Dầu đổ về châu Á do kinh tế phục hồi; ASEAN – EU nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược; Nga tiêm vaccine Covid-19 diện rộng từ tuần sau; Vượt mặt Mỹ, Anh trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng vắc xin chống Covid-19 của Pfizer; Biden sẽ không xóa thỏa thuận thương mại với Trung Quốc; Ông Joe Biden tập trung cải cách y tế và kinh tế; Hơn 64,7 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Mỹ rút ngắn thời gian cách ly…là những tin chính được cập nhật.
Dầu đổ về châu Á do kinh tế phục hồi
Kích bơm dầu hoạt động tại một mỏ dầu gần Almetyevsk, Tatarstan, Nga. Ảnh: Bloomberg
SGGP Hãng tin Bloomberg dẫn tin từ các nhà môi giới tàu biển cho biết, khoảng 20 siêu tàu chở dầu (có thể chở tới 2 triệu thùng dầu/tàu) đã được thuê để vận chuyển dầu của Mỹ đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Á khác từ vịnh Mexico trong tháng 12 này.
Theo Bloomberg, nguồn cung dầu đổ về châu Á là do hoạt động sản xuất tại châu Á tiếp tục phục hồi trong tháng 11 vừa qua. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11 đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 10 năm qua.
Trong khi đó, chỉ số hoạt động sản xuất của Nhật Bản trong tháng 11 đạt 49, tăng so với mức 48,7 của tháng trước đó. Tại Hàn Quốc, con số này là 52,9 – mức cao nhất kể từ tháng 2-2011 và là tháng thứ 2 liên tiếp hoạt động sản xuất tăng.
ASEAN – EU nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược
ASEAN, EU thống nhất nâng cấp quan hệ, cam kết tăng cường thúc đẩy hợp tác đa phương trong Hội nghị Ngoại trưởng được tổ chức trực tuyến.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm nay đại diện cho Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – EU lần thứ 23 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Hội nghị có sự tham dự của ngoại trưởng các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Đại diện Cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh.
Hai bên chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN – EU lên Đối tác chiến lược, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của quan hệ “đối tác trong liên kết” giữa hai tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, cam kết tăng cường phối hợp và thúc đẩy hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam ủng hộ chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN – EU lên đối tác chiến lược.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19, khắc phục tác động của dịch bệnh và đẩy mạnh phục hồi. ASEAN hoan nghênh EU triển khai chương trình trị giá 800 triệu Euro hỗ trợ phòng ngừa dịch bệnh, đề nghị EU tích cực ủng hộ Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN và hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Nga tiêm vaccine Covid-19 diện rộng từ tuần sau
Putin yêu cầu giới chức y tế bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng từ tuần sau, cho biết Nga đã sản xuất khoảng hai triệu liều Sputnik V.
“Tôi yêu cầu bà sắp xếp công việc để chúng ta bắt đầu tiêm chủng trên quy mô lớn trước cuối tuần sau”, Tổng thống Putin nói với Phó thủ tướng Tatyana Golikova, người đứng đầu nhóm chuyên trách chống Covid-19, trong cuộc họp trực tuyến từ Novo-Ogaryovo hôm nay.
Putin nhấn mạnh giáo viên và nhân viên y tế sẽ là những người đầu tiên được tiêm vaccine. Tiêm chủng được thực hiện theo cơ sở tự nguyện và công dân Nga sẽ được tiêm miễn phí.
Nga là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 2,3 triệu ca nhiễm và hơn 41.000 người chết. Giống nhiều nước châu Âu, ca nhiễm ở Nga gia tăng trong thời gian gần đây nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại sau khi đạt đỉnh hôm 27/11. Nga không phong tỏa toàn quốc trong làn sóng Covid-19 thứ hai mà ưu tiên áp hạn chế với từng khu vực tùy theo mức độ rủi ro.
