EU áp dụng hộ chiếu vaccine từ ngày 1/7; Trung Quốc đang tiêm phòng Covid nhanh nhất thế giới, 14 triệu mũi mỗi ngày; Israel – Hamas tuyên bố ngừng bắn; Hai bài học lớn của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; Mỹ đề xuất thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%; Trong 24 giờ qua, châu Á có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất trên thế giới…là những tin chính được cập nhật.
EU áp dụng hộ chiếu vaccine từ ngày 1/7
Quán cà phê chật kín khách ở Paris ngày 19/5. Ảnh: NYTimes.
(vnexpress.net) EU vừa đạt thỏa thuận về hộ chiếu vaccine, cho phép người tiêm chủng đầy đủ được đi lại tự do giữa các nước thành viên từ ngày 1/7.
Juan Lopez Aguilar, Chủ tịch Ủy ban Tự do Dân sự của Nghị viện châu Âu, ngày 20/5 cho biết hộ chiếu vaccine của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7.
“Nó sẽ được gọi là giấy chứng nhận Covid kỹ thuật số của EU, một chứng chỉ được hợp nhất”, Lopez Aguilar nói. “Điều này sẽ tạo ra biện pháp bảo vệ pháp lý mới mà chúng tôi hy vọng có thể mang tới sự tin tưởng không chỉ giữa các quốc gia thành viên, mà còn các công dân về khả năng đi lại tự do vào mùa hè này”.
Hộ chiếu vaccine của EU được kỳ vọng giúp mở lại biên giới trong khối, và các nước thành viên chỉ được phép áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong trường hợp ngoại lệ để đảm bảo tình hình dịch tễ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20/5 cũng cho biết số ca nhiễm ở châu Âu đã giảm 60% trong tháng qua, từ 1,7 triệu ca giữa tháng 4 xuống 685.000 ca tuần trước. Tuy nhiên, giới chức WHO đánh giá xu hướng này khá mong manh giữa lúc các nước đẩy mạnh nới lỏng biện pháp hạn chế, mở cửa trở lại và nhiều nhóm tụ tập đông đúc.
Israel – Hamas tuyên bố ngừng bắn
(vnexpress.net) Israel và Hamas công bố thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, khép lại 11 ngày giao tranh ác liệt khiến hàng trăm người chết.
Tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 20/5 cho biết nội các an ninh đã “nhất trí chấp thuận đề nghị của tất cả quan chức an ninh, chấp thuận sáng kiến của Ai Cập về lệnh ngừng bắn chung không cần điều kiện tiên quyết”.
Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad sau đó xác nhận, nói rằng lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào lúc 2h ngày 21/5 (6h giờ Hà Nội). Israel chưa xác nhận mốc thời gian này.
Tuyên bố của Israel cho biết chiến dịch trên không của họ đã đạt những thành tựu “chưa từng có” ở Gaza, vùng lãnh thổ họ phong tỏa từ năm 2007, năm Hamas tiếp quản. “Giới lãnh đạo chính trị nhấn mạnh tình hình thực địa sẽ quyết định tương lai của hoạt động”, tuyên bố nêu thêm.
Mỗi bên đều tuyên bố sẵn sàng trả đũa bất kỳ hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn nào của bên kia. Trước thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các vụ phóng rocket của Palestine vẫn tiếp tục và Israel thực hiện ít nhất một cuộc không kích.
Thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian đã được đồng ý sau khi áp lực quốc tế gia tăng để ngăn chặn đổ máu. Ai Cập cũng là nước chịu trách nhiệm giám sát thực thi lệnh ngừng bắn của các bên.
“Hai phái đoàn Ai Cập sẽ được cử tới Tel Aviv và các vùng lãnh thổ của Palestine để giám sát việc thực hiện lệnh ngừng bắn và thủ tục nhằm duy trì các điều kiện ổn định vĩnh viễn”, nguồn tin ngoại giao tại Cairo cho hay.
Trung Quốc đang tiêm phòng Covid nhanh nhất thế giới, 14 triệu mũi mỗi ngày
Người dân Trung Quốc đổ xô đi tiêm vaccine khi số ca nhiễm mới bùng lên ở hai tỉnh An Huy và Liêu Ninh…
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ 14 triệu mũi tiêm mỗi ngày, nhanh hơn ở bất kỳ đâu trên thế giới. Điều này cho thấy quốc gia tỷ dân đang chạy đua để bảo vệ lợi thế kiểm soát Covid trong bối cảnh các nước phương Tây bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.
