IMF dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục là bức tranh đổ nát; Quân đội Nga duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ; Trung Quốc phủ nhận đập Tam Hiệp sắp sập; Nguy cơ xung đột quân sự Mỹ – Trung cao chưa từng có; Siêu máy tính nhanh nhất thế giới; Thế giới có hơn 9,3 triệu ca nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
IMF dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục là bức tranh đổ nát
Ảnh minh họa.
(Doanhnhan.vn) – Hai tháng sau khi dự đoán khủng hoảng về suy thoái mạnh nhất trong gần một thế kỷ, IMF lại đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu mới và mọi thứ có thể sẽ còn tồi tệ hơn.
Các quan chức của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington mới đây đã đưa ra dự báo, kinh tế trong tháng này có thể sẽ còn bi quan hơn so với vào tháng 4. Trước đó, việc đóng cửa và giãn cách xã hội toàn cầu vì Covid-19 đã gây ra suy thoái 3% trong năm nay, theo Bloomberg đưa tin.
Khi kinh tế toàn cầu ngừng hoạt động trên diện rộng, nhiều nền kinh tế đã phải đối mặt với sự thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Ví dụ như tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Anh trong tháng 4 đã giảm 20,4% so với tháng trước, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được theo dõi vào năm 1997, sau khi đã giảm 5,8% trong tháng 3. Dẫu vậy, nếu hỏi IMF có thể lạc quan vào điều gì, có lẽ IMF sẽ nói đến châu Âu, Nhật Bản, Mỹ bởi các chỉ số tiêu dùng dự kiến có sự cải thiện.
Các quốc gia tại châu Âu sẽ bắt đầu mở cửa lại vào tháng 6, một loạt các chỉ số tiêu dùng, dịch vụ sẽ giúp các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách có cái nhìn rõ hơn về những khủng hoảng mà nền kinh tế nơi đây đang phải đối mặt.
Quân đội Nga duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ
Hơn 14.000 binh sĩ, hàng trăm khí tài cơ giới và 75 máy bay quân sự các loại duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng trước Phát xít Đức.
Quân đội Nga hôm nay (24/6) tổ chức duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ với sự tham gia của 14.000 binh sĩ, hơn 200 khí tài cơ giới và 75 máy bay quân sự các loại, nhằm tái hiện cuộc duyệt binh huyền thoại ngày 24/6/1945 của những người lính Hồng quân đã đánh bại Đức quốc xã 75 năm trước.
Theo chương trình, lễ duyệt binh bắt đầu với “Hành khúc gặp gỡ kỷ niệm”- bản nhạc này đã vang lên trên Quảng trường Đỏ vào ngày 24/6/1945. Sau đó là phần diễu hành của các binh chủng của quân đội Nga. Một phần các quân nhân sẽ xuất hiện trong quân phục và vũ khí như thời Chiến tranh Thế giới II.
Giống như mọi năm, đây là dịp để Nga phô diễn sức mạnh quân sự vượt trội với những khí tài thế hệ mới, trong đó có thể kể tới xe tăng chủ lực T-90M và T-80BVM, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 và T-15 Armata, hệ thống pháo phản lực phóng loạt Tornado-S và TOS-2, tên lửa phòng không S-300V4.
Nhiều phái đoàn các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước thuộc Liên Xô cũ… nhận lời dự sự kiện và cử binh sĩ tham gia duyệt binh. Phía Nga trước đó có dành lời mời cho lãnh đạo một số nước phương Tây, song do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một số nhà lãnh đạo quyết định không tới Moscow.
Lễ duyệt binh Chiến thắng thường được tổ chức vào ngày 9/5, thời điểm Phát xít đầu hàng quân Đồng minh theo giờ Nga cách đây 75 năm, song được lùi đến ngày 24/6 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự sự kiện và có bài phát biểu.
Trung Quốc phủ nhận đập Tam Hiệp sắp sập
Các chuyên gia Trung Quốc đã bác bỏ những tin đồn cho rằng đập Tam Hiệp – công trình thuỷ điện lớn nhất thế giới, có nguy cơ đổ sập.
Theo Thời báo Hoàn cầu, đập Tam Hiệp vẫn còn nguyên vẹn và dư sức chứa lượng nước đổ về hiện nay. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các khu vực phía nam của Trung Quốc vừa hứng chịu những trận mưa xối xả và mực nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp đã vượt quá đường kiểm soát lũ lụt.
Kể từ khi Trung Quốc bước vào mùa lũ lụt tháng 6, các vùng miền nam và đông Trung Quốc đã chịu mưa lớn. Lũ lụt đã ảnh hưởng tới hơn 2 triệu người và gây thiệt hại cho kinh tế nước này hàng tỷ nhân dân tệ.
