Chốt hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Tổng thống Biden-Putin; Vaccine COVID-19 của Moderna hiệu quả 100% với thanh thiếu niên; WHO cảnh báo virus lây lan khủng khiếp hơn SARS-CoV-2; WHO đặt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho 30% dân số thế giới trong năm 2021; Vaccine ngừa Covid-19 của Ấn Độ hiệu quả đối với các biến thể nguy hiểm; Đến sáng 26/5 trên thế giới có 168.508.539 ca nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Chốt hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Tổng thống Biden-Putin
Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin sẽ có cuộc hội nghị thượng đỉnh vào ngày 16.6.2021 tại Geneva. Ảnh: AFP
(LĐO) Nga và Mỹ xác nhận thời gian, địa điểm hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ đầu tiên được chờ đợi từ lâu giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra vào ngày 16.6 tại Geneva, Thụy Sĩ – một quốc gia có truyền thống trung lập và không phải là thành viên của bất kỳ khối quân sự lớn nào.
RT đưa tin, cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều xác nhận vào ngày 25.5 rằng, ông Biden và Putin sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương tại Geneva. Thành phố này là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế và thường là địa điểm đăng cai các cuộc họp khác nhau.
“Theo thỏa thuận đã đạt được (với Washington), Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ hội đàm tại Geneva vào ngày 16.6 với Tổng thống Mỹ Joseph Biden” – Điện Kremlin thông báo.
“Cuộc gặp nhằm thảo luận về tình trạng hiện tại và triển vọng phát triển của quan hệ Nga-Mỹ, cũng như các vấn đề ổn định chiến lược, các vấn đề thời sự trong chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và giải quyết xung đột khu vực” – Điện Kremlin thông tin thêm.
Nhà Trắng cũng ra thông báo cho hay: “Tổng thống Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16.6.2021. Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về toàn bộ các vấn đề cấp bách, khi chúng tôi tìm cách khôi phục khả năng dự đoán và sự ổn định cho mối quan hệ Mỹ-Nga”.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp, nhưng tất cả những lần gặp mặt trực tiếp trước đó của họ đều diễn ra trước khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Hai nhà lãnh đạo dự kiến có nhiều chủ đề khó thảo luận, vì Mỹ và Nga hiện đang ở điểm thấp nhất trong quan hệ trong nhiều thập kỷ.
Chính quyền Washington cáo buộc Nga từ tấn công mạng máy tính của Mỹ để quân sự hóa khu vực Bắc Cực đến “vũ khí hóa” vaccine COVID-19 nhằm làm tổn hại lợi ích của Mỹ và các đồng minh.
Trong khi đó, Mátxcơva nói rằng, Washington đơn giản đang cố gắng làm tổn thương nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt và cáo buộc chính trị vô căn cứ vì họ không thể dung thứ cho các chính phủ theo đuổi các chính sách có chủ quyền.
Vaccine COVID-19 của Moderna hiệu quả 100% với thanh thiếu niên
(LĐO) Moderna cho biết ngày 25.5, vaccine COVID-19 của hãng có hiệu quả 100% trong một nghiên cứu ở thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi.
“Chúng tôi được khuyến khích rằng mRNA-1273 có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa COVID-19 ở thanh thiếu niên. Chúng tôi vẫn cam kết thực hiện phần việc của mình để giúp chấm dứt đại dịch COVID-19″ – Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel nêu trong thông cáo.
Vaccine COVID-19 của Moderna cần tiêm hai liều cách nhau bốn tuần và đã được cấp phép sử dụng ở người lớn.
Theo CNBC, nghiên cứu mà Moderna công bố kết quả ngày 24.5 thực hiện ở hơn 3.700 thanh thiếu niên. Không có ca COVID-19 nào được ghi nhận ở những người tham gia đã tiêm hai liều vaccine trong khi có bốn ca mắc COVID-19 ở nhóm tiêm giả dược.
Moderna cũng xác nhận, cho tới nay, chưa có mối lo ngại đáng kể nào về an toàn, với các tác dụng phụ phù hợp với những tác dụng phụ đã thấy trong thử nghiệm trước đó ở người trưởng thành. Các tác dụng phụ phổ biến nhất sau liều tiêm thứ hai là nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ và ớn lạnh.
