VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 5/7/2019.

Mỹ cấm vận nhà thầu Nga, dự án tỷ USD Việt Nam đình trệ; Phối hợp với Hoa Kỳ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thép Việt Nam; Ngày Độc lập ‘khác thường’ của nước Mỹ;  Người Trung Quốc thấp thỏm lo Trump đổi ý về ‘đình chiến’ thương mại; Thời tiết cực đoan hoành hành châu Á…là những tin chính được cập nhật.

Mỹ cấm vận nhà thầu Nga, dự án tỷ USD Việt Nam đình trệ

Mỹ cấm vận nhà thầu Nga, dự án tỷ USD Việt Nam đình trệ     Nhiệt điện Long Phú 1 còn chưa rõ ngày nào hoàn thành. Ảnh: Thùy Dung

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 4/7 cung cấp thông tin liên quan đến các dự án điện mà tập đoàn này đang triển khai. Những khó khăn, vướng mắc của các dự án đã được nêu ra, trong đó có dự án nhiệt điện than.
Nhà thầu bị Mỹ cấm vận, dự án bế tắc
Dự án nhiệt điện Long Phú 1 của PVN có vốn đầu tư hơn 29,5 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch ban đầu là 45 tháng và 49 tháng hoàn thành cho từng tổ máy, hoàn thành tổ máy 1 vào 30/10/2018 và tổ máy 2 vào 30/2/2019.
Như vậy, tính đến nay dự án đã chậm tiến độ.
Ông Nguyễn Huy Vượng, Trưởng ban Điện (PVN), cho biết: Dự án hiện mới hoàn thành 77,56% so với kế hoạch, nguyên nhân chính xuất phát từ phía nhà thầu Power Machines (PM – Nga) và việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp đối với nhà thầu này (PM) từ 28/1/2018.
Từ thời điểm PM bị cấm vận, công tác mua sắm hàng hóa thiết bị nhập khẩu và thu xếp vốn cho dự án thuộc phạm vi công việc của PM đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như không đạt tiến triển cụ thể.
“Đến nay, dự án vẫn chưa xác định được tiến độ khả thi do nhà thầu PM không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC bởi các khó khăn/vướng mắc do ảnh hưởng của cấm vận”, PVN cho biết. Ngoài ra, PM còn đề nghị PVN xem xét phương án cấu trúc lại, tăng giá và nhiều điều kiện khác không phù hợp với quy định của Hợp đồng EPC hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC.
Một năm sau khi bị cấm vận, ngày 28/1/2019, nhà thầu PM đã có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC dự án. PM đã chính thức dừng các hoạt động tại công trường kể từ ngày 15/3/2019, rút giám đốc công trường về nước kể từ 29/3/2019.

Phối hợp với Hoa Kỳ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thép Việt Nam
Liên quan đến việc Hoa Kỳ áp mức thuế cao đối với thép xuất khẩu từ Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn đang tiếp tục phối hợp và trao đổi với Hoa Kỳ.
Liên quan đến việc Hoa Kỳ áp mức thuế cao đối với thép xuất khẩu từ Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn đang tiếp tục phối hợp và trao đổi với Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Thời gian qua, Bộ Công Thương đã cảnh báo, khuyến nghị đến các doanh nghiệp trong nước về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu, trong đó có Hoa Kỳ, có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.”
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và các Hiệp định của WTO, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.”

Ngày Độc lập ‘khác thường’ của nước Mỹ
Nước Mỹ đang tổ chức ngày Quốc khánh theo cách khác thường, với sự tham dự của nhiều vũ khí khí tài hạng nặng.
Tổng thống Donald Trump đã biến ngày lễ 4/7 bình dị hàng năm thành sự kiện có sự tham dự của xe tăng và máy bay, trước sự chứng kiến của hàng trăm nghìn người.
Sự xuất hiện của xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, xe chiến đấu bộ binh Bradley, oanh tạc cơ B-2 Spirit, tiêm kích tàng hình F-22, tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet, trực thăng H-60, vận tải cơ HC-144, Không lực Một, Marine One… cùng phi đội biểu diễn Blue Angels được nhiều người quan tâm.
Đặc biệt, Tổng thống Trump đã có bài phát biểu trước công chúng, mang tên “Lời chào của nước Mỹ”, bất chấp những cảnh báo về tình hình thời tiết tại khu vực này. Trong bài phát biểu tại đài tưởng niệm Lincoln này, ông nói Mỹ là “quốc gia đặc biệt nhất trong lịch sử của thế giới”, và rằng nước này sẽ sớm có lực lượng không gian.
Ông Trump khẳng định, nước Mỹ sẽ sớm cắm cờ trên sao Hỏa. “Chúng ta vui mừng trước sự tham dự của Chỉ huy nhiệm vụ không gian nổi tiếng Gene Krenz, người giám sát các chuyến bay lên Mặt Trăng. Chúng ta sẽ cắm cờ Mỹ trên sao Hỏa sau một thời gian dài chờ đợi”, ông tuyên bố trước những người tham dự sự kiện.
Lãnh đạo Nhà Trắng đã dành những lời có cánh cho các quân chủng trong quân đội Mỹ. Cuối bài, ông kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết. Ông nói, “chúng ta sẽ không bao giờ quên rằng chúng ta là người Mỹ và tương lai thuộc về chúng ta. Tương lai thuộc về sự quả cảm, sự mạnh mẽ, niềm tự hào và sự tự do”.
Bài phát biểu của ông Trump đã nhận được sự tán thưởng của những người tham dự. Nhiều người liên tục hô vang “nước Mỹ”.

