Tổng thống Donald Trump ngày 26/11 nói rằng ông sẽ rời Nhà Trắng nếu đại cử tri đoàn bỏ phiếu cho Tổng thống đắc cử đảng Dân chủ Joe Biden.
Trong một động thái được cho là sự nhượng bộ mới nhất, Tổng thống Trump ngày 26/11 cho biết nếu ông Biden được đại cử tri đoàn chứng nhận là người chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông sẽ rời Nhà Trắng.
Tuyên bố bất ngờ này được đưa ra sau khi ông kết thúc bài phát biểu trong cuộc hội nghị qua điện thoại với binh lính Mỹ ở nước ngoài nhân dịp Lễ Tạ ơn.
Khi các phóng viên hỏi liệu ông có rời Nhà Trắng nếu gặp bất lợi trong cuộc bỏ phiếu đại cử tri đoàn, Tổng thống Trump đáp: “Chắc chắn tôi sẽ làm như thế. Nhưng nếu họ không bỏ phiếu cho tôi, họ đã mắc sai lầm”.
Tổng thống tổ chức một cuộc hội nghị qua điện thoại ở Nhà Trắng với các binh sĩ vào Lễ Tạ ơn. Sau đó, ông tuyên bố ông sẽ chấp nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn. Ảnh: Getty.
Dù vậy, ông Trump cho biết “khó có thể nhượng bộ” trong hoàn cảnh hiện tại. Ông cũng từ chối xác nhận việc tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 20/1/2021.
“Cuộc bầu cử này là một sự gian lận”, ông Trump nhấn mạnh song không đưa ra bằng chứng cụ thể nào để chứng minh cho lời cáo buộc.
Ông Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri – mức cao hơn nhiều so với 270 phiếu cần thiết để thắng cử – trong khi Tổng thống Trump có 232 phiếu. Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng dẫn trước ông Trump hơnn 6 triệu phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử vừa qua.
Theo các quy tắc đã tồn tại và được điều chỉnh trong hơn hai thế kỷ, vẫn còn khoảng nửa tháng cho đến khi 538 thành viên của đại cử tri đoàn bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ.
Ngày 8/12 là hạn cuối để giải quyết các tranh chấp bầu cử ở cấp tiểu bang. Mọi cuộc kiểm phiếu lại và các đơn kiện tại tòa án về kết quả bầu cử tổng thống của bang sẽ được hoàn thành trước ngày này.
Đến ngày 14/12, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu giấy tại bang của họ và Đặc khu Columbia (D.C). 33 bang và D.C có luật hoặc quy định của đảng yêu cầu đại cử tri bỏ phiếu cho người thắng số phiếu bầu phổ thông ở bang đó. Ở một số bang, đại cử tri bội tín thậm chí có thể bị thay thế hoặc phải chịu hình phạt.
Ngày 23/12, các giấy tờ phải được giao đến tay những quan chức được chỉ định. Nếu thư vẫn chưa được giao đến, luật Mỹ đưa ra quy định để kết quả có thể được gửi đến Washington bằng cách khác.
Ngày 6/1/2021, Hạ viện và Thượng viện sẽ tổ chức phiên họp chung để kiểm phiếu đại cử tri. Nếu một ứng viên nhận được 270 phiếu đại cử tri trở lên, chủ tịch Thượng viện, hiện là Phó Tổng thống Mike Pence, sẽ công bố kết quả.
Trước đó, hôm 23/11, Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) thông báo cho Tổng thống tân cử Joe Biden rằng chính phủ Trump sẵn sàng bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực chính thức.
Theo CNN, bà Emily Murphy, người đứng đầu GSA, đã gửi thư thông báo cho đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Lá thư được đánh giá là bước đi đầu tiên từ chính phủ Trump trong việc thừa nhận thất bại của nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, gần 2 tuần sau khi truyền thông Mỹ tuyên bố ông Joe Biden là người chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trong thư, bà Murphy thông báo sẽ bắt đầu hỗ trợ cho phía ông Joe Biden các nguồn lực và dịch vụ hậu bầu cử nhằm hỗ trợ sự kiện chuyển giao tổng thống, “sau những diễn biến thời gian qua liên quan đến thách thức pháp lý và việc xác nhận kết quả bầu cử”.
