Các nước chạy đua ký “hợp đồng đặt cọc” khiến vaccine Covid-19 sốt giá; Ông Bill Clinton chỉ trích cách Tổng thống Trump đối phó COVID-19; Ông Trump hủy đàm phán thương mại với Trung Quốc; Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới; Hơn 22,5 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.
Các nước chạy đua ký “hợp đồng đặt cọc” khiến vaccine Covid-19 sốt giá
Nga thử nghiệm vaccine COVID-19 thứ hai giai đoạn hai. Ảnh: Sputnik
Cuộc đua tìm kiếm cũng như sở hữu vaccine Covid-19 ngày càng kịch tính đang tạo nên cơn sốt giá và đặt câu hỏi về mức độ an toàn, hiệu quả của vaccine.
Kể từ sau khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V, cuộc đua tìm kiếm cũng như sở hữu vaccine thêm phần sôi động và kịch tính. Hiện có nhiều lo ngại để nhận được các hợp đồng đặt cọc hàng tỷ USD, các quốc gia đang gấp rút “đốt cháy giai đoạn” để tiến tới vạch đích. Điều này đang tạo nên một cơn sốt giá cũng như đặt câu hỏi về mức độ an toàn và hiệu quả của những loại vaccine đang được cả thế giới kỳ vọng.
Trung Quốc hôm qua (18/8) thông báo, một loại vaccine do Tập đoàn Dược phẩm Sinopharm sản xuất sẽ không vượt quá 144,27 USD cho 2 mũi tiêm. Trước đó có một số tập đoàn đã thông báo giá vaccine, với Moderna dao động khoảng 32-37 USD/liều, trong khi tập đoàn Pfizer và đối tác BioNTech tại Mỹ có giá khoảng 40 USD/liều.
Ông Bill Clinton chỉ trích cách Tổng thống Trump đối phó COVID-19
Cựu Tổng thống Bill Clinton tối 18/8 đã chỉ trích cách phản ứng với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Tổng thống Donald Trump, theo đó cáo buộc ông Trump do dự cũng như truyền bá thông tin sai lệch trong giai đoạn đầu bùng phát dịch và nhấn mạnh chính điều này đã khiến nước Mỹ bị dịch bệnh tác động nghiêm trọng hơn.
Phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ theo hình thức trực tuyến, ông Clinton nói rằng thay vì biến Phòng Bầu Dục thành một “trung tâm chỉ huy” để đối phó đại dịch, ông Trump đã biến Nhà Trắng thành một “tâm bão” khiến “bất ổn” gia tăng.
Ông Clinton nêu rõ: “Đầu tiên, ông Trump nói rằng virus nằm trong tầm kiểm soát và sẽ sớm biến mất. Khi điều này không xảy ra, ông ta xuất hiện trên truyền hình hàng ngày để khoe khoang về một công việc lớn lao mà bản thân đang thực hiện, trong khi các nhà khoa học của chúng ta vẫn đang nhẫn nại chờ đợi các thông tin quan trọng.” Ông Clinton cũng lưu ý rằng “khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại nhiều bang hơn, ông Trump mới kêu gọi mọi người đeo khẩu trang. Khi đó, đã có nhiều người tử vong”.
Tập trận RIMPAC bắt đầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Cuộc tập trận hải quân đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) đã bắt đầu diễn ra ngoài khơi đảo Hawaii với sự tham gia của 23 chiến hạm tới từ 10 quốc gia.
Cuộc tập trận hải quân đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) đã bắt đầu diễn ra ngoài khơi đảo Hawaii của Mỹ ngày 17/8, song quy mô cuộc tập trận đã được thu hẹp do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cuộc tập trận năm nay có 23 chiến hạm của 10 quốc gia tham gia, trong đó khu vực châu Á có cả các đồng minh thận cận của Mỹ tại Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á như Brunei, Philippines và Singapore.
Ông Trump hủy đàm phán thương mại với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã hủy các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc hồi cuối tuần trước, đồng thời đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch Covid-19.
Theo hãng tin Bloomberg, lãnh đạo Nhà Trắng cũng tiếp tục than phiền về Trung Quốc, đặc biệt là việc lây lan của virus corona chủng mới. Ông cho rằng, những gì Bắc Kinh đã làm với thế giới là “không thể tưởng tượng được”.
Washington và Bắc Kinh từng lên kế hoạch tổ chức đàm phán vào cuối tuần trước để đánh giá 6 tháng thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1 ký hồi đầu năm. Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ điện đàm video với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Song, sự kiện sau đó đã bị hoãn vô thời hạn.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.
