Theo Wall Street Journal, nền kinh tế Mỹ chưa từng trải qua tình huống nào giống như một tháng vừa qua.
Theo Wall Street Journal, Mỹ bước vào tháng 3 với tỷ lệ thất nghiệp 3,5%, mức thấp nhất trong vòng 50 năm. Chỉ số Dow tiến sát mốc 30.000, các doanh nghiệp rốt ráo mở rộng và tuyển dụng thêm nhân viên.
Đến cuối tháng, 10 triệu người Mỹ mất việc, chỉ số Dow lao dốc xuống còn 21.917. Các hãng hàng không đang trên bờ vực phá sản. Hàng loạt biểu tượng thương mại Mỹ ngừng hoạt động, tìm kiếm viện trợ từ chính phủ và sa thải nhân viên. Vô số doanh nghiệp nhỏ đã phá sản.
Tốc độ lây lan của dịch virus corona đến từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) khiến các doanh nghiệp Mỹ điêu đứng. Macy’s và McDonald phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng, trung tâm thương mại và rạp chiếu phim dừng hoạt động. Các giải đấu thể thao chuyên nghiệp và Olympics cũng bị hoãn lại.
Trước khi tháng 3 kết thúc, Marriott International ngừng trả lương hàng chục nghìn nhân viên. General Electric cắt giảm nhân sự, Ford Motor hoãn trả cổ tức. Amazon.com và Walmart chật vật duy trì hàng hóa và nhân viên, Goldman Sachs phải vay tiền từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Nhen nhóm nỗi lo
“Tôi chưa bao giờ thấy điều gì thay đổi nhanh đến vậy”, Wall Street Journal dẫn lời cảm thán của ông Scott Kirby, Chủ tịch United Airlines.
Chỉ trong vòng một tháng, vốn hóa của 500 công ty niêm yết lớn nhất nước Mỹ đã bay hơi 3.000 tỷ USD. Ông Albert Bourla – CEO của Pfizer – tuyệt vọng thúc giục các nhà khoa học sớm tìm ra vắc-xin vào mùa thu. Tỷ phú quỹ phòng hộ Bill Ackman cũng vội vã rút tiền từ ngân hàng.
Hồi cuối tháng 2, một người đàn ông 50 tuổi sống tại viện dưỡng lão là bệnh nhân đầu tiên tử vong vì Covid-19 ở Mỹ. Vài ngày trước đó, giới chức trách đã cảnh báo về sự bùng phát rộng rãi và hạn chế các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc và Italy.
Thời điểm đó, Nhà Trắng vẫn hoàn toàn tự tin vào phản ứng của Mỹ. “Rủi ro rất thấp. Chúng ta cần phải tiếp tục với cuộc sống bình thường”, ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), khẳng định.
Ngày 1/3, Starbucks bắt đầu yêu cầu nhân viên thường xuyên vệ sinh tay nắm cửa và bàn ghế. Gã khổng lồ cà phê đã chứng kiến tác động của dịch virus ở Trung Quốc khi phải đóng cửa một nửa trong số 4.300 cửa hàng tại nước này hồi giữa tháng 1.
Giống Starbucks, IMAX cũng chịu cảnh dừng hoạt động 702 màn hình lớn khi dịch virus leo thang ở Trung Quốc. Hôm 2/3, CEO Richard Gelfond kết nối với một số chuyên gia, bao gồm một cựu quan chức CDC và ông Samuel Stanley – Chủ tịch Đại học Michigan. Cuộc trò chuyện khiến ông tin rằng số ca nhiễm ở Mỹ sẽ tăng vọt, nhất là khi nước này không thực hiện xét nghiệm rộng rãi.
IMAX có 100 triệu USD tiền mặt, nhưng số tiền sẽ sớm bốc hơi nếu rạp phim không hoạt động. Ông Richard phải sử dụng toàn bộ hạn mức tín dụng 300 triệu USD và tìm mọi cách tiết kiệm chi phí. “Hãy hủy bỏ mọi thứ có thể để giữ tiền”, ông nói với các đồng nghiệp.
Ông David Calhoun – CEO của Boeing – cũng tổ chức cuộc họp đầu tiên để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra. Ông David dự đoán sự sụt giảm mạnh mẽ về nhu cầu đi máy bay.
