Ông López Obrador giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Mexico
Ngày 2/7, Ủy ban bầu cử Mexico đã chính thức công bố kết quả bầu cử Tổng thống, diễn ra trước đó một ngày. Theo đó, ngày 1/7, gần 64% trong tổng số hơn 89 triệu cử tri Mexico đã đi bầu tổng thống (nhiệm kỳ 6 năm và không tái cử) cùng 128 Thượng nghị sỹ, 500 hạ nghị sỹ liên bang, 9 thống đốc bang và gần 3.000 chủ tịch quận, huyện tại 30/32 bang.
Ông López Obrador đắc cử Tổng thống Mexico với 52,9% phiếu ủng hộ (Ảnh: EPA/TTXVN))
Kết quả với 93,5% hòm phiếu được kiểm, ông López Obrador đã đắc cử tổng thống với 52,9% phiếu ủng hộ, bỏ xa các đối thủ còn lại. Như vậy, sau 3 lần ra tranh cử (vào các năm 2006, 2012 và 2018), ông López Obrador, đại diện cho liên minh cánh tả “Cùng nhau, chúng ta làm nên lịch sử” thành lập năm 2014, gồm 3 đảng Phong trào tái thiết quốc gia (Morena), đảng Gặp gỡ xã hội (PES) và đảng Lao động (PT) – đã đắc cử Tổng thống Mexico nhiệm kỳ 2018/2024.
Ông Andrés Manuel López Obrador là một chính khách cánh tả kỳ cựu và là cựu Thị trưởng thủ đô Mexico City, đã giành chiến thắng áp đảo nhờ khẩu hiệu tranh cử cam kết giảm bớt sự phụ thuộc của kinh tế Mexico vào các cường quốc, thực hiện một quá trình chuyển giao êm thấm và trong trật tự, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội, duy trì trật tự an ninh, tái thiết quốc gia. Giới phân tích đánh giá đây là quan điểm “Người dân Mexico trên hết”.
Ông Andrés Manuel López Obrador sẽ nhậm chức vào ngày 1/12 tới.
Liên minh cầm quyền Đức đạt thỏa thuận về chính sách tị nạn
Ngày 5/7, các nhà lãnh đạo liên minh cầm quyền của Đức đã đạt thỏa thuận về một gói chính sách nhằm thắt chặt những quy định về di cư và chống lại nạn di cư trái phép. Thỏa thuận này đạt được sau nhiều tranh cãi giữa hai đảng trong liên minh khi phe bảo thủ thúc đẩy việc buộc một số người di cư nhất định tại biên giới Đức-Áo phải quay trở lại.
Trước đó, Liên minh Dân chủ-Xã hội Cơ đốc giáo (CDU-CSU) đã có những bất đồng sâu sắc khi Chủ tịch đảng CSU Seehofer luôn chỉ trích về quyết định của Thủ tướng Merkel mở cửa cho người tị nạn và nhập cư. Những bất đồng giữa hai đảng CDU và CSU gia tăng kể từ khi ông Seehofer được chỉ định làm Bộ trưởng Nội vụ Đức hồi tháng 3/2018 và cam kết đưa ra một “kế hoạch tổng thể” mới và cứng rắn về vấn đề người di cư. Sau đó, những căng thẳng liên tục leo thang khi ông Seehofer đe dọa sẽ thực hiện “kế hoạch tổng thể di dân” của ông mà không cần sự chấp thuận của Thủ tướng Merkel. Đáp lại, bà Merkel cũng cảnh báo sẽ sa thải ông Seehofer nếu ông này có hành động thách thức.
Trong bối cảnh đó, ngày 2/7, sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng, cuối cùng CDU và CSU đã đạt được một thỏa thuận về chính sách nhập cư, qua đó giúp tháo gỡ những bất đồng sâu sắc giữa hai đảng trong liên minh cầm quyền CDU-CSU thời gian qua. Theo thỏa thuận đạt được, Đức sẽ siết chặt kiểm soát biên giới và thành lập “những trung tâm trung chuyển” kín để giam giữ người di cư tại biên giới Áo. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, động thái này của Đức có thể gây ra hiệu ứng domino khiến các nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn người tị nạn.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thăm châu Âu
Từ ngày 2 đến 4/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có chuyến thăm hai nước châu Âu là Áo và Thụy Sĩ. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Iran trong bối cảnh nước này đang chờ đợi nhận được gói đề xuất của Liên minh châu Âu nhằm bảo vệ các lợi ích của Tehran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Tại Thụy Sỹ, Tổng thống Iran Rouhani tuyên bố sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này ký với Nhóm P5+1 bất chấp việc Mỹ tuyên bố rút lui, miễn là những lợi ích của Tehran được đảm bảo. Đáp lại, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset cũng khẳng định Thụy Sĩ ủng hộ những nỗ lực duy trì thỏa thuận của Iran.
