TQ gặp bất lợi, Việt Nam tăng trưởng thần kỳ: Lộ diện những mặt hàng được Mỹ ‘quan tâm’ nhất; Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Hàn Quốc; Nhật siết đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nhạy cảm; Trump nói đã ngăn Hong Kong khỏi ‘bị xóa sổ trong 14 phút’…là những tin chính được cập nhật.
TQ gặp bất lợi, Việt Nam tăng trưởng thần kỳ: Lộ diện những mặt hàng được Mỹ ‘quan tâm’ nhất
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam. (Ảnh TL)
Trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam tăng 34,8% – tăng mạnh so với con số 5,8% trong cả năm 2018.
Theo CNBC, trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam tăng 34,8% – tăng mạnh so với con số 5,8% trong cả năm 2018. Theo công ty tư vấn IHS Markit, cũng trong giai đoạn này, nhập khẩu Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm 13,4%.
Michael Ryan, phó giám đốc của IHS Markit, cho biết thuế quan là nguyên nhân chính phía sau sự sụt giảm của nhập khẩu Mỹ đối với hàng Trung Quốc.
Ông cũng nói thêm, những loại mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có mức tăng trưởng nhanh nhất là máy tính, thiết bị điện thoại và những máy móc khác.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ, những sản phẩm này vốn được Mỹ nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan trong năm 2018. Điều này cho thấy xuất khẩu Việt Nam tới Mỹ có thể đã bù đắp được sự sụt giảm trong các dòng giao dịch giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thách thức đối với Việt Nam
Việt Nam thường được coi là một trong những quốc gia hưởng lợi từ chiến tranh thương mại nhờ vào tăng cường xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được một lượng lớn những khoản đầu tư từ những nhà sản xuất muốn cắt giảm hậu quả của thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Hàn Quốc
(ĐCSVN) – Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc là dịp để Lãnh đạo các nước ASEAN và Hàn Quốc kiểm điểm hợp tác trong 30 năm qua, thúc đẩy định hướng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hàn Quốc trong 30 năm tới, trên cơ sở nền tảng quan hệ đang phát triển tốt đẹp và toàn diện trên các mặt hiện nay.
Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc, Hội nghị Cấp cao Mê Công- Hàn Quốc lần thứ nhất và thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 24-28/11/2019.
ASEAN-Hàn Quốc thiết lập quan hệ từ năm 1989. Năm 2004, Hàn Quốc ký TAC, nâng cấp quan hệ lên đối tác hợp tác toàn diện. Năm 2010, hai bên đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược. Năm 2012, Hàn Quốc cử Đại sứ và thành lập Phái đoàn tại ASEAN.
Hợp tác hai bên được được triển khai sâu rộng trên tinh thần Tuyên bố chung “Tầm nhìn tương lai của Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Hàn Quốc: Xây dựng niềm tin, Tạo dựng hạnh phúc” năm 2014, Kế hoạch Hành động ASEAN – Hàn Quốc 2016-2020 và các văn kiện hợp tác chuyên ngành khác.
Các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, thương mại-đầu tư, kết nối, công nghệ thông tin, giao lưu văn hóa và nhân dân. Hiện Hàn Quốc đang tích cực tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN.
Về chính trị, các cuộc họp thường niên cấp Lãnh đạo Cấp cao, Bộ trưởng Ngoại giao, Quan chức Cao cấp (SOM), Ủy ban Hợp tác chung (JCC). Về an ninh, Bộ trưởng về tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) và SOM về Ma túy (ASOD). Về kinh tế, tham vấn Bộ trưởng Kinh tế và SEOM. Ngoài ra, ASEAN và Hàn Quốc có nhiều cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng và SOM trong các lĩnh vực chuyên ngành như giao thông vận tải, văn hóa, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục…
Hàn Quốc khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-In công bố “Chính sách Hướng Nam mới” để đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, giới thiệu “Sáng kiến 3Ps” (People, Peace and Prosperity), đề xuất tổ chức Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN – Hàn Quốc tại Hàn Quốc ngày 25-26/11/2019.
Hàn Quốc coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng và thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng 2025; tăng cường hợp tác an ninh để tương xứng với hai trụ cột còn lại; ưu tiên hợp tác về an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, an ninh mạng, an ninh biển, ….