Điện Kremlin đã đảm bảo rằng người Nga là những người đầu tiên được tiêm vaccine, đồng thời Moskva cũng thảo luận về các thỏa thuận cung cấp vaccine cho những nước khác. “Ưu tiên tuyệt đối là người Nga”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Hồi tháng 8, Nga đã phê duyệt khẩn cấp vaccine Sputnik V trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn ba. Nga tuần trước cho biết Sputnik V đạt hiệu quả 95%. Vaccine dự kiến có giá dưới 10 USD trên thị trường quốc tế với nhiệt độ bảo quản 2-8 độ C, cao hơn so với một số loại khác.
Khi trình bày về Sputnik V trước Liên Hợp Quốc hôm nay, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết hơn 100.000 người Nga đã tiêm vaccine. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng trong quân đội, với mục tiêu tiêm vaccine cho hơn 400.000 quân nhân.
Vượt mặt Mỹ, Anh trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng vắc xin chống Covid-19 của Pfizer
Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắc xin chống Covid-19 của Pfizer/BioNTech và chúng sẽ được phân phối từ tuần tới.
“Chính phủ hôn nay đã chấp thuận khuyến nghị từ Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe độc lập (MHRA) để phê duyệt vaccine Covid-19 mà Pfizer/BioNTech hợp tác phát triển. Nó sẽ được đưa vào sử dụng trên toàn Vương quốc Anh từ tuần tới”, thông báo của Chính phủ Anh cho biết.
BioNTech, công ty công nghệ sinh học của Đức phát triển vaccine cùng với Pfizer, cho biết họ đã sẵn sàng cung cấp những liều thuốc đầu tiên cho Vương quốc Anh. Trong khi đó, Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Pfizer, mô tả việc Anh cấp phép cho vaccine của họ là “một khoảnh khắc lịch sử”.
Biden sẽ không xóa thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
Biden nói sẽ không vội vàng bỏ thỏa thuận giai đoạn một Trump ký với Trung Quốc, nhưng sẽ chống lại “thủ đoạn lợi dụng” thương mại của Bắc Kinh.
“Tôi sẽ không có bất kỳ động thái tức thì nào. Điều này cũng được áp dụng đối với các đòn áp thuế. Tôi sẽ không áp đặt định kiến cho những sự lựa chọn của mình”, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden nói trong cuộc phỏng vấn được New York Times đăng ngày 2/12.
Theo Biden, Mỹ cần thúc đẩy sự đồng thuận ở cả hai đảng và tăng đầu tư của chính phủ vào các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, cơ sở hạ tầng và giáo dục để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.
“Tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng với ưu tiên hàng đầu là đầu tư vào nước Mỹ”, Biden nói.
Theo thỏa thuận giai đoạn một được ký hồi đầu năm, Trung Quốc nhất trí tăng mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ lên 200 tỷ USD trong hai năm 2020 và 2021.
Thỏa thuận này cũng tiến tới xóa bỏ mức thuế 25% áp vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD mà các nhà sản xuất Mỹ sử dụng. Đổi lại, Trung Quốc cũng dừng áp thuế đối với hơn 100 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
Tuy nhiên, Biden khẳng định sẽ theo đuổi những chính sách nhắm đến “các hành vi lạm dụng thương mại” của Trung Quốc như “đánh cắp sở hữu trí tuệ, bán phá giá, trợ cấp trái phép cho các công ty” và cưỡng ép “chuyển giao công nghệ” từ các công ty Mỹ sang đối tác Trung Quốc.
“Theo tôi, chiến lược tốt nhất với Trung Quốc là đưa tất cả mọi người trong chúng ta lên cùng một con thuyền”, ông nói.
Ông Joe Biden tập trung cải cách y tế và kinh tế
SGGP Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lịch sử và suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 để lại những tác động không nhỏ cho nước Mỹ, Tổng thống đắc cử Joe Biden đang khẩn trương xúc tiến những kế hoạch mà ông nhấn mạnh cần phải hợp tác và hành động ngay lúc này.
