COVID-19 ở Ấn Độ phức tạp, doanh nghiệp Việt cần chú ý gì?; UNICEF kêu gọi các nước G7 “khẩn cấp” chia sẻ vaccine Covid-19; Trung Quốc, Nga muốn làm nơi hòa giải Israel – Palestine; WHO: ‘Đừng vội tiêm trẻ em, hãy san sẻ vaccine cho nước nghèo’; Châu Á trước mối đe dọa lạm phát từ Mỹ; Châu Á đang “dẫn đầu” thế giới về số ca nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
COVID-19 ở Ấn Độ phức tạp, doanh nghiệp Việt cần chú ý gì?
Doanh nghiệp Việt cần thận trọng trong hoạt động kinh doanh với thị trường Ấn Độ trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng phức tạp. (Ảnh: TTXVN)
(VTC News) – Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh với thị trường Ấn Độ trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng phức tạp.
Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt khi kết hợp đồng thương mại với các đối tác đến từ Ấn Độ cần tìm hiểu các quy định, biện pháp chính sách mà địa phương áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh và lựa chọn giao dịch với các doanh nghiệp lớn, uy tín.
Trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại, lường trước những khó khăn có thể xảy ra trong bối cảnh dịch đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động thông quan và hoạt động ngân hàng tại Ấn Độ.
Đồng thời thỏa thuận chặt chẽ các điều khoản về giao hàng, thanh toán, giải quyết tranh chấp khi phát sinh, các trường hợp bất khả kháng. Mua bảo hiểm với tất cả các lô hàng.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện hợp đồng, cần thường xuyên liên lạc để trao đổi và cập nhật về tình hình COVID-19, các biện pháp của chính quyền địa phương; kiểm tra tình trạng giao nhận hàng hóa, tiến trình thông quan hàng hóa tại cảng và hoạt động của các ngân hàng.
Với các đối tác truyền thống, thường xuyên liên lạc thăm hỏi, động viên để duy trì quan hệ đối tác và nắm thông tin về tình hình dịch cũng như các biện pháp phòng dịch của chính quyền Ấn Độ.
Khuyến cáo của Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ vẫn đang có những diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm mới và số ca tử vong trong ngày liên tục tăng cao. Nhiều bang và vùng lãnh thổ liên bang ở Ấn Độ phải tiến hành các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa tại các cảng biển và hoạt động của các ngân hàng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Ấn Độ.
Công suất hoạt động tại các cảng lớn như Mundra, Nhava Seva, Chennai, Kolkata đã giảm xuống một nửa do thiếu nhân công. Tình trạng này khiến cho các hãng tàu không muốn chở hàng đi Ấn Độ với lo ngại không có hàng quay đầu hoặc phải lưu công-ten-nơ tại cảng, chịu phí lưu kho, lưu bãi.
Nhiều ngân hàng chỉ làm việc từ 2 – 3 ngày trong tuần với 30 hoặc 50% nhân viên trong thời gian làm việc giới hạn khiến các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng hay dịch vụ ngân hàng trực tuyến rất hạn chế.
UNICEF kêu gọi các nước G7 “khẩn cấp” chia sẻ vaccine Covid-19
(SGGPO) Ngày 17-5, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã kêu gọi các nước G7 tài trợ nguồn cung cho chương trình chia sẻ vaccine Covid-19 của WHO như một biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng do sự gián đoạn trong xuất khẩu vaccine của Ấn Độ.
UNICEF, cơ quan phụ trách cung cấp vaccine Covid-19 thông qua cơ chế COVAX, ước tính nguồn cung vaccine sẽ bị thiếu hụt khoảng 140 triệu liều vào cuối tháng 5 này, và khoảng 190 triệu liều vào cuối tháng 6.
Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Các nước cần chia sẻ ngay lập tức các liều vaccine dư thừa sẵn có là biện pháp tối thiểu, khẩn cấp và cần thiết ngay lúc này”; đồng thời cho biết thêm rằng điều này có thể giúp ngăn chặn các quốc gia có điều kiện y tế chưa đầy đủ trở thành tâm dịch tiếp theo.
Trích dẫn nghiên cứu mới từ công ty phân tích và thông tin khoa học Airfinity UNICEF’s Fore cho rằng các nước G7 có thể đóng góp khoảng 153 triệu liều vaccine Covid-19, nếu họ chịu chia sẻ 20% nguồn cung vaccine có sẵn của mình trong các tháng 6, 7 và 8-2021.
Điều này có thể được thực hiện trong khi vẫn đáp ứng các cam kết về việc tiêm chủng cho người dân của quốc gia mình.
