– Doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng vốn để đầu tư bất động sản; Hỗ trợ lưu học sinh Lào và Campuchia học tập tại Việt Nam; Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt đến 5 triệu đồng… là những quyết định quan trọng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2018.
Doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng vốn để đầu tư bất động sản
Kể từ ngày 1/5/2018, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp chính thức có hiệu lực.
Theo Nghị định này, doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp Nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả phương tiện vận tải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ), doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bị phạt đến 5 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2018/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập va có hiệu lực từ ngày 1/5/2018.
Theo Nghị định này, tại Điều 8, Nghị định qui định về xử phạt hành vi vi phạm qui định về chứng từ kế toán nêu rõ, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký; Ký chứng từ kế toán mà không đúng thẩm quyền; Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký; Chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ; Không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định; Để hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Thực hiện chi tiền khi chứng từ chi tiền chưa có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán.
Hỗ trợ lưu học sinh Lào và Campuchia học tập tại Việt Nam
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 24/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện hiệp định) học tập tại Việt Nam.
Theo đó, mức chi về kinh phí đào tạo đối với: Lưu học sinh hệ đào tạo dài hạn là 2.576.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh hệ đào tạo ngắn hạn là 5.485.000 đồng/người/tháng.
Các cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng, an ninh, cơ yếu, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật được cấp tăng thêm 10% kinh phí đào tạo được cấp cho hệ đào tạo tương ứng.
Đối với sinh hoạt phí, định mức chi cho: Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ trung học là 3.080.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ đại học 3.630.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ sau đại học 4.110.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh đào tạo, tập huấn ngắn hạn 4.820.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh học tiếng Việt thi tuyển vào bậc Trung học, Đại học 2.460.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh học tiếng Việt thi tuyển vào bậc Sau đại học: 2.900.000 đồng/người/tháng.
Đối với cơ sở đào tạo không tổ chức ăn tập trung, toàn bộ sinh hoạt phí được cấp cho lưu học sinh. Đối với cơ sở đào tạo tổ chức ăn tập trung theo quy định thì suất ăn tập trung cho lưu học sinh Lào, Campuchia theo định mức của cơ sở đào tạo không vượt quá 45% định mức chi quy định; phần còn lại được chi trực tiếp cho lưu học sinh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2018.
Quy định mới về khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau…
Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Người bán hàng đa cấp sẽ được trả lại hàng trong 30 ngày
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và có hiệu lực thi hành từ ngày 2/5/2018.
Theo quy định mới này, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm trả hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp theo kế hoạch trả thưởng đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác, bao gồm cả lợi ích được hưởng theo chương trình khuyến mại, trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm khoản chênh lệnh giữa mức giá bán lẻ mà doanh nghiệp thông báo và mức giá mà doanh nghiệp bán cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán hoa hồng, tiền thưởng, khuyến mại và các lợi ích kinh tế khác bằng tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp dưới hình thức chuyển khoản qua ngân hàng.