VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 7/9/2020.

“Bão” phá sản, thất nghiệp càn quét thế giới; 27 triệu người Thái Lan thất nghiệp, xếp hàng dài nhận thực phẩm miễn phí; Vì sao châu Âu ngày càng xa cách với Trung Quốc?; Mỹ tính chi gần 2 tỷ USD loại bỏ thiết bị viễn thông Trung Quốc; Anh ghi nhận kỷ lục buồn, nhiều bang Mỹ tăng ca mắc Covid-19…là những tin chính được cập nhật.
“Bão” phá sản, thất nghiệp càn quét thế giới
 Bão phá sản, thất nghiệp càn quét thế giới - Ảnh 1. Một cửa hàng treo bảng thông báo giảm giá vì sắp ngừng hoạt động ở TP New York – Mỹ hôm 25-8 .Ảnh: REUTERS
Theo báo cáo của Công ty Bảo hiểm Euler Hermes (Pháp), ước tính số lượng công ty phá sản trên thế giới từ năm 2019 đến 2021 sẽ tăng 35%; khoảng 46 công ty có tài sản trên 1 tỉ USD đã nộp đơn phá sản tại Mỹ, tính đến giữa tháng 8-2020
Các công ty Mỹ lâm vào cảnh phá sản với tốc độ nhanh nhất trong 10 năm qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế.
Covid-19 chặn đường sống của doanh nghiệp
Theo báo cáo của trang dữ liệu doanh nghiệp phá sản BankruptcyData.com, 46 công ty có tài sản ít nhất 1 tỉ USD đã nộp đơn phá sản theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ tính đến giữa tháng 8. Con số cao kỷ lục này đã vượt qua con số 38 công ty có giá trị tỉ USD nộp đơn phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2009 và cao hơn mức 18 công ty nộp đơn xin phá sản trong cùng kỳ năm ngoái. Tờ Financial Times đưa tin 157 công ty nợ ít nhất 50 triệu USD đã nộp đơn phá sản tại Mỹ trong năm nay, gồm 24 nhà bán lẻ lớn như JCPenney, Brooks Brothers và Neiman Marcus.
Các công ty dầu khí lớn cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. 33 công ty dầu khí nộp đơn phá sản trong năm nay, gồm Chesapeake Energy, Whiting Petroleum và Diamond Offshore Drilling… Theo báo cáo của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu thị trường BofA Global Research, tổng nợ của các doanh nghiệp Mỹ, dưới hình thức trái phiếu hoặc khoản vay, đang ở mức cao kỷ lục 10.500 tỉ USD, tăng gấp 30 lần so với mức tương ứng cách đây khoảng nửa thế kỷ.
Ông Ben Schlafman, Giám đốc điều hành của New Generation Research – công ty sở hữu BankruptcyData.com, nhận định: “Đây là thời kỳ đầy khó khăn. Chúng ta đang ở thời điểm đầu của chu kỳ phá sản này. Nó sẽ lan rộng khắp các ngành công nghiệp khi chúng ta lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng”. Theo nghiên cứu của Công ty Bảo hiểm Euler Hermes (Pháp), Mỹ sẽ là quốc gia có tỉ lệ phá sản cao nhất, tăng 57% vào năm 2021 so với năm 2019. Bên cạnh đó, các quốc gia như Brazil, Anh, Tây Ban Nha và Trung Quốc có tỉ lệ lần lượt là 45%, 43%, 41% và 20%.
Báo cáo của Euler Hermes cảnh báo dịch Covid-19 đang tạo ra một “quả bom hẹn giờ” về mất khả năng thanh toán đối với doanh nghiệp, ước tính số công ty phá sản từ năm 2019 đến 2021 sẽ tăng 35%. Trước đó, hơn 460.000 doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa vĩnh viễn trong quý I/2020. Hơn một nửa trong số đó hoạt động chưa đến 3 năm. Theo Tianyacha, hệ thống cơ sở dữ liệu thương mại chuyên thống kê số liệu công khai, trong số đó có 26.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Trong khi đó, Pháp có nguy cơ đón “làn sóng” doanh nghiệp phá sản kể từ tháng 9 khi các biện pháp khẩn cấp mà chính phủ đã liên tục duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp hết hiệu lực.