Hàn Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, là thành viên sáng lập và tham gia đầy đủ và tích cực tại nhiều diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ và EAMF. Với ASEAN+3, Hàn Quốc chú trọng tăng cường an ninh lương thực và cam kết đóng góp thêm cho Quỹ dự trữ gạo ASEAN+3, thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mê Công và thu hẹp khoảng cách phát triển. Với EAS, Hàn Quốc ủng hộ tăng cường hiệu quả hoạt động EAS, nhất là mở rộng hợp tác về biển. Với ARF và ADMM+, Hàn Quốc tích cực chủ trì và tham gia các nhóm công tác về cứu trợ thảm họa, chống phổ biến vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh hàng hải. Hàn Quốc hoan nghênh Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, coi trọng nỗ lực của ASEAN tăng cường hợp tác khu vực bảo đảm vai trò trung tâm, tính bao trùm, mở và minh bạch.
Nhật siết đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nhạy cảm
(SGGP) Ngày 22-11, hãng Kyodo đưa tin Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật nhằm siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực nhạy cảm đối với an ninh quốc gia.
Theo đó, luật về ngoại thương và ngoại hối sửa đổi sẽ yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải làm thủ tục khai báo trước khi mua 1% cổ phần hoặc nhiều hơn ở một công ty hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất vũ khí, năng lượng hạt nhân, viễn thông (giảm mạnh so mức 10% theo quy định trước đó).
Tuy nhiên, quy định này được miễn trừ đối với các nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch mua cổ phần của một công ty với mục đích quản lý tài sản. Dự kiến, luật này sẽ có hiệu lực từ mùa xuân tới. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu các cổ đông nước ngoài thông báo trước khi thực hiện các quyết định liên quan đến việc quản lý, điều hành như miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị hay bán các mảng kinh doanh chủ chốt.
Nhiều nước châu Âu và Mỹ cũng đưa ra biện pháp tương tự nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trong bối cảnh quan ngại gia tăng về nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm và các công nghệ cốt lõi sang nước khác.
Trump nói đã ngăn Hong Kong khỏi ‘bị xóa sổ trong 14 phút’
Trump nói đã giúp Hong Kong không “bị xóa sổ trong 14 phút” bằng đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình không điều quân vào đặc khu.
“Nếu không nhờ tôi, Hong Kong đã bị xóa sổ trong 14 phút. Một triệu quân của Chủ tịch Tập Cận Bình không tiến vào Hong Kong bởi tôi nói rằng làm ơn đừng làm thế, điều đó sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến thỏa thuận thương mại”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 22/11. Đây là lần đầu Trump tuyên bố can thiệp vào tình hình ở Hong Kong.
Lưỡng viện Mỹ hồi giữa tuần thông qua dự luật ủng hộ nhân quyền ở Hong Kong. Theo dự luật, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu hưởng ưu đãi thương mại với Mỹ. Dự luật còn cho phép cấm vận các quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền tại Hong Kong.
Quốc hội Mỹ cũng nhất trí thông qua dự luật cấm xuất khẩu vũ khí kiểm soát đám đông phi sát thương cho cảnh sát Hong Kong như bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng điện.
Tổng thống Mỹ từ chối cho biết khả năng ông ký thông qua các dự luật về Hong Kong đã được lưỡng viện nhất trí. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc quốc hội Mỹ thông qua các dự luật và hối thúc Trump phủ quyết chúng.
“Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong song tôi vẫn đang đứng cùng Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều quan trọng là phải đàm phán về thỏa thuận thương mại”, Trump nói.
Hồi tháng 8, Trump viết trên Twitter rằng không nghi ngờ khả năng giải quyết vấn đề Hong Kong một cách “nhanh chóng và nhân đạo” của ông Tập, đồng thời đề nghị lãnh đạo Trung Quốc trực tiếp gặp người biểu tình.
Căng thẳng tại Hong Kong gần đây leo thang khi người biểu tình chiếm đóng các trường đại học, trong đó có trường Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) từ 17/11. Cảnh sát vây bên ngoài trường trong hơn 4 ngày, sử dụng đạn cao su, hơi cay và vòi rồng để ngăn người biểu tình thoát ra ngoài mà không tự trình diện.
Khoảng 1.100 người biểu tình bị bắt tại PolyU trong hai ngày 18-19/11.
*** Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa, Trường Sa, thách thức Trung Quốc
Các tàu chiến của Hải quân Mỹ trong vài ngày qua đã hai lần di chuyển gần các thực thể mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, quan chức Hải quân Mỹ nói với Reuters hôm 21-11.
