Toàn bộ 50 bang của Mỹ ban bố tình trạng thảm họa; Gần 1,8 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu; Vượt Italy, Mỹ trở thành nước có nhiều ca tử vong nhất vì Covid-19; Số ca Covid-19 tăng nhanh, hàng dài xe cứu thương ùn tắc trước bệnh viện Moscow; Covid-19 chưa dứt, giới khoa học lại phát hiện thêm 6 chủng virus corona ở dơi…là những tin chính được cập nhật.
Toàn bộ 50 bang của Mỹ ban bố tình trạng thảm họa
Nhân viên chuẩn bị dọn dẹp và khử trùng viện dưỡng lão Life Care Center, bang Washington hôm 11/3. Ảnh: AP.
Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả 50 bang của Mỹ và thủ đô Washington D.C đã được đặt dưới tình trạng thảm họa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo Guardian, Wyoming hôm 11/4 đã trở thành bang thứ 50, và là bang cuối cùng của Mỹ, ban bố tình trạng thảm họa sau khi được Tổng thống Donald Trump phê chuẩn. Đây là lần đầu tiên toàn bộ 50 bang của Mỹ cùng thủ đô Washington D.C được đặt dưới tình trạng thảm họa cùng lúc.
Bên cạnh đó, các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ như quần đảo Bắc Mariana, Guam, Puerto Rico cũng đã ban bố tình trạng thảm họa.
Việc tuyên bố tình trạng thảm họa được đánh giá là giúp chính quyền các tiểu bang và vùng lãnh thổ sử dụng ngân sách liên bang để ứng phó với đại dịch.
“Dù tình hình ở Wyoming chưa đến mức trầm trọng như một số bang khác, tuyên bố tình trạng thảm họa sẽ giúp chúng tôi chuẩn bị và huy động các nguồn lực khi cần thiết”, Thống đốc Mark Gordon của bang Wyoming phát biểu.
Wyoming là tiểu bang thưa dân nhất nước Mỹ với 578.000 người. Tới thời điểm hiện tại, số người nhiễm Covid-19 tại Wyoming là 253 trường hợp, trong đó chưa có ca nào tử vong.
Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca dương tính với Covid-19 tại Mỹ đã lên đến 524.903 trường hợp, với 20.389 ca tử vong. New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 181.000 ca Covid-19, trong đó hơn 8.600 người đã tử vong.
Gần 1,8 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Toàn thế giới ghi nhận gần 1,8 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 108.000 người chết, trong đó Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 1.767.855 ca nhiễm và 108.281 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 76.136 và 6.145 ca so với hôm qua. 401.873 người đã hồi phục.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 524.903 ca nhiễm nCoV, tăng 33.633 trường hợp so với hôm qua, trong đó 20.389 người đã chết. Số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ hôm qua đã vượt qua Italy, đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 2.000 chết vì nCoV trong một ngày.
Các chuyên gia y tế cảnh báo số người chết tại Mỹ có thể tăng lên 200.000 vào mùa hè nếu các biện pháp hạn chế đi lại và cách biệt cộng đồng được gỡ bỏ sau 30 ngày. Tổng thống Donald Trump hôm 10/4 nói rằng ông đang đối mặt với quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình đó là xác định thời điểm mở cửa lại nền kinh tế Mỹ.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.579 ca nhiễm và 399 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 161.852 và 16.480. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Chính phủ Tây Ban Nha kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 và có thể gia hạn dù tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực.
Italy phát hiện 4.694 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 152.271, trong đó 19.468 người chết, tăng 619 ca. Cả hai mức tăng đều cao hơn so với một ngày trước đó.
Italy đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 9/3, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. Thủ tướng Giuseppe Conte gia hạn phong tỏa toàn quốc cho đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại từ 14/4, bao gồm hiệu sách, tiệm bán văn phòng phẩm và quần áo trẻ em.
