Tháng 4 vừa qua có thể xem là tháng “đen tối” với nền kinh tế Mỹ khi đưa đến tình trạng bế tắc kỷ lục, tất cả số việc làm tăng trưởng xuất hiện trong thập kỷ qua kể từ sau cuộc suy thoái 2008 đều bị “thổi bay” trong vòng 1 tháng. Hoạt động kinh tế bấp bênh đẩy những người lao động, đặc biệt là phụ nữ và dân tộc thiểu số, vào tình cảnh khó khăn khi chỉ nhận được mức lượng rất thấp.
“Mỹ sẽ mất khoảng thời gian dài, thậm chí nhiều năm để phục hồi từ cuộc khủng hoảng lần này. Một số báo cáo cho rằng rất nhiều trường hợp trong con số này là nghỉ việc tạm thời nên đặt ra kỳ vọng sau khi nền kinh tế được mở cửa, người lao động sẽ nhanh chóng quay trở lại các nhà máy, công sở. Thế nhưng, mọi thứ lúc này vẫn rất mông lung, và chẳng thể chắc chắn được”, Ryan Sweet, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tiền tệ ở công ty Moody’s Analytics cho hay.
Riêng trong tháng 4, các nhà tuyển dụng tại nước này đã cắt giảm 20,5 triệu việc làm, nâng tỷ lệ thất nghiệp lên 14,7%. Đây là con số cao kỷ lục so với thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cao hơn cả mức 10,8% giai đoạn sau Thế chiến II, theo báo cáo hôm 8/5 từ Bộ Lao động Mỹ. Tình hình sẽ còn khó khăn hơn vào tháng 5 này, khi ảnh hưởng lan sâu hơn đến mọi mặt của kinh tế xứ cờ hoa.
“Trong tháng 5 này, việc cắt giảm lao động sẽ mở rộng hơn, ảnh hưởng đến cả những người có thu nhập cao hơn khi tác động của dịch bệnh sẽ tiếp tục tấn công vào các doanh nghiệp, công ty thuộc nhóm 2 bao gồm các vị trí chuyên viên chuyên nghiệp, nhân viên văn phòng và người có thu nhập cao ở khối lãnh đạo”, theo Lydia Boussour, chuyên gia kinh tế cấp cao của Mỹ tại Oxford Economics.
Theo nhiều dự báo, những tháng tới đây mức độ rủi ro sẽ càng tăng cao khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nặng nề hơn. Đợt khủng hoảng này có thể kéo dài nếu một số bang bắt đầu nới lỏng hạn chế và hoạt động trở lại khiến tình trạng lây nhiễm ca bệnh trong cộng đồng gia tăng. Theo phân tích của Moody’s Analytics, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đạt đỉnh 17% trong tháng 5.
Giới đầu tư chứng khoán đã nhìn thấy được biến động kinh tế từ cuộc khủng hoảng Covid 19 khi cổ phiếu gia tăng từ cuối tháng 3. Chỉ số S&P 500 cao hơn vào thứ Sáu và tăng khoảng 3% hàng tuần, trong khi chỉ số đồng USD giảm xuống.
“Tỷ lệ mất việc làm cao kỷ lục trong tháng vừa rồi tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, giải trí và hầu hết các hạng mục đều thua lỗ. Đây là một hồi chuông mạnh mẽ cho việc khởi động lại những vùng kinh tế lớn của Mỹ gặp phải rất nhiều thách thức chứ không chỉ riêng lĩnh vực nào. Có thể xem đây là dấu hiệu cho biết mô hình phục hồi kinh tế chữ V sẽ không thể thực hiện được trong thời gian này”, nhà kinh tế học của Bloomberg nhận định.
Ngay cả khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại và các doanh nghiệp bắt đầu tái hoạt động, số lượng việc làm cũng không thể dồi dào và gia tăng nhanh chóng như giai đoạn trước dịch bệnh. Do thiệt hại từ Covid 19 vẫn còn nặng nề, nhiều tổ chức doanh nghiệp buộc phải tìm những hướng đi mới như cắt giảm bớt hoạt động kinh doanh và thắt chặt chi phí.
Tính đến sáng ngày 10/5, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm bệnh với 25.218 bệnh nhân mới trong 24 giờ qua, 80.032 người tử vong và 237.193 ca đã bình phục.
Nguồn (Doanhnhan.vn)-TT