Boeing cũng thảo luận đến phương án cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, CEO công ty nói rằng Boeing phải cẩn thận. “Chúng ta không thể phục hồi sau đại dịch nếu không có người chế tạo máy bay”, ông nói.
Ngày 4/3, hãng United Airlines cho biết sẽ cắt giảm 20% chuyến bay quốc tế và 10% tại Mỹ. Ông Kirby – chủ tịch hãng bay – nhận định dịch virus corona sẽ “giáng đòn nhanh và mạnh” lên thế giới.
“Đã quá muộn để đảo ngược tình thế và ngăn chặn nó. Chúng ta có thể phải giảm nhân sự”, ông nói với các đồng nghiệp. Theo ông Kirby, hãng cần cắt giảm chi phí và huy động vốn. Ngành công nghiệp này sẽ không thể tránh được một cuộc sa thải hàng loạt nếu không có sự trợ giúp từ chính phủ.
Trong khi đó, trên sân khấu tại một hội nghị của Morgan Stanley ở San Francisco, Giám đốc Uber Technoligies thề rằng công ty sẽ có lãi vào cuối năm 2020. “Virus corona không thể thay đổi điều đó”, Dara Khosrowshahi nói với đám đông. Xét cho cùng, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi đó là Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran chỉ chiếm ít hơn 1% lượt đặt xe của Uber.
Ngày 7/3, cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga nổ phát súng đầu tiên. Giá dầu thô của Saudi Arabia giảm còn 6-8 USD/thùng, thấp hơn giá dầu Mỹ. Thông điệp rất rõ ràng: Saudi Arabia hạ giá dầu để tranh giành thị phần. “Ngành công nghiệp đối mặt với một thảm họa kép khi nhu cầu giảm và nguồn cung ngày càng tăng”, ông Mike Wirth – CEO của Chevron – bình luận.
“Chúng ta đang đối mặt với cái gì?”
“Chúng ta đang đối mặt với cái gì vậy?”, Randall Stephenson, Giám đốc AT&T, cảm thán. Tối 8/3, ông yêu cầu giám đốc tài chính công ty khởi động kế hoạch “thiên nga đen” vốn được sử dụng khi hỏa hoạn hoặc động đất. Kế hoạch không được thiết kế để đối phó với đại dịch.
Ngày 9/3, giá dầu sụt giảm 24%, ngày tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ông Wirth triệu tập các cố vấn thân cận nhất của mình bằng thông điệp: “Chúng ta sẽ phải thực hiện một số thay đổi cơ bản”.
Nhóm của Chevron phân tích những kịch bản tồi tệ nhất. Điều gì xảy ra nếu kho dầu đầy lên? Điều gì xảy ra nếu thị trường dư 20 triệu thùng/ngày? Chevron sẽ di chuyển nhân sự và thiết bị ra sao nếu hạn chế đi lại bị siết chặt?
Cuối ngày 10/3, nhiều tin xấu ập đến. Một người đàn ông làm việc ở trường đua ngựa tại Yonkers (New York), nơi MGM Resorts International vận hành Empire City Casino, đã chết sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19.
“Chúng tôi sẽ phải đóng cửa”, ông Bill Hornbuckle – CEO MGM – trầm ngâm. Nếu như vậy, 6.000 người lao động sẽ bị mất việc.
18h cùng ngày, một nhân viên của cửa hàng Macy’s ở Tacoma (Washington) xét nghiệm dương tính với Covid-19. Cửa hàng đóng cửa sớm để làm sạch và khử trùng qua đêm. Nhân viên này đã không đi làm 7 ngày. Sáng hôm sau, cửa hàng mở cửa lại vào 11h, muộn hơn ngày thường một tiếng.
Từ tháng 2, mối quan tâm chính của Macy’s là chuỗi cung ứng ở Trung Quốc bị gián đoạn nghiêm trọng. “Tác động của dịch virus đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi có thể gấp 10 lần so với dự tính ban đầu”, ông Gennette, CEO của chuỗi cửa hàng, tiết lộ.
Ngày 11/3, các CEO của 7 ngân hàng tập trung tại Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thảo luận về khả năng tiếp tục cho vay của họ.