Pháp là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, với 130.727 người dương tính nCoV và 13.851 người chết, tăng lần lượt 5.858 và 654 ca so với hôm trước. Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, dự kiến đến 15/4. Tuy nhiên, chính quyền Pháp sẽ gia hạn phong tỏa vì biện pháp này kiềm chế dịch hiệu quả.
Đức báo cáo thêm 2.117 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm nCoV lên 124.288, trong đó 2.767 người đã chết. Chính phủ Đức đã đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này dự kiến ra mắt ứng dụng điện thoại theo dõi các chuỗi lây nhiễm vào cuối tháng.
Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 79.874 người nhiễm. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tăng thêm 934, nâng số người chết vì nCoV 9.892. Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục.
Trung Quốc báo cáo thêm 97 người nhiễm, tất cả đều là ca ngoại nhập, cùng 63 trường hợp không có triệu chứng, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục lên 82.052. Nước này không ghi nhận ca tử vong nào trong ngày hôm qua, số người chết vì nCoV ở Trung Quốc đại lục hiện là 3.339.
Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 70.029 ca nhiễm và 4.357 người chết.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 4.530 ca nhiễm và 73 ca tử vong. Indonesia là nước có số người chết cao nhất khu vực với 327 trường hợp, tăng 21 ca so với hôm trước, trong tổng số 3.842 ca nhiễm.
Singapore phát hiện thêm 121 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 2.229, trong đó 8 người tử vong, tăng một ca so với hôm trước.
Vượt Italy, Mỹ trở thành nước có nhiều ca tử vong nhất vì Covid-19
Mỹ là quốc gia ghi nhận số ca mắc và trường hợp tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới
Tính tới chiều ngày 11/4 (theo giờ địa phương), Mỹ đã ghi nhận hơn 20.300 người chết do Covid-19, con số cao nhất trên thế giới, tiếp theo là Italy và Tây Ban Nha. Ngoài ra, Mỹ cũng tiếp tục có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất với hơn 525.000 trường hợp.
Số ca Covid-19 tăng nhanh, hàng dài xe cứu thương ùn tắc trước bệnh viện Moscow
Mặc dù Moscow hiện tạm thời không còn ùn tắc giao thông do lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19, nhưng thủ đô Nga vấp phải một vấn đề khác: các hàng dài xe cứu thương bất tận, ùn ứ bên ngoài các bệnh viện.
Một đoạn ghi hình của kênh Ruptly cho thấy, các xe cứu thương đang xếp hàng dài bên ngoài Bệnh viện Cựu chiến binh, nơi gần đây được chỉ định chuyên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở phía bắc thủ đô Moscow. Những xe cấp cứu này không chỉ choán chỗ trên đường dẫn vào bệnh viện mà cả tuyến phố lân cận.
Theo báo RT, đây không phải là sự cố riêng rẽ. Một đoạn video khác cho thấy hàng chục xe cứu thương bị ùn ứ trên đường dẫn tới một bệnh viện ở ngoại ô thị trấn Khimki tiếp giáp với thủ đô Moscow. Các xe chở những người nghi nhiễm Covid-19 nhập viện này đã phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ.
RT dẫn lời các quan chức thuộc Trung tâm xử lý khủng hoảng y tế, chịu trách nhiệm về cuộc chiến chống virus corona chủng mới ở Nga cho hay, các hàng dài xe cứu thương xuất hiện bên ngoài một số bệnh viện do “tình hình dịch bệnh hiện tại khiến số bệnh nhân gia tăng nhanh trong vài ngày gần đây”.
Nhà chức trách nói, tình trạng trên “không thể chấp nhận được trong bối cảnh bình thường”, nhưng các cơ sở y tế hiện đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Họ cũng xin lỗi các bệnh nhân về sự bất tiện này và khẳng định đây “không phải là vấn đề hệ thống”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga ghi nhận ít nhất 13.584 ca dương tính với virus corona chủng mới với 106 trường hợp đã tử vong. Moscow là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại nước này với hơn một nửa số trường hợp mắc bệnh (8.852 người) và 58 ca tử vong.