Trong khi đó tại Áo, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen cũng đã bày tỏ ủng hộ quan điểm của Iran và cho rằng Áo có nghĩa vụ phải hỗ trợ tiến trình này đến cùng.
Có thể thấy, thông qua chuyến thăm châu Âu lần này, nhà lãnh đạo Iran đang muốn tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ từ châu Âu để duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Đặc biệt, thông qua Áo – nước hiện đang là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu – Tổng thống Iran Rouhani muốn gửi thông điệp tới Anh, Pháp, Đức – những nước thành viên của JCPOA – rằng cần nhanh chóng đưa ra các cam kết bằng “hành động cụ thể” nhằm cứu vãn thỏa thuận này.
Bắt đầu giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan
Sau 10 ngày tìm kiếm không ngừng nghỉ của các nhóm cứu hộ Thái Lan và quốc tế, tối ngày 2/7, các thợ lặn đã tìm thấy 12 cậu bé và huấn luyện viên của đội bóng thiếu niên Thái Lan, bị mắc kẹt trong hang Tham Luang trước đó, đều sống sót cách mô đất Pattaya Beach khoảng 400m.
Ngay sau khi tìm kiếm được các cầu thủ thiếu niên bị mắc kẹt, tỉnh trưởng Chiang Rai Narongsak Osottanakorn cho biết cuộc tìm kiếm đã thành công nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước để đưa các em nhỏ cùng huấn luyện viên ra khỏi hang an toàn.
Ngày 8/7, ông Narongsak Osottanakorn, người đứng đầu chiến dịch cứu hộ đội bóng thiếu niên hiện đang bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai, thông báo lực lượng chức năng đã bắt đầu chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên. Chiến dịch được bắt đầu lúc 10h sáng giờ Thái Lan (tương đương giờ Việt Nam) cùng ngày.
Hiện tại và trong 3 hoặc 4 ngày tới, các điều kiện như thời tiết, mực nước và sức khỏe của các cậu bé sẽ đạt mức lý tưởng nhất để đưa các em ra khỏi hang Tham Luang. Ban chỉ huy lực lượng cứu hộ đang họp bàn khẩn cấp để đưa ra quyết định rõ ràng. Ông Narongsak cảnh báo rằng dù mức ôxy trong hang đã ổn định, lượng khí CO2 là một yếu tố khác cần phải xem xét khi sơ tán các cầu thủ cùng huấn luyện viên. Bên cạnh đó là mối lo ngại đợt mưa sắp tới có thể gây ngập tới khu vực các nạn nhân đang trú.
Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan, ông Anupong Paojinda cho hay, các cậu bé sẽ được đưa ra ngoài bằng tuyến đường phức tạp mà đội cứu hộ đã vào. Mặc dù vẫn tiếp tục bơm nước ra khỏi hang, ông Anupong nói rằng có một số đoạn trong hang không thể khô, và do đó để ra được ngoài hang, các cậu bé cần phải sử dụng các bộ lặn và cần hai thợ lặn chuyên nghiệp hướng dẫn cho một em. Các nhà chức trách khẳng định sẽ làm tất cả để đưa các thành viên đội bóng ra ngoài an toàn nhất có thể.
Thông tin cập nhật, cho biết, khoảng 20 giờ tối 8/7, 4 thành viên đầu tiên của đội bóng thiếu niên đã được đưa ra khỏi hang Tham Luang. Hiện lực lượng cứu hộ đang tiếp tục nỗ lực để đưa những người còn lại ra ngoài.
Mỹ chính thức áp thuế hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc
Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, chính thức có hiệu lực  từ 0 giờ 01 phút ngày 6/7 giờ Mỹ (11 giờ 01 phút giờ Hà Nội).
