Mỹ tung dự án giám sát đập trên sông Mekong, Trung Quốc phản ứng gay gắt
Đầu tuần này, dự án Giám sát Đập Mekong (Mekong Dam Monitor) do Mỹ tài trợ được khởi động, được cho là sẽ khiến cuộc cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á thêm quyết liệt.
Dự án Giám sát Đập Mekong do Bộ Ngoại giao Mỹ hợp tác cùng Viện nghiên cứu Stimson và Công ty tư vấn Eyes on Earth thực hiện
Một chiếc thuyền Trung Quốc cùng một nhóm các nhà địa chất đang khảo sát sông Mekong, ở biên giới giữa Lào và Thái Lan, ngày 23/4/2017. Ảnh: Reuters
Dự án sử dụng vệ tinh có khả năng chụp ảnh xuyên mây để theo dõi và công bố mực nước hồ chứa của 13 đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong và 15 đập ở phụ lưu. Thông tin mà dự án thu được công bố gần như theo thời gian thực từ ngày 15/12. Trong số đó có một chỉ số đặc biệt là “độ ẩm bề mặt”, thể hiện khu vực nào ẩm ướt hay khô hạn hơn so với bình thường, từ đó chứng minh các con đập đã ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên như thế nào.
Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả trong thông cáo ngày 16/12 rằng, đây là “một bước quan trọng nâng cao hiểu biết về điều kiện nước ở lưu vực sông Mekong”.
“Các nước không thể quản lý hiệu quả những gì họ không thể đo lường, và trong một thời gian dài, người dân sông Mekong thiếu tính toán minh bạch về nguồn nước của lưu vực”, thông cáo nêu thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Ủy hội sông Mekong (MRC – cơ quan liên chính phủ với các thành viên là các ủy ban sông Mekong của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam), chính phủ các nước và chính quyền địa phương nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dữ liệu, đồng thời hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên khoa học hiện đại.
Alan Basist, một trong những người đồng phụ trách dự án, tuyên bố dự án sẽ nâng cao tính minh bạch của dữ liệu và “sẽ không cạnh tranh với hoạt động của Ủy ban sông Mekong hoặc Diễn đàn hợp tác Lan Thương-Mekong do Trung Quốc đứng đầu”.
Trên trang web chính thức, Trung tâm Stimson lý giải, Dự án nhằm “sửa chữa những điểm không chính xác về trạng thái, hoạt động và dòng chảy của các đập cũng như hồ chứa ở lưu vực sông Mekong thông qua “giám sát liên tục, minh bạch và dựa trên bằng chứng”.
Trong khi đó, Brian Eyler, thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, cho biết hệ thống giám sát đã cung cấp bằng chứng 11 đập thủy điện mà Trung Quốc xây ở thượng nguồn sông Mekong được thiết kế và vận hành tinh vi nhằm tối đa hóa lượng điện cung cấp cho các tỉnh miền đông nước này, không hề tính toán tác động của chúng đối với hạ nguồn.
Phản ứng diễn biến mới, phía Trung Quốc bác bỏ nghiên cứu của Mỹ cho rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại nước, gây bất lợi cho các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong. Trong tuyên bố đưa ra ngày 14/12, Viện Quy hoạch và Thiết kế Thủy điện và Thủy lợi Trung Quốc cáo buộc Mỹ đưa ra kết luận sai trái và không trưng được bằng chứng xác đáng. Theo viện này, tác động tích cực của thủy điện thượng nguồn sông Lan Thương (phần sông Mekong chảy qua Trung Quốc) đối với hạ lưu sông Mekong là rõ ràng và dễ nhận thấy”.
“Thông qua chức năng điều tiết và tích trữ của hồ chứa nhà máy điện thượng lưu, lượng nước trong mùa lũ có thể được tích trữ trong hồ, làm giảm đỉnh lũ; đồng thời tăng lưu lượng chảy trong mùa khô, làm cho dòng chảy hạ lưu nhiều hơn dòng chảy tự nhiên, đóng vai trò kiểm soát lũ lụt và chống hạn hiệu quả tích cực cho vùng hạ du”, bản báo cáo nêu thêm.
Từ Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định “Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến đóng góp vào nỗ lực chung, hợp tác quản lý và sử dụng bền vững, công bằng, hợp lý nguồn nước sông Mekong”. Bà khẳng định Việt Nam sẽ “nghiên cứu và hợp tác một cách phù hợp để có thể đóng góp một cách hiệu quả cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”.
Sông Mekong dài khoảng 4.350 km, chảy từ Trung Quốc về phía nam qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Được coi là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á, sông Mekong đã trở thành một trong điểm nóng trong mối quan hệ vốn đang xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington trong những năm gần đây.