Người dân Trung Quốc đổ xô đi tiêm vaccine khi số ca nhiễm mới bùng lên ở hai tỉnh An Huy và Liêu Ninh. Những đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy người dân đội mưa xếp hàng dài bên ngoài các trung tâm tiêm chủng đợi đến lượt tiêm. Theo Tân Hoa Xã, tại Hợp Phì – thủ phủ tỉnh An Huy- 360.000 mũi tiêm được thực hiện trong ngày thứ Sáu tuần trước, nhiều nhất trong một ngày tại thành phố 10 triệu dân này.
Nhiều nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, đã phải đối mặt với tâm lý ngại tiêm phòng Covid-19 của người dân. Không ít người tự mãn vì thành công sớm của khu vực trong việc kiểm soát virus, trong khi số khác không tin vào sự an toàn của vaccine.
Mỹ đề xuất thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%
(vneconomy.vn) Bộ Tài chính Mỹ ngày 20/5 đề xuất đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ở mức 15%…
Bộ Tài chính Mỹ ngày 20/5 đề xuất đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ở mức 15%, thấp hơn mức 21% mà nước này đề xuất cho lợi nhuận ở thị trường nước ngoài của các công ty Mỹ – con số mà nhiều quốc gia cho là quá cao nếu áp dụng toàn cầu.
Theo hãng tin Bloomberg, sự khác biệt giữa hai mức thuế trên phản ánh khó khăn trong cuộc đàm phán quốc tế về thuế doanh nghiệp toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dẫn đầu. Trong khi Mỹ và nhiều nước khác muốn đánh thuế cao để tăng thu ngân sách, nhiều nước như Ireland đã quen dựa vào thuế doanh nghiệp thấp như một chiến lược phát triển kinh tế quan trọng.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán vẫn đặt mục tiêu đạt một thoả thuận trong mùa hè năm nay.
Hai bài học lớn của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
(vneconomy.vn) Tâm lý chủ quan có thể khiến virus bùng lên ở những nơi có thành tích chống dịch tốt nhất và tiêm chủng chính là giải pháp căn cơ nhất…
Tâm lý chủ quan có thể khiến virus bùng lên ở những nơi có thành tích chống dịch tốt nhất và tiêm chủng chính là giải pháp căn cơ nhất để thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Đó là hai bài học lớn mà thế giới đã rút ra tới thời điểm này trong cuộc chiến chống đại dịch.
Cho tới gần đây, Đài Loan được xem là một hình mẫu về chống Covid mà thế giới nên học theo. Các biện pháp kiểm soát của Đài Loan hiệu quả đến nỗi vùng lãnh thổ này gần như sạch bóng virus trong lúc nhiều khu vực khác liên tiếp trải qua những đợt sóng dịch.
Nhưng sự tự mãn bắt đầu xuất hiện: công tác xét nghiệm gần như bị gác lại, các biện pháp giám sát để phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng không còn được thực hiện nghiêm ngặt, và đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng Covid của Đài Loan gần như bằng 0.
“Thế giới đang đứng trên bờ vực nhiều cuộc khủng hoảng”
(vneconomy.vn) Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon nhấn mạnh rằng các cuộc khủng hoảng này càng thêm trầm trọng do đại dịch Covid-19…
Ông Ban Ki-Moon, điều hành Liên hợp quốc từ năm 2007-2016, kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu quyết liệt hơn nhằm để tránh khỏi thất bại trong những vấn đề như biến đổi khí hậu hay thiếu nước.
“Hiện vẫn còn 2 tỷ người thiếu nước sinh hoạt, hơn 1,5 tỷ người không có điện và hơn 60 triệu học sinh không được đến trường, thậm chí ở bậc tiểu học… Thật đáng buồn. Điều này thực sự rất đau lòng”, ông Ban Ki-Moon chia sẻ tại sự kiện “Tương lai bền vững” của CNBC mới đây nhân Ngày Nước Thế giới.
“Chúng ta đang đứng trên bờ vực của tất cả những cuộc khủng hoảng này… Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo toàn cầu có tầm nhìn toàn cầu rộng hơn, rằng chúng ta đang ở trong một thế giới và chúng ta đang sống cùng nhau. Nếu không, chúng ta sẽ thất bại”, ông nhấn mạnh.
Ông Ban Ki-Moon cho rằng 10 năm tới sẽ là giai đoạn “cực kỳ quan trọng” để các nhà lãnh đạo toàn cầu thực hiện 17 mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc – kêu gọi hành động vì kinh tế, xã hội và môi trường bền vững vào năm 2030.
Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra càng làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của tình trạng thiếu nước toàn cầu.
“Khi hàng nghìn tỷ USD vẫn đang được chi để kiểm soát Covid-19, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn rộng ra, đầu tư một cách khôn ngoan vào nước, điều thực sự giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Đó là một trong những điều cấp bách và quan trọng nhất trong các mục tiêu Phát triển Bền vững hiện nay”, ông nói thêm.