Mức nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp đã lên tới 147m hồi cuối tuần trước, cao hơn 2m so với đường cảnh báo lũ lụt. Trong khi đó, dòng chảy đã tăng lên 26.500m3 mỗi giây, trong khi một ngày trước đó mức này là 20.500m3 mỗi giây.
Mức nước tăng báo động trên đã tiếp thêm sức cho những tin đồn rằng đập Tam Hiệp sắp sập và các cư dân gần đó nên sơ tán. Những thông tin này đã lan truyền khắp trên mạng cả ở Trung Quốc lẫn nước ngoài.
Tháng 7/2019, một ảnh chụp từ vệ tinh của Google Maps dường như cho thấy đập Tam Hiệp bị lõm, làm dấy lên thông tin nó sắp vỡ.
Nguy cơ xung đột quân sự Mỹ – Trung cao chưa từng có
Dân trí Nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc hiện cao chưa từng có khi các kênh liên lạc giữa quân đội hai nước gần như đóng băng, giới chuyên gia Trung Quốc nhận định.
Ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông tại Trung Quốc, nói rằng việc Bắc Kinh và Washington đối đầu trên nhiều mặt trận, sự nghi kỵ chính trị đã dẫn đến việc các kênh liên lạc liên chính phủ giữa hai bên gần như bị đóng băng. Giới chức quân sự Trung Quốc và Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chưa có hoạt động nhóm họp nào kể từ năm 2017.
Theo một báo cáo của Trung Quốc về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Viện trên công bố ngày 23/6, các liên hệ giữa quân đội và Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2018. Mối quan hệ Mỹ – Trung đã xấu đi rõ rệt sau khi Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc cuộc tập trận hải quân đa phương quy mô lớn có tên Vành đai Thái Bình Dương cách đây 2 năm. Báo cáo nêu, Mỹ nói họ hành động như vậy để đáp trả quân đội Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa và đáp máy bay ném bom xuống quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
“Tôi cho rằng, nguy cơ xung đột quân sự (Mỹ – Trung Quốc) đang tăng lên, đặc biệt sau vụ suýt va chạm giữa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ với tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc hồi tháng 9/2018 ở Biển Đông”, ông Wu nói. Theo Hải quân Mỹ, trong vụ việc xảy ra tháng 9/2018 này, tàu chiến Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm tàu USS Decatur khi con tàu của Hải quân Mỹ đang làm nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải trong khu vực gần Đá Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa.
Siêu máy tính nhanh nhất thế giới
SGGP Siêu máy tính Fugaku – phiên bản siêu máy tính mới nhất của Viện Nghiên cứu Riken đã dẫn đầu danh sách Tốp 500 hệ thống máy tính nhanh nhất thế giới năm 2020.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua, một siêu máy tính của Nhật Bản đứng đầu danh sách này.
Fugaku do Viện Nghiên cứu Riken và Công ty Fujitsu hợp tác phát triển dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ Nhật Bản, có tốc độ xử lý lên tới 415,53 triệu tỷ phép tính trong một giây – gấp 2,8 lần siêu máy tính nhanh nhất thế giới năm 2019 của Mỹ, IBM Summit, đặt tại phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở bang Tennesse. Việc Fugaku leo lên vị trí dẫn đầu đã thay đổi trật tự trong cuộc chạy đua siêu máy tính nhanh nhất thế giới trong gần một thập niên qua, vốn luôn bị thống trị bởi Mỹ và Trung Quốc.
Không chỉ thống trị về tốc độ xử lý, siêu máy tính Fugaku còn chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu trong 3 hạng mục khác liên quan tới ứng dụng trong công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data). Theo Viện Nghiên cứu Riken, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một siêu máy tính có được vị trí số 1 trong cả 4 hạng mục nêu trên.
Việc chính phủ một đất nước đầu tư phát triển máy tính tốc độ cao được cho là mang đến rất nhiều lợi ích. Siêu máy tính trở thành một phần quan trọng trong hạ tầng hiện đại, nó giúp mang đến sự phát triển của nhiều loại thuốc và nguyên liệu mới, đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới trong lĩnh vực AI.
Việc phát triển siêu máy tính cũng có nhiều ý nghĩa về mặt an ninh bởi nó được sử dụng trong hoạt động thử nghiệm hạt nhân.
Siêu máy tính này dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầy đủ từ tháng 4-2021. Hiện nay, siêu máy tính Fugaku chỉ vận hành được 1/6 khả năng tối đa, nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đã đủ vượt xa K, siêu máy tính do Fujitsu phát triển từng dẫn đầu bảng xếp hạng Tốp 500 vào năm 2011.
*** Thế giới có hơn 9,3 triệu ca nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 24/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 9.334.159 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 478.732 ca tử vong và 5.012.177 ca phục hồi.
Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có thêm 151.584 ca nhiễm mới và 5.248 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 2.422,669 ca nhiễm COVID-19, trong đó 123.463 ca tử vong vì dịch bệnh.
