Việc ông Yoshihide Suga kế nhiệm vị trí Thủ tướng không chỉ là một sự kiện nổi bật với chính trường Nhật Bản có tính “kế thừa” mà còn tạo ra nhiều luồng ý kiến phân cực trong dư luận quốc tế.
Thế giới nói chung, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, vẫn đang âm thầm quan sát những động thái đối ngoại tiếp theo của một nước Nhật đang trở mình trước những biến động khôn lường.
Di sản đối ngoại
Trong 8 năm cầm quyền, dù đã để lại nhiều vấn đề kinh tế và chính trị tranh cãi, chính phủ của Thủ tướng Abe cũng đã tạo dựng được vị thế quốc tế nổi bật.
Trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Á và nước Mỹ dưới thời Trump không còn là đồng minh thiết thân, Abe đã buộc phải thay đổi để nước Nhật mạnh hơn và độc lập hơn về quốc phòng lẫn đối ngoại. Đơn cử như khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP năm 2017, Abe đã tích cực dẫn đầu nỗ lực nhằm cứu vãn hiệp định này. Ngoài ra, chính phủ Abe đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Anh.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Nikkei
Trong khi quan hệ với chuỗi trật tự Đông Á xấu đi, chính quyền Abe đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ để đối phó với cả Trung Quốc và hai miền Triều Tiên thông qua tầm nhìn về khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và rộng mở” (FOIP).
Nhưng đại dịch Covid-19 cũng như tình hình kinh tế nội địa bất ổn đã đình trệ những kế hoạch đối ngoại của Abe. Đặc biệt, tham vọng nổi bật nhất của Abe là sửa đổi hiến pháp để quân đội Nhật tăng cường tiềm lực quốc phòng và có thể chiến đấu ở nước ngoài. Nhưng những lo sợ hằn sâu trong ký ức của cộng đồng quốc tế không cho phép ước muốn của Abe khả thi về mặt chính trị, ngay cả đối với khối đồng minh Hoa Kỳ.
Do đó, dù Thủ tướng Suga tuyên bố sẽ theo đường lối đối ngoại độc lập và cương quyết của người tiền nhiệm, ông vẫn phải duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông không chỉ phải đối phó với dư luận trong nước đang bất bình với chính phủ tiền nhiệm mà còn phải có đủ kỹ năng để duy trì quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước. Một mặt là xoa dịu dư luận trong nước, mặt khác là hòa hoãn và tạo thế cân bằng trước tình trạng giằng co giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như chèo chống trước một tương lai bất định của trật tự Đông Á.
Một điểm yếu rõ ràng về mặt đối ngoại của chính phủ thời hậu Abe, đó là những người có tiềm năng kế nhiệm ông lại có vai trò khá mờ nhạt trong các hoạt động đối ngoại. Tuy từng tham gia vào quá trình hoạch định chính sách về các vấn đề từ căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Okinawa cho đến căng thẳng ngoại giao với Hàn Quốc, nhưng tân Thủ tướng Suga chỉ là vị đạo diễn nằm ở hậu trường.
Chính Thủ tướng Suga cũng thừa nhận rằng ông không được biết đến như một nhân vật chính trị nổi tiếng trên phạm vi toàn cầu. Quá trình bỏ phiếu để bầu chọn ông làm Thủ tướng cũng cho thấy niềm tin vào ông là khá chênh vênh.
Theo khảo sát của Kyodo News ngày 9/9, ông Yoshihide Suga (lúc này là Chánh văn phòng Nội các) chỉ giành được 50,2% ủng hộ từ phía người dân. Ngay cả với chiến thắng áp đảo 70% trong tổng số 534 ghế nội các hiện tại, ông cũng chỉ nhận được sự hỗ trợ từ chính đảng của mình. Trong cuộc tổng tuyển cử năm tới, ông sẽ phải đối mặt với cử tri đoàn và vị Thủ tướng ít ảnh hưởng này có thể sẽ không phải là lựa chọn ưu tiên của đảng Tự do Dân chủ.
Chính sách đối ngoại cân bằng khó khăn
Có thể thấy ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chính quyền Suga là tạo thế cân bằng trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang leo thang. Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản. Hoa Kỳ là người bảo trợ an ninh và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nhật Bản, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nước láng giềng ngay bên cạnh.
Để làm ấm lên mối quan hệ với Hoa Kỳ, ngay khi nhậm chức, Tổng thống Trump là vị nguyên thủ đầu tiên mà Thủ tướng Suga điện đàm. Nhưng điều này không có nghĩa là chính phủ Nhật Bản hiện tại sẽ ngả hẳn về phía Hoa Kỳ. Với hơn 38 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc và gần 14.000 công ty đang hoạt động tại đó (tính đến năm 2019), trên thực tế Nhật Bản sẽ gặp khó khăn, thiệt hại về kinh tế và phí tổn về ngoại giao để hưởng ứng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Một nhiệm vụ khó khăn khác là ông Suga sẽ phải đưa ra quyết định về chuyến thăm cấp nhà nước bị hoãn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đảng Dân chủ Tự do đã liên tục phản đối chuyến thăm cấp cao của ông Tập, do gần đây Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông và vấn đề đại dịch. Một chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản sẽ là một chiến thắng to lớn đối với ông Tập, người đang mong muốn thể hiện rằng việc chính quyền Trump ngăn chặn Trung Quốc sẽ thất bại. Ông Suga sẽ ngày càng khó tránh khỏi việc đứng về phía nào trong cuộc xung đột Mỹ – Trung đang leo thang căng thẳng.