27 triệu người Thái Lan thất nghiệp, xếp hàng dài nhận thực phẩm miễn phí
(NLĐO) – Ít nhất 27 triệu người lao động Thái Lan đã mất việc vì đại dịch Covid-19
Trang Asia News đưa tin hình ảnh dòng người thất nghiệp ở Thái Lan xếp hàng chờ nhận thực phẩm miễn phí từ các tổ chức từ thiện đã trở nên phổ biến từ khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của những người lao động không chính thức.
Ít nhất 27 triệu người Thái bị mất việc trong các lĩnh vực du lịch, giải trí, thực phẩm và du lịch. Khi đường hàng không bị đóng băng và hàng chục triệu du khách không thể đến Thái Lan vì dịch bệnh, nền kinh tế đã biến thành một hoang mạc khi công ăn việc làm và tiền lương đều biến mất.
Trước tình hình này, phần lớn những người thất nghiệp đành trông chờ vào sự giúp đỡ của chính phủ. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã hứa sẽ hỗ trợ 5.000 baht/tháng cho những người bị mất việc làm nhưng đến nay mới chỉ khoảng 13,5 triệu người nhận được số tiền trợ cấp này. Hiện chưa rõ chính phủ Thái Lan có thể hỗ trợ trong bao lâu.
Đối với lao động nước ngoài, sự việc còn đáng lo hơn khi chính phủ chỉ giúp đỡ người dân trong nước. Trong lúc chờ đợi, những người thất nghiệp phải xếp hàng dài để nhận thực phẩm miễn phí như gạo, mì, sữa từ các tổ chức từ thiện.
Theo dự đoán, nền kinh tế Thái Lan sẽ bị suy giảm 6,5%, con số tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Vì sao châu Âu ngày càng xa cách với Trung Quốc?
VOV.VN – Bất chấp những nỗ lực ngoại giao từ phía Trung Quốc trong năm 2020, châu Âu vẫn ngày càng xa cách và dè dặt hơn với Bắc Kinh.
Châu Âu ngày càng xa cách với Trung Quốc
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã có một năm tồi tệ ở châu Âu song những nỗ lực của họ trong tuần vừa qua vẫn không khiến tình hình tiến triển tốt đẹp hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể phải đối mặt với sự hoài nghi và sự xa cách từ phía châu Âu, thậm chí còn nhanh hơn và lớn hơn so với Tổng thống Trump.
Trung Quốc không hiểu châu Âu
Trung Quốc không hiểu châu Âu và chưa bao giờ hiểu châu Âu. Bất chấp những nỗ lực hợp tác được thúc đẩy, những rạn nứt trong mối quan hệ này ngày càng hiện rõ, từ chiến lược ngoại giao khẩu trang bất thành của Trung Quốc cho tới nỗ lực làm sai lệch thông tin khi Bắc Kinh yêu cầu thay đổi nội dung một bài báo của Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis và các đại sứ của 27 nước thành viên EU tại nước này.
Sai lầm của Trung Quốc trong chính sách với EU đã bắt đầu từ năm 2012 khi Bắc Kinh quyết định thành lập cơ chế 16+1 cùng với các nước Trung và Đông Âu (CEE), trong đó bao gồm cả các quốc gia là thành viên và không là thành viên của EU. Vào thời điểm đó, quyết định của Trung Quốc đã vấp phải sự hoài nghi từ Brussels và mỗi bước đi của Bắc Kinh tại khu vực CEE đều khiến EU lo ngại sự chia rẽ trong khu vực ngày càng gia tăng.
Mỹ tính chi gần 2 tỷ USD loại bỏ thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Dân trí Một cơ quan liên bang Mỹ dự tính nước này cần chi 1,8 tỷ để loại bỏ những thiết bị mà họ xếp vào diện “gây rủi ro an ninh quốc gia” đến từ công ty Trung Quốc Huawei và ZTE.
Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) ngày 4/9 đã xếp Huawei và ZTE vào diện “mối đe dọa an ninh quốc gia” và cấm các nhà mạng Mỹ sử dụng tiền quỹ tài trợ viễn thông (USF) để mua các thiết bị của 2 hãng Trung Quốc nói trên.