Chính quyền bang Louisiana thông báo bang này sẽ không bắt đầu giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế như kế hoạch ban đầu. Theo đó, giai đoạn 2 hiện tại sẽ kéo dài thêm 28 ngày để làm chậm đà lây lan của đại dịch COVID-19.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Brazil (34.558 ca), Mỹ (34.492 ca) và Ấn Độ (15.612 ca); trong khi các nước Brazil (1.242 ca), Mỹ (853 ca), Mexico (759 ca) và Ấn Độ (468 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện, số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.342.127 người, với 188.613 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 13.580 ca nhiễm mới và 684 ca tử vong vì COVID-19.
Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 599.705 ca mắc COVID-19 và 8.359 ca tử vong vì dịch bệnh. Anh, Tây Ban Nha, Italy lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với số ca nhiễm lần lượt với 306.210; 293.832; 238.833 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại. Hiện Anh là quốc gia đứng đầu châu lục và thứ 3 thế giới về số ca tử vong do dịch COVID-19, với 42.927 trường hợp. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/6 đã công bố thêm một số nới lỏng đối với lệnh phong tỏa tại khu vực England từ ngày 4/7.
Nhìn chung, dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu đang tiếp tục xu thế “hạ nhiệt”, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Châu Á, đã có tổng cộng 1.982.486 ca nhiễm và 50.046 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 41.812 ca mắc mới và 998 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 1.266.901 ca được điều trị khỏi; 665.539 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 19.306 ca bệnh nặng.
Châu Á hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát đại dịch COVID-19 sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 2 như Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran, trong khi số lượng bệnh nhận tăng mạnh tại Ấn Độ.
Ấn Độ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 21/6, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 15.612 ca mắc và 468 ca tử vong do dịch COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 456.062 và 14.483 ca.
Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 23/6, giới chức y tế Iran xác nhận số các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 209.970 người, sau khi có thêm 2.445 trường hợp mới ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Nước này cũng ghi nhận có thêm 121 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 9.836 trường hợp. Số ca nhiễm mới tại Iran đã giảm vào đầu tháng 5 vừa qua, song lại có xu hướng tăng lên trong những tuần gần đây. Iran đã không áp đặt lệnh phong tỏa bắt buộc đối với người dân để ngăn dịch bệnh lây lan, song chính quyền đã cho đóng cửa trường học, hủy các sự kiện đông người, và cấm việc di chuyển giữa 31 tỉnh thành.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 23/6, khu vực này ghi nhận thêm 2.324 ca mắc mới và 44 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc vì COVID-19 tại khu vực lên 134.854 người, trong đó 3.935 ca tử vong. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 75.708 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, khu vực chỉ có 2 quốc gia là Indonesia và Philippines ghi nhận có ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Hiện, Indonesia vẫn đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca mắc và tử vong vì COVID-19 với 47.896 ca nhiễm và 2.535 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong ngày 23/6, Bộ Y tế Indonesia thông báo, nước này ghi nhận thêm 1.051 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, và 35 ca tử vong trong ngày. Philippines ghi nhận thêm 1.143 ca mắc mới và 9 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên 31.825 và 1.186 trường hợp.
Hiện Việt Nam, Campuchia, Lào và Timor-Leste vẫn chưa ghi nhận có trường hợp tử vong nào vì COVID-19. Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 24/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến nay, đã 69 ngày Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 34.516 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 2.810.401 ca, tổng số người tử vong là 157.104 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 1.264.461 trường hợp, trong khi đó 1.388.836 ca đang được điều trị tích cực và 19.432 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 185.122 ca nhiễm và 22.584 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 101.905 ca nhiễm và 8.453 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Nam Mỹ có tổng 1.862.604 ca nhiễm, 74.207 ca tử vong, 1.032.326 ca phục hồi. Brazil trong 24 giờ qua chứng kiến một trong những ngày đại dịch bùng phát dữ dội nhất, khi các ca mắc COVID-19 mới và tử vong đều cao vọt. Tính tới sáng 24/6, nước này ghi nhận tổng cộng 1.145.906 ca nhiễm COVID-19 và 52.649 ca tử vong. Sau Brazil, Peru là quốc gia đứng thứ hai khu vực về số ca nhiễm, với 260.810 ca, số ca tử vong là 8.404 ca. Tiếp đến là Chile với 250.767 ca nhiễm và 4.505 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 326.705 ca mắc COVID-19, trong đó 8.623 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 106.108 trường hợp, trong đó 2.102 ca tử vong. Ai Cập là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục với 2.365 ca. Nước này cũng ghi nhận có 58.141 ca nhiễm COVID-19, xếp vị trí thứ 2 sau Nam Phi.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia và New Zealand là 2 quốc gia ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 18 trường hợp mắc mới và không có thêm trường hợp tử vong nào vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 7.492 ca, trong đó số ca tử vong là 102 trường hợp.