Bảng giá gạo xuất khẩu của VFA ngày 14/8 cập nhật: Gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 – 497 USD/tấn, trong khi giá giao dịch gạo cùng loại của Thái Lan chỉ đạt 473 – 477 USD/tấn; gạo Pakistan bán từ 423 – 427 USD/tấn, gạo Ấn Độ từ có giá 378 – 382 USD/tấn…
Như vậy, giá giao dịch gạo 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới đang cao nhất, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115 USD/tấn.
*** Hơn 22,5 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn 22,5 triệu người nhiễm nCoV, hơn 789.000 người chết, khi WHO cảnh báo thế giới còn cách miễn dịch cộng đồng rất xa.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 22.526.740 ca nhiễm và 789.147 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 250.454 và 6.185 ca sau 24 giờ, trong khi 15.266.070 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.694.679 ca nhiễm và 176.165 người chết, tăng lần lượt 42.615 và 1.245 ca so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ liên bang sẽ cung cấp tới 125 triệu khẩu trang có thể tái sử dụng cho các học khu trên khắp Mỹ, đồng thời thúc giục các bang cho phép học sinh quay lại trường, bất chấp cảnh báo cần thận trọng của giới chức y tế. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trẻ em nhiễm nCoV ít có triệu chứng nặng, nhưng nghiên cứu mới cho thấy nhóm này vẫn có khả năng lây truyền virus.
Trong khi đó, Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết việc mở lại trường học “rủi ro và có vấn đề” vì đầu năm học trùng với đầu mùa cúm, do đó đặt ra thêm gánh nặng cho năng lực xét nghiệm của bang.
Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 111.100 sau khi ghi nhận thêm 1.081 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 44.780 trong 24 giờ qua, lên 3.456.652.
Kết quả cuộc khảo sát được công bố hôm 15/8 trên tờ Folha de Sao Paulo cho thấy 47% người tham gia tin rằng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro không chịu trách nhiệm về đại dịch Covid-19 tại đất nước, trong khi 11% có quan điểm ngược lại, coi đây là lỗi của ông. Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 11-12/8 bằng cách gọi điện cho 2.065 người.
Brazil tham gia vào nhiều cuộc thử nghiệm vaccine. Giới chức chính phủ hy vọng có thể bắt đầu tiêm phòng Covid-19 cho một số người dân Brazil trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, thời điểm chính xác phụ thuộc vào kết quả những nghiên cứu đang được tiến hành và quy trình phê duyệt của cơ quan quản lý tại địa phương.
Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh và là vùng dịch lớn thứ ba khu vực, báo cáo 531.239 ca nhiễm và 57.774 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 5.506 và 751 trường hợp. Giới chức Mexico cho biết nước này cần khoảng 200 triệu liều vaccine Covid-19 và có thể bắt đầu tiêm cho người dân từ tháng 4/2021.
Mexico nói với Moskva ngày 19/8 rằng họ muốn tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba cho vaccine Sputnik V do Nga sản xuất.
Chile ghi nhận 388.855 ca nhiễm và 10.546 ca tử vong, tăng lần lượt 1.353 và 33 trường hợp so với hôm trước. Chile dỡ phong tỏa trung tâm thủ đô từ 17/8, sau khi đã dỡ phong tỏa ở các khu vực ngoại ô phía đông và phía nam hai tuần trước. Thị trưởng Santiago Felipe Alessandri khuyến cáo người dân vẫn nên ở trong nhà, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thường xuyên rửa tay.
Người dân có thể rời khỏi nhà vào các ngày trong tuần mà không cần sự cho phép của cảnh sát như trước đây. Họ có thể tụ tập nhóm nhỏ, trong khi các doanh nghiệp có thể dần mở cửa trở lại.
Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 596.060 ca nhiễm và 12.423 ca tử vong, tăng lần lượt 3.916 và 159 ca.
Trung tâm tài chính Gauteng cùng hai tỉnh phát triển du lịch là Tây Cape và Đông Cape đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mạnh mẽ trong nhiều tháng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize tuần trước cho biết ba điểm nóng này đang dần hạ nhiệt trong những tuần gần đây, dù chưa rõ đỉnh dịch tại nước này đã qua hay chưa.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 117 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 15.989. Số ca nhiễm tăng thêm 4.828, lên 937,321. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.
Bộ Y tế Nga cuối tuần qua thông báo quá trình sản xuất vaccine phòng chống nCoV do Viện Nghiên cứu Khoa học về Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya phát triển đã bắt đầu.
Giới chức Nga cho hay họ có khả năng sản xuất tới 500 triệu liều vaccine Sputnik V trong 12 tháng tới. Quy trình sản xuất dự kiến cũng được tiến hành ở nước ngoài và các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba sẽ sớm triển khai ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Arab Saudi và Philippines.