FCC ước tính lệnh cấm này sẽ khiến các công ty viễn thông quy mô nhỏ tốn hơn 1,84 tỷ USD để loại bỏ và thay thế thiết bị của Huawei và ZTE. FCC đề nghị Mỹ sẽ chi khoản tiền này để hỗ trợ cho các nhà mạng.
“Tôi một lần nữa kêu gọi Quốc hội cấp ngân sách hỗ trợ các nhà mạng thay thế bất cứ thiết bị và dịch vụ nào bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia để chúng ta có thể bảo vệ các mạng lưới viễn thông và nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế cũng như xã hội của chúng ta đang phụ thuộc vào chúng”, Chủ tịch FCC Ajit Pai cho hay.
Trong một diễn biến khác, theo Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc đưa nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC vào “danh sách đen” thương mại trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang leo thang dồn dập.
Phía Lầu Năm Góc nói rằng cơ quan này đang làm việc với các bên khác để đưa ra quyết định về việc có nên hay không nên liệt SMIC vào danh sách hạn chế. Phía SMIC chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
“Danh sách đen” của Mỹ hiện tại có hơn 275 công ty Trung Quốc, làm ảnh hưởng trực tiếp tới những lĩnh vực công nghiệp mà Bắc Kinh đang ưu tiên, từ các hãng thiết bị viễn thông lớn như Huawei và ZTE, tới nhà sản xuất camera giám sát Hikvision.
Dù phía Lầu Năm Góc chưa nêu rõ lý do đưa ra sự cân nhắc trên, nhưng phía Washington được cho nghi ngờ mối quan hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc.
Gần đây, chính quyền Trump đã chuyển sự tập trung vào những công ty Trung Quốc mà Washington nghi là có liên quan tới quân đội của Bắc Kinh. Tháng trước, Mỹ áp lệnh trừng phạt 24 công ty và nhiều cá nhân Trung Quốc bị cho là có liên quan tới hoạt động xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
*** Anh ghi nhận kỷ lục buồn, nhiều bang Mỹ tăng ca mắc Covid-19
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao kỷ lục, diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp trên thế giới.
Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 7/9 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã có gần 27,3 triệu người mắc Covid-19, ít nhất 886.585 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, hơn 19,3 triệu ca bệnh khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tổng số ca mắc xấp xỉ 6,5 triệu người và hơn 179.000 người tử vong.
Đáng chú ý, Ấn Độ hiện đã vượt Brazil trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau khi ghi nhận thêm hơn 91.723 ca dương tính với virus corona chủng mới hôm 6/9, kỷ lục mới về số ca nhiễm trong một ngày trên thế giới. Dữ liệu đã nâng tổng số ca mắc tại quốc gia châu Á lên hơn 4,2 triệu người, gần 72.000 bệnh nhân đã thiệt mạng.
Reuters dẫn lời các chuyên gia y tế cho hay, Ấn Độ đang đối mặt ​​làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở một số vùng của nước này. Theo họ, số ca mắc bệnh tăng lên là do tăng cường xét nghiệm cũng như nới lỏng các biện pháp hạn chế đối di chuyển của người dân trong bối cảnh chính phủ thúc đẩy các doanh nghiệp mở cửa để phục hồi nền kinh tế đang suy thoái.
Xu hướng đáng lo ngại ở Mỹ
Theo phân tích của Reuters, số ca mắc Covid-19 đang tăng ở 22/50 bang của Mỹ, một xu hướng đáng lo ngại trong dịp cuối tuần nghỉ lễ Lao động (sự kiện đặc trưng bằng các bữa tiệc đánh dấu kết thúc mùa hè) ở nước này. Hầu hết các bang này nằm ở vùng trung tây và phía nam.
Chỉ cách đây 3 tuần, việc gia tăng số ca bệnh mới chỉ xuất hiện 3 bang gồm Hawaii, Illinois và Nam Dakota. Xét về tỷ lệ phần trăm, bang Nam Dakota hiện chứng kiến tốc độ gia tăng lớn nhất xứ sở cờ hoa trong 2 tuần qua (126%), thêm hơn 3.700 ca bệnh.
Để ứng phó, các chuyên gia y tế như Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người.
