VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

– Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx; Những ngày châu Âu 2018 tại Việt Nam; Triều Tiên chính thức hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc; Afghanistan liên tiếp hứng chịu các vụ đánh bom; Nga tăng cường nâng cấp trang thiết bị quốc phòng…là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà tư tưởng lỗi lạc Karl Marx (Các Mác, 5/5/1818 – 2018) và 170 năm kể từ khi Tuyên ngôn Cộng sản ra đời, một loạt hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa lớn đã được tổ chức đồng loạt nhiều nơi trên thế giới, qua đó, tái khẳng định những giá trị trường tồn trong tư tưởng, học thuyết quý giá của triết gia vĩ đại này.

Không chỉ người dân ở thành phố nhỏ Trier, Tây Nam Đức, quê hương của Karl Marx, mà còn ở nhiều nơi khác trên khắp thế giới trong đó có Ireland, Trung Quốc, đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 200 để tưởng nhớ lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Ngày 4/5, phát biểu tại lễ khai trương buổi triển lãm về Karl Marx mang tên “Cuộc đời, Sự nghiệp và Thời đại”, do chính quyền bang Rhineland-Pfalz và chính quyền thành phố Trier tổ chức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định Karl Marx là nhà triết học có tầm “nhìn xa trông rộng”, các tác phẩm và học thuyết của ông, như “Capital” (Tư bản luận) hay Tuyên ngôn Cộng sản đã làm thay đổi thế giới, là nguồn cảm hứng lớn lao cho nhân loại. Từ những tư tưởng của Marx, con người có thể hiểu rõ hơn về quyền độc lập, tự do và giải phóng khỏi áp bức. Vì vậy, việc nhớ đến và hiểu rõ những công trình Marx để lại cho đời sẽ góp phần xây dựng tương lai chắc chắn hơn.

Karl Marx sinh ngày 5/5/1818, tại thành phố Trier, Tây Nam Đức. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của ông đã đi vào lịch sử thế giới như một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời trí tuệ nhân loại. Ngày nay, trong điều kiện thời đại đã có nhiều biến đổi sâu sắc, nhiều điểm khác nhau về con đường và xu thế phát triển của từng dân tộc cũng như nhân loại, song những tư tưởng và lý luận mà Karl Marx đã chỉ ra cho sự nghiệp đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, giải phóng các dân tộc, giải phóng con người mãi mãi là chân lý của nhân loại tiến bộ.

Những ngày châu Âu 2018 tại Việt Nam

Đội văn nghệ Hữu nghị Việt Nam-Bulgaria biểu diễn tại
Chương trình “Những Ngày châu Âu 2018” (Ảnh: Tấn Vũ)

Trong các ngày từ 4-6/5/2018, “Những ngày châu Âu 2018” đã được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình do Phái đoàn Liên minh châu Âu (Liên minh châu Âu), Đại sứ quán các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và các Trung tâm Văn hóa châu Âu tổ chức để kỷ niệm Ngày châu Âu 9/5 hàng năm.

“Ngôi làng châu Âu”, một hoạt động văn hóa nghệ thuật độc đáo giới thiệu tính đa dạng văn hóa của châu Âu từ nghệ thuật, ẩm thực đến phong cách sống…là điểm nhấn đặc biệt của “Những ngày châu Âu 2018’’.

Với gần 30 sự kiện phong phú bao gồm hòa nhạc, thể thao, chương trình biểu diễn văn hóa, thời trang, các trò chơi sáng tạo dành cho trẻ em và các hoạt động tương tác kiến thức thú vị… khách tham quan tới “Ngôi làng châu Âu” có cơ hội trải nghiệm một không khí châu Âu thực sự tại đây. Ngoài ra, khách tham quan cũng có dịp thưởng thức đồ ăn châu Âu hay chiêm ngưỡng các sản phẩm của châu Âu tại khu vực gian hàng các công ty châu Âu tại Việt Nam.

Các quốc gia trong khu vực Liên minh châu Âu đã mang đến nhiều tiết mục âm nhạc, giải trí, những sự kiện có ý nghĩa tới Chương trình này.

Sự đa dạng của văn hóa châu Âu trong chương trình “Những ngày châu Âu 2018” còn được thể hiện bằng việc ra mắt Ấn phẩm đặc biệt “Di sản Văn hóa châu Âu” (sách ảnh). Năm 2018 được Liên minh châu Âu lựa chọn là Năm Di sản Văn hóa châu Âu, với khẩu hiệu “Di sản châu Âu: Nơi quá khứ gặp gỡ tương lai”. Qua việc tôn vinh di sản văn hóa, Liên minh châu Âu cũng thúc đẩy nỗ lực bảo vệ và đảm bảo việc lưu truyền những di sản văn hóa đó đến những thế hệ tiếp theo. Liên minh châu Âu cũng muốn nhấn mạnh vai trò của di sản văn hóa trong việc đóng góp xây dựng xã hội vững mạnh hơn, kích thích tăng trưởng và tạo ra công ăn việc làm, cũng như góp phần quan trọng trong sự giao lưu trao đổi của châu Âu với phần còn lại của thế giới.

