WHO tìm thấy bằng chứng quan trọng về nguồn gốc Covid-19; “Cởi trói” tư nhân, Cuba cải cách kinh tế lớn; Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lần đầu tăng trưởng âm trong hơn 2 thập kỷ; Hình ảnh hàng vạn người biểu tình xuống đường ở Myanmar; Dịch COVID-19 sáng 7/2: Mỹ ghi nhận hơn 473.500 ca tử vong…là những tin chính được cập nhật.
WHO tìm thấy bằng chứng quan trọng về nguồn gốc Covid-19
Nhóm điều tra của WHO sắp hoàn tất điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)
(DTO) Nhóm nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chuẩn bị hoàn tất quá trình điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc và đã phát hiện những bằng chứng quan trọng.
Theo Bloomberg, tiến sĩ Peter Daszak, một chuyên gia người Anh trong nhóm điều tra của WHO, ngày 6/2 cho biết nhóm điều tra gồm 14 người đã làm việc với các chuyên gia Trung Quốc và tới các điểm nóng bùng phát Covid-19 cũng như các trung tâm nghiên cứu ở đây và phát hiện “một số bằng chứng quan trọng cho thấy chuyện gì đã xảy ra”. Ông cho biết, các phát hiện quan trọng này dự kiến sẽ được công bố trước ngày 10/2.
“Đó là một khởi đầu có hy vọng để hiểu rõ đại dịch đã bùng phát như thế nào để chúng ta có thể ngăn chặn một đại dịch khác”, ông Daszak cho biết trên ứng dụng Zoom hôm 5/2.
Phái đoàn của WHO đã bắt đầu cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc từ cuối tháng 1. Trong những ngày qua, các nhà khoa học đã tới nhiều địa điểm như chợ hải sản Hoa Nam – nơi phát hiện những ca Covid-19 đầu tiên và phòng thí nghiệm ở Viện Vi rút học Vũ Hán – tâm điểm của những đồn đoán cho rằng vi rút thoát ra từ đây.
Họ tiến hành điều tra với sự phối hợp của các chuyên gia Trung Quốc. “Ngày nào chúng tôi cũng thảo luận với họ, chia sẻ thông tin và dữ liệu hoặc đề nghị họ đưa chúng tôi đến những nơi chúng tôi muốn, gặp những người cần gặp. Họ yêu cầu chúng tôi đưa ra một danh sách. Chúng tôi được đưa đến các nơi có trong danh sách”, tiến sĩ Daszak nói.
Ông Daszak là 1 trong 10 chuyên gia độc lập hỗ trợ WHO điều tra cùng với 5 nhân viên của tổ chức và chuyên gia của Tổ chức Nông lương Thế giới, Tổ chức Y tế về Động vật. Họ được chia làm 3 nhóm tập trung vào các khía cạnh khác nhau gồm mối liên hệ của đại dịch với các động vật, các yếu tố dịch tễ học hay sự lây lan của dịch, và các phát hiện từ việc lấy mẫu. Tiến sĩ Daszak cho biết, dữ liệu giải trình gen đang giúp các nhà điều tra xác định các chuỗi liên kết thông tin giữa bệnh nhân và động vật hoang dã.
“Tôi nghĩ là chúng tôi có thể đưa ra những kết luận có giá trị, rất có giá trị sau khi kết thúc chuyến đi này, nhưng tôi không muốn nói trước điều gì”, ông Daszak nói và nhấn mạnh các phát hiện của nhóm là bảo mật cho đến khi công bố chính thức. Chuyên gia này cho biết thêm, chuyến đi của nhóm điều tra đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán đặc biệt hữu ích. Đây là khu chợ chủ yếu bán hải sản và động vật hoang dã. Những ca Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phát hiện tại đây khiến các chuyên gia cho rằng đây có thể là nơi mà vi rút lây lan từ động vật sang người.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 và được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đại dịch đã khiến 106 triệu người trên thế giới mắc bệnh, hơn 2,3 triệu người tử vong. Đến nay nguồn gốc thực sự của đại dịch vẫn là một bí ẩn.