Tranh luận quanh đề xuất trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự
Để đối phó với những kẻ phạm tội thanh thiếu niên, một số nhà lập pháp Philippines đang đề xuất trẻ em từ 9 tuổi cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Chương trình “Get Real” của Channel NewsAsia tiến hành điều tra về thực trạng đằng sau đề xuất này.
Hàn Quốc kéo dài Hiệp định chia sẻ tình báo với Nhật Bản
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc vừa đưa ra thông báo việc quyết định kéo dài Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản, đồng nghĩa với việc Hiệp định vẫn sẽ có hiệu lực.
Hai phi công tử nạn khi đang bay huấn luyện
Trong khi bay huấn luyện với máy bay phản lực siêu thanh T-38 Talon, sự cố đáng tiếc đã xảy ra khiến 2 phi công tử nạn…
Nga tung bằng chứng bác cáo buộc phá hoại tàu Ukraine
Ukraine tố Nga phá hoại ba tàu chiến của nước này trước khi trả tự do, buộc Moscow sau đó công bố video ghi lại hình ảnh con tàu nguyên vẹn khi được trao cho Kiev để đáp trả.
Mỹ bắt một công dân Trung Quốc vì đánh cắp bí mật thương mại
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 22-11 cho biết một công dân Trung Quốc đã bị buộc tội ăn cắp bí mật thương mại cho Trung Quốc tại St. Louis, Missouri.
Thủ tướng đương nhiệm Israel bị buộc tội tham nhũng
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ không từ chức trước những cáo buộc với 3 tội danh tham nhũng, gian lận và lợi dụng lòng tin.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lại lâm thế giằng co
Vào thời điểm tưởng như thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc đã gần chạm vạch đích, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-11 (giờ địa phương) bất ngờ nhận định Trung Quốc chưa thực sự nhượng bộ trong đàm phán, dấy lên nghi ngại rằng những bất đồng giữa thương mại hai nước sẽ không thể kết thúc vào cuối năm nay.
Tìm cách “lách luật”, Google bị báo chí Pháp khiếu nại
Cho rằng Google cố tình lách luật khi đăng tải thông tin báo chí để không phải trả tiền bản quyền, Liên minh báo chí APIG của Pháp đã đưa ra khiếu nại lên cơ quan quản lý nước này.
Số người chết trong biểu tình ở Bolivia không ngừng tăng
Ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ ngày hôm qua giữa lực lượng an ninh Bolivia và những người ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales.
Vấn nạn cảnh sát tự tử vì khủng hoảng tinh thần
5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có 4-5 sĩ quan cảnh sát New York (Mỹ) tự kết liễu cuộc đời. Các nhà nghiên cứu nói rằng, cảnh sát có nguy cơ tự tử cao hơn bất kỳ ngành nghề nào khác do căng thẳng, áp lực phải che giấu cảm xúc và dễ dàng tiếp cận với vũ khí chết người.
Trung Quốc và Nga cam kết nâng tầm quy mô hợp tác
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 11 diễn ra tại thủ đô Brasilia của Brazil, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp.
Ấn Độ và chính sách Hành động hướng Đông
Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á có lịch sử lâu đời. Trong lịch sử văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ đã có ảnh hưởng rộng khắp ở khu vực này trong vài thế kỷ. Chính sách hướng Đông là thử nghiệm bước đầu để Ấn Độ tiến sang Đông Nam Á, còn chính sách “Hành động hướng Đông” lại là một biện pháp mới của Thủ tướng Narendra Modi để tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Nga nổi giận với Israel sau vụ đột kích Syria
Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích vụ không kích nhằm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Syria do Israel tiến hành đã khiến tình hình thêm phức tạp và gia tăng nguy cơ xung đột.
Brazil: Ông Lula Da Silva được trả tự do
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva được trả tự do sau khi Tòa án Tối cao Brazil ra phán quyết hủy bỏ bản án tù đối với ông. Đây là một đòn quan trọng giáng vào cuộc điều tra, xét xử và tuyên án tù đối với ông Lula Da Silva của thẩm phán Sergio Moro (nay là Bộ trưởng Tư pháp Brazil).
Thổ Nhĩ Kỳ hứa với Nga không mở lại chiến dịch tấn công Syria
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết thông tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở lại chiến dịch quân sự chống người Kurd ở Syria chỉ là “hiểu nhầm”.
Tổng hợp-TT