Kế hoạch 7 điểm
Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 1-12 đã công bố kế hoạch 7 điểm nhằm cung cấp một giải pháp ứng phó khẩn cấp và chuyên nghiệp đối với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế đang gia tăng bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo kế hoạch này, người dân Mỹ được đảm bảo tiếp cận xét nghiệm miễn phí, đáng tin cậy và thường xuyên; giải quyết dứt điểm các vấn đề về thiết bị bảo hộ cá nhân; đưa ra các chỉ dẫn cụ thể, thông suốt và dựa trên chứng cứ nhằm giúp các cộng đồng ứng phó với dịch bệnh; lên kế hoạch phân phối hiệu quả và công bằng vaccine và các biện pháp điều trị; bảo vệ người cao tuổi và những nhóm người rủi ro cao; xây dựng lại và mở rộng hệ thống phòng thủ nhằm dự đoán, phòng tránh và giảm nhẹ các mối đe dọa đại dịch và thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang bằng cách phối hợp với các thống đốc và thị trưởng.
Kế hoạch ứng phó với Covid-19 của chính quyền ông Biden nhấn mạnh tới các yếu tố khoa học, bảo đảm các quyết định về y tế công cộng được công bố bởi các chuyên gia y tế công cộng, thúc đẩy lòng tin, minh bạch, mục đích chung và trách nhiệm trong chính phủ. Tổng thống đắc cử Joe Biden cho rằng, chính phủ liên bang cần hành động nhanh chóng, quyết liệt nhằm giúp bảo vệ và hỗ trợ các gia đình, doanh nghiệp nhỏ, đội ngũ y tế.
Cần thông qua gói kích thích mới
Cũng trong ngày 1-12 (giờ địa phương), phát biểu trong một sự kiện công bố các thành viên chủ chốt của nhóm kinh tế tại Delaware, Tổng thống đắc cử Joe Biden kêu gọi quốc hội nhanh chóng thông qua kế hoạch cứu trợ quy mô lớn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19.
Đội ngũ của ông Biden đang soạn thảo một kế hoạch mới hướng tới việc vực dậy nền kinh tế và kiến tạo hơn 18 triệu việc làm thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và sản xuất.
Theo ông Biden, những điều khoản trong dự luật cứu trợ về Covid-19 mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra là không đủ và cần một kế hoạch rộng lớn hơn. Ông Biden nhấn mạnh, phải hợp tác và hành động ngay lúc này và cam kết sẽ xây dựng một nền kinh tế Mỹ mới cho tất cả người dân Mỹ.
*** Hơn 64,7 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Mỹ rút ngắn thời gian cách ly
Toàn cầu ghi nhận hơn 64,7 triệu ca nhiễm và gần 1,5 triệu người chết, CDC Mỹ khuyến cáo rút ngắn thời gian cách ly từ 14 xuống 10 ngày.
Thế giới ghi nhận 64.783.598 ca nhiễm và 1.497.883 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 667.967 và 13.087 ca trong một ngày, trong khi 44.888.811 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 178.427 ca nhiễm và 2.314 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 14.069.037, trong đó 276.448 người đã chết. Chỉ trong tháng 11, hơn 37.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19.
Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, số ca tử vong trung bình trong tháng vì Covid-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12, lên hơn 70.000, sau đó tiếp tục tăng lên hơn 76.000 vào tháng một, trước khi giảm xuống trong tháng 2.
COVID Tracking Project, dư án theo dõi tình hình dịch của các tình nguyện viên, cho biết số người được điều trị tại các bệnh viện Mỹ vì Covid-19 lần đầu tiên vượt mức 100.000 người hôm 2/12. “100.226 người đang nằm viện vì Covid-19 ở Mỹ”, dự án cho biết trên Twitter.
Con số này cao gần gấp đôi so với hồi mùa xuân, trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Các bệnh viện ở một số nơi đã gần hết công suất và nếu các bang không thể kiềm chế sự gia tăng của ca nhiễm mới, các hệ thống có thể sớm trở nên quá tải.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ngày 2/12 khuyến cáo rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc với người nhiễm nCoV từ 14 xuống 10 ngày nếu họ chưa làm xét nghiệm và không có triệu chứng.
