VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 27/5/2020.

Chuyển dịch dòng vốn đầu tư: Thời cơ và thách thức cho Đông Nam Á;  Nhật Bản bơm thêm 1 nghìn tỷ USD cứu trợ các doanh nghiệp trên bờ phá sản;  Nghi vấn công ty Nhật ở Bắc Ninh hối lộ để trốn thuế gần 420 tỷ đồng;  Tổng Giám đốc WTO bất ngờ từ chức; Mỹ cân nhắc trừng phạt quan chức, công ty Trung Quốc; Trump: Mỹ sẽ hành động với Trung Quốc trong tuần này; Gần 5,7 triệu người trên thế giới mắc COVID-19…là những tin chính được cập nhật.

Chuyển dịch dòng vốn đầu tư: Thời cơ và thách thức cho Đông Nam Á

  Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Thái Lan   Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Thái Lan

SGGP Trước những tác động từ thương chiến Mỹ – Trung Quốc và đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch dời nhà máy sản xuất của họ ở Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tờ Philippines Star cho rằng, dù Đông Nam Á có những lợi thế nhất định trong việc tiếp nhận chuyển giao sản xuất, nhưng để có thể trở thành “công xưởng của thế giới”, khu vực này phải nỗ lực rất lớn.
Những lợi thế vượt trội
Từ trước cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc nổ ra, một số ngành sản xuất đặt tại Trung Quốc đã có xu thế chuyển sang Đông Nam Á. Từ năm 2010, Việt Nam dựa trên lợi thế về chi phí đã thay thế Trung Quốc trở thành cơ sở sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới của Nike. Ngành sản xuất của Samsung vốn đã “cắm rễ” ở Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng cũng sớm xây dựng nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Cho đến nay, ngành sản xuất của Samsung đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc, chuyển sang khu vực Đông Nam Á và Nam Á.
Điểm yếu
Lực lượng lao động dồi dào nhưng lợi thế về chi phí lao động hiện nay ở Đông Nam Á cũng không phải quá nổi bật so với Trung Quốc. Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), mức lương tối thiểu ở Jakarta (Indonesia) năm 2015 bằng khoảng 80% ở Bắc Kinh và nâng lên 90% vào năm 2019. Sự chênh lệch về chi phí lao động giữa khu vực này và Trung Quốc đang dần được thu hẹp khiến cho lợi thế về chi phí lao động không còn thực sự nổi bật. Hiệu quả lao động không cao cũng trở thành một rào cản lớn cho Đông Nam Á trong việc tiếp nhận chuyển giao sản xuất.

 Nhật Bản bơm thêm 1 nghìn tỷ USD cứu trợ các doanh nghiệp trên bờ phá sản
(Doanhnhan.vn) – Nhật Bản đang tìm cách dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và một số vùng phụ cận. Ngoài ra, chính phủ cũng đang xem xét gói cứu trợ mới trị giá 930 tỷ USD để giúp các công ty tại Nhật sớm vượt qua đại dịch Covid, Nikkei đưa tin ngày 25/5.
Kể từ giữa tháng 5, Thủ tướng Abe Shinzo đã bắt đầu dỡ lệnh phong tỏa đối với các khu vực mà tỷ lệ mắc mới giảm. Tuy nhiên, chính phủ vẫn giữ nguyên lệnh cấm với Tokyo, vùng phụ cận và phía bắc đảo Hokkaido để theo dõi thêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trước đó, từ ngày 7/4, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số thành phố. Vùng thủ đô Tokyo, nơi chịu tác động mạnh nhất của đại dịch, là điểm cuối cùng còn áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Nhật Bản sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc từ ngày 25/5
Thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike cho biết, Tokyo đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn 1 khi chính phủ ban hành quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Điều này sẽ cho phép các thư viện và bảo tàng mở cửa trở lại, và các nhà hàng cũng sẽ được phép mở cửa cả ngày. Trong giai đoạn tiếp theo, lần lượt các rạp chiếu phim và hội chợ sẽ được phép hoạt động trở lại.
Mặc dù nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã dần kiểm soát được dịch với khoảng 17.000 người nhiễm Covid-19 và 825 ca tử vong, nhưng cho đến nay, dịch bệnh đã đẩy Nhật Bản vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng, khiến uy tín của Thủ tướng Shinzo Abe cũng bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Abe sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 6 giờ chiều (theo giờ địa phương), tức khoảng 20h (theo giờ Việt Nam) để công bố kế hoạch dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Nhật.
Để hỗ trợ nền kinh tế có thể vực dậy sau cuộc khủng hoảng này, chính phủ Nhật cũng đang xem xét gói hỗ trợ mới lên tới 100 nghìn tỷ yên (930 tỷ USD), chủ yếu bao gồm viện trợ tài chính cho các công ty, thông tin từ Nikkei cho biết.