Sắp tới, điều đáng lo ngại cho chính quyền ông Suga là chủ nghĩa dân tộc của khối Đông Á vẫn tràn ngập cảm xúc chống Nhật. Hiện tại Trung Quốc không chỉ đòi chủ quyền của quần đảo Điếu Ngư mà còn muốn đặt lại vấn đề chủ quyền của Nhật ở Okinawa. Ngoài ra, Nhật vẫn phải tiếp tục đối phó với cả hai miền Triều Tiên. Những vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên hay những tố cáo của Hàn Quốc về tội ác của của quân phiệt Nhật trong thời chiến tranh Thế giới thứ hai là những ưu tư chính của chính phủ Suga.
Trước những bộn bề lo toan về tình hình trong nước cũng như căng thẳng Mỹ – Trung này, chính quyền Suga khó có thể thúc đẩy mối quan hệ với các đối tác khác như Nga, Ấn Độ và khối ASEAN như dưới thời Abe. Ông Suga có quá nhiều lựa chọn và chắc chắn phải ưu tiên cho những mục tiêu thiết thực với sinh mệnh chính trị của mình.
Nhật Bản nói riêng, cũng như các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, cần nhớ lại và thực hành ý nghĩa của bài học “bó đũa”. Điều này có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong thời điểm hiện tại. Bởi nếu muốn châu Á – Thái Bình Dương dung hòa được cả hai siêu cường tầm cỡ là Mỹ – Trung, không cách nào khác là tự thân khu vực này phải có cho mình tiếng nói đủ mạnh. Đó là lối đi, đồng thời cũng là thách thức mà chính quyền mới tại Nhật Bản cần lưu tâm.
Để hiện thực hóa điều này, thiết nghĩ, Nhật Bản nên tạm gác lại những hiềm khích với Triều Tiên, Hàn Quốc, cũng như những bất đồng từ phía ASEAN. Việc này giúp các bên liên quan giảm cảm xúc chống Nhật. Từ đó, làm nền tảng cho việc liên kết khu vực, đẩy nguy hiểm ra bên ngoài, nội khối Đông Á cố kết với nhau thành một thể thống nhất. Kết quả là, tiếng nói của khu vực dưới “cánh chim đầu đàn” là Nhật Bản sẽ có trọng lực hơn. Và Nhật Bản cũng không đơn độc trên hành trình cân bằng quyền lực của mình.
Dự đoán chính sách đối ngoại của “Suganomics”
Hiện tại, không riêng gì Thủ tướng Suga, lãnh đạo của các quốc gia trên toàn thế giới đều đang nỗ lực để ứng phó với những khó khăn đối nội như bất ổn kinh tế hay đại dịch Covid-19. Vì vậy, vai trò điều hướng đối ngoại hữu hiệu mang tính cầm cự để chuẩn bị cho tương lai sẽ có lợi cho sinh mệnh chính trị của Suga và gặp ít phí tổn nhất.
Với uy tín ngoại giao ít ỏi trên trường quốc tế, Thủ tướng Suga buộc phải chuyển hướng tập trung từ bản thân ông sang những nhân vật kỳ cựu, đơn cử như việc ông đã giữ lại Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi ngay sau khi nhậm chức.
Điều quan yếu nhất hiện giờ là chính quyền Suga cần nhất quán những hạt nhân thực dụng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản có từ thời Abe, nghĩa là cần duy trì và đảm bảo liên minh an ninh Mỹ – Nhật, luôn duy trì vai trò lãnh đạo trong việc đưa ra các quy tắc toàn cầu, cải thiện sự ổn định của chuỗi trật tự Đông Á, đặc biệt là tương tác với Trung Quốc. Nhưng dù cố giữ cân bằng trước căng thẳng Mỹ – Trung ra sao, sắp tới chính phủ của ông cũng khó tránh khỏi việc phải nghiêng hẳn về một bên.
Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa sau đại dịch chưa hẳn sẽ quay lại như trước đây, thay vì đặt hy vọng vào các đàm phán đối ngoại ít có khả năng thành công, chính phủ của Thủ tướng Suga có lẽ sẽ củng cố nền tảng đối ngoại hiện thời bằng cách thúc đẩy những quan hệ với các quốc gia khác ngoài liên minh Hoa Kỳ có cùng mục tiêu với Nhật.
Một trong số những ưu tiên dài hạn cần duy trì sẽ là tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (FOIP). Chính phủ Nhật hiện nay có sự đồng thuận mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ và các quốc gia ASEAN dù đang còn dang dở. Đồng thời, nếu còn tại nhiệm thêm một nhiệm kỳ, ông Suga có thể sẽ phải cố gắng duy trì trật tự quốc tế đa phương như trước đây bằng cách tăng cường quan hệ với các nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức để kéo các nước ngoài khu vực tham gia FOIP.
Trong giai đoạn hỗn loạn này, việc áp dụng một đường lối đối ngoại thực dụng và linh hoạt thay vì cứng nhắc theo những khuôn khổ ngoại giao cá nhân dưới thời Abe là điều cần thiết.
Còn quá sớm để đưa ra nhận định về chính sách đối ngoại của chính phủ Suga. Vấn đề cấp bách hiện giờ là phải giải quyết những khủng hoảng chính trị và bất ổn kinh tế nội địa do người tiền nhiệm để lại, sau đó mới đến lượt các vấn đề đối ngoại cam go. Nhưng dù gì, các nước vẫn phải đợi kỳ bầu cử sang năm sau để xem xét “tuổi thọ” đối với nhiệm kỳ của Thủ tướng Suga trước khi kỳ vọng vào chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong giai đoạn hậu Abe sắp tới.
TSNguyễn Tăng Nghị (Giảng viên khoa Quan hệ quốc tế, ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM) – Trần Mạnh Giàu (Học viên cao học khoa Quan hệ quốc tế)
Nguồn VNN-TT