VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tìm tiền trong bão Covid

     Trong tuần cuối cùng của tháng 11/2020, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước Mỹ đã sáng lên, với mức chi tiêu của người dân cao hơn và làn sóng người đăng ký thất nghiệp “có vẻ như đã được chặn lại”. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ khi mà hàng loạt doanh nghiệp vẫn chưa tìm được lối thoát, trong đó có những ông chủ hàng không vốn cực kỳ hùng hậu. Ở bên kia bờ đại dương, châu Âu đang lo ngại đợt bùng phát thứ ba của đại dịch khi số người mắc Covid-19 tăng cao, các quốc gia buộc phải áp dụng lệnh phong tỏa, hạn chế tiếp xúc. Nói như truyền thông châu Âu thì “tìm tiền trong bão Covid” là cuộc tìm kiếm vô cùng khó khăn.
Tìm tiền trong bão Covid - Ảnh 1
    Ảnh minh họa.
Ngay từ giữa tháng 9/2020, châu Âu đã phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai. Theo nhận xét của giới chuyên gia tài chính thì nhiều khả năng khu vực này sẽ lại một lần nữa bị hủy hoại về kinh tế. Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã cùng thỏa thuận về gói kích thích tài khóa lớn chưa từng có, lên tới 750 tỷ Euro (khoảng 860 tỷ USD). Tuy nhiên, theo CNBC, GDP khu vực đồng euro đã giảm 11,8% trong quý II, do khu vực này buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan.
1. Người ta từng dự đoán Eurozone sẽ hồi phục trong nửa cuối năm.
Nhưng, dự đoán đó đã sai khi mà Covid-19 bùng phát quá dữ dội, làm lung lay nhiều nền kinh tế trong khu vực. Hàng loạt Chính phủ đã đưa ra lệnh phong tỏa mới, hoặc giảm tốc mở cửa lại nền kinh tế do số ca lây nhiễm Covid-19 tăng mạnh.
“Khả năng suy thoái kép đang tăng cao”- Carsten Brzeski – Kinh tế trưởng tại ING chia sẻ. Khái niệm “suy thoái kép” mà vị chuyên gia này đề cập đã quá quen thuộc đối với EU, nó cho thấy sự vất vả trong cuộc chiến nhằm vượt thoát khỏi nạn Covid-19 và cũng đồng thời phải phục hồi nền kinh tế. Nói như TS Chris Williamson – Kinh tế trưởng tại IHS Markit thì rủi ro đến từ suy thoái kép rất lớn và ít nhất là nó còn kéo dài cho đến hết quý 1 của năm 2021.
Ngày 27/11, Bộ Y tế Pháp cho biết trong tháng 12 người Pháp sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đó là tin rất vui trong cuộc chiến chống đại dịch, nhưng với giới làm ăn thì điều đó cũng không đủ để vực dậy nền kinh tế trước mắt. Số liệu công bố cho thấy, đà phục hồi tại Eurozone đã chững lại kể từ tháng 9 và kéo dài cho tới tận thời điểm này.
Nhắc lại, trong quý II/2020, GDP Eurozone giảm 11,8%, mức thấp nhất kể từ năm 1995. Các nền kinh tế lớn nhất của khối đều giảm ở mức hai chữ số: GDP Đức giảm 10,1%; Italy giảm 12,4%; Pháp giảm 13,8%; và Tây Ban Nha giảm 18,5%. Nhận định của Reuters, nền kinh tế đầu tàu châu Âu là nước Đức đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1970. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng cho rằng chưa thể lấy lại đà tăng tốc của nền kinh tế khi mà khó khăn bủa vây tứ phía. Nhất là Chính phủ dự kiến trong năm 2021 vẫn phải chi thêm 100 tỷ euro để chống lại hậu quả của đại dịch Covid-19.
Bên kia eo biển Manche, kinh tế nước Anh cũng không hơn gì. Gánh nặng của Brexit vẫn còn đó chưa giải quyết được, nạn thất nghiệp gia tăng do Covid-19 dẫn tới thu nhập của người dân đi xuống… Người London đã nói tới khái niệm “bán tháo” đối với nhiều nhà phân phối. Tới thời điểm này, vào buổi tối, cho dẫu chính quyền không buộc các quán bar, nhà hàng phải đóng cửa sớm đi chăng nữa thì người ta cũng ít ra đường và càng ít vào quán.
“Covid-19 đã thay đổi hẳn cách sống của con người. Đó là hậu quả sẽ còn kéo dài kể cả khi hết dịch”-Will Marchon, một chuyên gia xã hội học phàn nàn, và thêm rằng người ta chỉ lo đến chuyện kinh tế mà không biết rằng xã hội sẽ thay đổi rất nhiều, London sẽ buồn hơn, nước Anh sẽ buồn hơn và thế giới cũng sẽ ảm đạm hơn.
Cathal Kennedy – Kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại RBC cho rằng các biện pháp hạn chế mới “sẽ một lần nữa ảnh hưởng chủ yếu đến ngành dịch vụ” và sẽ khiến hoạt động kinh tế chậm lại. Cùng đó nó sẽ ngấm sâu hơn nữa vào từng tế bào xã hội, thay đổi con người và định hình một cách sống khác. Chính vì thế, Ambrose Crofton – chiến lược gia thị trường tại JPMorgan Asset Management cho rằng “tốc độ lây nhiễm tăng sẽ kìm hãm đà hồi phục của ngành dịch vụ, cho thấy con đường phía trước với Anh sẽ rất khó khăn”.
2. Khi mà đại dịch Covid-19 tung hoành, thì không khu vực nào trên trái đất có thể yên ổn.