Trước đó, Tổng thống Trump xác nhận ông sẵn sàng leo thang mạnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo Tổng thống Trump, trong vòng 2 tuần tới, Mỹ dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD.
Đáp lại quyết định của Washington, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ nhanh chóng có hành động trả đũa nhằm vào khối lượng hàng hóa tương tự của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo rằng Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200/300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và tiếp tục trả đũa. Nếu cảnh báo này được hiện thực hóa, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức 506 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.
Cho đến nay, chưa có tín hiệu nào cho thấy Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung và nỗi lo về một cuộc chiến thương mại thực sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hiện hữu.
Nhật Bản thi hình án tử hình 7 thành viên giáo phái AUM Shinrikyo
Ngày 6/7, Nhật Bản đã thi hành án tử hình 6 thành viên giáo phái AUM Shinrikyo cùng thủ lĩnh Shoko Asahara do gây ra vụ tấn công bằng chất độc sarin năm 1995 nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo và các tội ác khác, khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Đây là vụ thi hành án tử hình lớn nhất ở Nhật Bản kể từ năm 1911, khi đó, 11 đối tượng âm mưu ám sát Nhật hoàng bị tử hình.
Đối tượng Shoko Asahara, 63 tuổi, bị bắt từ tháng 5/1995, sau đó bị kết án tử hình năm 2004 do là chủ mưu trong các vụ án giết hại gia đình 3 thành viên gia đình luật sư Tsutumi Sakamoto năm 1989, thực hiện vụ tấn công khí sarin tại tỉnh Nagano, năm 1994, và đặc biệt là vụ tấn công khí sarin ga tàu điện ngầm tại thủ đô Tokyo vào giờ cao điểm năm 1995. Ngoài ra, Shoka Asahara cũng liên quan tới 10 vụ án giết người khác.
Giáo phái AUM Shinrikyo hiện đã đổi tên thành Aleph, tuyên bố không còn coi Asahara là thủ lĩnh từ năm 2000.
Dư luận Nhật Bản đã hoan nghênh việc tử hình các đối tượng trong giáo phái AUM phạm tội. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động đề phòng nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trả đũa việc thi hành án tử hình đối với 7 thành viên giáo phái AUM.
Xác định 2 cặp đấu bán kết World Cup 2018
Vòng tứ kết World Cup 2018 qua đi với 2 cặp đấu được xác định ở vòng bán kết  diễn ra trong hai ngày 11/7 và 12/7.
Ở cặp tứ kết đầu tiên, Pháp đã có chiến thắng khá dễ dàng 2-0 trước Uruguay. Sau khi trung vệ Varane đánh đầu mở tỷ số ở phút 40, Griezmann cũng có bàn thắng cho riêng mình ở phút 61, khi thủ môn Muslera tái hiện thảm họa Karuis ở Champions League.
Cuộc đọ sức giữa Brazil và Bỉ sau đó, lối chơi cùng đấu pháp hợp lý giúp Quỷ đỏ châu Âu vượt qua Brazil với tỷ số 2-1. Pha phản lưới nhà của Fernandinho và bàn thắng đẹp mắt của De Bruyne đưa thầy trò HLV Roberto Martinez vào vòng bán kết đầy nghẹt thở.
Trong khi đó, hai pha lập công của Maguire và Alli giúp tuyển Anh đánh bại Thụy Điển với tỷ số 2-0, qua đó tiến vào vòng bán kết World Cup 2018 sau 28 năm.
Tấm vé bán kết cuối cùng được trao cho Croatia sau khi Luka Modric và các đồng đội vượt qua chủ nhà Nga với tỷ số 4-3 ở loạt luân lưu cân não. Trước đó, hai đội đã hòa nhau 2-2 trong 120 phút nghẹt thở.
Như vậy, Bỉ sẽ chạm trán Pháp ở cặp bán kết đầu tiên diễn ra vào lúc 01h00 ngày 11/7, trên sân vận động Saint Petersburg. Trong khi đó, Anh sẽ tranh tấm vé chung kết còn lại với Croatia vào lúc 01h00 ngày 12/7 (giờ Việt Nam), trên sân vận động Luzhniki./.
Nguồn ĐCSVN-TT