Nữ bộ trưởng Phần Lan 34 tuổi sắp trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới; Người dân Trung Quốc lo lắng về sự gia tăng của nhận dạng khuôn mặt; Ông Trump cảnh báo lãnh đạo Triều Tiên nguy cơ “mất tất cả”…là những tin chính được cập nhật.
Nữ bộ trưởng Phần Lan 34 tuổi sắp trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới
Bà Sanna Marin, chính trị gia sắp thành thủ tướng Phần Lan (Ảnh: Reuters)
Dân trí Phần Lan sắp có thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước này, cũng là thủ tướng trẻ nhất thế giới, khi bà Sanna Marin, 34 tuổi, nhậm chức.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Phần Lan Sanna Marin đã được đảng Dân chủ Xã hội của bà chọn hôm 8/12 để trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước này, sau khi Thủ tướng Antti Rinne từ chức.
Nữ chính trị gia 34 tuổi, thuộc đảng có nhiều ghế nhất trong liên minh 5 đảng, sẽ trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới khi bà nhậm chức vào những ngày tới.
Ông Rinne từ chức hôm 3/12 sau khi đảng Trung tâm trong liên minh cầm quyền tuyên bố rằng họ mất tín nhiệm với chính trị gia này sau vụ ông xử lý cuộc đình công của ngành bưu chính.
“Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm trước mắt để lấy lại niềm tin”, bà Marin tuyên bố, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ra lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội.
Bà Marin có đường thăng tiến nhanh chóng trong nền chính trị Phần Lan. Bà trở thành người đứng đầu hội đồng thành phố công nghiệp Tampere khi mới chỉ 27 tuổi.
Liên minh cánh tả cầm quyền, bên vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 6 tháng trước, đồng ý sẽ tiếp tục chương trình nghị sự nhằm theo đuổi mục tiêu cắt giảm phát thải các-bon xuống bằng 0 sau khi ông Rinne từ chức theo yêu cầu của đảng Trung tâm.
“Chúng tôi có một chương trình nghị sự gắn kết khối liên minh lại với nhau”, bà Marin nói.
Sự thay đổi lãnh đạo chính phủ Phần Lan được cho là diễn ra vào thời điểm khá “oái ăm” khi họ đang giữ chức chủ tịch luân phiên của liên minh châu Âu EU cho tới cuối năm nay, theo Reuters.
Người dân Trung Quốc lo lắng về sự gia tăng của nhận dạng khuôn mặt
Khoảng 80% số người được hỏi trong cuộc khảo sát ở Trung Quốc cho biết họ lo ngại rằng các nhà khai thác hệ thống nhận diện khuôn mặt có các biện pháp bảo mật lỏng lẻo.
Một số xe buýt ở Thượng Hải đã ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. (Nguồn: Getty Images)
Một cuộc khảo sát của một viện nghiên cứu Bắc Kinh cho thấy có sự lo ngại ngày càng tăng với công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc.
74% số người được hỏi cho biết họ muốn sử dụng các phương thức nhận dạng cá nhân truyền thống hơn là công nghệ để xác minh danh tính của họ.
Những lo lắng về dữ liệu sinh trắc học bị “hack” hoặc bị rò rỉ là mối quan tâm chính từ 6.152 người tham gia khảo sát.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt đang được triển khai tại các nhà ga, trường học và trung tâm mua sắm trên toàn quốc.
Cuộc khảo sát, lần đầu tiên được tờ The Financial Times đăng tải, được Trung tâm nghiên cứu bảo vệ thông tin cá nhân Nandu công bố vào thứ Năm 5/12. Đây là một trong những nghiên cứu lớn đầu tiên đối với dư luận về chủ đề này ở Trung Quốc đại lục.
Khoảng 80% số người được hỏi cho biết họ lo ngại rằng các nhà khai thác hệ thống nhận diện khuôn mặt có các biện pháp bảo mật lỏng lẻo.
Cuộc khảo sát của Nandu được thực hiện qua Internet từ tháng 10 đến tháng 11.
Trung Quốc có nhiều camera nhận dạng khuôn mặt hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Đầu tuần này, báo chí địa phương nói rằng Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh đông bắc Hà Nam, đã trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc triển khai các công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên tất cả các trạm tàu điện ngầm.
Người đi làm có thể sử dụng công nghệ này để tự động ủy quyền thanh toán thay vì quét mã QR trên điện thoại của họ. Hiện tại, theo tờ China Daily, đây là một lựa chọn tự nguyện./.
Ông Trump cảnh báo lãnh đạo Triều Tiên nguy cơ “mất tất cả”
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có nguy cơ “mất tất cả”, nếu Bình Nhưỡng quay trở lại với thái độ thù địch và không giải trừ hạt nhân.
Trong một thông điệp đăng tải trên Twitter ngày 8/12, Tổng thống Trump viết: “Ông Kim Jong Un quá khôn ngoan và cho tới giờ có quá nhiều thứ để mất, thực tế là mọi thứ nếu ông ấy hành xử theo cách thù địch. Ông ấy đã ký với tôi Thỏa thuận giải trừ hạt nhân ở Singapore. Ông ấy không muốn làm mất đi mối quan hệ đặc biệt của mình với Tổng thống Mỹ hay can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11”.