Mỹ hoãn tăng thuế thép và nhôm cho các đối tác thương mại

Ngày 30/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 10% và 25% đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Canada và Mexico thêm 30 ngày (cho tới ngày 1/6/2018), đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt này khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi quyết định tạm hoãn áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng trên hết hạn vào lúc nửa đêm ngày 1/5.

Ngay sau khi quyết định lùi thời hạn áp thuế của Mỹ được đưa ra, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo đã hoan nghênh quyết định này, đồng thời khẳng định Australia sẽ tiếp tục phối hợp cùng Mỹ ngăn chặn việc bán phá giá. Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cũng đã hoan nghênh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định lùi thời hạn áp đặt thuế nhôm và thép, đồng thời nhấn mạnh việc đánh thuế nhập khẩu với các mặt hàng này của Anh là vô lý.

Tuy nhiên, Canada, Mexico và Liên minh châu Âu đều nhấn mạnh không chấp nhận hạn ngạch để được Mỹ miễn thuế vĩnh viễn. Liên minh châu Âu đã tỏ ý thất vọng về quyết định chỉ gia hạn miễn thuế của Washington và cho rằng điều này càng “kéo dài bất ổn”, đồng thời kêu gọi Mỹ miễn trừ vĩnh viễn các khoản thuế kể trên.

Có thể thấy, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục hoãn áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm lá nhập khẩu từ Liên minh châu Âu đã gây ra những luồng dư luận trái chiều, không ít trong đó là hoài nghi. Các nhà phân tích cho rằng quyết định này được coi là sự nhượng bộ nhất định của Mỹ với Liên minh châu Âu, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của khối kinh tế Liên minh châu Âu đối với Mỹ. Bởi dù thế nào thì Liên minh châu Âu cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và khối này đã nhiều lần cảnh báo sẵn sàng thẳng tay trả đũa nếu Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu. Vì vậy, bước đi này của Mỹ được nhìn nhận là nhằm tránh đối đầu với Liên minh châu Âu nhất là trong bối cảnh Mỹ đang cần chú tâm hơn vào các cuộc đàm phán khá căng thẳng về vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Đàm phán thương mại Mỹ – Trung

Ngày 3 và 4/5, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã diễn ra cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Phái đoàn của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dẫn đầu, trong khi Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ tài chính và kinh tế trung ương Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Trung Quốc.

Hai bên đã bàn về các vấn đề kinh tế và thương mại mà hai nước cùng quan tâm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, việc giải quyết một cách đúng đắn các vấn đề trong quan hệ kinh tế và thương mại thông qua các cuộc đàm phán công bằng, cũng như duy trì sự ổn định toàn diện của mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung chắc chắn sẽ phù hợp với lợi ích chung của hai bên.

Hai bên đã đạt được đồng thuận trong một số vấn đề về tranh chấp thương mại khi cam kết giải quyết thông qua đối thoại, cũng như trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn còn những bất đồng tương đối lớn về một số nội dung khác.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng 16% lên 91,1 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2018 (theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 3/5), đồng thời ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 100 tỷ USD đối với các sản phẩm của Trung Quốc thì tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nước sẽ còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để có thể đạt được các thỏa thuận thì Trung Quốc và Mỹ đều phải cùng nhượng bộ lẫn nhau. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nhận định không thể giải quyết tất cả các vấn đề phức tạp giữa 2 nước chỉ bằng một buổi tham vấn.

Afghanistan liên tiếp hứng chịu các vụ đánh bom

Ngày 30/4/2018, Afghanistan đã phải hứng chịu liên tiếp những vụ tấn công khủng bố khiến hàng chục người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom kép ở cùng một địa điểm tại thủ đô Kabul làm 26 người chết (trong đó có 1 cảnh sát và 9 phóng viên) và 49 người khác bị thương. Các nhà báo đã gặp nạn khi đang có mặt tại hiện trường của vụ đánh bom thứ nhất để đưa tin và đã trở thành mục tiêu của vụ đánh bom liều chết thứ 2 xảy ra 40 phút sau đó. Đây là con số thương vong tồi tệ nhất đối với những người làm truyền thông trong một vụ tấn công đơn lẻ tại quốc gia Nam Á này.

Không những vậy, cũng trong ngày 30/4, một vụ tấn công khác đã xảy ra ở tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan, khi một kẻ đánh bom liều chết nhằm vào đoàn tàu vận tải quân sự của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khiến 11 trẻ em thiệt mạng. Ngoài ra, còn 8 binh sĩ Romania, 9 dân thường và hai sĩ quan cảnh sát Afghanistan bị thương.

