Nỗi lo “thảm kịch” Ấn Độ lan ra châu Á; WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc; Mỹ nằm trong số những nước đầu tiên tham gia vào dự án quốc phòng của EU; Máy bay chở hàng lớn nhất thế giới mang ôxy “giải cứu” Ấn Độ; Ngân hàng Trung ương Anh: Nhà đầu tư vào tiền số nên sẵn sàng tâm thế mất sạch; Thế giới có hơn 157 triệu ca mắc COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Nỗi lo “thảm kịch” Ấn Độ lan ra châu Á
Thảm kịch Covid-19 ở Ấn Độ
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo những làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới đang ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia châu Á, dấy lên nỗi lo “thảm kịch” giống như ở Ấn Độ có thể lặp lại.
Times of India sáng 8/5 cho biết, Ấn Độ trong ngày trước đó ghi nhận thêm 401.326 ca nhiễm mới COVID-19, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp có trên 400.000 ca bệnh, chiếm một nửa số ca bệnh mới toàn cầu; cùng 4.187 ca tử vong – mức cao nhất từng được ghi nhận tại quốc gia Nam Á.
Đợt bùng dịch lần này ở Ấn Độ khởi phát từ hồi giữa tháng 2/2021. Đến nay, sau hơn 80 ngày, Ấn Độ đã báo cáo tới 11 triệu ca bệnh mới, nhiều hơn đợt bùng dịch đầu tiên kéo dài trong cả năm trước, tính từ ngày ghi nhận ca bệnh đầu tiên 30/1/2020 tới ngày 14/2/2021.
Bất chấp nỗ lực trong nước cũng như trợ giúp từ quốc tế, Ấn Độ vẫn đang vật lộn với tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu oxy và vật tư y tế cơ bản khác để chăm sóc người bệnh; trong khi những người tử vong phải xếp hàng chờ hỏa táng tại các lò thiêu lộ thiên.
Các chuyên gia y tế cảnh báo vài tuần tới tình hình tại Ấn Độ sẽ tiếp tục xấu đi. Qua các mô hình dự báo, giới chuyên gia của Viện Khoa học Ấn Độ nhận định, nước này có thể sẽ ghi nhận 404.000 ca tử vong vì COVID-19, chỉ kém Mỹ, nơi chứng kiến hơn 594.000 người nhiễm COVID-19 thiệt mạng.
Cùng ngày, CNN dẫn thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay tình trạng ở Ấn Độ có thể lặp lại ở các quốc gia láng giềng như Nepal, Srilanka, Maldives, thậm chí xa hơn, ở Đông Nam Á, nếu các quốc gia không kịp áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch.
WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc
(VTC News) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vaccine do Sinopharm phát triển để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Hôm 7/5, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết: “Chiều nay, WHO đưa vaccine COVID-19 của Sinopharm vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đây là vaccine thứ 6 nhận được chứng nhận của WHO về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng”.
Tổng giám đốc Tedros Ghebreyesus cũng cho hay, một hội đồng chuyên gia của WHO đã đề xuất tiêm hai liều vaccine Sinopharm cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Quyết định phê duyệt vaccine Sinopharm dựa trên cơ sở đánh giá của nhóm cố vấn kỹ thuật WHO. Nhóm này đã bắt đầu họp vào ngày 26/4 để xem xét các dữ liệu lâm sàng mới nhất cũng như thực tiễn sản xuất vaccine của Sinopharm.
Qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở nhiều quốc gia, nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO kết luận vaccine Sinopharm có hiệu quả bảo vệ 78,1% sau hai mũi tiêm.
Đây là lần đầu tiên WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho một loại vaccine do Trung Quốc phát triển và bào chế. Một loại vaccine khác đến từ Trung Quốc, do công ty Sinovac Biotech sản xuất, có thể được WHO chấp thuận sớm nhất vào tuần sau. Các chuyên gia kỹ thuật của tổ chức này đã đánh giá Sinovac vào hôm 5/5.
Đến nay, ngoài vaccine Sinopharm, WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Moderna.
Mỹ nằm trong số những nước đầu tiên tham gia vào dự án quốc phòng của EU
– Liên minh châu Âu (EU) sẽ cho phép Mỹ, Na-uy và Canada tham gia vào một dự án nhằm giải quyết tình trạng chậm chễ trong việc điều động binh sĩ đi khắp Châu Âu, các nhà ngoại giao EU hôm 5/5 cho biết. NATO xem đây là dự án vô cùng quan trọng để đề phòng trường hợp xảy ra xung đột với Nga.