Thời gian cách ly có thể giảm xuống chỉ còn 7 ngày nếu người đó có kết quả xét nghiệm âm tính. “Giảm thời gian cách ly có thể giúp mọi người dễ dàng tuân thủ quy định và giảm bớt khó khăn kinh tế, đặc biệt là nếu họ không thể làm việc trong thời gian đó”, nhà khoa học Henry Walke từ CDC cho biết. Walke nhấn mạnh những người kết thúc cách ly sớm nên tiếp tục theo dõi triệu chứng cho đến hết 14 ngày.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 31.585 ca nhiễm và 469 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.531.295 và 138.628.
Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối tuần trước tới thăm các cơ sở sản xuất vaccine, nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine Covid-19 trong công tác kiểm soát đại dịch. Hồi tháng 10 ông cho biết chính phủ sẵn sàng tiêm chủng cho từng người dân ngay khi vaccine sẵn sàng.
Tuy nhiên, Rajesh Bhushan, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, hôm qua cho biết “chính phủ chưa bao giờ nói về việc tiêm chủng toàn quốc”, giải thích thêm rằng họ chỉ cần tiêm cho một số lượng người nhất định để phá vỡ chuỗi lây truyền.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 653 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 174.515. Số người nhiễm nCoV tăng 48.124 trong 24 giờ qua, lên 6.436.650.
Số ca nhiễm mới trung bình tại Brazil đã tăng từ 10.000 ca/ngày hồi đầu tháng 11 lên hơn 50.000/ngày, trong khi số người chết mỗi ngày tăng gấp gần 9 lần chỉ trong một tuần.
Các thống đốc bang và chính trị gia đối lập đang thúc giục chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro lập kế hoạch tiêm chủng quốc gia. Việc Bolsonaro từng tuyên bố “sẽ không sử dụng vaccine Covid-19” làm dấy lên lo ngại hàng triệu người ủng hộ ông cũng sẽ không chịu tiêm, khiến Brazil không thể đạt được mục tiêu tối thiểu 70-75% dân số được tiêm chủng để ngăn đại dịch.
Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.244.635 ca nhiễm và 53.816 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 14.064 và 310 ca. Tổng thống Pháp tuần trước nói rằng nước này đã qua đỉnh làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Chính phủ đã nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc thứ hai vì Covid-19, được áp dụng từ ngày 30/10, với việc cho phép tất cả cửa hàng mở cửa trở lại vào cuối tuần. Các hoạt động tôn giáo trong nhà cũng được phép tổ chức trở lại, nhưng tín đồ chỉ được tập trung dưới 30 người bất kể quy mô của nhà thờ.
Anh báo cáo thêm 16.170 ca nhiễm và 603 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.643.086 và 59.051. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, áp đặt một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.
Quốc hội Anh hôm qua tiếp tục thông qua một kế hoạch kiểm soát Covid-19 cấp khu vực, buộc hơn 40% dân số phải chịu lệnh hạn chế khắt khe, bất chấp sự phản đối của hàng chục nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson.
Đức ghi nhận 14.156 ca nhiễm và 329 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.069.763 và 16.862. Các cuộc tụ tập riêng tư bị giới hạn xuống còn 5 người từ ngày 1/12, số lượng khách được vào các cửa hàng cũng giảm xuống. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng nước này có thể bắt đầu tiêm chủng muộn nhất vào tháng một năm sau.
Phản ứng của Đức trước làn sóng Covid-19 đầu tiên được đánh giá cao, nhưng sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch khi làn sóng thứ hai tấn công châu Âu, số ca nhiễm được ghi nhận khá đáng kể. Bên cạnh đó, đông đảo người dân trở nên tức giận vì những lệnh hạn chế, dẫn đến các cuộc biểu tình.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 25.345 ca nhiễm nCoV và 589 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.347.401 và 41.053. Anna Popova, giám đốc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor), hôm 1/12 cho biết tình hình dịch tại nước này đang có xu hướng chậm lại.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho hay đại dịch vẫn khá nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước, đáng lo ngại nhất là Kaliningrad và St Peterburg. Thay vì áp dụng các lệnh phong tỏa trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, Nga chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. St.Petersburg yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc của thành phố đóng cửa trong kỳ nghỉ đón năm mới, từ 30/12 đến 10/1.
