VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 9/5/2021.

      Liên minh chống Trung Quốc “một lòng” ở Biển Đông; Hội nghị Ngoại trưởng G7 chia sẻ nhiều vấn đề chung; Đằng sau làn sóng thâu tóm doanh nghiệp phương Tây của Trung Quốc; WHO nêu lý do Covid-19 Ấn Độ tăng thẳng đứng; Thế giới đến nay ghi nhận 155.781.573 ca nhiễm nCoV…là những tin chính được cập nhật.
Liên minh chống Trung Quốc “một lòng” ở Biển Đông
VOV.VN – Lo ngại những hành động quyết đoán của Trung Quốc và hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, ngày càng nhiều quốc gia có những phát ngôn và động thái kiên quyết hơn ở Biển Đông.
“Đồng tâm hiệp lực” đối phó với Trung Quốc
Quân đội Anh có kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở Thái Bình Dương như một phần trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc. Ảnh: AFP    Quân đội Anh có kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở Thái Bình Dương như một phần trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc. Ảnh: AFP
Nhiều quốc gia đang can thiệp sâu hơn vào Biển Đông trong một loạt động thái có thể khiến Trung Quốc “nổi giận”, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ nhằm tập hợp các quốc gia cùng chí hướng để chống lại các hành vi ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh ở vùng biển có vai trò vô cùng quan trọng này.
Gần đây, Nhật Bản đã thông báo một gói hỗ trợ quốc phòng mới cho Philippines theo cơ chế hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Cùng lúc đó, Anh đang triển khai đội tàu hải quân lớn nhất của nước này tới khu vực, dẫn đầu là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
Trong khi đó, một công ty của Mỹ và Australia cũng đang hoàn tất việc tiếp quản một xưởng đóng tàu lớn ở Vịnh Subic chiến lược ở Philippines như một phần trong nỗ lực rộng hơn là nhằm ngăn Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia Đông Nam Á này.
Trong một tuyên bố chung vào cuối tuần trước, Ngoại trưởng các nước G7 (gồm Mỹ, Anh, Đức, Italy, Pháp, Canada và Nhật Bản) đã thể hiện “sự phản đối mạnh mẽ trước bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng, phá hủy trật tự khu vực và trật tự quốc tế dựa trên quy tắc”. Tuyên bố này không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc nhưng thời điểm và nội dung của nó đã thể hiện một thông điệp rõ ràng.
Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách kêu gọi các nước G7 “tuân thủ lời hứa không đứng về bên nào trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia khu vực, chấm dứt tất cả những ngôn từ và hành động vô trách nhiệm cũng như đóng góp mang tính xây dựng vào hòa bình và ổn định khu vực”.
Trước sự ủng hộ ngày càng tăng của quốc tế, những người có quan điểm hoài nghi Trung Quốc ở Philippines ngày càng có lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm duy trì quan hệ với Bắc Kinh.
Ngày 4/5, phía Philippines lên tiếng “phản đối việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm bắt cá đối với các khu vực thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của Philippines”. Tuyên bố nhấn mạnh “ngư dân của chúng tôi được khuyến khích ra khơi và đánh bắt cá trong vùng biển của chúng tôi”.
Tháng trước, thậm chí Tổng thống Duterte cũng khẳng định lập trường rõ ràng: “Có những điều chúng tôi thực sự không thể nhượng bộ, chẳng hạn như việc yêu cầu chúng tôi dừng đánh bắt cá và tuần tra trong khu vực này”.
“Tôi đã nói với Trung Quốc, chúng tôi không muốn rắc rối, chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng nếu yêu cầu chúng tôi rời đi thì câu trả lời là không”.
Giữa bối cảnh căng thẳng Philippines và Trung Quốc leo thang, Mỹ đã đưa nhiều tàu chiến tới khu vực nhằm thể hiện sự ủng hộ với đồng minh Đông Nam Á này. Mỹ cũng triển khai 65 máy bay tuần tra tới các khu vực tranh chấp hồi tháng 4, Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho hay.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 chia sẻ nhiều vấn đề chung
Từ ngày 4-5/5, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã diễn ra ở London (Anh) theo hình thức trực tiếp lần đầu tiên sau 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội để các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề quốc tế. Chương trình nghị sự của Hội nghị bàn về kế hoạch phân phối vaccine cũng như phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu, mối quan hệ giữa Nga, Trung Quốc và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra ở Vịnh Carbis, Tây Nam nước Anh từ 11-13/6 tới theo hình thức trực tuyến.