Ngay sau đó, Liên hợp quốc, Mỹ và các tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên án các vụ đánh bom đẫm máu ở Afghanistan được cho là cố tình nhằm vào các phóng viên khiến hàng chục người chết.

Các nhà phân tích cho rằng, hiện việc đảm bảo an ninh ở Afghanistan là một trong những bài toán hóc búa chưa có lời giải, nhất là khi cuộc bầu cử ở nước này sắp đến gần. Loạt vụ tấn công khủng bố là hồi chuông cảnh báo cho một tiến trình hòa bình cần phải được tiến hành ngay lập tức giữa chính phủ Afghanistan và các lực lượng nổi dậy, đứng đầu là Taliban, để Afghanistan không trở thành một Syria hay Iraq thứ 2 – nơi mà tổ chức khủng bố IS đã từng ươm mần và phát triển.

Triều Tiên chính thức hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc

Vào lúc 0h00 ngày 5/5 (giờ địa phương), múi giờ của Triều Tiên đã chính thức hợp nhất với múi giờ của Hàn Quốc. Đây được coi là một biểu tượng của nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải và thống nhất giữa hai miền.

Trước đó, ngày 30/4, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao, tức Quốc hội, đã quyết định hợp nhất múi giờ của hai miền. Động thái của Bình Nhưỡng được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bất ngờ đề xuất chỉnh múi giờ của nước này nhanh hơn 30 phút, trùng với múi giờ của Hàn Quốc, trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 vừa qua. Việc hợp nhất múi giờ của Triều Tiên với múi giờ của Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 5/5 tới trong nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải và thống nhất giữa hai miền.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy việc tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 trong năm nay.

Nga tăng cường nâng cấp trang thiết bị quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 3/5 cho biết trong năm 2018, Nga sẽ chi gần 1.500 tỷ ruble để mua sắm vũ khí hiện đại và kỹ thuật quân sự.

Phát biểu tại cuộc họp Bộ Quốc phòng, ông Shoigu cho biết đơn đặt hàng quốc phòng của Nga trong năm nay đạt khoảng 1.500 tỷ ruble, cao hơn mức của năm 2017, và 70% trong số đó sẽ được dùng để mua sắm hàng loạt vũ khí hiện đại và kỹ thuật quân sự. Bộ Quốc phòng Nga đã thông qua nhiều biện pháp có thể giảm đáng kể nguy cơ không hoàn thành đơn đặt hàng quốc phòng của nhà nước đúng thời hạn. Bên cạnh mua sắm vũ khí, trong năm 2018, Nga cũng sẽ chi khoảng 39 tỷ ruble nhằm nâng lương cho quân nhân.

Cũng tại phiên họp trên, ông Shoigu cho biết đến cuối năm 2018, Hạm đội Hải quân Nga sẽ được bổ sung 6 tàu chiến mới và hiện 4 chiếc tàu chiến đã được sửa chữa. Theo ông Shoigu, việc đóng mới, sửa chữa và bảo dưỡng tất cả các danh mục tàu thuyền quân sự trên thực tế được tiến hành trong khuôn khổ chương trình vũ khí quốc gia do tập đoàn đóng tàu Thống nhất đảm nhận. Tháng 3 vừa qua, tập đoàn này đã chuyển giao cho Hạm đội Hải quân chiếc tàu hỗ trợ hậu cần mới lớp Elbrus. Hồi tháng 4, Nga đã hạ thủy chiếc tàu quét mìn thế hệ mới Ivan Antonov thuộc Dự án 12700.

Cuba được đánh giá cao trong cuộc chiến chống đói nghèo của thế giới

Phát biểu ngày 4/5, đại diện của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) Marcelo Resende nhấn mạnh Cuba đã chú trọng phát triển của ngành sản xuất lương thực, với việc dân chủ hóa đất đai thông qua Cải cách Nông nghiệp, vốn đã trở thành luật kể từ năm 1959. Ngoài ra, những năm sau khi cách mạng thành công, Cuba cũng đã bắt đầu thúc đẩy đưa nông nghiệp thành ngành trọng điểm để sản xuất lương thực phục vụ không chỉ nhu cầu trong nước, mà còn để xuất khẩu.

Ông Resende cho hay 4 thập kỷ qua, FAO và Cuba luôn duy trì sự hợp tác vì phát triển, hỗ trợ các kế hoạch thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển nghề nuôi ong, gia súc, thủy sản và các ngành khác thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật và các dự án hợp tác.

Đại diện Chương trình Lương thực thế giới (WFP) Laura Melo cũng khẳng định Cuba là một trong những nước đi đầu và thành công trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời là một trong những quốc gia đảm bảo cao nhất việc tăng cường dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em.

Cũng theo hai đại diện của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc nói trên, Cuba là nước đã hoàn thành các mục tiêu của thiên niên kỷ giai đoạn 2000-2015 về xóa đói và các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2015-2030 về xóa bỏ hoàn toàn nạn đói./.

Nguồn ĐCSVN-TT