Tây Ban Nha ghi nhận 387.985 ca nhiễm, tăng 3.715 trường hợp trong khi ca tử vong tăng 127 ca lên 28.797. Sau một thời gian yên bình, nước này lại đang dẫn đầu về số ca nhiễm mới ở châu Âu trong vài tuần qua sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Các chính quyền khu vực đã tái áp đặt các hạn chế đối với cuộc sống về đêm và giao thông công cộng. Madrid, Catalonia và Basque Country đều triển khai các chương trình sàng lọc quy mô lớn nhằm xác định và cách ly những người nhiễm nCoV không triệu chứng.
Số người chết tại Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, đã vượt 20.000, ở mức 20.125 sau khi ghi nhận thêm 153 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.444, lên tổng cộng 350,279 ca. Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 tại Trung Đông, với những số liệu bị nghi ngờ về tính chính xác.
Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 69.196 ca nhiễm và 980 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.835.822 và 53.994.
Thủ tướng Narendra Modi hôm 11/8 kêu gọi các lãnh đạo địa phương tăng cường xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, trong bối cảnh giới chuyên gia lo lắng hệ thống y tế vốn chịu nhiều gánh nặng không thể đối phó được đại dịch khi virus tràn lan trong cộng đồng.
Theo nhà chức trách thành phố Pune, phía nam Mumbai, nơi sinh sống của khoảng 3,5 triệu dân, kết quả xét nghiệm kháng thể tại 5 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 ở thành phố cho thấy 51,5% số người được khảo sát đã có kháng thể nCoV, cho thấy tỷ lệ lây lan của virus cao hơn so với báo cáo.
Trung Quốc chưa công bố số liệu.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 173.774 ca nhiễm và 2.795 ca tử vong, tăng lần lượt 4.650 và 111 ca. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 18/8 quyết định nới phong tỏa đối với thủ đô Manila và 4 vùng lân cận Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan sau khi lệnh phong tỏa hai tuần để ngăn Covid-19 hết hiệu lực.
Philippines hôm 14/8 cấm nhập khẩu thịt gia cầm từ Brazil sau khi hai thành phố Trung Quốc phát hiện nCoV trên hàng đông lạnh, bao gồm cánh gà từ Brazil. Họ không cho biết lệnh này kéo dài bao lâu. Brazil chiếm khoảng 20% lượng thịt gia cầm nhập khẩu của Philippines.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 144.945 ca nhiễm, tăng 1.902 trường hợp so với hôm trước, trong đó 6.346 người chết, tăng 69 ca.
Thủ đô Jakarta kéo dài hạn chế xã hội đến 27/8, yêu cầu nhà hàng, nơi thờ tự và giao thông công cộng hoạt động với công suất hạn chế. Giới chức thủ đô đang thử nghiệm chiến thuật gây sốc để cảnh báo sự nguy hiểm của Covid-19 bằng cách trưng quan tài rỗng trên ngã tư đông đúc. Dòng chữ “nạn nhân Covid-19” màu đỏ được sơn trên quan tài giả
Trong khi đó, Bali, một trong những trung tâm du lịch của Indonesia, đang lên kế hoạch đón du khách nước ngoài từ ngày 11/9.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 56.031 người nhiễm, tăng 93 ca, và 27 người chết vì nCoV. Singapore hai tuần trước hoàn tất xét nghiệm lao động nhập cư sống trong ký túc xá và đang tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khẳng định thế giới còn cách miễn dịch cộng đồng rất xa. Ông khẳng định ngăn chặn các ổ dịch lây lan trong cộng đồng là chìa khóa để đối phó Covid-19.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng tình trạng các nước đặt lợi ích riêng lên trên hết trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine Covid-19 khiến đại dịch tồi tệ hơn.
“Việc chia sẻ nguồn cung ứng hữu hạn một cách có chiến lược trên phạm vi toàn cầu thực sự là vì lợi ích của mỗi quốc gia. Không ai được an toàn cho đến khi tất cả an toàn”, ông phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/8, kêu gọi chấm dứt “chủ nghĩa dân tộc vaccine”.
*** Trực thăng gặp nạn trong biển lửa ở California
Một máy bay trực thăng tham gia hoạt động chữa cháy đã bị rơi gần sân bay thành phố Coalinga hôm 19/8.
EU chính thức tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử Belarus
Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo Liên minh châu Âu (EU) không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống ở Belarus và cáo buộc cuộc bầu cử “không tự do, không công bằng”.