Ông Donald Trump đêm 23/11 cũng ra tuyên bố, nói bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực tổng thống.
Ông Trump có cơ hội nào để lật ngược kết quả?
Theo nhận định của Washington Post, khi công cụ pháp lý đang bế tắc, Tổng thống Trump dường như chuyển sang sách lược mới, gây sức ép chính trị lên quan chức Cộng hòa ở các tiểu bang trọng yếu. Mục tiêu cuối cùng là nhận được 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng chung cuộc.
Chiến thuật gây sức ép chính trị của Tổng thống Trump, về kỹ thuật không phải bất khả thi, nhưng cơ hội thành công là rất, rất nhỏ.
Đầu tiên, ông Trump phải đảo ngược kết quả đồng thời ở nhiều bang nơi ứng viên Biden dẫn trước từ vài chục nghìn tới hơn 100.000 phiếu phổ thông. Tình huống hiện nay khác với năm 2000 khi tranh cãi chỉ xảy ra ở Florida.
Hơn nữa, một số bang ông Trump nhắm tới, như Michigan, Wisconsin, Pennsylvania và Nevada, có thống đốc là quan chức của đảng Dân chủ. Họ sẽ không để yên cho nỗ lực đảo ngược kết quả kiểm phiếu của ứng viên Cộng hòa.
Tại Michigan, Thống đốc Gretchen Whitmer tuyên bố có thể sa thải ủy ban bầu cử tiểu bang và thay thế bằng những người sẵn sàng xác nhận chiến thắng của ông Biden.
Các thống đốc Dân chủ cũng có thể đề cử nhóm cử tri đoàn bỏ phiếu cho ông Biden để cạnh tranh với nhóm cử tri đoàn đề cử bởi cơ quan lập pháp tiểu bang do đảng Cộng hòa kiểm soát. Trong trường hợp này, Quốc hội liên bang sẽ là cơ quan quyết định nhóm cử tri đoàn nào có quyền bỏ phiếu lựa chọn tổng thống.
Chiến thuật của ông Trump có hợp pháp?
Ông Trump là một tổng thống khác thường, với rất nhiều điểm không giống những người tiền nhiệm. Trong 4 năm tại vị, ông Trump đã đi ngược lại nhiều truyền thống của một tổng thống đương nhiệm. Và những ngày cuối nhiệm kỳ, có thể là duy nhất của ông Trump, dường như sẽ không khác so với 4 năm vừa qua.
Sức ép chính trị Tổng thống Trump tạo ra cho quan chức cơ quan bầu cử và cơ quan lập pháp tiểu bang đang gây tranh cãi lớn và là điều chưa có tiền lệ. Thế nhưng, chiến thuật này không hẳn trái pháp luật.
Trong những ngày đầu nước Mỹ thành lập, cơ quan lập pháp các tiểu bang có thẩm quyền rộng lớn trong lựa chọn đại cử tri đoàn. Tới nay, hiến pháp Mỹ chưa có quy định buộc các đại cử tri đoàn phải bỏ phiếu theo ý nguyện của cử tri phổ thông.
Trong hơn 200 năm, các cơ quan lập pháp tiểu bang tự giới hạn thẩm quyền thông qua việc lựa chọn đại cử tri và lá phiếu bầu tổng thống dựa trên ý nguyện của cử tri phổ thông. Tuy nhiên, nền tảng hệ thống ban đầu còn nguyên vẹn.
Nếu Tổng thống Trump thuyết phục thành công một cơ quan lập pháp tiểu bang hành động ngược lại lá phiếu của cử tri phổ thông, phe Dân chủ chắc chắn sẽ khởi kiện. Tuy nhiên, luật pháp liên bang và các tiểu bang quy định mơ hồ về tranh chấp kiểu này, bởi lựa chọn đại cử tri đoàn hiếm khi trở thành đối tượng của tiến trình pháp lý.
Nguồn tintuc.vn-TT