Trong khi NATO đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm giảm các quy định mâu thuẫn trong 27 nước về việc điều động các lực lượng Mỹ, EU có ngân sách để hỗ trợ việc tái xây dựng lại những cây cầu đã quá yếu cho xe tăng và có thêm quyền lực để thay đổi những quy định trong liên minh.
Quyết định được phê chuẩn hôm qua (6/5) bởi Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU đồng nghĩa với việc các thành viên của NATO gồm Na-uy, Canada và Mỹ sẽ trở thành những quốc gia nước ngoài đầu tiên hợp tác trong hiệp ước Hợp tác có cấu trúc thường trực ( PESCO ) – một thỏa thuận nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa các nước.
Kế hoạch ký một hiệp ước quốc phòng EU được thúc đẩy sau khi cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích gay gắt NATO về việc không dành đủ ngân sách chi tiêu cho quốc phòng mà dồn gánh nặng lên Mỹ. Điều đó đã khiến EU tìm kiếm một sự độc lập về quốc phòng, không muốn dựa dẫm quá nhiều vào Mỹ.
Máy bay chở hàng lớn nhất thế giới mang ôxy “giải cứu” Ấn Độ
(DTO) Máy bay chở hàng lớn nhất thế giới đã vận chuyển lô vật tư y tế trong đó có 3 máy tạo ôxy khổng lồ cùng với 1.000 máy thở đến hỗ trợ Ấn Độ đối phó cuộc khủng hoảng Covid-19.
Hãng tin NDTV dẫn thông tin từ chính phủ Anh ngày 7/5 cho biết, máy bay Antonov 124, chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới, đã cất cánh từ Belfast, Bắc Ireland để chuyển 3 máy tạo ôxy 18 tấn và 1.000 máy thở đến Ấn Độ. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ Anh nhằm giúp Ấn Độ đối phó với thảm kịch Covid-19.
Văn phòng Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO), cơ quan tài trợ đợt tiếp tế này, cho biết nhân viên sân bay đã làm việc thâu đêm để vận chuyển lô hàng lên máy bay. Máy bay dự kiến sẽ đáp xuống sân bay ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào sáng mai 9/5, sau đó Hội chữ Thập đỏ Ấn Độ sẽ hỗ trợ phân phối cho các bệnh viện.
Mỗi máy tạo ôxy này có thể tạo ra 500 lít ôxy mỗi phút, đủ dùng cho 50 người. Tháng trước, Anh cũng đã gửi 200 máy thở và 495 máy tạo ôxy cỡ nhỏ hơn cho Ấn Độ. Sự hỗ trợ của Anh và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, được cho là sẽ góp phần giải tỏa tình trạng cạn kiệt ôxy ở các bệnh viện của Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, nhiều bệnh nhân không thể nhập viện hoặc tử vong vì không có ôxy y tế.
Ấn Độ đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi làn sóng Covid-19 thứ hai. Đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng gần 22 triệu ca nhiễm và hơn 238.000 ca tử vong. Hệ thống y tế của Ấn Độ trên bờ vực sụp đổ vì số ca nhiễm tăng quá nhanh khiến các bệnh viện quá tải, thiếu hụt vật tư y tế.
Ngân hàng Trung ương Anh: Nhà đầu tư vào tiền số nên sẵn sàng tâm thế mất sạch
Tiền số “không có giá trị nội tại” và những người đầu tư vào chúng nên sẵn sàng tâm thế mất sạch, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cảnh báo.
Các đồng tiền số như bitcoin, ether và thậm chí cả dogecoin đã đại thắng từ đầu năm đến nay, nhưng đi kèm là cảnh báo bong bóng tiền số tương tự năm 2017 khi mà bitcoin vọt lên mức 20.000 USD nhưng sau đó rơi xuống mức 3.122 USD vào năm sau.
Trong cuộc họp báo về sức tăng giá của tiền số diễn ra hôm 6/5, Thống đốc Andrew Bailey cho rằng: “Chúng không có giá trị nội tại. Điều đó không có nghĩa là mọi người không coi trọng chúng, bởi vì chúng có thể có giá trị bên ngoài. Nhưng chúng không có giá trị nội tại”.
“Tôi nhắc lại điều này một cách rất thẳng thắn”, ông Bailey nói thêm. “Chỉ mua chúng nếu bạn chuẩn bị tâm thế mất sạch tiền”, Thống đốc Anh lưu ý.
*** Thế giới có hơn 157 triệu ca mắc COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 8/5/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 157.523.271 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.283.179 ca tử vong và 134.777.686 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 832.809 ca mắc và 13.666 ca tử vong mới vì đại dịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (401.326 ca); Brazil (78.337 ca); Mỹ (47.193 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (20.107 ca); Pháp (19.124 ca); … Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (4.194 ca); Brazil (2.217 ca); Mỹ (757 ca); Argentina (609 ca); Colombia (453 ca); Ba Lan (453 ca)….