Tham dự cuộc họp Ngoại trưởng G7 lần này còn có đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và nước Chủ tịch ASEAN Brunei. Theo thông cáo của nước chủ nhà, các “vị khách” đặc biệt này “sẽ mang tới kinh nghiệm và sự hiện diện rộng lớn hơn, cũng như chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã phần nào nhen nhóm tinh thần đối thoại, hợp tác sau năm 2020 ảm đạm vì dịch COVID-19 và các chính sách đơn phương. Song liệu đồng thuận về tinh thần ấy có được chuyển hóa thành hành động? Chỉ Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước G7 mới có câu trả lời.
Đằng sau làn sóng thâu tóm doanh nghiệp phương Tây của Trung Quốc
Doanh nghiệp phương Tây được công ty Trung Quốc dùng để né một số quy định nhằm tiếp cận thị trường châu Âu cũng như có thêm kiến thức chuyên môn sản xuất.
Đã nhiều thập kỷ trôi qua, Công ty Valdunes SAS thường bán sản phẩm phụ tùng cho tàu cao tốc và hệ thống đường sắt trên khắp thế giới ở mức giá khá cao. Tuy nhiên, khi công ty Trung Quốc Maanshan Iron & Steel Co hay còn gọi là MA Steel mua lại năm 2014, chiến lược bán hàng của Valdunes SAS đã thay đổi.
MA Steel lập tức hạ giá trong nỗ lực thâu tóm thị trường. “Chúng tôi đã được đề nghị không để lỡ một đơn đặt hàng nào. Điều đó là hiển nhiên. Họ quan tâm đến việc tăng cường sức mạnh kinh tế”, cựu Giám đốc điều hành của Valdunes SAS – ông Jérôme Duchange, chia sẻ. Chiến lược đó khiến cho Valdunes lỗ chồng lỗ nhưng phía Trung Quốc khẳng định Valdunes hoàn toàn có thể tăng giá sản phẩm sau khi giành thị phần.
Thua lỗ tại Valdunes cứ tăng dần, sau đó ban điều hành của MA Steel tiếp tục chấp thuận cho công ty này vay thêm 70 triệu euro nữa bởi họ coi đây như kênh để thâm nhập vào châu Âu và các thị trường nước ngoài khác.
Khi MA Steel mua Valdunes với giá chỉ 13 triệu USD, công ty Pháp này đang gặp quá nhiều rắc rối về tài chính. Theo MA Steel, vụ thâu tóm này là một cách để mở rộng hoạt động ra thị trường ngoài Trung Quốc bởi thương hiệu Valdunes rất có tiếng trong ngành, đồng thời MA Steel cũng muốn có được năng lực và tư duy sản xuất của Valdunes. Công ty được đổi tên thành MG-Valdunes, nhận được khoản vay hỗ trợ từ Bank of China và Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, lãi suất hàng năm chỉ 1 hoặc 2%.
MA Steel thực ra đã lợi dụng Valdunes để có thể né tránh các quy định về nguồn gốc thu mua của nhiều doanh nghiệp lớn tại châu Âu ví như doanh nghiệp đường sắt nhà nước Đức – Deutsche Bahn.
WHO nêu lý do Covid-19 Ấn Độ tăng thẳng đứng
Swaminathan, người đứng đầu bộ phận khoa học của WHO, nhận định biến chủng B.1.617 là một trong những yếu tố khiến Covid-19 ở Ấn Độ “tăng thẳng đứng”.
“Ở một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ, tình trạng lây lan ở mức độ thấp đã xảy ra trong nhiều tháng. Chủng B.1.617 xuất hiện tại quốc gia này và nhiều khả năng lây lan dần, nhưng những dấu hiệu ban đầu đã bị bỏ qua, cho tới khi đại dịch Covid-19 đạt điểm tăng theo chiều thẳng đứng”, Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói ngày 8/5.