New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.515 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới COVID-19./.
*** Hàng trăm khí tài “khủng” của Nga duyệt binh mừng 75 năm Ngày Chiến thắng
Cuộc duyệt binh mừng 75 năm Ngày Chiến thắng Phát xít Đức sẽ diễn ra ở thủ đô Moscow của Nga hôm nay (24/6) với sự góp mặt của hơn 200 khí tài cơ giới và 75 máy bay quân sự các loại.
Động đất mạnh tấn công bệnh viện COVID-19 ở Mexico
Một trận động đất mạnh 7,4 độ richter xảy ra ở bờ biển phía Nam Mexico ngày 23/6, đã khiến ít nhất năm người thiệt mạng, làm sập nhiều tòa nhà và hàng ngàn người phải sơ tán.
Rút quân khỏi Đức, Mỹ tái triển khai đến Thái Bình Dương?
Sau thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định rút hàng ngàn binh sĩ khỏi Đức, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien cho biết những binh sĩ này có thể sẽ được điều đến khu vực Thái Bình Dương.
Đức vội vã tái phong tỏa vì “siêu ổ dịch” mới
Lần đầu tiên, Đức đã phải đặt toàn bộ một khu vực của nước này dưới lệnh phong tỏa, kể từ sau khi các hạn chế được nới lỏng hồi đầu tháng 5 vừa qua, do một ổ dịch bùng phát tại nhà máy chế biến thịt địa phương.
Số người nhiễm COVID-19 tại Nga chạm mốc 600.000 trước ngày duyệt binh
Số người nhiễm mới COVID-19 tại Nga tăng đều ở mốc 7-8.000 ca mỗi ngày, nâng tổng số người nhiễm toàn quốc lên sát ngưỡng 600.000 người trước ngày diễn ra các buổi lễ Duyệt binh Chiến thắng.
Hé lộ cách Putin được bảo vệ trước mối nguy COVID-19
Nga, một trong những điểm nóng dịch bệnh COVID-19 toàn cầu, đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ Tổng thống Vladimir Putin khỏi nguy cơ lây nhiễm.
Iran bác mọi khả năng thương lượng với Mỹ
Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad-Bagher Ghalibaf cho rằng các cuộc đối thoại với Mỹ ở thời điểm này không mang lại hiệu quả nào mà thậm chí còn có hại.
Israel thừa nhận Iran “đáng gờm nhất” toàn khu vực Trung Đông
Tham mưu trưởng quân đội Israel Aviv Kochavi cho rằng Iran đã trở thành quốc gia đáng gờm nhất tại khu vực Trung Đông do sở hữu nhiều vũ khí hiện đại.
Mỹ siết chặt kiểm soát thêm 4 cơ quan truyền thông Trung Quốc
Chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát, coi 4 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc là các “phái bộ nước ngoài”, cáo buộc họ là những “cơ quan tuyên truyền” của Bắc Kinh, theo SCMP.
Mỹ tạm ngừng nhập cảnh với người nước ngoài
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ việc nhập cảnh vào Mỹ của một số công nhân nước ngoài, một động thái mà Nhà Trắng cho biết sẽ có lợi cho nền kinh tế bị COVID-19 tàn phá nhưng lại bị giới kinh doanh phản đối mạnh mẽ.
Mồi lửa mới trong căng thẳng Trung – Nhật
Hội đồng thành phố Ishigaki ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản ngày 22/6 đã phê chuẩn một dự luật thay đổi tình trạng của một chuỗi đảo mà cả Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền, một động thái đe dọa làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á.
Thêm nhân viên chiến dịch của ông Trump nhiễm COVID-19
Đại diện chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thêm hai nhân viên chiến dịch tham gia cuộc vận động tranh cử tại Tulsa, Oklahoma, đã nhiễm COVID-19.
Tổng thống Venezuela sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột giữa hai nước.
Giới thương gia Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc
Các chỉ huy quân đội Ấn Độ và Trung Quốc gặp mặt trong ngày 22/6 trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng tại biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya sau cuộc đụng độ tồi tệ nhất trong hơn năm thập kỷ tại khu vực này.
Hàn Quốc tố hồi ký của cựu Cố vấn An ninh Mỹ “xuyên tạc”
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 22/6 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton vì những bình luận “xuyên tạc sự thật” về các đường lối ngoại giao thượng đỉnh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Ít nhất 40 lính Trung Quốc thiệt mạng trong vụ đụng độ với Ấn Độ
Theo Bộ trưởng Giao thông đường bộ và Cao tốc Ấn Độ Vijay Kumar Singh, đã có ít nhất 40 binh lính Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc đụng độ với Ấn Độ tại biên giới hai nước ở thung lũng Galwan tuần trước.
Tổng hợp-TT