Anh báo động số ca mắc tăng kỷ lục
Truyền thông Anh đưa tin, nước này có thêm 2.988 ca bệnh Covid-19 hôm 6/9, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 5, nâng tổng số trường hợp mắc trên toàn quốc lên 347.152 người. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong vì dịch tại xứ sở sương mù vẫn duy trì ở mức thấp với 2 ca trong vòng 24 giờ qua, đưa tổng số người thiệt mạng trên toàn quốc lên gần 42.000 trường hợp.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo, thực trạng trên rất đáng lo ngại, đặc biệt khi số ca mắc gia tăng ở nhóm người trẻ tuổi. Ông Hancock nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Australia kéo dài phong tỏa ở tâm chấn của dịch
Bang Victoria, tâm chấn của đợt bùng phát dịch thứ hai ở Australia hôm 6/9 đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tại thành phố thủ phủ Melbourne thêm 2 tuần tới cuối tháng 9 vì tỷ lệ lây nhiễm virus giảm chậm hơn kỳ vọng. Thủ hiến bang Daniel Andrews cũng vạch ra lộ trình giảm dần các biện pháp giới hạn trong vòng 2 tháng sau ngày 28/9.
Theo báo Guardian, các biện pháp hạn chế giai đoạn 4, vốn bắt đầu được triển khai ở Melbourne từ ngày 2/8 và dự kiến hết hạn vào ngày 13/9, đã đóng cửa hầu hết nền kinh tế, áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm và giới hạn hoạt động di chuyển của người dân trong phạm vi bán kính 5km kể từ nhà của họ, trong một giờ mỗi ngày.
“Chúng ta không thể mở cửa vào thời điểm này. Nếu làm vậy, chúng ta sẽ mất kiểm soát dịch rất nhanh”, ông Andrews nhấn mạnh.
Victoria, bang đông dân thứ 2 của Australia hiện chiếm tới 75% trong tổng số 26.282 ca mắc và 90% trong tổng số 753 người tử vong vì dịch trên toàn quốc.
– Nhật báo Trung Đông Asharq al-Awsat đưa tin, hàng trăm bác sĩ tại Lebanon đang yêu cầu trả lại hồ sơ cá nhân để rời khỏi đất nước, trong bối cảnh quốc gia này hiện đối mặt với khủng hoảng sâu rộng về chính trị, kinh tế và tài chính. Charaf Abou Charaf, người đứng đầu Hiệp hội Bác sĩ Lebanon cảnh báo nếu điều này tiếp tục, nó sẽ gây ra thảm họa thực sự cho ngành y tế trong nước.
– Theo Hiệp hội Y khoa Indonesia (IDI), nước này có tỷ lệ y, bác sỹ tử vong vì Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á. Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng xếp nước này đứng thứ 3 trên thế giới, sau Nga và Ai Cập về tỷ lệ nhân viên y tế thiệt mạng vì dịch. Tình hình dịch tại đây tiếp tục diễn biến căng thẳng, với trên 3.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc tính đến sáng 7/9 tiến gần ngưỡng 200.000 người và tổng ca tử vong đã vượt quá 8.000 người.
– Tờ Bangkok Post dẫn lời ông Yuthasak Supasorn, lãnh đạo Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT) thông báo, sau khi ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên sau hơn 3 tháng, nước này nhiều khả năng phải hoãn kế hoạch tái mở cửa đảo nghỉ dưỡng Phuket trong tháng tới như một mô hình chào đón trở lại du khách nước ngoài. Trong 24 giờ qua, Thái Lan có thêm 6 ca dương tính với virus, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 3.444 người với 58 trường hợp đã tử vong.
– Trong bài phát biểu tại quảng trường St. Peter hôm 6/9, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh đến tác hại của việc loan tin đồn nhảm trong các cộng đồng nhà thờ hay thậm chí là trong bộ máy của Vatican. Ông mô tả điều này là “đại dịch tồi tệ hơn cả Covid-19”.
*** Dịch COVID-19 diễn biến xấu ở hơn 20 bang của Mỹ
Tình hình dịch COVID-19 đang xấu đi tại 22 trên 50 bang của Mỹ, một xu hướng đáng lo ngại trong bối cảnh dịp lễ Ngày Lao động tại nước này với truyền thống tụ tập gia đình và nhiều hoạt động đông người đánh dấu kết thúc mùa hè.