Swaminathan nhận định biến chủng B.1.617, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ vào tháng 10/2020, là một trong những yếu tố góp phần gây ra thảm họa tại quê hương bà. “Có nhiều tác nhân tăng tốc điều này, một trong số đó là virus lây lan nhanh hơn”.
“Vào thời điểm đó, làn sóng dịch rất khó để ngăn chặn, bởi nó đã lây nhiễm cho hàng chục nghìn người và nhân lên với tốc độ gần như không thể ngăn cản”, Swaminathan cho biết.
Ấn Độ ngày 8/5 ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong vì nCoV, mức tăng kỷ lục trong 24 giờ, cùng hơn 400.000 ca nhiễm mới. Quốc gia này phải vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát, vốn đã khiến hệ thống y tế đứng trên bờ vực sụp đổ. Nhiều chuyên gia nghi ngờ số ca tử vong và ca nhiễm tại Ấn Độ thấp hơn nhiều so với thực tế.
*** Ca tử vong Covid-19 hàng ngày ở Ấn Độ tăng kỷ lục
Ấn Độ ghi nhận mức kỷ lục gần 4.200 người tử vong và hơn 400.000 ca nhiễm mới trong một ngày, tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ngày 8/5 phát hiện 409.300 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên 22.295.911. Quốc gia Nam Á này cũng ghi nhận ca tử vong mới cao kỷ lục là 4.187, đưa tổng người chết lên 238.270.
Dù con số báo cáo do chính phủ Ấn Độ công bố cao như vậy, giới chuyên gia cho rằng nó không phản ánh chính xác tình hình thực tế, khi những gì diễn ra tại các bệnh viện được cho là nghiêm trọng hơn nhiều.
Các thành viên phe đối lập kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi áp lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn nCoV lây lan, nhưng chính phủ nước này vẫn chưa áp dụng, do lo ngại hậu quả kinh tế và tâm lý của người dân.
Một nửa số bang Ấn Độ đã áp lệnh phong tỏa toàn diện, phần còn lại thực hiện lệnh phong tỏa một phần. Ảnh hưởng từ đợt bùng phát Covid-19 tại Ấn Độ lan sang các quốc gia láng giềng như Nepal và Pakistan.
*** Thế giới đến nay ghi nhận 155.781.573 ca nhiễm nCoV và 3.073.547 ca tử vong, tăng lần lượt 613.895 và 8.460, trong khi 134.566.460 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 và các thành phần của chúng, điều được cho là đang ngăn cản quá trình sản xuất.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tham gia cuộc tranh luận về tự do xuất khẩu vaccine Covid-19, cho biết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã xuất khẩu phần lớn sản phẩm của họ và Mỹ nên làm theo.
“Tôi không nghĩ từ bỏ bằng sáng chế là giải pháp để cung cấp nhiều vaccine hơn cho mọi người. Thay vào đó, tôi nghĩ chúng ta cần sự sáng tạo và sức mạnh đổi mới của các công ty. Với tôi, điều này bao gồm cả việc bảo vệ các bằng sáng chế”, Merkel nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia chưa nên tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em cho tới khi hoàn tất tiêm cho người cao tuổi và những người thuộc diện nguy cơ cao. Canada tuần này trở thành nước đầu tiên cho phép tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Mỹ dự kiến sẽ làm theo vào tuần tới và Đức thông báo sẽ triển khai chương trình tương tự vào cuối tháng 8.
Giới chức Nepal thông báo thêm 8.287 ca nhiễm và 53 ca tử vong mới, nâng tổng ca nhiễm và tử vong lần lượt lên 385.890 và 3.632.
Hàng nghìn lao động nhập cư Ấn Độ đã tháo chạy tới Nepal, biến quốc gia này thành “địa ngục trần gian” tiếp theo. Một số chuyên gia dự đoán tình hình Covid-19 ở Nepal có thể tồi tệ hơn Ấn Độ. Thủ đô Kathmandu bị phong tỏa nghiêm ngặt, trong khi thành phố biên giới Nepalgunj, nơi hàng nghìn lao động từ Ấn Độ trở về, nguy cơ đối mặt đợt tăng đột biến ca nhiễm nCoV.