Có chăng chỉ khác nhau ở mức độ ảnh hưởng mà thôi. Với khu vực Đông Á-Thái Bình dương, giới quan sát cho rằng hiện đang bị giáng 3 cú sốc gồm: bản thân đại dịch, tác động kinh tế từ các biện pháp ngăn chặn, và ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu do đợt khủng hoảng gây ra. Trong ấn phẩm “Từ ngăn chặn đến phục hồi’, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Khu vực Đông Á -Thái Bình Dương mới đây của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng bình quân âm 3,5% trong năm 2020.
Đáng chú ý, sau 20 năm, lần đầu tiên tỷ lệ nghèo của khu vực này dự báo sẽ tăng lên khoảng 38 triệu người: Họ sẽ vẫn nằm dưới ngưỡng nghèo hoặc bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo do hệ quả của đại dịch (tính theo ngưỡng nghèo của quốc gia thu nhập trung bình ở mức 5,50 USD mỗi ngày).
“Covid-19 không chỉ giáng đòn nặng nề nhất vào người đang nghèo, mà nó còn tạo ra lớp người nghèo mới. Khu vực của chúng ta gặp những thách thức chưa từng có và chính phủ các nước đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn” – theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á và Thái Bình dương của Ngân hàng Thế giới.
Thị trường chứng khoán châu Á chao đảo vì Covid-19.    Thị trường chứng khoán châu Á chao đảo vì Covid-19.
Giới chuyên gia tài chính cũng cho rằng, trong khó khăn đó nợ công và nợ tư nhân của các quốc gia đang tăng lên. Điều đó không những làm cho bảng cân đối tài sản của các ngân hàng yếu đi và làm tăng bất định, mà còn gây rủi ro cho đầu tư công và tư nhân cũng như ổn định kinh tế. Bội chi ngân sách cũng theo đó mà tăng cao, ước tới 7% GDP trong năm 2020.
“Các quốc gia Đông Á -Thái Bình dương đã đạt được nhiều thành công trong ngăn chặn bệnh dịch và cứu trợ, nhưng vẫn sẽ phải vật lộn để khôi phục và tăng trưởng” – theo ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình dương của Ngân hàng Thế giới.
3. Xét trên phạm vi toàn cầu, ở lĩnh vực kinh tế, vẫn là những diễn biến khó lường.
Sau gần 1 năm vật lộn với Covid -19, kinh tế toàn cầu đã hứng chịu đòn tàn phá nặng nề, đe dọa “xóa sổ” nhiều thập niên phát triển.
Báo cáo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cho thấy nền kinh tế thế giới có thể bị thiệt hại từ 5.800 tỷ – 8.800 tỷ USD, tương đương 6,4% tới 9,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, do đại dịch Covid-19. Còn theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm 2020 và kinh tế thế giới sẽ thiệt hại tổng cộng 12.000 tỷ USD tính đến hết năm 2021. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay.
Như vậy là hy vọng đại dịch bị đẩy lùi trong quý 4 năm nay đã tiêu tan, trong khi lại xuất hiện sự biến động tài chính, làm đứt gãy các mối liên kết thương mại và cung ứng toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng, đây sẽ là cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong lịch sử kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai với phần lớn các nền kinh tế đang phải chứng kiến sản lượng kinh tế bình quân đầu người sụt giảm. Kể cả khi nền kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ giảm 4,7% thì mức này cũng đã gấp đôi so với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Kể từ tháng 4/2020, số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy kinh tế nước này đã giảm ngay trong quý đầu năm tới 4,8% và khiến khoảng 22 triệu việc làm đã mất. Các chuyên gia ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 8% trong năm nay và đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến sản lượng kinh tế của Mỹ thiệt hại 7.900 tỷ USD trong thập niên tới.
Tới tháng 6, nước Mỹ đã có thêm 4,8 triệu việc làm khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu nối lại hoạt động. Nhưng chỉ 2 tháng sau đó, dịch bệnh bùng phát dữ dội buộc chính quyền nhiều bang phải dừng hoặc đảo ngược lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Con đường phục hồi phía trước của nền kinh tế đầu tàu thế giới là rất dài, cho dù nước Mỹ đã tuyên bố có vaccine ngừa Covid-19.

Giới chuyên gia tài chính cho rằng, trước mắt, nền kinh tế thế giới vẫn cần thoát khỏi sự ảm đạm ngay cả khi chưa có đột phá về y tế và virus SARS-CoV-2 vẫn đang lan rộng khắp thế giới, đặc biệt ở khu vực Mỹ Latinh, Nam Á. Điều này buộc các nước phải suy nghĩ lại về cấu trúc nền kinh tế nhằm hạn chế những tác động tai hại cả về mặt kinh tế lẫn xã hội, nhất là vấn nạn thất nghiệp, nghèo đói kéo theo những bất ổn xã hội. Đặc biệt đối với Mỹ Latinh, khi mà nền kinh tế sụt giảm mạnh, nợ nần khó trả và tình trạng bất bình đẳng sâu sắc có thể làm bùng nổ bất ổn trong khu vực.

Nguồn daidoanket.vn-TT