 Người Trung Quốc thấp thỏm lo Trump đổi ý về ‘đình chiến’ thương mại
Nhiều người Trung Quốc cho rằng Trump rất khó đoán và hay thay đổi quyết định nên có thể đảo ngược động thái “đình chiến” với Bắc Kinh.
Trump xác nhận không áp thêm thuế với Trung Quốc  /  Trump nói thỏa thuận thương mại với Trung Quốc phải có lợi cho Mỹ
Ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hoãn nâng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20. Trump còn cho phép các nhà cung cấp Mỹ bán linh kiện cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, miễn là chúng không đe dọa an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, động thái “đình chiến” của Trump không xua đi những lo ngại của nhiều người Trung Quốc. Họ cảm thấy tình hình này không ổn định vì không chắc liệu lệnh đình chiến duy trì được bao lâu, trong bối cảnh không nắm được nhiều thông tin về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra.
“Tôi cũng như nhiều chủ nhà máy sản xuất giày ở Đông Hoản đều cho rằng mặc dù vấn đề thuế quan đã được xoa dịu, tương lai vẫn chưa chắc chắn. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump đảo ngược quyết định? Ông ấy quá khó đoán”, doanh nhân Wang Jie nói. Nhà máy sản xuất giày của ông đã mất nhiều đơn đặt hàng từ Mỹ trong những tháng gần đây.
“Trump luôn thay đổi, vì vậy chúng tôi trở nên thận trọng hơn so với trước đây”, Wang cho biết.

Thời tiết cực đoan hoành hành châu Á
(SGGPO) Trong khi mùa hè nắng nóng tại Ấn Độ năm nay được xem là có mức nhiệt trung bình cao hơn nhiều năm trước, thì tại Nhật Bản và Trung Quốc mưa lũ diện rộng đã gây thiệt hại lớn. Thời tiết cực đoan tại châu Á năm 2019 ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu còn được xem là do hiện tượng El Nino gây ra, có thể kéo dài đến tháng 11-2019.
Nhật Bản: Bão lũ, hơn 1 triệu người sơ tán
Theo CNN, các quan chức địa phương Nhật Bản cho biết hơn 1 triệu người ở miền Nam Nhật Bản đã được lệnh sơ tán khi khu vực này bị mưa lớn với lượng mưa kỷ lục. Đảo Kyushu của Nhật Bản, nơi có 13,3 triệu cư dân, có lượng mưa hơn 300mm tại nhiều địa điểm vào ngày 4-7. Đó là lượng mưa trung bình gần bằng lượng mưa của cả tháng 7 (319mm). Tại Kagoshima, ở tỉnh Kagoshima, trên đảo Kyushu, đã chứng kiến lượng mưa kỷ lục, với hơn 460mm chỉ trong 24 giờ. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết một số địa điểm trong tỉnh, nơi có dân số 1,6 triệu người, có nguy cơ sạt lở và lũ lụt. Các quan chức đang thúc giục cư dân rời khỏi khu vực, nhưng cho đến nay các nhà chức trách ước tính rằng chỉ có hơn 1.700 trong tổng số hơn 1 triệu người được khuyên sơ tán.
Nắng nóng ở Ấn Độ
Những đợt nắng nóng dữ dội đã làm chết hơn 100 người ở Ấn Độ vào mùa hè này và được dự báo tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra khi phần lớn đất nước này đều có nhiệt độ quá cao.
Làn sóng nhiệt ở Ấn Độ thường diễn ra trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 và giảm dần khi có gió mùa. Nhưng trong những năm gần đây, những đợt nóng này đã trở nên dữ dội hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Ấn Độ là một trong những quốc gia dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết, ngay cả khi thế giới thành công trong việc cắt giảm khí thải carbon, hạn chế sự gia tăng về nhiệt độ trung bình toàn cầu, các khu vực của Ấn Độ vẫn sẽ trở nên nóng đến mức vượt giới hạn để con người có thể sống sót. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố tình trạng nắng nóng khi nhiệt độ đạt ít nhất cao hơn bình thường 4,5°C tại khu vực đó trong ít nhất 2 ngày.