Brazil ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt mốc 1.000 người
(TTXVN/Vietnam+) Brazil cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 1.056 người, trong khi Cuba ghi nhận tổng số ca tử vong là 16 người sau 1 tháng bùng phát dịch.
Brazil ghi nhan so ca tu vong do COVID-19 vuot moc 1.000 nguoi hinh anh 1Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây của dịch COVID-19 tại một bến xe buýt ở Belo Horizonte, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ngày 11/4, Bộ Y tế Brazil cho biết số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã lên tới 1.056 người, tăng 115 ca so với 24 giờ trước đó, trong khi số ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) cũng tăng thêm 1.781 người, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 19.638 người.
Bang Sao Paulo vẫn tiếp tục là địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất với 8.216 người, trong đó có 540 trường hợp tử vong, tiếp đến là Rio de Janeiro với 2.464 ca nhiễm bệnh và 147 ca tử vong, Ceara cũng khi nhận 1.478 ca dương tính và 58 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Y tế Luiz Herique Mandetta cảnh báo đỉnh dịch tại quốc gia Nam Mỹ này có thể tới vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và sẽ tiếp diễn cho tới ít nhất là tháng 9, đồng thời yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng tại mỗi địa phương để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Covid-19 chưa dứt, giới khoa học lại phát hiện thêm 6 chủng virus corona ở dơi
Nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Y tế Toàn cầu của Viện Smithsonian (Mỹ) thông báo phát hiện sáu chủng virus corona mới ở dơi tại Myanmar. Đây là lần đầu tiên các chủng virus mới này được phát hiện trên thế giới.
Theo các nhà khoa học, sáu chủng virus corona này cùng thuộc một gia đình với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19, hiện đã khiến hơn 1,7 triệu người nhiễm bệnh và hơn 100.000 người tử vong.
Các nhà khoa học phát hiện sáu chủng virus mới khi nghiêm cứu các loài dơi ở Myanmar, trong chương trình PREDICT do Mỹ tài trợ. Mục tiêu của chương trình là xác định các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan sang động vật hoặc con người.
Mỹ: Các trường công lập tại New York sẽ đóng cửa hết năm học
(TTXVN/Vietnam+) Phát biểu với báo giới ngày 11/4, Thị trưởng Bill de Blasio nêu rõ các trường học công lập trong thành phố sẽ đóng cửa nốt niên khóa này.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chính quyền thành phố New York của Mỹ đã quyết định cho học sinh nghỉ học hết năm học năm nay.
Phát biểu với báo giới ngày 11/4, Thị trưởng Bill de Blasio nêu rõ các trường học công lập trong thành phố sẽ đóng cửa nốt niên khóa này.
Ông nhấn mạnh để học sinh tới trường trong lúc “nước sôi lửa bỏng” hiện nay là hết sức nguy hiểm.
Thị trưởng thừa nhận đây là một quyết định “đau đớn” nhưng là cần thiết. Ông nêu rõ các cơ quan chức năng đang xem xét một kế hoạch tổng thể để mở cửa lại trường học vào tháng Chín tới.
Trước đó, Thị trưởng De Blasio đã yêu cầu các trường công lập trong thành phố bắt đầu đóng cửa từ ngày 16/3 vừa qua để kiềm chế dịch bệnh lây lan và đặt mục tiêu nối lại hoạt động giảng dạy từ ngày 20/4 tới.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh thực tế cho thấy mốc thời gian nói trên là không khả thi khi số người nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tiếp tục gia tăng mỗi ngày và thành phố New York và bang cùng tên đã trở thành tâm dịch của nước Mỹ.
Theo số liêu cập nhật đến 21h ngày 11/4 (giờ Việt Nam) của worldometers.info, tại Mỹ ghi nhận 503.847 bệnh nhân COVID-19, trong đó có18.801 người đã tử vong.
Riêng tại bang New York đã có khoảng 170.000 bệnh nhân, trong đó số tử vong là 7.844 người./.