Giám đốc các hệ thống bệnh viện lớn nhất nước Mỹ cũng kêu gọi Nhà Trắng ưu tiên xét nghiệm Covid-19. Theo họ, các bác sĩ và y tá phải sử dụng số lượng lớn khẩu trang và áo choàng bảo hộ. Kết quả xét nghiệm nhanh hơn sẽ loại trừ một số bệnh nhân và bảo quản những thiết bị quan trọng.
Ông Sam Hazen, CEO HCA Healthcare, cảnh báo rằng các bệnh viện sẽ gặp khó khăn về tài chính. Doanh thu từ những bệnh nhân khác sụt giảm, trong khi bệnh viện phải chi tiền để chuẩn bị chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
Tại Chicago, các giám đốc điều hành của CME tổ chức một cuộc họp để thảo luận về sàn giao dịch tương lai. Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu. CME cho biết sẽ đóng cửa sàn giao dịch sau 2 ngày nữa, trở thành sàn giao dịch lớn đầu tiên của Mỹ có bước đi này.
Tối hôm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm dòng di chuyển từ châu Âu. “Đây không phải một cuộc khủng hoảng tài chính. Khoảnh khắc này chỉ là tạm thời. Quốc gia chúng ta và thế giới sẽ sớm vượt qua”, ông Trump tỏ ra lạc quan.
25 phút sau tuyên bố của Tổng thống Trump, NBA tuyên bố kế hoạch tạm dừng thi đấu. Thông tin này và thông tin nam diễn viên Tom Hanks và vợ, Rita Wilton, dương tính với virus corona khiến người Mỹ không thể coi dịch virus là mối đe dọa từ xa nữa.
Ngày 12/3, Sean Connolly, CEO của Conagra Brands, bắt đầu thấy “hoảng loạn mua hàng” xuất hiện. Việc tích trữ bắt đầu với các mặt hàng khô như pasta Boyardee và cà chua đóng hộp Hunt, nhưng nhanh chóng mở rộng ra hàng đông lạnh hiệu Healthy Choice và Birds Eye.
Công ty Kraft Heinz bắt đầu giới hạn các đơn đặt hàng. Công ty phải bổ sung ca làm việc thứ ba ở nhiều nhà máy, giảm sự đa dạng của mặt hàng Oscar Mayer và một số loại thực phẩm khác để tối đa hóa sản xuất. “Chúng tôi phải thay đổi từng phút một”, CEO Miguel Patricio cho biết.
Người Mỹ bắt đầu đổ xô đi mua hàng sau khi nhận thấy đại dịch đã đến rất gần. Ảnh: ZUMA PRESS.
Các nhà chức trách khuyến nghị không tụ tập quá 250 người. Adam Aron, Giám đốc điều hành AMC Entertainment, quyết định giảm công suất rạp chiếu xuống 50%, ngay cả khi khán giả không đến 500 người.
Trong khi đó, Nhà Trắng yêu cầu Walmart sắp xếp lại nguồn lực, cùng với các nhà bán lẻ khác, để xây dựng mạng lưới xét nghiệm Covid-19 rộng hơn. Ngày hôm sau, ông McMillon – CEO Walmart – bay đến Washington và tham gia buổi họp báo được truyền hình trực tiếp tại Vườn Hồng (Nhà Trắng). Cùng với ông là các CEO chuỗi bán lẻ khác và thành viên của lực lượng đặc nhiệm chống virus corona.
Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩu cấp quốc gia, mở quyền truy cập gói hỗ trợ 50 tỷ USD cho các bang, địa phương và vùng lãnh thổ.
Kết thúc sự kiện, CEO Walmart bỏ đi nhưng ông Trump đưa tay ra bắt. CDC đã kêu gọi mọi người hạn chế bắt tay để tránh nguy cơ lây nhiễm virus. “Nếu tổng thống muốn bắt tay, bạn bắt tay thôi”, ông McMillon nghĩ. Trong túi ông là một chai gel rửa tay Purell nhỏ.
Ngày 14/3, hệ thống bán lẻ lớn nhất thế giới với 2 triệu công nhân và doanh thu 500 tỷ USD bắt đầu căng thẳng. John Furner – CEO của Walmart Mỹ – thảo luận về việc đóng cửa một số cửa hàng để cung cấp đến các cơ sở lớn. Sau đó, họ quyết định mở tất cả cửa hàng nhưng đóng cửa vào ban đêm, chỉ một số mở 24/7 để khử trùng và lấp đầy kệ hàng.