Pakistan ghi nhận 854.240 ca nhiễm và 18.797 ca tử vong, tăng lần lượt 4.109 và 120. Quốc gia láng giềng của Ấn Độ đóng cửa các điểm du lịch trong 9 ngày, bắt đầu từ hôm 8/5, đồng thời huy động quân đội giám sát việc tuân thủ các hạn chế để ngăn nCoV. Quyết định này nhằm ngăn đợt bùng phát dịp lễ Eid al-Fitr vào cuối tháng Ramadan của người Hồi giáo.
Các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, chợ và công viên tại Pakistan sẽ phải đóng cửa, trong khi giao thông công cộng nội đô và giữa các tỉnh bị đình chỉ. Các chuyến bay quốc tế từ Pakistan bị cắt giảm tần suất, các cửa khẩu biên giới với Iran và Afghanistan bị đóng, chỉ cho phép hoạt động thương mại diễn ra.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số 33.427.215 ca nhiễm và 595.047 ca tử vong do nCoV, tăng 8.389 ca nhiễm và 136 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Khoảng 149,5 triệu người Mỹ, tương đương 45% dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi gần 109 triệu, khoảng 33% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).
Gần 252 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Mỹ, chiếm 78% trong tổng số hơn 324,6 triệu được phân phối tại quốc gia này.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.087.360 ca nhiễm và 419.393 ca tử vong, tăng lần lượt 78.337 và 2.217.
Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết Brazil sắp ký hợp đồng thứ hai với Pfizer để mua thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 35 triệu liều sẽ được bàn giao vào tháng 10. Với hợp đồng mới, Brazil sẽ có 200 triệu liều vaccine Pfizer để giảm bớt tình trạng thiếu vaccine của nước này.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.709.762 ca nhiễm, tăng 6.130, trong đó 46.842 người chết, tăng 179.
Khoảng 18 triệu người, tương đương 7% dân số, vẫn lên kế hoạch tận hưởng kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, bất chấp lệnh cấm đi lại của chính phủ, theo một khảo sát của hãng thông tấn nhà nước Antara.
Indonesia ban hành lệnh cấm đi lại từ ngày 6/5 tới 17/5 để ngăn chặn lây lan dịch. Theo lệnh cấm, người dân phần lớn chỉ có thể đi lại trong thị trấn hoặc thành phố mình sinh sống.
Khoảng 155.000 nhân viên an ninh, gồm 90.000 cảnh sát và 11.500 sĩ quan quân đội, được triển khai tới các trạm kiểm soát trên khắp nước để thực thi lệnh cấm đi lại và các biện pháp giới hạn khác trong kỳ nghỉ lễ.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 1.094.849 ca nhiễm và 18.099 ca tử vong, tăng lần lượt 6.979 và 170 ca.
Tổng thống Rodrigo Duterte yêu cầu thực thi ngay lập tức lệnh bắt người vi phạm quy định đeo khẩu trang bắt buộc, như đeo khẩu trang không đúng cách, theo thông báo của Bộ Tư pháp Philippines.
Campuchia ghi nhận thêm 538 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 18.717, trong đó 114 ca tử vong.
Chính quyền Phnom Penh kết thúc ba tuần phong tỏa hôm 5/5, nhưng người dân vẫn phải tiếp tục tuân thủ quy định như thời gian phong tỏa, áp dụng theo mã màu của từng khu vực.
Người sống trong vùng đỏ phải ở lại nơi cư trú, không được ra ngoài “trừ phi có việc khẩn cấp”, còn người trong vùng cam có thể di chuyển “nếu có việc cần thiết”. Người dân sống trong vùng vàng được phép đi lại, đa số các ngành nghề kinh doanh được phép mở cửa lại. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 20h tới 3h vẫn áp dụng với vùng vàng và vùng cam.
Lào báo cáo 28 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 của nước này lên 1.233, không có ca tử vong.
Chính phủ Lào quyết định gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày tới 20/5. Thủ tướng Phankham Viphavanh cho biết việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn hiện tại để ngăn chặn đợt bùng phát của dịch là điều cần thiết.
Đội Kiểm soát và Phòng ngừa Covid-19 của Lào hôm 6/5 cũng kêu gọi các cơ quan chức năng và người dân tiếp tục tuân thủ các chỉ thị của chính phủ về phòng chóng dịch, đồng thời thúc giục cơ quan chức năng giám sát nghiêm việc thực hiện của công chúng.
Tổng hợp-TT