Đám đông bạo loạn Mỹ ném bom xăng molotov vào cảnh sát
Đám đông phản đối phân biệt chủng tộc đã xuống đường biểu tình xuyên đêm tại thành phố Portland, bang Oregon và ném bom xăng molotov về phía cảnh sát.
Mỹ mất bao nhiêu để loại bỏ thiết bị mạng của Huawei và ZTE?
Cơ quan truyền thông liên bang Mỹ dự báo số tiền cần thiết thể thay thế các thiết bị mạng gây rủi ro an ninh quốc gia đến từ công ty Trung Quốc Huawei và ZTE vào khoảng 1,8 tỷ USD.
Đức dọa trừng phạt Nga vì nghi án Navalny trúng độc Novichok
Ngoại trưởng Đức cảnh báo sẽ thảo luận với đồng minh về khả năng trừng phạt Nga nếu Moscow không làm rõ nghi án nhân vật đối lập Alexei Navalny trúng độc Novichok.
Ông Kim Jong-un sa thải quan chức vì lơ là chống bão
Một quan chức cấp tỉnh của Triều Tiên bị nhà lãnh đạo Kim Jong-un sa thải vì lơ là trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả với bão lũ.
Ấn Độ báo cáo số ca nhiễm mới COVID-19 kỷ lục
Số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày tại Ấn Độ vượt mốc 90.000 ca, mức cao nhất từng được ghi nhận tại một quốc gia từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Nga trừng phạt 41 quan chức Ukraine, gồm cựu Tổng thống Poroshenko
Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cùng 40 nhân vật khác được đưa vào danh sách trừng phạt của Nga, trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ hai nước chưa hạ nhiệt.
Bề nổi của tảng băng chìm
Hành động “ăn miếng, trả miếng” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong thời gian qua tại phía Đông Địa Trung Hải đã khiến bầu không khí ở vùng biển này “nóng” hơn bao giờ hết. Vậy điều gì đã kích động cuộc đối đầu Ankara – Athens hiện nay?
Thắng nghẹt thở Trung Quốc, tuyển Nga lần thứ 6 vô địch Tank Biathlon
Đội tuyển Nga chứng tỏ vị thế của nhà vô địch khi tiếp tục về nhất trong trận chung kết nhóm một giải đua xe tăng Tank Biathlon 2020, nâng tổng số lần vô địch giải đấu lên con số 6 .
4 thuyền chở người diễu hành ủng hộ Tổng thống Trump bị chìm
Ít nhất 4 thuyền máy chở theo nhiều người đã gặp nạn trong cuộc diễu hành trên mặt nước ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang Texas.
Biểu tình chống lệnh phong toả tại Australia
Những người biểu tình phản đối lệnh phong toả ngăn COVID-19 đã có cuộc đụng độ với cảnh sát ở Melbourne và một vài nơi khác của Australia khiến nhiều người trong số đó bị bắt giữ.
Nổ lớn tại Iran làm hơn 200 người bị thương
Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) ngày 5/9 đưa tin, vụ nổ một thùng chứa khí clorine trong quá trình vận chuyển ở miền tây nước này đã khiến 217 người bị thương. Tuy nhiên, không có người thiệt mạng trong vụ nổ.
Nổ máy điều hòa, hàng chục người thương vong
12 người chết cùng hàng chục người khác bị bỏng nặng sau khi máy điều hòa nhiệt độ ở một thánh đường thuộc huyện Narayanganj, Bangladesh phát nổ tối hôm qua (4/9).
Mỹ chưa có bằng chứng về việc Navalny bị đầu độc
Tổng thống Donald Trump cho biết ông vẫn chưa thấy bằng chứng cho thấy nhân vật đối lập người Nga Alexei Navalny đã bị đầu độc như tuyên bố của Đức, theo AFP.
Vaccine COVID-19 của Nga tạo kháng thể trong các thử nghiệm lâm sàng
Vaccine “Sputnik-V” COVID-19 của Nga tạo ra phản ứng kháng thể ở tất cả những người tham gia thử nghiệm giai đoạn đầu, theo kết quả được tạp chí khoa học uy tín The Lancet công bố hôm 4/9.

Tổng hợp-TT