 Nghi vấn công ty Nhật ở Bắc Ninh hối lộ để trốn thuế gần 420 tỷ đồng
(Doanhnhan.vn) – Ngày 11/5, báo chí Nhật đưa tin việc công ty con của hãng sản xuất Tenma tại Việt Nam hối lộ khoảng 5,4 tỷ đồng để trốn thuế.
Công ty nhựa Tenma có trụ sở chính tại Tokyo, đã “đầu thú” với Tòa án quận Tokyo việc Công ty TNHH Tenma Việt Nam – công ty con của hãng tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam hối lộ một số cán bộ để trốn khoản truy thu thuế giá trị gia tăng với vật liệu thô nhập khẩu.
Theo Công hàm của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, một số báo và hãng thông tấn nước này như Asahi, Nikkei, Kyodo thì Tenma đã khai báo số tiền hối lộ cho các cán bộ địa phương là 25 triệu Yên (khoảng 5,4 tỷ đồng).
Khoản “phí điều chỉnh” này được lãnh đạo Tenma Việt Nam đề xuất với trụ sở chính. Lần đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2017, công ty con của Tenma đã chủ động đề nghị trả tiền mặt trị giá 2 tỷ đồng cho các bộ điều tra thuế địa phương sau khi nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị gia tăng với vật liệu thô nhập khẩu lên đến 400 tỷ đồng. Sau đó công ty đã được miễn khoản truy thu thuế này.
Lần thứ hai diễn ra vào tháng 8/2019, cán bộ điều tra thuế địa phương đã yêu cầu phía công ty nộp thêm khoản thuế 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu Yên) sau một cuộc kiểm tra thuế. Tuy nhiên công ty đã trả khoản tiền mặt 3 tỷ đồng và sau cùng được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng xuống còn 567 triệu đồng (2,62 triệu Yên).
Các công tố viên ở Tokyo cho rằng hành vi hối lộ chính quyền nước ngoài của Tenma đã vi phạm đến Luật phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.
Những thông tin sai phạm này đã được chính các lãnh đạo công ty tại trụ sở Tokyo tự nguyện khai báo tại Văn phòng Công tố viên quận Tokyo vào ngày 1/4, theo nguồn tin Asahi.

 Doanh nghiệp phá sản, 1/3 lao động thất nghiệp, thiên đường Hawaii sụp đổ vì dư chấn Covid-19
(Doanhnhan.vn) – Nền kinh tế của Hawaii phụ thuộc phần lớn vào du lịch. Hiện tại, toàn bộ kinh doanh tại đảo thiên đường đang giảm đến 95%. Người dân địa phương sống dựa vào du lịch đều mang tâm trạng lo lắng. Nhiều báo cáo và phân tích cho thấy sự phục hồi kinh tế của Hawaii vẫn còn rất xa xôi.
Vị trí độc đáo và vẻ đẹp tự nhiên của tiểu bang xa nhất nước Mỹ đã biến Hawaii thành đảo du lịch thiên đường. Nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào du lịch, người dân và lao động trên đảo đang nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc suy thoái. Khoảng 1/3 lao động đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ khi cuộc khủng hoảng do Covid-19 bùng nổ.