Cơ chế COVAX, do Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đồng điều hành đang tìm cách cung cấp 2 tỷ liều vaccine trong năm nay cho các nước cần để đảm bảo công bằng người dân trên toàn cầu đều có thể tiếp cận vaccine Covid-19.
UNICEF cũng cho biết các hạn chế trong việc sản xuất vaccine bên ngoài Ấn Độ cũng đã làm chậm nguồn cung cho cơ chế COVAX và dự kiến sẽ được giải quyết vào cuối tháng 6 năm nay.
Trung Quốc, Nga muốn làm nơi hòa giải Israel – Palestine
(DTO) Trung Quốc và Nga sẵn sàng làm nơi tổ chức các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine nhằm chấm dứt bạo lực leo thang ở Dải Gaza.
Sputnik đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 16/5 đã mời các đại diện của Israel và Palestine tới Trung Quốc hòa đàm để giải quyết căng thẳng hiện nay ở Dải Gaza.
“Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực thúc đẩy các cuộc hòa đàm và nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ với tư cách là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Vương nói. Ông Vương cho biết thêm: “Chúng tôi muốn nhắc lại lời mời Israel và Palestine đàm phán ở Trung Quốc và chúng tôi hoan nghênh đại diện của hai bên tới Trung Quốc đàm phán trực tiếp”.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm qua, ông Vương nói: “Với tình hình căng thẳng hiện nay (ở Gaza), Trung Quốc muốn đề xuất trước tiên là lệnh ngừng bắn và chấm dứt bạo lực, đây là nhiệm vụ cấp bách nhất. Trung Quốc lên án mạnh mẽ bạo lực chống lại dân thường và một lần nữa hối thúc các bên lập tức dừng các hành động quân sự và đối đầu”.
Trước đó, Nga, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng ngỏ ý sẵn sàng tổ chức cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine tại Moscow. “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp địa điểm ở Moscow (cho cuộc hòa đàm). Chúng tôi liên tục liên hệ với các đồng nghiệp ở cả hai bên xung đột”, Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, cho biết hôm 15/5.
Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và các nhóm vũ trang Palestine ở Dải Gaza tiếp tục leo thang suốt 1 tuần qua. Các cuộc giao tranh đến nay khiến ít nhất 181 người Gaza thiệt mạng, khoảng 1.000 người bị thương. Cộng đồng quốc tế đồng loạt kêu gọi hai bên hạ nhiệt căng thẳng để tránh thương vong, thiệt hại cho dân thường.
WHO: ‘Đừng vội tiêm trẻ em, hãy san sẻ vaccine cho nước nghèo’
(vnexpress.net) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/5 kêu gọi các nước giàu viện trợ vaccine Covid-19 cho chương trình Covax, thay vì tiêm chủng cho trẻ em.
Covax là sáng kiến y tế công cộng do WHO, Liên minh Vaccine GAVI, Liên minh Đổi mới Ứng phó Dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo, được thành lập nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vaccine công bằng. WHO kỳ vọng các quốc gia sẽ tiếp bước Pháp và Thụy Điển, tặng vaccine cho Covax để giải quyết khó khăn trong chương trình tiêm chủng toàn cầu.
Canada và Mỹ đã cho phép thanh thiếu niên tiêm vaccine trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, WHO đang đàm phán với chính phủ Mỹ về việc chia sẻ vaccine.
“Tôi hiểu vì sao một số nước muốn tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên. Song hiện tại, tôi kêu gọi họ xem xét lại quyết định và tài trợ vaccine cho Covax”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp trực tuyến từ Geneva.
Châu Á trước mối đe dọa lạm phát từ Mỹ
(vneconomy.vn) Khi các nền kinh tế châu Á phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát gia tăng ở Mỹ trở thành một mối lo.
Sự hoảng loạn của giới đầu tư ở Phố Wall lan sang thị trường châu Á những ngày qua đã thể hiện rõ điều này…
Những chỉ số dự báo lạm phát Mỹ đang ngày một rõ nét.
Tỷ lệ lạm phát ngang giá (break-even inflation rates) đã tăng vọt lên 2,59% trong tuần này, từ mức thấp 0,47% hồi tháng 3 năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 nhảy 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao chưa từng có kể từ năm 2008.
CHÂU Á PHẬP PHỒNG LO SỢ
Trọng tâm chú ý lúc này dồn vào động thái của Fed: Liệu ngân hàng trung ương Mỹ có sớm rút lại các kích thích tiền tệ khi lạm phát tăng tốc hay không? Đây là câu hỏi lớn đối với giới đầu tư không chỉ ở Phố Wall mà trên toàn cầu, trong đó có châu Á.
Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản mất 3,2% trong tuần và giảm 2,7% kể từ đầu tháng 5 đến nay. Tình trạng bán tháo trên các thị trường châu Á diễn ra sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng vọt trong tháng 4. Có một số yếu tố khác góp phần vào đà lao dốc của chứng khoán khu vực, chẳng hạn các ca nhiễm mới Covid-19 hay rủi ro “Sell in May” (bán trong tháng 5). Nhưng nhìn chung, lạm phát vẫn là lý do chính lý giải cho mức giảm trong tuần qua.
*** Châu Á đang “dẫn đầu” thế giới về số ca nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 17/5, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 163.709.076 trường hợp, với 3.392.944 ca tử vong. Sau nhiều ngày Ấn Độ chiếm khoảng 50% tổng số ca mắc mới toàn cầu, châu Á đã trở thành khu vực có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trên thế giới
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 17/5 cho thấy, hiện toàn thế giới có 142.161.325 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.154.807 ca bệnh đang điều trị thì có 18.052.329 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 102.478 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 46.086.397 trường hợp, trong đó có 1.049.384 ca tử vong và 41.855.303 ca được điều trị khỏi. Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trong khu vực có nhiều cải thiện. Anh vừa thông báo đã đạt được cột mốc quan trọng trong tiêm phòng COVID-19 khi cuối tuần qua, quốc gia này hoàn thành mục tiêu tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh cho 20 triệu người trưởng thành, tương đương 38,2% tổng số người trưởng thành tại nước này. Trong khi Bồ Đào Nha sẽ mở cửa đón du khách từ tất cả các nước Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 17/5. Theo đó, du khách từ 26 quốc gia thuộc khu vực tự do đi lại Schengen và Anh sẽ có thể tới thăm Bồ Đào Nha vì bất kỳ lý do gì, kể cả những chuyến thăm không cần thiết.
Hiện Bắc Mỹ có 39.203.981 ca nhiễm bệnh, trong đó có 878.736 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 33.715.951 ca nhiễm và 600.147 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 17/5, Nam Mỹ có 26.784.064 ca nhiễm COVID-19, với 728.708 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 15.627.475; 3.307.285; 3.118.426; 1.884.596… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 46.837.615 trường hợp, với 608.224 ca tử vong và 41.210.533 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 5.018.858 ca bệnh đang điều trị thì có 32.788 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 24.964.925 ca, trong đó có 274.411 ca tử vong.
Hiện Ấn Độ đang đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng để đẩy lùi làn sóng thứ 2 của dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ tại đất nước này, tuy nhiên, công việc này đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung vaccine. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, dù là quốc gia sản xuất vaccine nhiều nhất thế giới, Ấn Độ mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 2,9% dân số, tương đương hơn 40,4 triệu người. Theo Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan, nguồn cung vaccine của Ấn Độ sẽ tăng lên 516 triệu liều vào tháng 7 và hơn 2 tỷ liều trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12, chủ yếu đến từ nguồn sản xuất nội địa và nhập khẩu bổ sung từ nước ngoài.
Trong khi đó, Singapore đang trải qua đợt lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng trong gần một năm trở lại đây với 13 ổ dịch mới, đe dọa ý định dần mở cửa trở lại của nước này. Trong cuộc họp tối 16/5, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhận định chính quyền nước này sẽ phải theo dõi thêm tình hình lây lan của COVID-19 trước khi quyết định về đợt phong tỏa lần thứ hai.
Còn tình hình dịch bệnh tại Malaysia cũng không sáng sủa hơn khi nước này bị cảnh báo có thể trở thành nơi bùng phát và lây lan một số biến thể “siêu lây nhiễm” của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các biến thể này hiện vẫn chưa được các cơ quan y tế nước này chú ý đến. Giáo sư, Tiến sĩ Sazaly Abu Bakar – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Malaysia khẳng định, hiện nước này vẫn chưa có đủ dữ liệu và kết quả nghiên cứu về các chủng virus địa phương và cách duy nhất để nước này giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch là tạo ra những bước đột phá về điều trị.
Tính đến sáng 17/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.730.374 trường hợp, trong đó có 126.652 ca tử vong và 4.262.058 ca bình phục. Trong tổng số 341.664 ca đang điều trị thì có 2.992 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.613.728 ca nhiễm COVID-19 và 55.210 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong những giờ qua, châu Đại Dương có thêm 8 ca nhiễm COVID-19, với 3 ca tại Australia, 5 ca tại New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 65.924 ca nhiễm và 1.225 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.978 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.815 ca./.
TQ-TT