Quốc hội Canada thông qua chương trình trợ cấp lương khổng lồ
(TTXVN/Vietnam+) Sáng 12/4 (theo giờ Việt Nam), Quốc hội Canada đã thông qua chương trình trợ cấp lương của chính phủ nhằm “bơm” hàng tỷ CAD vào các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, sáng 12/4 (theo giờ Việt Nam), Quốc hội Canada đã thông qua chương trình trợ cấp lương của chính phủ nhằm “bơm” hàng tỷ CAD vào các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến ngày một nghiêm trọng.
Chương trình trợ cấp lương trị giá 73 tỷ CAD (trên 52 tỷ USD) đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua trong một ngày và Chủ tịch Hạ viện Anthony Rota nhận định đây là “một ngày đặc biệt trong một giai đoạn đặc biệt.” Dự luật về chương trình trợ cấp lương này cũng vừa nhận được sự phê chuẩn của Toàn quyền Canada Julie Payette.
Trong khuôn khổ của chương trình trên, Chính phủ liên bang sẽ trợ cấp 75% lương cho các doanh nghiệp, để người lao động có thể nhận được mức lương lên tới 847 CAD/tuần trong 12 tuần. Điều kiện để nhận trợ cấp là doanh thu của doanh nghiệp giảm 15% trong tháng 3/2020, hoặc giảm 30% trong tháng 4 hoặc tháng 5/2020.
*** COVID-19 giảm nhiệt tại các nước châu Âu, Mỹ đạt đỉnh dịch trong hôm nay (12/4)
Tuần qua, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đã giảm nhiệt tại một số nước châu Âu khi đà lây lan của virus SARS-CoV-2 có dấu hiệu chậm lại vì số người mới được xác nhận nhiễm thấp hơn hẳn so với những tuần trước đó.
Trong bối cảnh số ca mắc bệnh có chiều hướng giảm, nhiều nước ở châu Âu thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế hay xem xét nới lỏng các biện pháp cách ly vốn được triển khai nhằm làm giảm sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, công việc này sẽ được thực hiện một cách thận trọng và các nước vẫn cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 lây lan vào dịp Lễ Phục sinh.
Ngày 10/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo các nước nên thận trọng về việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 khi điều này có thể dẫn tới số người tử vong vì dịch bệnh tăng trở lại.
Tại một “điểm nóng” COVID-19 khác trên thế giới là Mỹ, Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc đại học Washington cũng vừa đưa ra dự báo, đỉnh dịch COVID-19 ở Mỹ sẽ diễn ra vào ngày hôm nay (12/4) và sau thời điểm này, số ca tử vong sẽ giảm dần.
Từ 0h đêm 8/4 theo giờ địa phương, thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, từng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc, đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh rời khu vực mình sống cũng như thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, trừ trường hợp cần thiết.
Cũng trong tuần trước, WHO cho biết, hiện có hơn 60 loại vắc-xin chống lại virus Corona chủng mới đang được phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Hiện có 130 nhà khoa học, các nhà gây quỹ và nhà sản xuất trên thế giới ký vào một tuyên bố cam kết hợp tác với WHO để đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin chống COVID-19.
Tính đến sáng 12/4, trang thống kê worldometers.info cho thấy, số ca nhiễm COVID-19 đã lên tới 1.779.842, trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh này là 108.779 trường hợp.
Các nước quan ngại vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
* Ngày 9/4, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại sâu sắc về thông tin một tàu hải cảnh Trung Quốc đã va chạm và làm đắm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Thông cáo nêu rõ cách hành xử của Trung Quốc đi ngược lại tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, trong đó, tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, đều an toàn trong chủ quyền của mình, không bị cưỡng ép, và được phát triển kinh tế theo các quy định và quy tắc quốc tế được chấp nhận. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác của mình nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế ở toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Đại dịch COVID-19 nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, qua đó tạo điều kiện giúp giải quyết mối đe dọa chung này một cách minh bạch, tập trung và hiệu quả. Thông cáo kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động có thể khiến khu vực bất ổn, sao nhãng các nỗ lực toàn cầu đối phó với đại dịch, hoặc gây ra rủi ro không cần thiết dẫn tới các thiệt hại về người và của.