Cảnh báo của lãnh đạo Nhà Trắng được đưa ra không lâu sau khi hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA đưa tin Bình Nhưỡng vừa thực hiện thành công một vụ thử nghiệm “vô cùng quan trọng” tại bãi phóng tên lửa Sohae. Các quan chức Mỹ trước đây từng thông báo, Bình Nhưỡng đã cam kết đóng cửa bãi phóng thử tên lửa này.
Dù KCNA không nói rõ vũ khí thử nghiệm thuộc loại gì, nhưng các chuyên gia về tên lửa phỏng đoán đó nhiều khả năng là một vụ kiểm tra tĩnh động cơ tên lửa hơn là một vụ phóng tên lửa thực sự.
Theo Reuters, vụ thử nghiệm vũ khí mới của Triều Tiên diễn ra trước hạn chót cuối năm nay do Bình Nhưỡng đặt ra nhằm buộc Mỹ phải từ bỏ lập trường đòi chính quyền ông Kim phải “giải trừ hạt nhân một cách đơn phương”, đồng thời phải giảm các lệnh cấm vận chống Bình Nhưỡng. Giới chức Triều Tiên cũng khuyến cáo, nước này có thể tiến theo một con đường mới do đàm phán với Mỹ bị ngưng trệ.
“Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un có vô số tiềm năng kinh tế, nhưng họ cần phải giải trừ hạt nhân như đã hứa”, ông Trump nhấn mạnh.
Căng thẳng Mỹ – Triều đang có chiều hướng leo thang. Hôm 7/12, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cho biết, vấn đề giải trừ hạt nhân hiện không còn nằm trên bàn đàm phán với Mỹ và các cuộc đối thoại kéo dài lê thê với Washington là không cần thiết.
*** Triều Tiên tuyên bố chấm dứt đàm phán hạt nhân với Mỹ
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song hôm 7-12 khẳng định vấn đề phi hạt nhân hóa đã “không còn trên bàn đàm phán” giữa Bình Nhưỡng và Washington. Ông Kim chỉ trích cuộc đối thoại “bền bỉ và thực chất” mà Mỹ nói họ đang tìm kiếm thực chất chỉ là “mánh khóe câu giờ” nhằm phục vụ cho mục đích chính trị nội bộ, gián tiếp ám chỉ chiến dịch tranh cử năm 2020 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Xung đột nội bộ “phủ bóng” Hội nghị Thượng đỉnh NATO
Ngày 3-12 , Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức khai mạc tại Thủ đô London của Vương quốc Anh. Những lo lắng về xung đột nội bộ trong NATO đã biến thành hiện thực ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị, khi các nhà lãnh đạo của khối chỉ trích nhau gay gắt.
Quốc tế nỗ lực cứu thoả thuận hạt nhân
Hôm 6-12, phái viên Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran đã nhóm họp tại Thủ đô Vienna của Áo nhằm tìm biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc và Iran ký năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Trong cuộc họp, các cường quốc châu Âu yêu cầu Iran ngừng vi phạm JCPOA hoặc sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ). Tuy nhiên, các cường quốc cũng nhất trí ngừng kích hoạt một cơ chế có thể gia hạn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Nạn nhân hiếp dâm ở Ấn Độ bị thiêu sống trước phiên tòa
Câu chuyện về vấn nạn hiếp dâm ở Ấn Độ lại nóng lên tuần qua khi nạn nhân 23 tuổi của một vụ hiếp dâm ở New Delhi đã bị một nhóm người, trong đó có kẻ gây ra tội ác cho cô, dội dầu hoả lên người rồi thiêu sống khi cô chuẩn bị lên tàu đi dự phiên toà xét xử vụ án. Theo truyền thông Ấn Độ, nghi phạm hiếp dâm cô đã bị bắt, song được phóng thích hồi tuần trước khi có người bảo lãnh cho hắn.
Trung Quốc miễn thuế nông sản, thịt lợn Mỹ
Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 6-12 thông báo nước này sẽ miễn thuế nhập khẩu cho một số lượng đậu nành và thịt lợn nhất định có nguồn gốc từ Mỹ. Bộ trên cho hay việc miễn thuế được thực hiện dựa trên đề nghị của các công ty tư nhân đối với mặt hàng đậu nành và thịt lợn của Mỹ, trong bối cảnh hai bên chuẩn bị ký thoả thuận thương mại giai đoạn một.
Hạ viện Mỹ soạn thảo điều khoản luận tội ông Trump
Với cảnh báo rằng nền dân chủ Mỹ đang bị đe dọa, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 5-12 đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp Hạ viện soạn thảo các điều khoản luận tội đối với Tổng thống Donald Trump. Các cáo buộc đối với ông Trump bao gồm lạm quyền, hối lộ, cản trở Quốc hội và cản trở công lý. Nếu các điều khoản luận tội được thông qua, một phiên xét xử sẽ được tổ chức tại Thượng viện về việc có nên hay không bãi nhiệm Tổng thống Mỹ.
