Trung Quốc có thể dự tính các nước phản ứng yếu với nước này ở Biển Đông do phải đối phó Covid-19, nhưng Bắc Kinh đã nhầm, theo giới chuyên gia.
“Trung Quốc có thể tin rằng một số nước liên quan sẽ phản ứng yếu trước các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, do đang bận xử lý Covid-19. Từ đó Trung Quốc củng cố các yêu sách của mình”, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), nói với VnExpress về các hành động gần đây của Trung Quốc.
Hôm 18/4, Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa”, tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và “quận Nam Sa”, tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tại “thành phố Tam Sa”, nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield, cùng quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.
Ngày 17/4, tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành trên Biển Đông, sau khi xuất hiện ở cách bờ biển Việt Nam 158 km, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trước đó, ngày 2/4, tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam của 8 ngư dân đang hoạt động bình thường tại khu vực đảo Phú Lâm, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tàu chiến của Mỹ và Australia diễn tập trên Biển Đông ngày 18/4. Ảnh: US Navy.
Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã nhanh chóng phản hồi về các hành động của Bắc Kinh. Hôm 19/4, Hà Nôi phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa và Nam Sa”, yêu cầu Trung Quốc huỷ các quyết định sai trái và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Hà Nội khẳng định luôn theo sát tình hình Biển Đông, sau khi có thông tin nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 đi vào EEZ. Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, yêu cầu Bắc Kinh bồi thường.
Philippines ngày 8/4 bày tỏ quan ngại sâu sắc sau khi Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, cảnh báo các hành động tương tự gây “xói mòn niềm tin” giữa Bắc Kinh và các nước trong khu vực.
Ngoài khu vực, Mỹ, Nhật Bản, Australia liên tiếp có các phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc. Washington bày tỏ “vô cùng quan ngại” khi Bắc Kinh đâm tàu cá của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc ngừng bắt nạt các nước láng giềng, điều các tàu chiến đến Biển Đông tuần tra nhằm thúc đẩy quyền tự do đi lại trên biển. Tàu chiến của Australia cũng tham gia diễn tập với Mỹ để khẳng định cam kết bảo đảm khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, trước khi ngoại trưởng lên án Bắc Kinh. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nêu lo ngại về “hai quận mới” mà Trung Quốc thành lập.
“Các tuyên bố của Mỹ và Australia, cùng hoạt động của tàu chiến, cho thấy phản ứng mạnh mẽ của các nước này với Trung Quốc”, Collin nói.
Theo Giáo sư Robert Ross, Đại học Harvard, Mỹ điều các tàu đến Biển Đông để cho thấy hải quân nước này vẫn duy trì hiện diện lớn ở khu vực. “Washington không thể phớt lờ để Bắc Kinh huy động hải quân”, ông nói.
Các hành động “khuấy” Biển Đông của Trung Quốc diễn ra khi Việt Nam và các nước trên thế giới đang căng mình ngăn chặn Covid-19. Dịch khởi phát từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối năm ngoái, hiện lan ra khắp thế giới, khiến hơn 2,7 triệu người nhiễm bệnh và hơn 190.000 người thiệt mạng. Đông Nam Á ghi nhận hơn 33.300 ca nhiễm và hơn 1.200 người chết. Tổng số ca nhiễm ở Mỹ, Nhật Bản, Australia cũng tăng cao.
Là người theo dõi sát diễn biến ở Biển Đông, Gregory Poling, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá các hành động gần đây của Trung Quốc không có gì mới, nằm trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh.
“Những gì Trung Quốc thực hiện giống với những gì họ đã làm trước khi có Covid-19. Tuy nhiên, thật quá đáng khi Bắc Kinh tiếp tục cách hành xử đó khi các nước đang chật vật đối phó với dịch“, Poling nói, lưu ý Trung Quốc có một phần lỗi khi để dịch bệnh bùng phát.
Đánh giá ý đồ của Trung Quốc sắp tới, Poling cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục quấy rối hoạt động khai thác dầu khí và đánh cá của các nước trong khu vực.
“Trung Quốc sẽ xúc tiến cho đến khi các quốc gia cảm thấy việc khai thác dầu và đánh cá trở nên quá rủi ro, phải trả giá đắt và phải chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc trên biển”, Poling nói.