Dữ liệu mới được đưa ra chưa đầy ba tuần sau khi Moderna tiết lộ trong một báo cáo thu nhập rằng, dữ liệu ban đầu cho thấy vaccine của hãng hiệu quả 96% trong bảo vệ chống COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17. Dữ liệu này dựa trên những người đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
Moderna có kế hoạch đệ trình cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mở rộng cấp phép dùng khẩn cấp vaccine của hãng cho thanh thiếu niên vào đầu tháng tới. Nếu được chấp thuận, vaccine của Moderna sẽ tiếp sau vaccine của Pfizer và BioNTech được phép sử dụng cho thanh thiếu niên. Vaccine của Pfizer đã được phép dùng khẩn cấp cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi vào đầu tháng này.
WHO cảnh báo virus lây lan khủng khiếp hơn SARS-CoV-2
(CAND) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới sẽ đối mặt một loại virus khác có khả năng lây truyền mạnh hơn COVID-19.
“Đừng sai lầm: (COVID-19) không phải lần cuối thế giới đương đầu với một đại dịch. Về khía cạnh tiến hoá, chắc chắn sẽ xuất hiện một virus mới có khả năng lây lan cao hơn”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus hôm 24/5 phát biểu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 74.
Theo Tổng Giám đốc WHO, động lực lớn nhất khiến COVID-19 lây lan nhanh chóng là “sự thiếu đoàn kết và chia sẻ quốc tế”. Tính đến sáng nay (25/5), gần 3,5 triệu người đã thiệt mạng vì COVID-19, trong tổng số 168 triệu người nhiễm.
Ông Tedros lưu ý rằng, nếu bất cứ quốc gia bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và trong nỗ lực tiêm chủng vaccine, cả thế giới sẽ bị kìm lại. Ông khẳng định, thế giới vẫn đang trong tình trạng “rất nguy hiểm”.
Vài tháng qua, các nước đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine, song, trong khi một số nước giàu có đã đạt hoặc gần đạt miễn dịch cộng đồng, nhiều nước mới chỉ được phân bổ một lượng nhỏ vaccine thông qua cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc.
Tổng Giám đốc WHO lưu ý, vaccine hiện hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh, song các biến chủng của virus SARS-CoV-2 đang “thay đổi liên tục”, có nguy cơ xuất hiện một biến chủng mới có thể vô hiệu hoá vaccine và “kéo chúng ta trở lại vạch xuất phát”.
Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi trước đây của mình về việc các chính phủ tặng vaccine COVID-19 cho cơ chế COVAX. Ông hi vọng các quốc gia sẽ tiêm chủng được ít nhất 10% dân số đến trước tháng 9/2021.
WHO đặt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho 30% dân số thế giới trong năm 2021
LĐO Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi thúc đẩy tiêm chủng cho 10% dân số của mọi quốc gia trên thế giới trong tháng 9, sau đó mở rộng phạm vi bao phủ lên 30% trước cuối năm nay. Nhiều quốc gia đang có các chính sách nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng ngay khi vaccine sẵn có.
Vaccine ngừa Covid-19 của Ấn Độ hiệu quả đối với các biến thể nguy hiểm
(ĐĐK) Ngày 17/5, hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ tuyên bố, vaccine Covaxin phòng bệnh Covid-19 của hãng này có hiệu quả đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Theo đó, vaccine Covaxin có hiệu quả với cả biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và B.1.1.7 phát hiện tại Anh. Bharat Biotech cho biết, vaccine Covaxin “tạo ra hiệu giá trung hòa (có nghĩa là nồng độ của kháng thể) chống lại tất cả các biến thể mới hiện nay”.
