Làm cách nào Việt Nam có thật nhiều làng tỷ phú, làm cách nào để nhân rộng các mô hình kinh tế làng tỷ phú là câu chuyện cần bàn.
Làng không đếm hết tỷ phú
Cách Hà Nội chưa đầy 18 km, làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh chuyên sản xuất gỗ mỹ nghệ (tủ thờ, ghế, tủ…). Đồ gỗ Đồng Kỵ không chỉ tiêu thụ trong nước mà 60% được xuất khẩu sang ASEAN, Trung Quốc, châu Âu.
Làng Đồng Kỵ có hơn 3.000 hộ thì có đến 600 hộ sản xuất, kinh doanh lớn có quy mô vốn hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng, số còn lại quy mô vốn từ 500 – 600 triệu đến vài tỷ đồng.
Đồng Kỵ có gần 400 công ty chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Cứ khoảng 10 hộ có một giám đốc, có gia đình cả bố lẫn con đều là giám đốc. Bởi vậy người ta nói ở Đồng Kỵ nhan nhản tỷ phú, giám đốc.
Tôi đã đến Đồng Kỵ và thấy các dãy nhà tầng cao chót vót nối nhau san sát như những bức tường thành chạy dài trên suốt con đường làng đã trải nhựa trơn tru, bóng mượt. Lái xe chạy giữa đường làng mà tôi có cảm giác như đang chạy giữa phố nào đó của Hà Nội.
Cách đây hơn một tháng vô tình ở Đà Nẵng tôi gặp một “ông chủ Đồng Kỵ” đang mặc cả mua bán một khách sạn ba sau gần 100 phòng với giá lên đến 70 tỷ đồng.
Thị trấn 600 tỷ phú, lái xe thăm bò
Ở thị trường Nông trường Mộc Châu, Sơn La có khoảng 600 hộ nuôi bò thì cả 600 hộ đều là tỷ phú, hộ nuôi ít nhất thì 20-30 con, hộ nuôi lên đến 200 con. Chỉ nhờ nuôi bò sữa mà thu nhập trung bình của các hộ dân ở mức 35-40 triệu đồng/tháng, hộ nuôi nhiều còn thu tới 200 triệu đồng/tháng.
Người dân thị trấn Mộc Châu không còn cưỡi ngựa, đi xe đạp mà chuyển sang đi xe máy, sắm xe hơi. Cảnh lái xe ô tô đi thăm bò sữa không còn là chuyện lạ ở Mộc Châu. Khác hẳn với hình ảnh nghèo đói, khó khăn của những xã miền núi khác, ở Mộc Châu nhà cao tàng mọc lên san sát.
Cả làng mua ô tô từ nuôi gà
Nằm trên một quả đồi ngay cửa ngõ thành phố Vĩnh Yên, cách Hà Nội tầm 50 km, Hợp tác xã Chăn nuôi Công nghệ cao Thanh Vân (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương) được xem là thủ phủ của gà đẻ trúng, với cái tên thân mật mà người dân đặt cho là “làng nuôi gà siêu trứng”. Tại đây, 100% hộ dân trong làng Thanh Vân đều nuôi gà đẻ với số lượng đàn gà lên đến hàng trăm ngàn con.
Ở Thanh Vân nhà nào cũng nuôi gà, nhà ít nhất thì 4.000 – 6.000 con, nhà trung bình thì 10.000 con, thu tới 10.000 quả trứng mỗi ngày. Gia đình thu nhập cao nhất 300 triệu đồng/tháng. Nhờ nuôi gà Ai Cập đẻ trứng mà cả làng Thanh Vân đều sắm ô tô, mà không phải xe cũ, xe đời mới với giá hơn một tỷ đồng.
Làm cam Cao Phong đi xe Lexus
Thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình, chuyên trồng cam. Với 559 ha trồng cam, trong đó 300 ha đã cho thu hoạch, Cao Phong có gần 200 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đến một tỷ đồng; 64 hộ thu nhập trên một tỷ đồng; 9 hộ thu nhập từ 3-8 tỷ đồng/năm.
Nhờ trồng cam mà Cao Phong đã có hơn 100 hộ mua ô tô. Đại gia lái ô tô đi thăm vườn cam là hình ảnh quen thuộc ở Cao Phong.
Câu chuyện đại gia trồng cam Nguyễn Thế Bình tặng quà cưới cho con chiếc xe Lexus trị giá 3,7 tỷ đồng với cái khua tay, “có đáng là bao, chỉ bằng 100 tấn cam Canh thôi, thu hoạch 2-3 ha là đủ, nhà tôi có 9 ha cam cơ mà”, là ví dụ điển hình nhất về sự giàu có nhờ cam ở Cao Phong.
Cũng chuyện trồng cam ở Nghệ An có làng Minh Hồ, Minh Hợp, Quỳ Hợp, trong số 200 hộ trồng cam thì cói 80% hộ có doanh thu 500 triệu đồng/năm, trong đó có trên 10 hộ đạt 2-4 tỷ đồng/năm.
Làng Mẹ quê lúa 50% là tỷ phú
Làng Mẹo (Phương La) thuộc xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình, nổi tiếng về tài kinh doanh, nhưng xuất phát điểm là nghề dệt truyền thống.Làng Mẹ có 60 doanh nghiệp tư nhân, trong đó có 25 doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp của làng, 20 doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp Phúc Khánh (thị trấn Hưng Hà).
Các doanh nghiệp làng Mẹo có doanh thu từ hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ, ước tính doanh thu của 25 công ty trong làng Mẹ đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Theo tiết lộ thì làng Mẹ có 130 tỷ phú có tài sản từ 5 đến 7 tỷ đồng, 10 tỷ phú có tài sản hàng trăm tỷ.
Ngoài ra còn có làng tỷ phú trồng tiêu ở Tây Nguyên, trồng hoa ở Đà Lạt, sang Lào xây dựng ở Quảng Nam, đánh bắt hải sản ở Nghệ An (Tiến Thủy, Sơn Hải) và Bình Định (Hoài Nhơn)…
Lời kết
Ông bà ta có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Rõ ràng nếu chúng ta chỉ tiếp xúc nhiều với những vùng quê, những cảnh nghèo đói, thiếu ăn, chúng ta sẽ thấy bức tranh kinh tế “ảm đạm, u ám”, “một bức tranh toàn màu xám”, còn nếu chúng ta tiếp xúc nhiều với những tỷ phú làng, những làng tỷ phú chúng ta sẽ thấy bức tranh kinh tế “sáng sủa hơn”, nếu không “màu hồng” thì ít ra cũng “không phải màu xám”.
Đất nước ta cần rất nhiều tỷ phú làng và làng tỷ phú.Vấn đề đặt ra là tại sao cùng điều kiện, cùng hoàn cảnh, cùng môi trường mà họ lại thành tỷ phú, làng tỷ phú còn các người khác, làng khác thì không. Vấn đề lớn hơn là làm cách nào Việt Nam có thật nhiều làng tỷ phú, làm cách nào để nhân rộng các mô hình kinh tế làng tỷ phú.