Tại châu Âu, tính đến nay, châu lục này ghi nhận số người nhiễm COVID-19 với tổng cộng 45.328.285 người, với 1.031.224 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 114.305 ca nhiễm mới và 2.682 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 5.747.214 ca mắc COVID-19 và 106.101 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 19.124 ca nhiễm mới và 235 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức…
Châu Á đã có tổng cộng 42.989.735 ca nhiễm và 558.211 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 504.187 ca mắc và 4.688 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 36.961.331 ca được điều trị khỏi; 5.470.193 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 33.457 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là tâm chấn mới cả đại dịch COVID-19 trong khu vực và trên toàn thế giới khi liên tiếp trong nhiều ngày qua, Ấn Độ ghi nhận với hơn 400.000 ca nhiễm mới và trên 4.000 ca tử vong mỗi ngày. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 401.326 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 4.194 ca tử vong – mức cao nhất thế giới, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt là 21.886.611 và 238.265 ca.
Hiện một số bang ở Ấn Độ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc lệnh phong tỏa từng phần, trong khi thủ đô New Delhi đang áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 3, có hiệu lực đến ngày 10/5. Tuy nhiên, chính phủ liên bang vẫn loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Iraq, Philippines. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có gần 5 triệu ca nhiễm; Iran có gần 2,7 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm COVID-19…
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 21.385 ca mắc mới và 297 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 3.575.453 người mắc COVID-19, trong đó 70.154 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khối này có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Indonesia, Philippines và Malaysia.
Hiện, Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN với 1.703.632 ca nhiễm và 46.663 ca tử vong, song tình hình dịch bệnh tại quốc gia này sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực.
Trong 24 giờ qua, Philippines thông báo cũng ghi nhận thêm 7.733 ca mắc và 108 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 1.087.885 ca, trong đó có 18.099 ca tử vong. Nhiều ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất ASEAN. Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan, Philippines ngày 7/5 thông báo biện pháp siết chặt kiểm soát các hành khách nhập cảnh. Chính phủ Philippines nêu rõ thời gian thực hiện cách ly đối với hành khách nhập cảnh nước này sẽ tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, trong bối cảnh Philippines nỗ lực ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 65.144 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 38.763.174 ca, tổng số người tử vong là 869.547 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 30.580.977 trường hợp. Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực với 33.416.528 ca nhiễm và 594.893 ca tử vong vì đại dịch. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.358.831 ca nhiễm và 218.173 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 25.720.195 ca nhiễm; 698.748 ca tử vong và 23.3 33.981 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 15.087.360 ca nhiễm, trong đó 419.393 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, French Polynesia và New Zealand là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 7 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.893 ca, trong đó 910 ca tử vong. Các quốc gia French Polynesia và New Zealand lần lượt ghi nhận 14 và 1 ca mắc mới COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.657.484 ca mắc COVID-19, trong đó 124.225 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.592.326 trường hợp, trong đó 54.687 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.956 ca mắc mới COVID-19 và 67 ca tử vong vì đại dịch. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm: Morocco, Tunisia, Ethiopia, Ai Cập, Libya…
Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/5 đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp.
Với quyết định này của WHO, vaccine của Sinopharm trở thành vaccine ngừa COVID-19 thứ 6 trên thế giới được WHO phê chuẩn. Đây cũng là lần đầu tiên WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho một loại vaccine do Trung Quốc phát triển và bào chế.
Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO là xác nhận của cơ quan này về tính an toàn và hiệu quả của một loại dược phẩm. Do vậy, vaccine của Sinopharm cũng sẽ được đưa vào chương trình phân phối vaccine toàn cầu COVAX, do WHO điều hành để cung cấp vaccine cho các nước nghèo./.
*** CIA giải mật hồ sơ về Chương trình vũ khí hạt nhân Pháp
Tháng 11-1959, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã công bố một báo cáo tình báo khoa học có tên “Chương trình hạt nhân Pháp” (CIA/SI 47-59), trong đó phân tích tiến bộ của nghiên cứu Pháp trong lĩnh vực cụ thể này.
Khi nước Mỹ tuyên chiến với chính mình
Tròn 150 năm trước, ngày 20-4-1871, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật cực kỳ cứng rắn, nhằm trấn áp những lực lượng khủng bố hay cực hữu đang từng ngày đào sâu hố chia rẽ giữa các công dân Mỹ: Đạo luật Ku Klux Klan – hay còn gọi là Đạo luật Thực thi thứ ba (Third Enforcement Act).