Đập Tam Hiệp sắp hứng đợt lũ kinh hoàng nhất lịch sử
Giới chức Trung Quốc cảnh báo hồ chứa đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới sẽ hứng dòng nước lũ mạnh chưa từng có từ khi hồ này bắt đầu chứa nước vào năm 2003.
Belarus chuyển quân tới biên giới NATO giữa lúc nhạy cảm
Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cáo buộc phe đối lập tìm cách lật đổ chính quyền, đồng thời xác nhận đã triển khai các đơn vị vũ trang tới biên giới phía Tây.
Australia hứa giúp Đông Nam Á sớm có vaccine COVID-19
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này đã đạt thỏa thuận mua vaccine COVID-19 do Đại học Oxford phát triển và hứa sẽ giúp các nước Đông Nam Á cũng sẽ sớm được tiếp cận vaccine.
Hai máy bay quân sự Mỹ rơi sau khi đâm nhau trên bầu trời Syria
Hai máy bay quân sự không người lái (UAV), nghi là mẫu MQ-9 Reaper, của Mỹ đã rơi xuống đất sau vụ va chạm mạnh trên bầu trời tỉnh Idlib của Syria.
Bùng ổ dịch COVID-19 mới từ nhà thờ, Hàn Quốc lo kịch bản Tân Thiên Địa lặp lại
Hàn Quốc ghi nhận gần 300 ca nhiễm trong 24h gần nhất, mức cao nhất trong 5 tháng qua, khiến giới chức phải ban bố loạt biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Tổng thống Putin cảnh báo phương Tây không can dự vào Belarus
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi các châu Âu không can dự vào cuộc khủng hoảng Belarus, sau khi nhiều lãnh đạo EU ra một loạt phát ngôn ủng hộ người biểu tình ở Minsk.
Tổng thống Trump hủy đàm phán thương mại với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này đã hoãn vô thời hạn cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và tiếp tục đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch COVID-19.
Nhìn lại cuộc chính biến góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô 3
Cách đây gần 3 thập kỉ, nhóm lãnh đạo theo đường lối cứng rắn ở Liên Xô quyết định đảo chính nhằm ngăn nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev chia cắt đất nước, nhưng cuối cùng, cuộc chính biến đã đẩy nhanh tốc độ tan rã của Liên Xô.
Bị lính đảo chính bắt giam, Tổng thống Mali lên truyền hình xin từ chức
Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita xuất hiện trên truyền hình quốc gia và tuyên bố từ chức ngay lập tức, sau khi ông cùng Thủ tướng Boubou Cisse các binh sĩ nổi dậy bắt giam.
Tướng quân đội Nga thiệt mạng vì bom gần căn cứ Mỹ ở Syria
Một sĩ quan mang hàm thiếu tướng của quân đội Nga đã thiệt mạng, trong khi vài người khác bị thương khi đoàn xe của họ bị tấn công bằng bom tại tỉnh Deir ez-Zor của Syria.
Vấn đề chống phân biệt chủng tộc nóng lên tại Đại hội đảng Dân chủ Mỹ
Sáng 18-8 (giờ Việt Nam), đảng Dân chủ của Mỹ đã khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 49 (DNC) tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin nhằm bầu chọn ứng cử viên tổng thống của đảng này tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Mỹ chỉ đích danh ông Putin chỉ đạo can thiệp bầu cử
Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cho rằng chính Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp chỉ đạo việc phát tán email gây hại cho Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 để giúp ông Trump đắc cử.
Tổng thống Mỹ ân xá cho một nhân vật từ thế kỷ 19
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/8 cho biết, ông sẽ ân xá cho Susan B. Anthony, một người lãnh đạo trong phong trào bầu cử của phụ nữ, bị bắt vì bỏ phiếu vào năm 1872 do vi phạm quy định thời đó chỉ cho nam giới bỏ phiếu.
Đội tuyển xe tăng QĐND Việt Nam tiếp cận “chiến mã”
Tại khu kỹ thuật xe tăng của thao trường Alabino ngày 18-8 (giờ địa phương), toàn bộ không gian bị bao trùm bởi tiếng ầm ầm của động cơ xe tăng, xen lẫn trong đó là những “tiếng hét” qua lại để trao đổi chuyên môn giữa các vận động viên và ban huấn luyện trên mặt đã lấm tấm mồ hôi.
Ông Trump quyết liệt phản pháo chỉ trích từ cựu đệ nhất phu nhân
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng trước nhiều sự chỉ trích dành cho ông tại Hội nghị quốc gia đảng Dân chủ diễn ra tối 17/8 (giờ Mỹ).
Tổng hợp-TT