Giáo sư Robert Ross, Đại học Harvard, cho rằng Trung Quốc điều tàu HD 8 đi vào vùng EEZ của Malaysia mà không cần nêu cớ gì. Bắc Kinh lặp lại việc xâm phạm EEZ như đã từng làm với Việt Nam năm 2019, để biến chúng thành hoạt động thường xuyên.
“Trong dài hạn, Trung Quốc muốn các nước ở khu vực phải quen dần với việc tàu của Bắc Kinh đi vào EEZ của họ, không coi là vấn đề gây tranh cãi nữa”, Ross nói.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, điểm mới trong âm mưu kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc là Bắc Kinh giảm tần suất nhắc đến “Đường 9 đoạn”, tăng cường khái niệm Tứ Sa, dù bản chất yêu sách không thay đổi.
Khi gửi các công hàm đến Liên Hợp Quốc gần đây, Trung Quốc đòi “có chủ quyền” với các quần đảo ở Biển Đông, bao gồm Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Trong đó, Nam Sa và Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
“Trung Quốc đưa ra yêu sách Tứ Sa và dùng khái niệm mơ hồ về các vùng biển liên quan ở Biển Đông hòng chiếm giữ các khu vực này”, Thayer nói.
Dự báo diễn biến sắp tới, Giáo sư Ross cho rằng Trung Quốc sẽ không muốn leo thang căng thẳng thành xung đột ở Biển Đông, nhưng gây áp lực lên các nước ở Biển Đông để nhắc rằng “cần điều chỉnh cho phù hợp với sự vươn lên của Bắc Kinh”.
Thayer dự đoán Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách ngoại giao “hai hướng” với Việt Nam và các nước ASEAN. Một là Trung Quốc là sẽ gây áp lực với các nước trong khu vực khi cảm thấy yêu sách của mình bị thách thức. Hai là thúc đẩy “chính sách ngoại giao khẩu trang” với ASEAN để chống Covid-19.
“Do đó ít có khả năng Trung Quốc sẽ đơn phương leo thang ở Biển Đông”, Thayer nói.
Theo Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp, Tổ chức Rand, Mỹ, tình hình Biển Đông chỉ có “đột biến” nếu Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hoặc triển khai cố định các chiến đấu cơ ở Trường Sa. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng các hoạt động đòi yêu sách ở Biển Đông, thúc đẩy tuần tra, diễn tập.
Cuối năm 2020, Trung Quốc có thể trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông, nếu Mỹ vẫn chưa kiểm soát được Covid-19 và các vấn đề nội bộ khác, theo Peter Layton, Đại học Griffith, Australia. Mục đích là để giương oai sức mạnh quân sự.
Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Collin cho rằng Hà Nội cần duy trì các thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong Hiệp hội, dù có những khó khăn do Covid-19.
“Duy trì thảo luận COC là để nhắc nhở Trung Quốc về các hành động của họ trên Biển Đông”, ông nói.
Giáo sư Ross thừa nhận nguy cơ ASEAN bị Trung Quốc chi phối khi đàm phán COC, nhưng ông cho rằng nếu đạt được thoả thuận này, các nước thành viên của Hiệp hội sẽ tự tin hơn trong đối phó với Bắc Kinh và giúp giảm bất ổn trong khu vực.
Ross lưu ý đầu năm nay Việt Nam đã đưa ra tín hiệu tốt, khi tuyên bố sẽ cùng ASEAN duy trì sự tự chủ, “không chọn bên” trong cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Quan hệ quốc tế về quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam, khẳng định điều này sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN vào tháng 2/2020. Thông điệp này của Việt Nam phù hợp với chính sách của các nước thành viên ASEAN khác. Lãnh đạo các nước Singapore, Philippines, Malaysia đều cho biết không muốn chọn bên trong cạnh tranh Mỹ – Trung. Indonesia, Myanamr mong là nước trung lập ở Đông Á.
“Việt Nam có thể thúc đẩy sự đồng thuận trong ASEAN, bằng cách bàn về hướng ứng phó khi Mỹ – Trung gia tăng cạnh tranh”, Ross gợi ý.
Nguồn VnExpress.net-TT