Trước đó, hôm 6/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát đi một tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc nên tập trung hỗ trợ các nỗ lực đối phó đại dịch toàn cầu, thay vì lợi dụng tình hình dịch bệnh có thể dẫn tới sự lơ là của các nước khác để “bành trướng các yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông”.
* Ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Philipines (DFA) lên tiếng “quan ngại sâu sắc” trước thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông, gọi đây là hành động làm tổn hại quan hệ giữa ASEAN và Bắc Kinh.
Tuyên bố của DFA nêu rõ: “Trong lúc các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đang có đà tiến triển tích cực, điều quan trọng là phải tránh những vụ việc tương tự và cần phải dàn xếp bất đồng trên tinh thần tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau”. DFA nhấn mạnh các bên cần phải tránh những hành vi khiêu khích tại Biển Đông, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với COVID-19.
* Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối cho Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ bị bỏ lửng
Cuộc họp trực tuyến kéo dài 9 tiếng diễn ra ngày 9/4 giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã khép lại bằng thỏa thuận cắt giảm khoảng 10% sản lượng. Như vậy, dưới vai trò can thiệp của Mỹ, Ả rập Xê út và Nga cuối cùng đã gạt bỏ bất đồng kéo dài trong nhiều tuần để chấm dứt cuộc chiến giá dầu cũng như tìm kiếm giải pháp ổn định thị trường “vàng đen” thế giới.
Thỏa thuận mới đề ra cam kết cắt giảm 10 triệu thùng/ngày từ tháng 5 đến tháng 6/2020 cho toàn OPEC+. Ả rập Xê út và Nga, hai nhà sản xuất lớn nhất của OPEC+, mỗi bên sẽ cắt giảm khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, trong khi Iraq cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày. Các thành viên còn lại đồng ý giảm 23% sản lượng. Sau đó, mức cắt giảm sẽ được hạ xuống còn 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến tháng 12/2020 và 6 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022.
Thỏa thuận mới của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ sụt giảm do tác động của hàng loạt giới hạn đi lại, nhằm hạn chế dịch bệnh COVID-19 lây lan. Tuy nhiên, thỏa thuận lịch sử này đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ khi vấp phải sự phản đối từ Mexico, sau khi nước này từ chối mức cắt giảm theo khuyến nghị của OPEC+ là 400.000 thùng/ngày và chỉ đồng ý thực hiện mức cắt giảm 100.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng tới.
Ngay trong ngày 9/4, thị trường dầu mỏ thế giới đã phản ứng tích cực sau những thông tin về quyết định cắt giảm sản lượng lịch sử của OPEC+. Tuy nhiên, đến ngày 10/4, giá dầu lại tiếp tục giảm mạnh trong khi chờ đợi một thỏa thuận chính thức.
Giới quan sát cho rằng, chỉ từ đầu năm cho tới nay, giá dầu đã mất đi một nửa giá trị trong khi nhu cầu tiêu thụ lại dự báo sẽ giảm mạnh tới 30%, chưa kể tới “sự thiếu hợp tác” từ phía Mexico đang khiến cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng bị bỏ lửng. Các biện pháp của OPEC+ vừa đưa ra được cho là sẽ chỉ “như muối bỏ bể” và khó có thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng nhằm cải thiện giá dầu vốn đang ở mức thấp kỷ lục.
Ông Bernie Sanders của đảng Dân chủ rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng
Ngày 8/4, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ tham gia bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới đây.
Ông Bernie Sanders, một nhà xã hội dân chủ tuyên bố quyết định rút khỏi cuộc đua tại cuộc họp trực tuyến cùng các cố vấn đồng hành trong chiến dịch tranh cử.
Tổng hợp-TT