Mới chỉ là ý định, chứ chưa phải thỏa thuận
Phát biểu tại cuộc trao đổi với nhóm các chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương tại Thủ đô Washington (Mỹ) hôm 6/5 (giờ địa phương), Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton nhấn mạnh, Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc thực tế mới chỉ là “ý định chứ chưa phải là một thỏa thuận” và có thể sẽ phải mất thời gian dài đàm phán nữa trước khi trở thành hiện thực.
Cảnh sát Israel đụng độ người Palestine gần đền thiêng ở Jerusalem
Gần 180 tín đồ người Palestine bị thương trong vụ ẩu đả nghiêm trọng với lực lượng an ninh Israel bên ngoài thánh địa Hồi giáo al-Aqsa tại Jerusalem.
Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp trước thềm Olympic
Trong bối cảnh số ca nhiễm ngày càng tăng, Nhật Bản hôm 7/5 tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 tại thủ đô Tokyo và một số khu vực khác, chỉ vài tháng trước lễ khai mạc Thế vận hội Olympic.
Các nhà thờ tại Pakistan chật kín người bất chấp COVID-19
Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 Pakistan tăng kỷ lục, các trường học và nhà hàng đã đươc yêu cầu đóng cửa, cùng với đó là sự ra quân của lực lượng quân đội nhằm thắt chặt công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, trong tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo vẫn đổ xô đến các nhà thờ trên khắp đất nước để cầu nguyện.
Đàm phán dỡ bỏ bằng sáng chế vaccine COVID-19 có thể mất vài tháng
Các chuyên gia nhận định, quá trình đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc dỡ bỏ sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng, ngay cả khi WTO vượt qua được sự phản đối mạnh mẽ của một số nước thành viên, Reuters đưa tin.
Nghiên cứu mới: Số ca tử vong vì COVID-19 thực tế cao gấp đôi?
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 6,9 triệu người trên toàn khắp thế giới, gấp đôi so với con số được công bố chính thức, theo một phân tích từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington, Mỹ.
EU sản xuất hàng loạt ba loại thuốc chữa COVID-19
Ủy ban châu Âu ngày 7/5 thông báo, ủy ban này đang lên kế hoạch để sản xuất hàng loạt ba loại thuốc có khả năng làm thay đổi tiến trình của đại dịch COVID-19 vào mùa thu tới.
Gia đình Phó Tổng thống Mỹ Harris ở Ấn Độ vật lộn với COVID-19
G. Balachandran vừa bước sang tuổi 80 tại Ấn Độ, nơi ông sinh sống. Nếu không phải vì đại dịch COVID-19, ông đã được tụ tập cùng gia đình để chào đón dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của mình.
Nga sẵn sàng chia sẻ bản quyền vaccine COVID-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định vaccine ngừa COVID-19 do nước này sản xuất là đáng tin cậy và an toàn nhất hiện nay. Ông cũng ủng hộ việc dỡ bỏ bảo hộ sáng chế với vaccine COVID-19.
Nữ sinh lớp 6 ở Mỹ nổ súng tại trường, 3 người bị thương
Một nữ sinh lớp 6 tại bang Idaho, Mỹ, đã mang súng đến trường, bắn bị thương 2 học sinh và một nhân viên trường học, sau đó bị giáo viên tước vũ khí.
Nga cấp phép vaccine Sputnik một liều tiêm, hiệu quả 79,4%
Vaccine COVID-19 Sputnik Light, có thành phần giống hệt mũi tiêm đầu tiên của vaccine Sputnik V thông thường, được chứng minh có hiệu quả miễn dịch ở mức 79,4% sau 28 ngày tiêm.
Mỹ khuyên Iran ngừng trông đợi thêm nhượng bộ từ Washington
Chính quyền Biden dường như muốn gửi thông điệp rằng Iran không nên mong đợi những nhượng bộ lớn mới từ Mỹ trong bối cảnh vòng đàm phán hạt nhân gián tiếp đang được nối lại.
Cảnh sát đấu súng với tội phạm ma túy ở Brazil, 25 người chết
Ít nhất 25 người đã thiệt mạng trong một chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở khu ổ chuột Jacarezinho của Rio de Janeiro, Brazil.
Căng thẳng Australia – Trung Quốc: Thêm dầu vào lửa!
Trung Quốc ngày 6/5 tuyên bố đình chỉ “vô thời hạn” tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế chiến lược giữa nước này với Australia, động thái được cho là bước lùi nghiêm trọng trong mối quan hệ vốn đang chìm sâu trong khủng hoảng giữa hai nước.
Tổng hợp-TT