 Bill Gates: Vắc-xin chống Covid-19 phải có hiệu quả trên 70% mới dập tắt được dịch
(Doanhnhan.vn) – Là người trực tiếp đầu tư cho 7 công ty nghiên cứu vắc – xin, vị tỷ phú cho rằng hiệu quả vắc-xin dưới 70% không mang ý nghĩa trong cuộc chiến dập tắt Covid-19. Thế giới cũng cần tới số lượng hàng tỷ liều với thời gian nhanh nhất có thể.
Trong bài viết mới trên blog cá nhân, Bill Gates đưa ra ý kiến riêng của mình về tính hiệu quả của vắc-xin chống lại Covid-19 mà thế giới đang cần. “Nếu muốn mọi thứ trở lại bình thường, chúng ta phải phát triển được vắc-xin an toàn, hiệu quả. Thế giới cần hàng tỷ liều, phân phát tới từng ngõ ngách toàn cầu và càng sớm có được nó càng tốt”, Bill Gates phát biểu trên blog cá nhân.
Ông cho biết thêm, vắc-xin này phải có hiệu quả ít nhất 70% mới có thể chấm dứt được Covid-19, 60% có thể tạm chấp nhận được nhưng các quốc gia vẫn phải giãn cách xã hội. Tất cả các loại vắc-xin hiệu quả dưới 60%, theo Bill Gates, đều khó đưa vào sử dụng thực tế.

 Tổng Giám đốc WTO bất ngờ từ chức
(Doanhnhan.vn) – Ngày 14/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Roberto Azevedo bất ngờ thông báo từ chức sau những đề xuất được xem là bất hòa với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo đã có 7 năm giữ vị trí lãnh đạo cơ quan thương mại quốc tế và đang tại nhiệm trong nhiệm kỳ thứ hai dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9/2021. Tuy nhiên việc ông Azevedo thông báo từ chức sớm là động thái rất bất ngờ cho quan hệ quốc tế trong bối cảnh tổ chức WTO đang đấu tranh để kiềm chế những căng thẳng thương mại toàn cầu và kêu gọi hợp tác, đoàn kết chống dịch bệnh Covid 19.
Tổng Giám đốc WTO là người đã nhiều lần đề xuất hợp tác quốc tế và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các quốc gia. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định ông Azevedo đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong thời gian tại chức vì chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Mỹ cân nhắc trừng phạt quan chức, công ty Trung Quốc
Theo nguồn tin của Bloomberg, Bộ Tài chính Mỹ có thể kiểm soát giao dịch và phong tỏa tài sản quan chức, doanh nghiệp Trung Quốc vì vấn đề Hong Kong.
Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Mỹ đang cân nhắc hàng loạt biện pháp trừng phạt áp lên Trung Quốc nếu nước này ban hành luật an ninh Hong Kong. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ có thể kiểm soát các giao dịch và phong tỏa tài khoản quan chức, doanh nghiệp Trung Quốc. Một biện pháp khác cũng được bàn bạc là hạn chế cấp visa cho quan chức nước này.

Trump: Mỹ sẽ hành động với Trung Quốc trong tuần này
Trump cảnh báo ông đang chuẩn bị hành động chống lại Trung Quốc tuần này vì dự luật an ninh Hong Kong, song không nêu chi tiết.
“Chúng tôi đang tiến hành một số thứ. Tôi nghĩ mọi người sẽ thấy nó rất hay ho, nhưng tôi sẽ không nói về điều đó hôm nay”, Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phóng viên tại Nhà Trắng khi được hỏi liệu ông có áp lệnh trừng phạt với Trung Quốc về hành động của họ với Hong Kong.
“Đó là việc mọi người sẽ nghe trước cuối tuần này. Tôi nghĩ nó rất mạnh mẽ”, Trump trả lời câu hỏi thứ hai. Tổng thống Mỹ tuần trước cảnh báo sẽ “phản ứng cứng rắn” nếu Trung Quốc ban hành luật an ninh Hong Kong.
Người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany trước đó cho biết Tổng thống không hài lòng về dự luật an ninh Hong Kong và cho rằng “thật khó để xem Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính nếu Trung Quốc tiếp quản thành phố này”.

