VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

4 điểm đáng lo ngại từ Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc

  Thông qua luật hải cảnh mới, Trung Quốc muốn luật pháp hóa hành vi sử dụng vũ lực phục vụ ý đồ kiểm soát Biển Đông trên thực tế, đồng thời nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền đơn phương ở vùng biển này.

4 điểm đáng lo ngại từ Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc - 1   Một tàu của cảnh sát biển Trung Quốc (Ảnh: maritime-executive).

Những điểm đáng lo ngại 
Ngày 22/1/2021, Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh (LHC) mới, với 11 chương, 84 điều. Luật có hiệu lực từ ngày 1/2.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc trao quyền lực rõ ràng, mạnh mẽ cho hải cảnh, nhằm luật pháp hóa hành vi sử dụng vũ lực phục vụ ý đồ kiểm soát Biển Đông trên thực tế, đồng thời nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền đơn phương ở Biển Đông.
Thứ nhất, điểm nổi bật, xuyên suốt của luật là hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí, nhằm vào tàu thuyền nước ngoài. Trong đó, từ “vũ khí” được nhắc tới 15 lần. Chủng loại vũ khí sử dụng rất đa dạng, từ “vũ khí cầm tay” đến “các vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay”, tùy theo tình huống.
Thứ hai, luật quy định tình huống được sử dụng vũ khí, công cụ, phương tiện khá rộng:
(i) Khi truy đuổi, ngăn chặn, buộc tàu thuyền nước khác dừng lại, để lên tàu, kiểm tra. (ii) Khi xua đuổi, cưỡng chế, lai dắt tàu thuyền… (iii) Khi gặp trở ngại, phương hại đến thực thi nhiệm vụ. (iv) Trong tình huống khác cần phải dừng hành vi phạm tội, phạm pháp ngay tại chỗ…
LHC còn cho phép phá hủy các công trình nước khác xây dựng trên vùng biển, đảo, đá; thiết lập tạm thời vùng cấm di chuyển… mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Nhiều tình huống sử dụng vũ lực phụ thuộc vào ý chí chủ quan, cảm nhận chủ quan của hải cảnh: những hoạt động theo họ là phi pháp, nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh báo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn… Và như dư luận quốc tế nhận xét, điều đó có thể dẫn đến nhiều tính toán sai lầm.
Thứ ba, điều nguy hiểm nhất là phạm vi áp dụng “trong vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc”. Theo yêu sách “đường 9 đoạn” và “thuyết Tứ Sa” của Bắc Kinh, hầu hết Biển Đông, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của các nước khác, đều có thể coi là thuộc quyền quản lý, tài phán của Trung Quốc! Đây là điều hoàn toàn phi pháp. Các “đường biên giới” yêu sách này rất mơ hồ, không có mốc, tọa độ cụ thể, nên bất cứ tàu thuyền nước nào cũng có thể bị hải cảnh quy là “xâm phạm phi pháp” và có thể nổ súng nếu muốn!
Thứ tư, nhiều học giả cho rằng LHC mới vi phạm rõ ràng, trái với quy tắc “không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực…” của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Luật quốc tế chỉ cho phép sử dụng vũ lực trong tình huống thực sự cần thiết, kèm theo các điều khoản hạn chế, coi đó là “biện pháp cuối cùng”, để tự vệ và tránh gây nguy hại đến tính mạng con người. Tuy nhiên, LHC của Trung Quốc không tuân thủ tinh thần đó.
Ban hành LHC, Trung Quốc rõ ràng có mưu đồ muốn gửi thông điệp cứng rắn đến các nước: sẵn sàng sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp trên biển.
Biển Đông đã nóng, càng nóng thêm
Dù mới ban hành, nhưng nhiều học giả, chuyên gia quốc tế, quan chức các nước đã bày tỏ quan ngại về tác động nhiều mặt của LHC mới. Có thể nêu một số tác động chính sau:
Biển Đông vốn đã phức tạp, LHC càng thổi bùng căng thẳng. Các quốc gia ven biển không thể ngồi yên, buộc phải tăng cường sự hiện diện của lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển, hải quân ở Biển Đông. Nó cũng động chạm trực tiếp đến hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ và các đồng minh. Mâu thuẫn Mỹ -Trung thêm căng thẳng. Nguy cơ va chạm trên biển gia tăng. Nếu các bên không kiềm chế, có thể dẫn đến đối đầu, xung đột vũ trang.
Hành động sử dụng vũ lực của hải cảnh Trung Quốc đe dọa tính mạng, tài sản của tàu thuyền các nước, cản trở hoạt động dân sự, kinh tế, hợp tác quốc tế trên Biển Đông, đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải, làm “lung lay trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” như lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi.
Chính phủ các nước liên quan buộc phải phản đối, có đối sách đáp trả, làm gia tăng tình trạng chia rẽ trong khu vực.
LHC mới sẽ cản trở nỗ lực đàm phán, xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả.
Như vậy, LHC mới tác động đến môi trường hòa hình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực. Tình hình Biển Đông đã phức tạp, càng phức tạp thêm. Biển Đông đã “nóng”, càng “nóng” thêm.
Thế giới đồng loạt lên tiếng
Ngay khi Trung Quốc công bố LHC, dư luận quốc tế đã lập tức phản ứng, với nhiều hình thức khác nhau. Một số nước ra công hàm phản đối. Truyền thông, quan chức nhiều nước bình luận, phê phán với ngôn từ khá mạnh: “Ngoại giao pháo hạm”, “hành vi khiêu khích và nguy hiểm”, “tùy tiện nổ súng”, “mối đe dọa chiến tranh bằng lời nói”… Báo Nikei Asia đánh giá LHC đặc biệt “gây báo động” với Nhật Bản.
Vì sao dư luận lập tức dậy sóng? “Màu nóng” và tác động mạnh, nhiều mặt của LHC đã kích thích dư luận quốc tế. Có thể khái quát lý do như sau:
LHC là mối đe dọa chung, thách thức khu vực và thế giới. Nói như Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin “không phản đối tức là phục tùng”. Phản đối LHC chính là không chấp nhận yêu sách chủ quyền trái pháp luật của Trung Quốc, hạn chế tác động tiêu cực của nó đối với thế giới, khu vực.
LHC là biểu hiện của chủ nghĩa cường quyền, hành vi cưỡng đoạt, cưỡng chiếm, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Phản đối LHC là bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ trật tự thế giới, khu vực, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trước đây, tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng biển các nước, đâm va, hủy hoại tài sản của ngư dân. Với LHC mới, họ càng hung hăng hơn. Phản đối LHC là ngăn chặn các hành vi đó, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân sinh sống, làm ăn trên biển.
Cộng đồng quốc tế, khu vực cần thống nhất lập trường chung đối với LHC và tác động tiêu cực của nó.
Cộng đồng quốc tế và ASEAN cần sử dụng các kênh ngoại giao, diễn đàn Liên Hợp Quốc, diễn đàn khu vực, hội thảo khoa học… để Trung Quốc thấy rõ tác động tiêu cực của LHC đối với cộng đồng quốc tế và với quan hệ quốc tế của Trung Quốc, đi ngược với tuyên bố nỗ lực “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh”.
Các nước ASEAN cần quan tâm theo dõi, đánh giá động thái của Trung Quốc, tìm đối sách phù hợp, gắn vấn đề này trong quá trình xây dựng, đàm phán COC. Cần hợp tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Một số học giả, chuyên gia đề xuất sử dụng biện pháp pháp lý, đưa vấn đề ra tòa quốc tế. Tuy nhiên, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian và ngay cả khi có phán quyết, thì Trung Quốc cũng không chấp nhận, như với phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài thường trực năm 2016.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/1, trả lời câu hỏi của phóng viên về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Bà Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.
“Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông”, Người phát ngôn nhấn mạnh.
Nguồn DTO-TT