Trong khi xôn xao với những thông tin bất thường quanh thương vụ mua bán khu biệt thự “triệu đô” trên Tam Đảo liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, chuyện thu nhập tiền tỷ của con trai ông Vũ Huy Hoàng thì tuần qua, dư luận cũng được phen nhấp nhổm không yên trước đề xuất áp giá sàn vé máy bay hay “cơn sốt” với hàng loạt thông tin ô tô giảm giá mạnh.
Tòa biệt thự này trên giấy tờ là của Công ty TNHH Mai Phương do bố đẻ ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch đứng tên sở hữu.
Vụ việc ông Đỗ Văn Hồng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC – Kinh Bắc – một công ty con của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) mới bị khởi tố, bắt tạm giam đã hé lộ vụ mua bán bất thường “biệt phủ” trên đỉnh núi Tam Đảo mà ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đang bị truy nã quốc tế cũng có liên quan.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc: “Khu đất có biệt thự trên cho đến thời điểm này (tháng 4/2017), vẫn là tài sản do Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương do ông Trịnh Xuân Giới (bố đẻ ông Trịnh Xuân Thanh), nguyên Phó ban dân vận Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị”.
Hồi tháng 10/2016, ông Hồng cho biết, đã bán khu đất trên cho Công ty Mai Phương với giá 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, lật giở lại toàn bộ hồ sơ mua bán mảnh đất, toà nhà trên do cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp thì theo hoá đơn giá trị gia tăng của Công ty PVC-Kinh Bắc là 23,8 tỷ đồng (chứ không phải 28 tỷ đồng), được giao dịch vào tháng 8/2011 chứ không phải tháng 8/2012.
Khu đất (có tổng diện tích lên tới 3.400 m2, do Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng) và toàn bộ khối nhà biệt thự 3 tầng bao gồm cả bể bơi, phòng chiếu phim… theo đánh giá của một số người am hiểu về thị trường nhà đất ở khu du lịch Tam Đảo, có giá trị không dưới 50 tỷ đồng. Trong một số thời điểm, đã có người giấu tên, rao bán căn biệt thự trên với giá 52 tỷ đồng. Còn theo lời Trịnh Xuân Thanh (qua lời kể lại của một quan chức Bộ Công Thương), thì ông này đã chi không dưới 100 tỷ đồng để sở hữu khu đất và căn biệt thự nói trên.
Giữa lúc Trịnh Xuân Thanh đang trốn truy nã ở nước ngoài, toà “biệt phủ” cửa đóng then cài thì một thông tin khác được nhiều người quan tâm là ông Vũ Quang Hải – con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (“sếp” cũ của Trịnh Xuân Thanh) sau khi bị bãi nhiệm những chức danh quan trọng tại Sabeco (Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc) cũng đã mất cơ hội có được 2 tỷ đồng thu nhập chuyên trách năm 2017 tại tổng công ty này.
Trong khi sục sôi với thông tin tài sản của các “cựu” quan chức, thì dư luận tuần qua cũng thấp thỏm không yên với thông tin áp dụng khung giá sàn vé máy bay. Cuối tháng 3 vừa qua, Hãng hàng không Jetstar Pacific đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, đề nghị áp dụng mức giá sàn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.
Tuy nhiên, phản hồi trước thông tin này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đơn vị này không hề có đề xuất hay dự thảo nào gửi lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đây chỉ là kiến nghị của một hãng hàng không.
Trong một động thái mới nhất, ông Trương Quang Nghĩa – Bộ trưởng Bộ GTVT khi chủ trì cuộc họp Ban cán sự Bộ GTVT diễn ra sáng ngày 7/4 đã nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay. Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm? Công việc của quản lý Nhà nước là kiểm tra kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mại đã đúng quy định của pháp luật chưa…”.
Như vậy, phần nào người tiêu dùng đã có thể yên tâm là trước mắt, vẫn có thể có những cơ hội để “săn vé giá rẻ” như trước.
Ngoài ra, với những người dân có ý định mua ô tô cũng có nhiều lý do để lạc quan. Theo phản ánh, trong 3 tháng đầu năm 2017, cuộc đua giảm giá ô tô nổ ra với sự tham gia của nhiều hãng xe như Toyota, Ford, Nissan, Mazda, Mitsubishi và cả hãng xe sang Lexus.
Mức giảm giá của các mẫu ô tô từ vài chục triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/chiếc. Dòng xe siêu sang Lexus cũng giảm giá bán 50-210 triệu đồng/chiếc trong ba tháng đầu năm. Mẫu LX570 giảm tới 210 triệu đồng. Mức giảm 50 triệu thấp nhất thuộc về ES 350. Các hãng đua nhau giảm giá thì có lợi cho người tiêu dùng.
Trước tình hình giá xe giảm mạnh, xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam tăng mạnh, phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ hồi đầu tuần, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các cơ quan chức năng đang tính tới phương án vẫn bảo hộ ô tô trong nước trong phạm vi cho phép của WTO và các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đã ký kết.
Bởi theo đại diện Bộ Công Thương, đối với người tiêu dùng, khi giá thành ô tô trở nên rẻ hơn thì ai ai cũng đều vui mừng nhưng ngược lại, với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì sẽ có nhiều mối lo. Do đó, trước 1/5/2017, bộ này sẽ có báo cáo lên Chính phủ biện pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Mừng vì có thể mua xe với giá “rẻ” hơn, nhưng người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng trước nạn ô tô kém chất lượng tràn vào Việt Nam. Theo đó, để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, không ít trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu đã gian lận, lừa đảo thương mại qua giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Theo một đại diện của ngành hải quan, tính đến nay Việt Nam đã đề nghị hải quan các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc hỗ trợ xác minh gần 2.000 C/O. Thư đề nghị hỗ trợ xác minh của Việt Nam tập trung vào chữ ký hợp lệ của người có thẩm quyền cấp C/O; nghi ngờ về con dấu hợp lệ trên C/O…
Sở dĩ có đề nghị trên vì có hiện tượng các doanh nghiệp trong nước đã móc nối với doanh nghiệp nước xuất khẩu làm giả chứng từ hoặc khai tăng hàm lượng tỉ lệ nội địa ASEAN nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan.
Ngoài ra, mới đây, Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các tiêu chí nguồn gốc xuất xứ (C/O) đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Nguồn DTO-TT