VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 7/6/2021.

    Hơn 100 cựu lãnh đạo thế giới kêu gọi G7 chi tiền tiêm vaccine COVID-19 cho các nước nghèo; Phục hồi sau đại dịch: Con người là trung tâm; Mỹ vượt mốc quan trọng trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19; Bà Janet Yellen: Lãi suất cao tốt cho kinh tế Mỹ và cho Fed; Nga sắp triển khai du lịch vaccine; Thế giới có hơn 174 triệu ca nhiễm COVID-19…Là những tin chính được cập nhật.
Hơn 100 cựu lãnh đạo thế giới kêu gọi G7 chi tiền tiêm vaccine COVID-19 cho các nước nghèo
Chú thích ảnh    Hai cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown (trái) và Tony Blair cùng ký thư gửi nhóm G7. Ảnh: PA
(baodautu.vn) 230 nhân vật quyền lực, trong đó có hơn 100 cựu Thủ tướng, Tổng thống và Ngoại trưởng cùng ký thư ngỏ kêu gọi các nước G7 trả hơn 60% chi phí cần để tiêm vaccine Covid-19 cho nước nghèo.
Theo tờ Guardian, các cựu lãnh đạo thế giới cùng nhiều nhân vật có ảnh hưởng khẳng định thế giới sẽ chỉ an toàn trước COVID-19 khi tất cả mọi người ở mọi khu vực trên thế giới được an toàn. Năm 2020 đã chứng kiến sự thất bại của hợp tác toàn cầu trong phòng chống đại dịch, nhưng năm 2021 có thể sẽ mở ra kỷ nguyên mới. Để làm được điều đó, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) cần đóng góp khoảng 44 tỷ USD trong tổng số 66 tỷ USD chi phí cần thiết để tiêm chủng cho mọi người dân trên toàn cầu.
“Việc G7 và G20 giúp các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vaccine không phải là hành động từ thiện, mà là việc làm mang lại lợi ích chiến lược của mọi quốc gia. Đúng như Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) khẳng định đây là ‘khoản đầu tư công tốt nhất trong lịch sử’”, nhóm ký nêu quan điểm trong thư.
Bức thư được gửi đi trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Cornwall, Anh từ 11-13/7. Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson dự kiến cũng sẽ đưa ra lời kêu gọi tương tự nhằm hối thúc G7 cung cấp tài chính cho các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. “Hoàn tất tiêm ngừa vaccine cho cả thế giới trong năm nay sẽ là thành tựu lớn nhất trong lịch sử ngành y tế”, ông Johnson nêu quan điểm trong thông cáo ngày 6/6.
Trong số những người đồng ký thư ngỏ có cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, hai cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tony Blair và 15 cựu lãnh đạo các nước châu Phi.
Phục hồi sau đại dịch: Con người là trung tâm
SGGP Lần đầu tiên trong lịch sử 102 năm thành lập, hội nghị thường niên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến (từ ngày 7 đến 19-6). ILO cho rằng, sự kiện năm nay phần nào đã phản ánh được những thay đổi do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra.
Ứng phó đại dịch
Theo thông báo của ILO, hơn 4.000 đại biểu đại diện cho các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động đến từ 187 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên của ILO sẽ cùng nhau thảo luận trực tuyến về các vấn đề liên quan đến việc làm trên toàn cầu. Ngoài việc lần đầu tiên tổ chức trực tuyến, hội nghị năm nay cũng được tiến hành trong 2 kỳ: kỳ 1 vào tháng 6, kỳ 2 trong tháng 11, 12 năm nay.
Khủng hoảng thị trường lao động
Trước thềm hội nghị, ILO đã cho công bố một báo cáo đánh giá cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 gây ra còn lâu mới kết thúc, tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại. Tình trạng này ít nhất còn tiếp diễn đến năm 2023.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ ở mức 6,3%, tương đương 220 triệu người trong năm nay và giảm xuống còn 5,7%, tương đương 205 triệu người vào năm 2022, vượt mức 187 triệu người vào năm 2019. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm nay là khu vực Mỹ Latinh và Caribbean, châu Âu và Trung Á.
Tiến trình phục hồi việc làm trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021, với điều kiện tình hình đại dịch nói chung không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ không đồng đều, do khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 không bình đẳng và năng lực hạn chế của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong việc hỗ trợ các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Hơn nữa, chất lượng của các công việc mới được tạo ra có thể sẽ xấu đi ở một số các quốc gia.