*** Covid 19 toàn cầu: Trong 24 giờ qua, châu Á có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất trên thế giới.
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 21/5, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 165.835.297 trường hợp, với 3.444.303 ca tử vong (tương đương với 2% tổng số ca mắc). Trong 24 giờ qua, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều số ca mắc COVID-19 nhất trên thế giới, với 348.870 trường hợp.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan chưa có điểm dừng trên phạm vi toàn thế giới, nhiều nước đang kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine để thúc đẩy việc sản xuất và phân phối vaccine. Tuy nhiên, ngày 20/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 sẽ không đủ để giúp thu hẹp chênh lệch “khổng lồ” trong việc phân phối vaccine giữa các nước giàu và nghèo.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh rõ ràng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 là không đủ và cần phải có cách tiếp cận toàn diện mới có thể giải quyết vấn đề mất cân bằng “không thể chấp nhận được” trong việc tiếp cận các vaccine ngừa COVID-19. Bà lưu ý vấn đề này sẽ không thể kéo dài trong nhiều năm.
Còn về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 21/5 cho thấy, hiện toàn thế giới có 146.151.004 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 15.875.990 ca bệnh đang điều trị thì có 15.776.758 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 99.232 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 46.023.290 trường hợp, trong đó có 1.056.940 ca tử vong và 42.373.881 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận 80.048 ca nhiễm.
Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước tại châu Âu có nhiều cải thiện và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường do các lệnh hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo thận trọng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Hiện Bắc Mỹ có 39.381.544 ca nhiễm bệnh, trong đó có 882.352 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 33.833.181 ca nhiễm và 602.616 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 21/5, Nam Mỹ có 27.341.721 ca nhiễm COVID-19, với 744.212 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 15.898.558; 3.447.044; 3.177.212; 1.910.360… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 48.249.000 trường hợp, với 631.579 ca tử vong và 43.099.553 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 4.517.868 ca bệnh đang điều trị thì có 32.266 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 26.030.674 ca, trong đó có 291.365 ca tử vong.
Tính đến sáng 21/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.771.825 trường hợp, trong đó có 127.962 ca tử vong và 4.297.322 ca bình phục. Trong tổng số 346.541 ca đang điều trị thì có 2.874 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.625.003 ca nhiễm COVID-19 và 55.568 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 591 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm thống kê được tại khu vực này lên 67.196 trường hợp, với 1.243 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.994 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.841 ca./.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.830.989 ca nhiễm và 602.579 ca tử vong do nCoV, tăng 28.022 ca nhiễm và 622 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 hàng ngày của Mỹ giảm gần 50% so với đỉnh điểm tháng 4, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Trong tuần qua, khoảng 1,8 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày, giảm mạnh so với con số 3,4 triệu vào giữa tháng 4.
Hơn 160 triệu người Mỹ, khoảng 48% dân số, được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi gần 127 triệu người, khoảng 38%, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.
CDC cũng cho biết tình trạng “né vaccine”, tức người tiêm chủng đầy đủ vẫn nhiễm nCoV, tương đối hiếm gặp. Tính tới ngày 10/5, nước này chỉ ghi nhận 1.359 trường hợp nhập viện hoặc tử vong trong số hơn 115 triệu người tiêm chủng đầy đủ. Dữ liệu được tổng hợp từ 46 bang và vùng lãnh thổ Mỹ.
Trong số hơn 1.359 ca “né vaccine”, 1.136 người (84%) nhập viện và 223 người (16%) tử vong. CDC cho biết 1.080 (79%) là người trên 65 tuổi.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 26.030.674 ca nhiễm và 291.365 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 259.269 và 4.209 ca.
Một số bang của Ấn Độ đối mặt tình trạng thiếu thuốc điều trị “nấm đen”, bệnh nhiễm trùng hiếm gặp có khả năng gây tử vong cao ở bệnh nhân Covid-19.
Cơ quan y tế bang Maharashtra cho biết đã ghi nhận ít nhất 90 trường hợp chết vì nấm đen, trong đó có thành phố Mumbai, nơi chịu ảnh hưởng nặng vì đại dịch. Ít nhất 800 người đã nhập viện vì nhiễm nấm đen. Quan chức địa phương cho biết khoảng 2.000 trường hợp mắc bệnh nấm đen đã được báo cáo ở Maharashtra.
Bang Rajasthan cũng báo cáo nhiều trường hợp mắc bệnh nấm đen và tuyên bố đây là một “căn bệnh đáng lo ngại”.