“Cởi trói” tư nhân, Cuba cải cách kinh tế lớn
Kinhtedothi – Theo Nhật báo Granma, Hội đồng Bộ trưởng Cuba trong cuộc họp ngày 5/2 đã thông qua biện pháp được Bộ trưởng Lao động Marta Elena Feito công bố vào tháng 8/2020, qua đó cấp quyền cho hoạt động tư nhân trong hầu hết mọi lĩnh vực.
Hoạt động tư nhân – đã được cho phép ở Cuba từ năm 2010, và thực sự bùng nổ từ sự ấm lên trong quan hệ giữa Cuba và Mỹ vào cuối năm 2014 dưới thời Tổng thống Barack Obama – vẫn chỉ được giới hạn trong một danh sách các ngành do nhà nước quy định.
“Danh sách 127 hoạt động (được ủy quyền) trước đây đã bị loại bỏ”, Bộ trưởng Lao động Cuba Marta Elena Feito tuyên bố hôm 6/2. “Trong số hơn 2.000 hoạt động mà công việc tư nhân được phép… chỉ 124 lĩnh vực bị hạn chế một phần hoặc toàn bộ”, bà Feito nói thêm, “khu vực tư nhân tiếp tục phát triển… sẽ giúp giải phóng lực lượng sản xuất, là mục tiêu của cuộc cải cách này”.
Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil nói trên Twitter rằng cuộc cải cách là “một bước quan trọng để gia tăng việc làm”.
Hiện tại, hơn 600.000 người Cuba đang làm việc trong khu vực tư nhân, chiếm 13% lực lượng lao động trên hòn đảo 11,2 triệu người này. Họ chủ yếu làm việc trong lĩnh vực ẩm thực, vận chuyển và cho khách du lịch thuê phòng.
Tuy nhiên, các lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt gia tăng của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, cũng như bởi đại dịch Covid-19, dẫn đến việc nhiều chủ DN bị đình chỉ giấy phép.
“Đây là tin tốt và là một bước đi đúng hướng, dù đã phải mất quá nhiều thời gian để được chấp thuận”, Ricardo Torres, một nhà kinh tế học từ Đại học Havana bình luận trên Twitter về quyết định mới của Cuba.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lần đầu tăng trưởng âm trong hơn 2 thập kỷ
GDP của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, giảm 2,07% so với năm trước – đây là cú giảm mạnh so với mức tăng trưởng kỷ lục 5,02% năm 2019…
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 5/2, năm 2020, kinh tế Indonesia chứng kiến lần sụt giảm đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm 2,07% so với năm trước. Đây là cú giảm mạnh so với mức tăng trưởng kỷ lục 5,02% của kinh tế nước này trong năm 2019.
Theo khảo sát với 17 nhà kinh tế của Reuters, dự báo kinh tế của Indonesia năm 2020 là giảm 2%. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đưa ra con số dự báo là âm 1,7 – 2,2%.
Lần suy giảm kinh tế gần đây nhất của “quốc gia vạn đảo” là vào năm 1998, khi GDP nước này lao dốc tới 13,1% do khủng hoảng tài chính châu Á, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Mặc dù mức suy giảm hơn 2% của kinh tế Indonesia vẫn tốt hơn nhiều so với nước láng giềng Philippines (với mức giảm kỷ lục 9,5%), 2020 vẫn là một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Hàng vạn người biểu tình xuống đường ở Myanmar
Các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2007 tại Myanmar đã bước sang ngày thứ hai, với sự tham gia của hàng chục nghìn người.
Theo Reuters, hôm nay (7/2) biểu tình rầm rộ diễn ra ở thành phố lớn nhất của Myanmar cũng như trên khắp cả nước nhằm phản đối cuộc đảo chính của quân đội và việc bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi hồi tuần trước.