Nga sắp triển khai du lịch vaccine
SGGP Theo thông báo của Thư ký Báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov, sáng kiến “du lịch vaccine” có thể sẽ được triển khai ở Nga trong 1 hoặc 2 tháng tới.
Cụ thể, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev lưu ý, vào tháng 7, Nga có thể mở cửa cho “du lịch vaccine” do nhu cầu tiêm vaccine rất lớn. Cục trưởng Cục Du lịch Liên bang Nga Zarina Doguzova cũng dự đoán việc tiêm phòng cho người nước ngoài ở Nga sẽ giúp khởi động lại hoạt động du lịch trong nước.
Từ ngày 18-1, Nga tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn và miễn phí cho người dân để hình thành miễn dịch cộng đồng, và nhiệm vụ đánh bại dịch Covid-19 đã cơ bản đạt được những thành quả ban đầu.
Đến nay có 4 loại vaccine Covid-19 được đăng ký tại Nga, gồm Sputnik V, EpiVacCorona, KoviVak và Sputnik Light. Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, người nước ngoài làm việc tại Nga sẽ được tiêm chủng vaccine Sputnik Light.
Mỹ vượt mốc quan trọng trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19
Nước Mỹ hôm 6/6 đã vượt qua một cột mốc quan trọng khác trong nỗ lực tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân.
Theo trang tin của ABC News, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ hôm 6/6 thông báo hơn 300 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được sử dụng trên cả nước. Khoảng 49,3% dân số Mỹ trên 12 tuổi được tiêm chủng đầy đủ.
CDC cũng cho biết, các loại vắc xin Covid-19 của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson hiện đang được sử dụng phổ biến nhất và hoàn toàn miễn phí. Trong khi vắc xin của Pfizer đã đủ điều kiện tiêm chủng cho người Mỹ trên 12 tuổi, thì vắc-xin của Moderna và Johnson & Johnson đã đủ điều kiện tiêm chủng người Mỹ trên 16 tuổi.
Giới chức y tế Mỹ cho biết, số người đi tiêm chủng gia tăng kể từ khi nhiều tiểu bang có đủ điều kiện mở cửa hồi tháng 4 đã góp phần giảm đáng kể số ca nhiễm, nhập viện và tử vong bởi Covid-19 ở nước này.
CDC cũng ghi nhận, số ca nhiễm Covid-19 mới trung bình sau 7 ngày đã giảm từ 65.053 ca/ngày trong ngày 1/4 xuống chỉ còn 12.780 ca/ngày trong ngày 5/6. Số ca tử vong mới trung bình sau 7 ngày cũng giảm từ 681 ca/ngày xuống còn 367 ca/ngày trong cùng khoảng thời gian.
Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ vẫn cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều giữa các tiểu bang và việc giảm số lượng vắc xin mới gần đây có thể làm chậm quá trình phục hồi của cả nước.
Bà Janet Yellen: Lãi suất cao tốt cho kinh tế Mỹ và cho Fed
(Enternews.vn) Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết kế hoạch chi tiêu 4.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden sẽ tốt cho Mỹ, ngay cả khi nó góp phần làm tăng lạm phát và dẫn đến lãi suất cao hơn.
Vì sao lại tốt cho Mỹ?
“Nếu chúng tôi kết thúc với một môi trường lãi suất cao hơn một chút, đó thực sự sẽ là một điểm cộng cho quan điểm của xã hội và quan điểm của Fed”, bà Yellen nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News.
Cuộc tranh luận xung quanh lạm phát đã gia tăng trong những tháng gần đây, giữa những người như Yellen, người cho rằng sự tăng giá hiện tại đang được thúc đẩy bởi những bất thường nhất thời do đại dịch tạo ra. Chẳng hạn như tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sự gia tăng chi tiêu khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và những người chỉ trích cho rằng hàng nghìn tỷ USD viện trợ của Chính phủ có thể thúc đẩy chi phí tăng đột biến kéo dài.