Putin hôm qua yêu cầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V trên diện rộng từ tuần sau. Putin nhấn mạnh giáo viên và nhân viên y tế sẽ là những người đầu tiên được tiêm vaccine. Tiêm chủng được thực hiện theo cơ sở tự nguyện và công dân Nga sẽ được tiêm miễn phí.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 48.990 người chết, tăng 362, trong tổng số 989.572 ca nhiễm, tăng 13.621. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này tuần trước cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, với 89/160 thành phố đã được đưa khỏi danh sách những nơi có nguy cơ cao.
Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi cho hay mức độ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của công chúng đã tăng lên 90%. Tuy nhiên, hầu hết văn phòng không thiết yếu của chính phủ vẫn bị đóng cửa nhằm ngăn virus lây lan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương nước này cấp ngân sách cần thiết để nhập khẩu vaccine Covid-19.
Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 511 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 35.163, trong đó 526 trường hợp tử vong.
Giới chức Hàn Quốc hôm 29/11 cho biết Thủ tướng Chung Sye-kyun sẽ thảo luận với các quan chức y tế về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn để ngăn Covid-19. Trước đó, Thủ tướng Chung cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 549.508 ca nhiễm, tăng 5.533, trong đó 17.199 người chết, tăng 118.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Philippines báo cáo 434.357 ca nhiễm và 8.436 ca tử vong, tăng lần lượt 1.438 và 18 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Quốc gia này đã ký hợp đồng mua 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca hợp tác nghiên cứu sản xuất.
Chính phủ Philippines trước đó từng đàm phán với một số nhà sản xuất vaccine Covid-19 tiềm năng, đến từ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte hồi tháng 9 cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga và Trung Quốc sản xuất, bởi họ không yêu cầu tiền đặt trước.
WHO ngày 2/12 khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang không phải y tế trong nhà, như tại cửa hàng, nơi làm việc chung, trường học, nếu không gian không đủ thông thoáng, bất kể họ có thể duy trì khoảng cách một mét với nhau hay không.
WHO cũng khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang ở ngoài trời khi không thể duy trì khoảng cách ít nhất một mét với nhau.
*** Căng thẳng với Iran leo thang, Mỹ sắp rút hàng loạt nhân viên ngoại giao khỏi Iraq
Quan hệ giữa chính quyền Trump và Tehran trở nên đặc biệt căng thẳng kể từ khi Mỹ ám sát Tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào ngày 3/1.
Nước phương Tây đầu tiên phê duyệt vaccine COVID-19
Anh đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cấp phép vaccine ngừa COVID-19, mở đường cho việc tiêm chủng vaccine diện rộng với ưu tiên là những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo The Guardian, loại vaccine được cấp phép, không gì khác, chính là Pfizer/BioNTech.
Ông Trump ẩn ý “hẹn gặp lại sau 4 năm”
Trong bối cảnh hỗn loạn đang diễn ra xung quanh cuộc bầu cử năm nay của Mỹ, đang có nhiều suy đoán và lời kêu gọi Tổng thống Donald Trump tranh cử vào năm 2024, đáng chú ý, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn cử tri Đảng Cộng hòa muốn ông Trump nắm quyền lãnh đạo trong 4 năm nữa.
Nga sắp mang vaccine Sputnik V ra Liên Hợp Quốc
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 do Nga sản xuất sẽ được giới thiệu công khai tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) bằng hình thức trực tuyến.
Vaccine COVID-19 và những dấu hỏi
Những nỗ lực chạy đua với thời gian nhằm tìm ra vaccine chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có vẻ như đã được đền đáp khi chỉ chưa đầy một năm sau khi SARS-CoV-2 xuất hiện và lan rộng khắp toàn cầu, nhiều hãng dược phẩm trên thế giới tuyên bố đã thành công trong các thử nghiệm lâm sàng, với hiệu quả lên tới 95%.