Biểu tình nổ ra bất chấp việc mạng internet bị ngắt, đường dây điện thoại bị giới hạn. Đám đông tụ tập tại thủ phủ thương mại Yangon, đem theo bóng đỏ – màu sắc đại diện cho đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) và hô vang: “Chúng tôi không muốn độc tài quân sự. Chúng tôi muốn dân chủ”.
Quân đội Myanmar hồi đầu tuần này bắt giữ Tổng thống, bà San Suu Kyi và tuyên bố nắm quyền lãnh đạo nước này một năm.
*** Dịch COVID-19 sáng 7/2: Mỹ ghi nhận hơn 473.500 ca tử vong
Tính đến 8 giờ 30 ngày 7/2 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 106.329.584 ca nhiễm và 2.318.949 ca tử vong do COVID-19, Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nhất.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 7/2 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 106.329.584 ca nhiễm và 2.318.949 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Số bệnh nhân hồi phục là 77.970.131 người.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 27.519.636 ca nhiễm và 473.528 ca tử vong, tiếp đó là Ấn Độ với 10.827.170 ca nhiễm và 155.028 ca tử vong.
Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết đã chính thức đề nghị cơ quan chức năng y tế Brazil cho phép sử dụng loại vắcxin ngừa COVID-19 mà họ phát triển cùng với tập đoàn BioNTech (Đức) tại quốc gia Nam Mỹ này.
Đây là hãng dược thứ 2 nộp đơn xin cấp phép sử dụng các loại vắcxin ngừa COVID-19 tại Brazil, sau khi hãng dược phẩm AstraZeneca cũng thực hiện quy trình tương tự hồi cuối tháng Một vừa qua đối với loại vắcxin do họ phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu sản xuất.
Brazil là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc COVID-19, sau Mỹ và Ấn Độ, với gần 9,5 triệu ca và đứng thứ 2 về số ca tử vong do căn bệnh này, sau Mỹ, với hơn 230.000 ca.
Ngày 6/2, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận thêm 978 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 231.012 ca. Số ca mắc tại Brazil tăng thêm 50.630 ca lên 9.497.795 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico công bố thêm 1.496 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 165.786 ca.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Pháp thông báo nước này ghi nhận thêm 20.586 ca mắc ngày 6/2, giảm so với con số 22.139 ca được ghi nhận một ngày trước, theo đó nâng tổng số ca mắc tại đây lên 3.317.333 ca.
Hiện, 27.369 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện, giảm so với con số 245 ca của một ngày trước, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp số ca bệnh đang được điều trị giảm theo ngày.
Số bệnh nhân được điều trị trong khu điều trị tích cực giảm xuống 3.225 người, ít hơn 20 người so với một ngày trước. Bộ trên cũng công bố thêm 191 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 78.794 ca.
Đài Sputnik (Nga) cho biết các chuyên gia của Bộ Y tế Séc đang nghiên cứu các khía cạnh pháp lý để có thể mua trực tiếp vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga, mà không phải thông qua các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU). Đến nay, Séc ghi nhận tổng cộng 1.030.112 ca mắc, trong đó có 17.129 ca tử vong.
Trong thông báo mới nhất ra sáng 7/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố thêm 11 ca mắc ngày 6/2, gồm 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận tại tỉnh Cát Lâm và 10 ca nhập cảnh.
Cùng ngày, đã có thêm 70 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi bệnh. Như vậy đến nay, Trung Quốc đại lục đã xác nhận tổng cộng 89.692 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong, 83.880 người đã bình phục và xuất viện.
Hàn Quốc ghi nhận dấu hiệu mới nhất cho thấy dịch bệnh giảm khi số ca mắc mới trong ngày tại nước này đã xuống dưới 400 ca trong ngày thứ ba liên tiếp.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 372 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 80.896 ca. Nước này cũng có thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 1.471 ca./.