Sau đó một tuần, Walmart tuyên bố cần thêm 150.000 công nhân thời vụ để đáp ứng kịp nhu cầu.
Bà Grossman, CEO WW, đã gọi cho các giám đốc điều hành để thảo luận về một số thay đổi và đi đến quyết định đóng cửa 3.000 cửa hàng.
Hiệu ứng sụp đổ domino
Ngày 15/3, trong một cuộc họp với Tổng thống Trump, các quan chức Nhà Trắng và giám đốc điều hành trong ngành thực phẩm, ông MacLennan của Cargill đã kêu gọi USDA đảm bảo cho các nhà máy thịt tiếp tục hoạt động.
Thời điểm đó, Cargill đã ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên trong số các nhân viên của mình. Nói về yêu cầu đóng cửa nhà hàng, ông MacLennan miêu tả “giống như một chuỗi domino sụp đổ”.
Ngày 16/3, số đơn đặt hàng trực tuyến tăng gấp 10 lần tại các kho thương mại điện tử của Rite Aid. “Khách hàng chi hàng chục nghìn USD cho mỗi đơn hàng, họ mua mọi thứ”, cô Heywar Donigan – CEO của chuỗi cửa hàng – tiết lộ.
Đội ngũ Rite Aid giới hạn số lượng sản phẩm trong mỗi lượt mua đối với các mặt hàng có nhu cầu cao như giấy vệ sinh và nước rửa tay. “Chúng tôi muốn mọi người có cơ hội nhận được một thứ gì đó”, cô Donigan nói.
7h sáng ngày 16/3, AMC cho biết sẽ giới hạn số lượng khán giả còn 50 người mỗi rạp. Vài giờ sau, các quan chức y tế khuyến nghị không tụ tập quá 10 người. “Làm cách nào có thể có trách nhiệm với xã hội mà vẫn duy trì hoạt động?”, ông Aron tự hỏi.
Ngày hôm sau, 3 chuỗi rạp lớn nhất là AMC, Regal Entertainment và Cinemark đóng cửa. Ngày 17/3, Goldman Sachs và 7 ngân hàng lớn khác quyết định vay tiền từ quỹ khẩn cấp của FED. Không ngân hàng nào cần tiền, nhưng họ có thể cần trước khi dịch kết thúc.
Cùng ngày, các giám đốc điều hành của FedEx tập trung tại một căn phòng ở tòa nhà Memphis. Giám đốc tài chính Alan Graf cho biết FedEx đã hạ dự báo tài chính lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm của công ty. Đây là động thái mà hàng chục công ty lớn khác từ Ford đến Domino’s Pizza sẽ sớm thực hiện.
Boeing cũng chuyển sang yêu cầu sự giúp đỡ từ chính phủ liên bang. Họ muốn vay ít nhất 60 tỷ USD dù đã nhận khoản vay 13,8 tỷ USD.
Hôm 18/3, ông Stephenson quét qua một loạt danh sách cửa hàng AT&T và chọn ra các cửa hàng phải đóng cửa. Chuỗi cũng điều hành một mạng lưới cung cấp quyền truy cập ưu tiên cho những người cần nhất. “Không ai lái xe hơn 30 phút để đến cửa hàng chúng tôi. Giờ, chúng tôi phải tham chiếu chéo các địa điểm và dữ liệu dân cư để hoạt động với 1/3 cửa hàng còn lại”, ông nói.
Ngày 19/3, Arne Sorenson – CEO của Marriott – quay video gửi cho nhân viên: “Tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế này”. Hoạt động kinh doanh của chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới đã sụt giảm 75%.
Cùng ngày, Mỹ cảnh báo người dân không đi du lịch quốc tế. “Dịch Covid-19 không giống như những gì chúng ta thấy trước đây, ngay cả đối với một công ty đã hoạt động 92 năm, trải qua Đại khủng hoảng, Thế chiến II và nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu khác như Marriott”, ông Arne nói.