Những bức ảnh nhức nhối về “thảm họa toàn cầu” năm 2020
Đó là thế giới mà các nhiếp ảnh gia của Associated Press (AP) đã chụp vào năm 2020, một thế giới bị bao vây bởi mọi loại thảm họa – thảm họa tự nhiên và phi tự nhiên, xung đột bạo lực và bất bạo động.
Gã đàn ông giả nhân viên xã hội sát hại 26 phụ nữ lớn tuổi
Một người đàn ông 38 tuổi đóng giả nhân viên dịch vụ xã hội để lẻn vào nhà hàng chục phụ nữ lớn tuổi rồi sát hại họ dã man.
Iran bác tin tư lệnh cấp cao bị hạ sát gần biên giới Iraq-Syria
Bộ Ngoại giao Iran nói họ không có thông tin gì về việc một tư lệnh cấp cao lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị hạ sát bằng máy bay không người lái ở biên giới Syria-Iraq.
Tháng 11 đen tối: Báo Mỹ đăng cáo phó nhiều hơn đăng tin
Gần 37.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì COVID-19 trong tháng 11, nhấn chìm các gia đình trong đau buồn, lấp đầy các trang cáo phó của báo chí và thách thức sức chứa của các nhà xác, nhà tang lễ và bệnh viện.
Châu Âu những ngày không yên ả
Đại dịch COVID-19, bất đồng chưa thể giải quyết về kế hoạch ngân sách và phục hồi kinh tế, giải quyết những tranh cãi “bất phân thắng bại” về chủ quyền trong nội khối cũng như làm thế nào để đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Vương quốc Anh là những vấn đề đang đẩy châu Âu vào những ngày không yên ả.
Vụ cướp kho tiền Kinh Châu chấn động Trung Quốc
Sáng sớm ngày 17 tháng 12 năm 1995 đã xảy ra một vụ giết người, cướp của và đốt phá quy mô lớn tại Hợp tác xã tín dụng số 41 đường Giang Tân khu Sa Thị, thành phố Kinh Châu. Ba nhân viên bảo vệ của Hợp tác xã tín dụng bị thiệt mạng và hơn 2,3 triệu nhân dân tệ cất trong kho tiền đã bị cướp. Vụ án “12.17” đã gây chấn động cả đất nước Trung Quốc lúc bấy giờ.
Đi ngược quan điểm với Tổng thống, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ có bị sa thải?
Trái với những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr ngày 1/12 tuyên bố Bộ này không phát hiện ra bằng chứng nào về việc gian lận cử tri diện rộng có thể thay đổi kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.
KGB và vụ án hình sự “Eliseevsky”
Năm 1983, tại hội trường của Tòa án quận Bauman, một phán quyết gây tiếng vang lớn đã được thông qua. Vì tội “nhận và đưa hối lộ quy mô lớn” giám đốc cửa hàng thực phẩm huyền thoại Eliseevsky tại Moscow là Yuri Sokolov đã bị kết án tử hình. Vụ án Eliseevsky trở thành một trong những vụ án tham ô lớn nhất được phanh phui trong ngành thương mại của Liên Xô trong cuộc chiến chống tham nhũng của KGB.
EU ấn định ngày phê duyệt vaccine COVID-19 của hãng Pfizer và Moderna
Thông tin trên được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu đưa ra sau khi các công ty tiến hành nộp đơn xin EU phê duyệt vaccine COVID-19.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan
Trung Quốc hôm 30/11 tái khẳng định sự kiên quyết phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, thúc giục Mỹ xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng và đúng đắn, tránh “bước tiếp con đường sai lầm và nguy hiểm”.
Anh tố Brexit vẫn mắc kẹt vì EU “không công bằng”
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Brexit của Anh Michael Gove ngày 1/12 lên tiếng cho rằng, việc Liên minh châu Âu (EU) đòi hỏi quá nhiều đã khiến cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit bị mắc kẹt.
Dân mạng Trung Quốc và Hàn Quốc khẩu chiến về kim chi
Mạng xã hội Trung Quốc và Hàn Quốc đang tranh cãi dữ dội xung quanh việc một món ăn Trung Quốc giống kim chi của Hàn Quốc nhận được chứng chỉ quốc tế.
Tổng hợp-TT