*** Vỡ sông băng ở Ấn Độ, 150 người được cho là đã chết
Khoảng 150 người được cho là đã thiệt mạng sau khi một sông băng ở Himalaya vỡ và va vào một con đập ở Ấn Độ vào sáng 7/2 (giờ địa phương), gây ra lũ lụt buộc các ngôi làng ở hạ lưu phải sơ tán.
Đông Nam Á với cuộc chiến chống COVID-19 và ma túy
Khi đại dịch COVID-19 vẫn đang lan rộng khắp toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại thì trên thế giới nói chung, Đông Nam Á nói riêng, nếu có những kẻ không sợ thất nghiệp và vẫn kiếm được rất nhiều tiền thì đó chỉ là bọn buôn bán ma túy…
Mỹ sẽ xa cách hơn với Israel dưới thời ông Biden
Cách tiếp cận của chính quyền mới của Mỹ được cho là sẽ khác với những gì mà cựu tổng thống Donald Trump từng theo đuổi là cải thiện quan hệ với Arab Saudi và Israel.
Nổ lớn tại khu dân cư Pháp, nghi do rò khí gas
Năm người đã được giải cứu, trong khi ít nhất hai người vẫn đang mất tích sau một vụ nổ làm rung chuyển thành phố Bordeaux của Pháp vào sáng 6/2, RT đưa tin.
Nông dân Ấn Độ dùng máy kéo, xe tải chặn đường phản đối chính phủ
Hàng nghìn nông dân trên khắp Ấn Độ đã mang máy kéo, xe tải ra đường biểu tình, đồng thời dựng lều tạm trên nhiều con phố lớn hôm 6/2 nhằm gây áp lực buộc chính phủ phải trì hoãn các cải cách nông nghiệp vốn vấp phải sự phản đối của dư luận trong nhiều tháng qua.
Myanmar bắt giữ cố vấn người Australia của bà Suu Kyi
Sean Turnell, cố vấn kinh tế người Australia của bà Aung San Suu Kyi ngày 6/2 cho biết ông đang bị giam giữ, chỉ vài ngày sau cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar.
Myanmar mở rộng phong tỏa mạng xã hội bất chấp biểu tình lan nhanh
Chính quyền quân sự Myanmar ngày 6/2 mở rộng lệnh phong tỏa với Twitter và Instagram, trong bối cảnh phong trào biểu tình chống lại cuộc đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi ngày càng dâng cao với hàng nghìn người tham gia.
Ông Hun Sen không tiêm vaccine COVID-19 vì…quá tuổi
Trong một bài đăng trên Facebook tối 5/2, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen cho biết, ông sẽ không tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc “do điều kiện giới hạn về độ tuổi”.
Hạ viện Mỹ “mở đường” cho gói cứu trợ COVID-19 khủng của ông Biden
Hạ viện Mỹ ngày 5/2 (giờ địa phương) đã thông qua dự thảo ngân sách mới, theo đó cho phép thực hiện kế hoạch cứu trợ COVID-19 trị giá 1900 tỷ USD của Tổng thống Biden mà không cần sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa.
Bác sĩ Nga cứu sống Navalny sau nghi án trúng độc đã bất ngờ qua đời
Bác sĩ Sergei Maksimishin, người cứu sống nhân vật đối lập người Nga Alexei Navalny sau khi ông này ngã quỵ trên máy bay nghi do trúng độc hồi tháng 8/2020, được thông báo vừa qua đời.
Tổng thống Pháp đề nghị làm trung gian Mỹ-Iran trở lại thoả thuận hạt nhân
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị trở thành “trung gian” điều phối các bước đi của Mỹ và Iran nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015.
Iran tự tin xuất khẩu vaccine COVID-19
Giới chức y tế Iran khẳng định nước này có tiềm lực y tế lớn, thậm chí đủ khả năng xuât khẩu vaccine ngừa COVID-19 ra thế giới.
Tổng hợp-TT