Người dân Pháp đình công “thách thức” Tổng thống Macron
Hưởng ứng lời kêu gọi của nhiều tổ chức công đoàn, nhiều đảng phải chính trị cũng như các hiệp hội nghề nghiệp, hàng trăm nghìn người lao động Pháp đã xuống đường trong ngày 5-12 để tiến hành một cuộc tổng đình công trên phạm vi toàn nước Pháp. Đại diện các tổ chức công đoàn ở Pháp nói rằng đây là cách để họ phản ứng lại chính sách cải cách tiền lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron.
Nga – Trung khai trương đường ống dẫn khí đốt tỷ USD
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 2-12 đã cùng giám sát việc ra mắt đường ống dẫn khí tự nhiên từ Siberia đến phía Bắc Trung Quốc, một sự thúc đẩy kinh tế và chính trị giữa Moscow và Bắc Kinh. Động thái này đã giúp Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga và mang đến cho Nga một thị trường mới to lớn tiềm năng bên ngoài châu Âu.
*** Anh phạt ba bị cáo đưa người Việt nhập cư trái phép 22 năm tù
Ba người đàn ông Anh bị phạt tổng cộng 22 năm tù giam vì đưa người Việt từ Pháp vào Anh trái phép.
Rơi trực thăng quân sự, 3 quân nhân thiệt mạng
Sau khi cất cánh chỉ 9 phút, tín hiệu cầu cứu được phát đi từ chiếc trực thăng quân sự trước khi nó đâm vào một gốc cây khiến 3 quân nhân thiệt mạng…
Nổ khí gas tại đám cưới làm 11 người chết
Ít nhất 11 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi một vụ nổ khí gas xảy ra trong một đám cưới ở tỉnh Kurdistan, miền Tây Iran.
Ernst Kaltenbrunner – Trùm phát xít đằng sau chương trình Holocaust
Ernst Kaltenbrunner là công cụ thực hiện Holocaust (chương trình diệt chủng người Do Thái) và cuồng tín đến nỗi những tên phát xít khác phải sợ hãi.
Mỹ triệt phá tổ chức tội phạm mạng khét tiếng của Nga
Nhà chức trách Mỹ ngày 5-12 đã nhắm đến một nhóm tội phạm mạng của Nga có tên là Evil Corp, cáo buộc thủ lĩnh cũng như yêu cầu đóng băng tài sản đối với 17 cộng sự của người này trong một vụ tội phạm mạng kiếm được hơn 100 triệu USD từ các công ty trên thế giới.
Hạ viện Mỹ bắt đầu soạn thảo điều khoản luận tội ông Trump
Với cảnh báo rằng nền dân chủ Mỹ đang bị đe dọa, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 5-12 đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp Hạ viện soạn thảo các điều khoản luận tội đối với Tổng thống Donald Trump.
Hội nghị biến đổi khí hậu Madrid và “Paris 2015”
Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP25) đã chính thức khai mạc vào ngày 2-12 tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và sẽ kéo dài đến hết ngày 13-12. Điều cả thế giới mong đợi ở hội nghị này chính là các quốc gia tham gia hội nghị sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Paris 2015) được ký kết tại COP21 Paris năm 2015.
Iran với Phương Tây: Kẻ đấm, người xoa
Ngày 1-12, Iran tiếp tục cảnh báo có thể “xem xét lại một cách nghiêm túc” những cam kết của mình với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nếu các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân khởi động một cơ chế giải quyết tranh chấp có thể dẫn tới việc áp đặt các biện pháp trừng phạt.
RCEP là “liều thuốc trợ tim” cho thị trường tự do
Đối diện với cơn gió đảo chiều của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, điển hình là chính sách “Nước Mỹ trên hết”, các nước đang hội tụ nhận thức chung: phải bảo vệ trật tự thương mại tự do, kéo kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo phát triển.
Nhật Bản – Hàn Quốc vãn hồi căng thẳng
Sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt trong nhiều tháng qua, quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc dường như đang có những động thái vãn hồi căng thẳng.
Palestine tuyên bố “Ngày thịnh nộ”
Người Palestine đang phải đối mặt với khả năng 60% diện tích Bờ Tây sẽ được bao phủ bởi các khu định cư của Israel. 40% sẽ bị bỏ mặc dưới hình thức các khu vực của người Palestine bị chia cắt và cô lập.
Lãnh đạo mới, thách thức cũ
Ngày 1-12, các lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu: bà Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu; Charles Michel – Chủ tịch Hội đồng châu Âu; David Sassoli – Chủ tịch Nghị viện châu Âu và bà Christine Lagarde – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu chính thức nhận nhiệm vụ.
Mỹ hoàn tất rút quân khỏi miền Bắc Syria
Mỹ đã hoàn thành việc rút quân khỏi miền Bắc Syria, ổn định vị trí của 600 binh sĩ còn lại trên khắp đất nước này sau khi tái định vị và giảm số quân, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết.
Tổng hợp-TT