Ngày 20/3, các nhân viên tại Starbucks chia sẻ về nỗi lo ngại khi vẫn phải làm việc trong bối cảnh virus lây lan. Hàng nghìn người ký vào bản kiến nghị công ty đóng cửa. Khoảng 16h, công ty cho biết sẽ đóng cửa tất cả quán cà phê và hứa trả đủ lương cho nhân viên.
Ngày 22/3, số lượt đặt xe của Uber giảm mạnh. Hàng nghìn tài xế yêu cầu được bảo vệ nhiều hơn. Hôm 6/3, Uber đã đồng ý bồi thường cho các tài xế bị nhiễm Covid-19 hoặc bị cách ly 2 tuần. Đối thủ Lyft cũng làm theo.
Hôm 23/3, Boeing cho biết sẽ dừng sản xuất tại khu vực Seattle trong 2 tuần. Ngày càng nhiều nhân viên của Boeing dương tính với virus, nhiều người trong số họ làm việc ở nhà máy Everett, Washington. Một công nhân thậm chí nghi chết vì biến chứng từ căn bệnh này.
Ngày 24/3, ông Wirth của Chevron quyết định cắt giảm 4 tỷ USD từ ngân sách bằng cách ngừng mua lại 20% cổ phần và ngừng mua sản lượng dầu trong các mỏ đá phiến ở Mỹ, đồng thời cắt giảm một số lao động.
Ngày 25/3, Dan Florness, CEO của Fastenal, nhà phân phối thiết bị công nghiệp bao gồm kính bảo hộ, khẩu trang, găng tay, thừa nhận không đủ hàng để bán. Ông quyết định ngừng bán các thiết bị bảo hộ cho những khách hàng lâu năm để tập trung vào các công ty chăm sóc sức khỏe.
“Tôi lo lắng cho nền kinh tế và sự an toàn của xã hội. Tôi cũng lo lắng cho người mẹ 90 tuổi của tôi và gia đình tôi”, Dan nói.
Hôm 27/3, Tổng thống Trump ký kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD – gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Số ca nhiễm tăng mạnh khiến nhiều bệnh viện thiếu khẩu trang y tế và máy thở cho bệnh nhân. Ông Trump ra lệnh cho General Motors sản xuất máy thở.
Ngày 30/3, làm theo Macy’s, Gap và Kohl’s cho biết sẽ cho số lượng lớn nhân viên nghỉ phép và đóng cửa nhiều cửa hàng. Nhìn vào những gì xảy ra ở Trung Quốc và Hàn Quốc, ông Gennette – CEO Macy’s – nhận thấy người tiêu dùng vẫn chi tiêu ít ngay cả khi dịch bệnh dường như được kiểm soát. “Những quyết định được chúng tôi đưa ra trong một ngày từng mất đến hàng tuần để xem xét. Mọi thứ đến với chúng tôi quá nhanh”, vị CEO nói.
Không thể dự đoán
Ngày 31/3, United hủy hơn 70% chuyến bay, các chuyến bay cất cánh cũng trống đến 85% ghế. Hãng chở 30.000 khách trong ngày hôm đó, so với 600.000 khách vào thời điểm này trước đây.
Chủ tịch Kirby dậy từ 4h30 sáng và chạy bộ. Khi văn phòng của hãng ở Chicago đóng cửa, ông nhận hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác mỗi ngày. “Tôi luôn phải cố giữ cho điện thoại đầy pin”, ông chia sẻ.
Uber dự đoán hoạt động kinh doanh sẽ sụt giảm 80% so với trước khi đại dịch xảy ra. Công ty đang khuyến khích các tài xế giao hàng thực phẩm.
Tòa nhà trụ sở của Citigroup – nơi thường có đến 12.800 nhân viên – giờ chỉ còn 400 người. Một nửa trong số đó là các nhân viên bảo vệ và vệ sinh. Thay vào đó, 120.000 người làm việc trực tuyến.
Trong ngày cuối cùng của tháng 3, ông Trump tổ chức buổi họp báo và hứa rằng “chúng ta sẽ thắng”.
“Đây có thể là hai tuần địa ngục. Tình hình sẽ tồi tệ hơn trong khoảng hai, thậm chí ba tuần nữa. Đây sẽ là ba tuần chúng ta chưa từng thấy trước đây”, ông nói.
Nguồn Zing.news.vn-TT