Giám đốc điều hành Bharat BiotechSuchitra Ella nêu rõ: “Vaccine Covaxin được quốc tế công nhận một lần nữa thông qua các dữ liệu nghiên cứu khoa học cho thấy khả năng bảo vệ trước những biến thể mới”. Biến thể B.1.617 đang gây ra “sóng gió” tại Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới, với tốc độ lây lan chóng mặt và có khả năng kháng nhiều loại vaccine. Trong khi biến thể được phát hiện trước đó, B.1.1.7 cũng đã “làm loạn” châu Âu trong một khoảng thời gian dài.
*** Đến sáng 26/5 trên thế giới có 168.508.539 ca nhiễm COVID-19.
(ĐCSVN) – Châu Á trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (49.781.348 ca). Với 46.295.146 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 39.559.160 ca và Nam Mỹ với 27.984.932 ca. Châu Phi (4.819.606 ca) và châu Đại Dương (67.626 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 26/5 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 168.508.539 ca, trong đó 3.499.134 ca tử vong và 150.108.762 ca đã được chữa khỏi.
Trong ngày hôm qua, Mỹ – nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 – ghi nhận số ca nhiễm mới là 22.738 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 33.947.189 ca, trong đó 605.208 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 25/5 cho biết, 129 triệu người, tương đương với 50% số người Mỹ từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Con số này đánh dấu sự tiến bộ đáng kể kể từ khi loại vaccine này được cấp phép lần đầu tiên vào tháng 12/2020.
Chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch là Ấn Độ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ có dấu hiệu tích cực khi nước này ghi nhận thêm 208.886 ca trong hơn 24 giờ qua. Con số này đã giảm đáng kể so với những ngày trước đó, khi số ca mắc mới trong ngày thường xuyên đạt trên 300 nghìn, thậm chí trên 400 nghìn ca. Song số ca tử vong mỗi ngày ở nước này vẫn ở mức cao kỷ lục, với 4.172 ca trong ngày hôm qua. Đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng số 27.156.382 ca mắc COVID-19, trong đó 311.421 ca đã tử vong.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 16.195.981 ca và số ca tử vong là 452.224. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 74.845 ca nhiễm mới, 2.198 ca tử vong.
Châu Á trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (49.781.348ca). Với 46.295.146 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 39.559.160 ca và Nam Mỹ với 27.984.932 ca. Châu Phi (4.819.606 ca) và châu Đại Dương (67.626 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ – quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Trong 24 giờ qua, nước này xác nhận thêm 703 ca mắc COVID-19 và 48 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.397.307 ca, trong đó 221.695 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 3.586.736 ca nhiễm, trong đó 75.056 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Nam Phi là nước ghi nhận số ca mắc cao nhất với 1.640.932 ca, trong đó 55.976 ca tử vong.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 30.029 ca, trong nhiều ngày qua, nước này không ghi nhận thêm trường hợp tử vong mới, vẫn dừng ở mức 910 ca, số ca nhiễm mới theo ngày cũng rất ít.
Tại châu Âu, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/5 tại Brussels, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của EU đã xác nhận mục tiêu mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào tuần trước là cung cấp ít nhất 100 triệu liều vaccine chống COVID-19 cho các nước không thuộc EU vào cuối năm nay.
Tại châu Á, Bộ Y tế Lào ngày 25/5 cho biết nước này đã ghi nhận 56 ca nhiễm COVID-19 mới tại 6/18 tỉnh thành trong 24 giờ qua, trong đó có 42 ca trong cộng đồng. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.878 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.180 người và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 568 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này từ đầu mùa dịch đến nay vượt ngưỡng 26.000 ca. Mặc dù các biện pháp phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh, song nhiều ngày nay, số ca nhiễm mới trong công nhân nhà máy tại một số tỉnh như Kampong Speu, Koh Kong, Takeo, Kampong Chhnang và Svay Rieng vẫn tăng.