Bộ trưởng tài chính Mỹ cho biết các gói thầu của Biden sẽ tăng thêm khoảng 400 tỷ USD chi tiêu mỗi năm, cho rằng số tiền đó không đủ để gây ra lạm phát quá mức. Bất kỳ sự “tăng vọt” nào về giá do gói giải cứu sẽ biến mất vào năm tới,
Báo cáo dẫn lời Yellen cho biết: “Chúng tôi đã chống lại lạm phát quá thấp và lãi suất quá thấp trong suốt một thập kỷ. Chúng tôi muốn lạm phát và lãi suất quay lại tình trạng bình thường”, bà Yellen nói thêm.
Thước đo chính về giá tiêu dùng đã tăng 4,2% trong 12 tháng tính đến tháng 4 và các con số của tháng 5 sẽ được công bố vào thứ Năm.
Fed đã cam kết chỉ bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản hàng tháng 120 tỷ đô la sau khi có “tiến bộ đáng kể hơn nữa” về lạm phát và việc làm.
Theo báo cáo của Bộ Lao động cuối tuần qua cho thấy, tăng trưởng việc làm của Mỹ đã tăng lên trong tháng 5 cùng với tiền lương của người lao động và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5,8%.
*** Thế giới có hơn 174 triệu ca nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 314.886 ca nhiễm và 6.881 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tính đến sáng hôm nay (7/6) lên lần lượt 174.028.795 và 3.742.979 trường hợp. Tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được cải thiện tại “điểm nóng” Ấn Độ đang mở đường cho các biện pháp nới lỏng phong tỏa…
    Còn về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 7/6 cho thấy, hiện toàn thế giới có 157.033.658 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 13.252.158 ca bệnh đang điều trị thì có 13.164.774 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 87.384 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 46.888.986 trường hợp, trong đó có 1.078.823 ca tử vong và 44.002.313 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận 33.200 ca nhiễm mới.
Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước tại châu Âu có nhiều cải thiện và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường do các lệnh hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo thận trọng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Liên quan đến vaccine, theo thông tin mới nhất, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn 40% so với biến thể Alpha (B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh). Tuy nhiên, Bộ trưởng Hancock nhấn mạnh rằng những người đã tiêm đủ hai liều vaccine sẽ được bảo vệ trước biến thể Delta. Tháng trước, PHE cho biết nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm phòng đủ liều sẽ giúp bảo vệ con người trước cả hai biến thể này. Các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang chững lại, rất ít trường hợp nhập viện sau khi đã tiêm đủ hai liều vaccine.
Hiện Bắc Mỹ có 39.973.484 ca nhiễm bệnh, trong đó có 902.534 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện do những tiến bộ về vaccine và tiêm chủng, song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 34.210.223 ca nhiễm và 612.363 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 7/6, Nam Mỹ có 29.683.185 ca nhiễm COVID-19, với 916.278 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 16.947.062; 3.955.439; 3.571.067; 1.980.391… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 52.449.048 trường hợp, với 711.455 ca tử vong và 49.036.690 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 2.700.903 ca bệnh đang điều trị thì có 28.621 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 28.909.604 ca, trong đó có 349.229 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 101.232 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu cột mốc thấp kỷ lục liên tiếp về số ca nhiễm mới tính theo ngày trong 2 tháng qua kể từ khi dịch bùng phát trở lại. Trước đó, Ấn Độ chỉ ghi nhận 114.460 ca nhiễm COVID-19 mới vào ngày 6/6.
Các nhà chức trách Ấn Độ đang áp dụng biện pháp nới lỏng phong tỏa tại một số khu vực trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới đang có dấu hiệu suy giảm. Tại thủ đô New Delhi và một số thành phố lớn đang nỗ lực phòng chống dịch để có thể cho phép nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại, đồng thời bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày hôm nay. Bang Maharashtra, một trong những khu vực giàu có nhất Ấn Độ đồng thời cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch thứ hai, đã lên kế hoạch từ tuần này sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch được áp dụng từ tháng 4/2021.Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, ngay cả khi số ca nhiễm mới thuyên giảm thì Ấn Độ vẫn cần thận trọng khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa trước nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 3 vào cuối năm nay, có thể tác động mạnh hơn tới trẻ em.
Tính đến sáng 7/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.964.807 trường hợp, trong đó có 132.663 ca tử vong và 4.467.042 ca bình phục. Trong tổng số 365.102 ca đang điều trị thì có 2.504 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.696.564 ca nhiễm COVID-19 và 56.974 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 169 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 69.365 trường hợp ca mắc COVID-19, với 1.254 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 30.175 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.889 ca./.

TQ-TT