ” trước lo ngại về sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 này. Ông Mkhize kêu gọi người dân hết sức bình tĩnh và theo dõi tình hình dịch bệnh COVID-19 chặt chẽ. Hiện tất cả các cửa khẩu nhập cảnh của Nam Phi đều áp dụng những quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để giảm thiểu sự xâm nhập của dịch COVID-19, trong khi chính phủ vẫn đang cảnh giác cao độ để sàng lọc hành khách và kiểm tra những người cần được đánh giá thêm về y tế.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 21 ca nhiễm COVID-19, trong đó 9 ca ở Australia, 11 ca ở Papua New Guinea, 1 ca ở New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 63.232 ca nhiễm và 1.208 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.850 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.765 ca./.

Tổng hợp-TT