***    Gần 5,7 triệu người trên thế giới mắc COVID-19
(ĐCSVN) – Số liệu mới nhất tính đến 8 giờ 30 ngày 27/5 theo thống kê của trang worldometers.info cho thấy, tổng số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 5.681.655 người, trong đó có 352.156 ca tử vong, 2.430.517 ca phục hồi. Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, với 1. 725.275 ca, và số ca tử vong đã lên tới 100.572 ca.

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xu thế dịch “hạ nhiệt” tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội, đại dịch COVID-19 lại có nguy cơ hình thành các ổ dịch mới với “tâm bão” dịch chuyển sang khu vực Mỹ Latinh.

Châu Âu vẫn là khu vực có số ca mắc cao nhất thế giới với 1.934.081 ca, trong đó có 169.601 ca đã tử vong và 912.558 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận thêm 16.085 ca mắc mới và thêm số ca tử vong là 1.086 ca. Nga vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh với 362.342 ca, tiếp theo là Tây Ban Nha 283.339 ca và Anh là 265.227 ca.

Bắc Mỹ theo sát nút châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng mạnh bởi COVID-19 với 1.929.859 ca, trong đó số ca tử vong là 116.664. Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca mắc nhiều nhất trong khu vực và thế giới với 1.725.275 ca, trong đó số ca tử vong là 100.572. Tiếp theo đó là Canada 86.647 ca và Mexico 74.560 ca.

Trong khi đó, số liệu mới nhất cho thấy châu Á đã vượt mốc 1 triệu ca mắc COVID-19, với 1.002.958 ca, trong đó có 28.215 ca tử vong và 589.059 ca phục hồi. Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Iran là ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực này, với lần lượt số ca nhiễm bệnh là 158.762; 150.793; 139.511.

Nam Mỹ ghi nhận 683.742 ca mắc COVID-19, trong đó có 33.924 ca tử vong và 272.294 ca phục hồi. Brazil là tâm dịch COVID-19 mới của thế giới, với số ca nhiễm bằng hơn một nửa tổng số ca nhiễm của khu vực Nam Mỹ, với 392.360 ca, trong đó 24.549 ca tử vong. Mặc dù số ca nhiễm của Brazil chỉ đứng sau Mỹ, nhưng nhà chức trách nước này vẫn chưa triển khai những biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch bệnh. Một nghiên cứu của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc trường Đại học Washington của Mỹ dự báo số người tử vong do COVID-19 tại Brazil có thể sẽ lên tới hơn 125.000 người vào đầu tháng 8 tới.

Châu Phi ghi nhận 121.547 ca nhiễm COVID-19, với tổng số ca tử vong là 3.613, số ca phục hồi là 49.902. Nam Phi là quốc gia dẫn đầu khu vực này về những tác động từ đại dịch, với 24.264 ca nhiễm, trong đó có 524 ca tử vong.

Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất trên thế giới với 8.747 ca nhiễm, trong đó có 124 ca tử vong và 8.122 ca phục hồi. Phần lớn các ca nhiễm bệnh ở khu vực này tập trung ở Australia, với 7.139 ca, trong đó có 103 ca tử vong./.

***   Tự tin vượt đỉnh COVID-19, Putin ấn định ngày duyệt binh Chiến thắng
Tổng thống Vladimir Putin ấn định vào ngày 24/6 tới, Nga sẽ tổ chức duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng Phát xít Đức, vốn bị hoãn từ ngày 9/5 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nga hé lộ về siêu máy bay ném bom cạnh tranh với oanh tạc cơ B-2 của Mỹ
Nga khởi động việc chế tạo nguyên mẫu đầu tiên của thế hệ máy bay ném bom chiến lược tàng hình PAK-DA và dự kiến cho ra mắt vào năm sau.

Trung Quốc kêu gọi Canada thả Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 26/5 kêu gọi phía Canada ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình, trả tự do cho Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu và đảm bảo bà được trở về Trung Quốc an toàn, theo Tân Hoa Xã.

Ông Trump tức giận vì bị Twitter gắn cờ bài đăng là “tin giả”
Twitter lần đầu tiên đã đánh dấu bài đăng của Tổng thống Trump ngày 26/5, nói về các lá phiếu bầu được gửi qua thư, là “có thể gây hiểu nhầm” và khuyến khích cư dân mạng “tìm hiểu sự thật” qua các phương tiện truyền thông cũng như các chuyên gia được lựa chọn bởi nền tảng mạng xã hội này.

Cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới vẫn đang ở giữa làn sóng thứ nhất của dịch COVID-19 và có thể đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ quá sớm những biện pháp phòng chống dịch. Do đó, tất cả các nước vẫn cần phải duy trì cảnh báo cao.

Sau gần 20 năm, quân Mỹ tại Afghanistan vẫn chưa rõ thời điểm được về nhà
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/5 cho biết rằng ông không có mục tiêu nào về thời điểm quân đội Mỹ ở Afghanistan trở về nước và việc rút quân sẽ diễn ra “vào thời điểm hợp lý”

Cho rằng COVID-19 chỉ là cúm, Brazil “tan hoang” vì đại dịch
Dịch bệnh tại Brazil vượt tầm kiểm soát với số người bệnh thực tế ước tính lên đến trên 3 triệu khi mà Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn cương quyết cho rằng COVID-19 chỉ là cúm.

Vua Sòng bài Macau qua đời ở tuổi 98
Vua sòng bài Stanley Ho, người sở hữu đế chế casino nổi tiếng nhất tại Macau và cũng là một trong số ít người giàu có nhất châu Á, đã qua đời hôm nay (26/5) ở tuổi 98.

Hàn-Triều nổ súng ở biên giới, vi phạm thoả thuận đình chiến
Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) kết luận Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã vi phạm thoả thuận đình chiến kí năm 1953 trong vụ nã súng qua lại ở Khu Phi quân sự (DMZ) hồi đầu tháng.

Bộ trưởng Anh từ chức chỉ vì hành vi của một cố vấn cấp cao
Ông Douglas Ross trở thành Bộ trưởng đầu tiên trong nội các Anh tuyên bố từ chức nhằm phản đối việc cố vấn cấp cao nước này Dominic Cummings đã phá vỡ các quy định phong tỏa toàn quốc mà chính phủ đưa ra.

Hơn 8.000 người chết bất thường ở Mexico giữa “bão” COVID-19
Thủ đô của Mexico ghi nhận thêm hơn 8.000 ca tử vong so với cùng kỳ của gần nửa thập kỉ qua, dấy lên lo ngại số ca tử vong thực tế do đại dịch COVID-19 ở nước này.

Rơi trực thăng Mi-8 khi bay huấn luyện, 4 quân nhân thiệt mạng
Toàn bộ 4 quân nhân trên trực thăng Mi-8 của quân đội Nga đã thiệt mạng khi chiếc máy bay rơi xuống đất do lỗi kĩ thuật tại vùng Chukotka.

Nhật Bản khuyến cáo không nên đeo khẩu trang cho trẻ dưới 2 tuổi
Trẻ em dưới 2 tuổi không nên đeo khẩu trang vì rất dễ gây nghẹt thở, nhóm chuyên gia y tế Nhật Bản ngày 26/5 đưa ra khuyến cáo, trong bối cảnh phụ huynh nước này đang rục rịch cho con trở lại trường hậu đại dịch.

Thủ tướng Hà Lan không thể vĩnh biệt mẹ lần cuối vì COVID-19
Vì tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã không thể gặp mẹ lần cuối trước khi bà qua đời tại viện dưỡng lão.

Rượt đuổi, đấu súng như phim vì tranh chấp tiền bạc liên quan nhà tang lễ
Ít nhất 9 người đàn ông bị bắt sau màn rượt đuổi và nã súng vào nhau ở thủ đô Moscow của Nga vì tranh chấp tài chính liên quan đến một nhà tang lễ.

Cựu quân nhân Mỹ đối mặt án tù nặng tại Nga vì tội gián điệp
Các công tố viên Nga đề nghị mức án 18 năm tù dành cho Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, người bị bắt giam tại Moscow từ cuối năm 2018 với cáo buộc hoạt động gián điệp.

Tổng thống Putin bất ngờ trở lại Điện Kremlin
Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin sau nhiều tuần vắng mặt để đảm bảo an toàn trước nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.

Tổng hợp-TT