Khoảng 115 trường hợp được phát hiện ở bang Haryana và ít nhất 150 ca bệnh khác được báo cáo ở Telangana. Trong khi đó, trưởng khoa thần kinh tại Viện Khoa học Y học Ấn Độ Padma Srivastava cho biết mỗi ngày bệnh viện này cấp cứu trung bình hơn 20 ca mắc nấm đen.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.894.094 ca nhiễm và 444.094 ca tử vong, tăng lần lượt 78.903 và 2.230.
Carlos Lula, người đứng đầu cơ quan y tế bang Maranhao, ngày 20/5 cho biết đã phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể nCoV Ấn Độ B.1.617.2. 6 thành viên thủy thủ đoàn của tàu Shandong da Zhi, đi từ Nam Phi, đã có kết quả dương tính với biến thể.
14 thành viên khác bị nhiễm nCoV hiện ở trên tàu, trong đó 12 người không có triệu chứng và 2 người có triệu chứng nhẹ.
Khoảng 100 người đã tiếp xúc với thủy thủ đoàn nhiễm nCoV. Giới chức Maranhao cho biết họ sẽ được xét nghiệm và cách ly nếu cần thiết.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.568.551 ca nhiễm và 108.314 ca tử vong.
Thủ tướng Jean Castex ngày 20/5 cho biết Pháp sẽ mở rộng phạm vi tiêm chủng đối với tất cả người trưởng thành ở Mỹ kể từ ngày 31/5. Hơn 21,5 triệu người Mỹ, chiếm 41% dân số, đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine, theo dữ liệu của Bộ Y tế.
Tháp Eiffel sẽ bắt đầu mở cửa đón du khách từ ngày 16/7 và du khách có thể bắt đầu đặt vé trực tuyến từ ngày 1/6.
Anh, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, báo cáo 4.455.221 ca nhiễm và 127.701 ca tử vong, tăng lần lượt 2.874 và 7 ca trong 24 giờ qua.
Hoàng tử William của Hoàng gia Anh ngày 20/5 cho biết vừa tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Hoàng tử Anh đã chia sẻ bức ảnh tiêm vaccine tại Bảo tàng Khoa học London ngày 18/5 trên mạng xã hội, đồng thời cảm ơn tất cả những người đã tham gia chiến dịch tiêm chủng của quốc gia. Trước William, Nữ hoàng Elizabeth II đã tiêm chủng vào tháng 1 và Thái tử Charles đã tiêm mũi đầu tiên vào tháng 2.
Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps ngày 20/5 cho biết Anh sẽ tiếp tục duy trì các chuyến bay thẳng từ Ấn Độ, bất chấp số ca nhiễm biến chủng B.1.617.2 tăng 28% trong hai ngày qua. Ông nói thêm tất cả hành khách trên các chuyến bay từ Ấn Độ đều là công dân Anh, công dân Ireland hoặc là thường trú nhân ở Anh.
Khoảng 2.967 ca nhiễm biến chủng Ấn Độ đã được báo cáo ở Anh, theo Bộ trưởng Y tế Matt Hancock. Ấn Độ đã được thêm vào “danh sách đỏ”, quốc gia có nguy cơ dịch bệnh cao, của Anh từ ngày 23/4.
Đài Loan báo cáo 295 ca nhiễm mới và một trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên lần lượt 2.825 và 15.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương (CECC) của Đài Loan cho biết trong 295 ca nhiễm mới, 286 ca lây nhiễm cộng đồng.
CECC cũng cho biết bất kỳ ai phát tán thông tin sai lệch về dịch Covid-19 ở Đài Loan có thể đối mặt ba năm tù giam và khoản tiền phạt tương đương 107.000 USD.
Đài Loan từng là một trong những “hình mẫu” kiểm soát Covid-19 của thế giới, trước khi đợt bùng phát nghiêm trọng tháng này đã khiến số ca nhiễm ở đây tăng gấp đôi.
Tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận ca nhiễm mới kỷ lục trong ngày 20/5 với 6.806 người, nâng tổng số ca nhiễm lên 492.302. Nước này cũng ghi nhận 2.099 ca tử vong kể từ khi bùng dịch, sau khi báo cáo thêm 59 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Đây được xem là ngày chết chóc nhất ở Malaysia kể từ khi dịch bắt đầu từ năm ngoái.
Giữa lúc số ca Covid-19 tăng mạnh những ngày qua, Bộ Y tế Malaysia ngày 20/5 kêu gọi hệ thống bệnh viện tư ở quốc gia này tăng giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Bộ Y tế cũng cho biết hầu hết các bệnh viện của chính phủ đã trong tình trạng báo động, khi các khu vực chăm sóc đặc biệt đều đã hoạt động hết 70% công suất. Tại khu vực miền trung đất nước, tỷ lệ này đã vượt 100%. 70-90% các giường bệnh nói chung ở Malaysia đã được lấp đầy.
TQ-TT