***   Đình chỉ INF: Nga không khoan nhượng trước Mỹ và NATO!
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức ký phê chuẩn Dự luật đình chỉ thực thi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)được các chuyên gia nhận định là một động thái cứng rắn nhằm đáp trả những hành động đơn phương của Mỹ và mối đe dọa từ phía NATO.

Brazil: Chính sách đối ngoại gây tranh cãi của ông Bolsonaro
Nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu của Brazil đang bày tỏ nỗi thất vọng và bất bình trước chiều hướng đi ngược lại truyền thống trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Chưa đầy 6 tháng kể từ khi ông lên nắm quyền, nhiều sự thay đổi kỳ lạ đã diễn ra tại Bộ Ngoại giao dẫn đến việc Brazil không còn được tôn trọng như ngọn cờ đầu của Nam Mỹ hay nhóm BRICS nữa.

Chợ Đồng Xuân của người Việt ở Đức bùng cháy dữ dội
Khu chợ Đồng Xuân của người Việt tại thủ đô Berlin, Đức bất ngờ bùng cháy vào trưa ngày 4-7, với những cột khói đen liên tục bốc lên có thể nhìn thấy từ cách xa vài cây số, Sputnik đưa tin.

Người đưa Nhật Bản “phất cờ” trên trường quốc tế
Thủ tướng Shinzo Abe đang lèo lái để đưa Nhật Bản ngày càng khẳng định mạnh mẽ hơn nữa tính chính danh quốc tế của mình nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược chính của Tokyo trong kỷ nguyên đối đầu Trung – Mỹ.

Chật vật bầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu
Chiều tối 1-7, sau 20 giờ thảo luận, Hội nghị Thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) đã phải tạm dừng sau khi lãnh đạo các nước không đạt được sự nhất trí về danh sách ứng cử viên nắm giữ vị trí lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan hành pháp của EU.

Rạn nứt quan hệ đồng minh, Mỹ – EU đứng trước nguy cơ “chiến tranh thương mại”
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung trị giá hàng tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), mở ra một mặt trận mới sau khi Washington và Bắc Kinh tạm “đình chiến” thương mại.

Philippines điều tra việc Trung Quốc thử tên lửa tại Biển Đông
Inquirer ngày 3-7 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay, nước này sẽ điều tra các báo cáo về những vụ phóng thử tên lửa đạn đạo săn hạm của Trung Quốc gần đây tại Biển Đông.

Siêu lừa nước Úc
Giả làm một thương nhân tài chính thành đạt, đã tốt nghiệp hai trường Havard và Massachusets, đang quản một quỹ từ thiện… Hamish McLaren 48 tuổi đã mạo danh nhiều người để lừa đảo ở Úc, Anh, Canada, Mỹ và Hồng Kông, thu 8 triệu dollars Úc (AUD) và đánh cắp khoảng 70 triệu AUD.

Nhật Bản sơ tán khẩn cấp gần 800.000 người dân vì mưa lớn
Khoảng 800.000 người dân sống trên đảo Kyushu phía Nam Nhật Bản đã được yêu cầu sơ tán khẩn cấp đến những nơi an toàn trong ngày 3-4 do lo ngại mưa lớn hoành hành gây sạt lở, Reuters đưa tin.

Lầu Năm Góc chỉ trích Trung Quốc thử tên lửa săn hạm trên Biển Đông
Reuters ngày 3-7 đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc thử tên lửa săn hạm tại Biển Đông, gọi hành động này là đi ngược lại những cam kết về việc duy trì hòa bình trong khu vực.

Ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống nạn săn trộm voi
Nhu cầu về ngà voi tiếp tục thúc đẩy hoạt động săn trộm ở châu Phi và châu Á. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy, số lượng voi ở Trung Phi đã giảm 64% chỉ trong vòng một thập niên.

Ấn Độ: Cảnh sát hướng dẫn người dân nhận biết nạn tin giả
CNN ngày 29-6 cho biết, khoảng 20 người đã bị đám đông đánh đập tới chết trong những tháng gần đây. Nạn nhân mới nhất là Mohammad Azam, kỹ sư 27 tuổi của công ty Google.

Dấy lên hi vọng từ cuộc gặp lịch sử
Giây phút lịch sử thực sự đã diễn ra khi lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có cái bắt tay trên phần lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Đây thực sự là một bước tiến đầy ý nghĩa hướng tới hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên vốn chưa bao giờ thực sự bình yên kể từ khi diễn ra cuộc chiến chia đôi hai miền Nam – Bắc.
Tổng hợp-TT