Malaysia ngày 25/5 ghi nhận thêm 7.289 ca mắc COVID-19 – cao nhất từ đầu dịch đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Đông Nam Á này vượt ngưỡng 7.000 ca. Trước đó, Malaysia có 6 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm theo ngày hơn 6.000 ca. Bộ Y tế Malaysia cảnh báo nếu người dân không tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, nước này có thể đối mặt với số ca nhiễm theo ngày lên đến 8.000 ca trong tháng 6 tới. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 525.889 ca mắc COVID-19, với hơn 2.300 ca tử vong. Hiện Malaysia đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới, buộc chính phủ phải áp dụng biện pháp hạn chế đi lại trên toàn quốc cho tới hết tháng 6 để ngăn chặn virus tiếp tục lây lan. Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ đã nâng cảnh báo về tình hình dịch bệnh tại Malaysia lên mức cao nhất (mức 4) và khuyến nghị du khách tránh tới đây./.
*** EU trừng phạt Belarus, các hãng hàng không “đau đầu”
Ngay sau quyết định của Belarus liên quan tới máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland), Liên minh châu Âu (EU) và một số nước đã tuyên bố trừng phạt Minsk. Một số nhà phân tích cho rằng, các động thái trừng phạt Belarus sẽ gây khó khăn và tốn kém đối với các công ty châu Âu.
Người Syria đi bầu cử tổng thống
Hàng triệu người dân Syria hôm nay (26/5) sẽ đi bầu cử lựa chọn nhà lãnh đạo của đất nước trong nhiệm kì mới. Đương kim Tổng thống Bashar al-Assad được dự báo sẽ đắc cử.
Giải mật liên minh tình báo tín hiệu châu Âu
Ngay từ cuối thập niên 1970, lần đầu tiên tài liệu này đã báo cáo về liên minh 5 đối tác bí mật của Châu Âu: Maximator. 5 thành viên của Liên minh Châu Âu này bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Hà Lan và Pháp. Sự hợp tác mật này bao gồm phân tích tín hiệu và phân tích mã hóa.
Mỹ cân nhắc trừng phạt Belarus sau vụ ép máy bay hạ cánh
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/5 tiết lộ rằng chính quyền của ông đang cân khắc khả năng áp các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Belarus liên quan đến vụ ép máy bay hạ cánh.
New Zealand lên tiếng cảnh báo “cơn bão” từ Trung Quốc
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cảnh báo các nhà xuất khẩu cần đa dạng hóa thị trường để đảm bảo có thể tồn tại trong mối quan hệ với Trung Quốc, với nguy cơ nước này có thể trở thành tâm điểm mà “cơn bão” Trung Quốc quét qua.
Ngoại trưởng Mỹ “mang sứ mệnh to lớn” đến Trung Đông
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 25/5 đã đến Israel, bắt đầu chuyến thăm Trung Đông với hy vọng thúc đẩy lệnh ngừng bắn với các chiến binh Hamas và giúp tăng tốc viện trợ nhân đạo cho Palestine.
Belarus công bố tình tiết bất ngờ vụ điều hướng máy bay Ryanair
Sau khi hứng chịu loạt chỉ trích từ các quốc gia phương Tây và nhiều tổ chức hàng không quốc tế, phía Belarus đã lên tiếng để trần tình về nguyên do điều hướng chiếc máy bay của Ryanair.
Mỹ: Đảng Cộng hòa tiếp tục lục đục vì ông Trump
Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vừa thay thế bà Liz Cheney, người được mệnh danh là “người nói sự thật” về cuộc bầu cử năm 2020, bằng một “người phủ nhận sự thật” ở vị trí lãnh đạo đảng này tại Hạ viện. Đây được xem là cuộc thanh trừng đối với những người dám đứng lên chống lại ông Trump và không chấp nhận xuôi chiều trong đảng.
Protasevich lần đầu lộ diện, EU thẳng tay trừng phạt Belarus
Truyền hình nhà nước Belarus mới đây đã đăng tải một đoạn video với sự xuất hiện của Roman Protasevich, sau khi Minsk bắt giữ nhân vật đối lập này bằng việc tung tin bom giả để buộc một máy bay dân sự chở Protasevich hạ cánh khẩn cấp.
Myanmar bắt giữ nhà báo người Mỹ tại sân bay
Một nhà báo Mỹ làm việc tại Myanmar đã bị bắt giữ tại sân bay Yangon khi đang chuẩn bị đáp chuyến bay về nước, CNN ngày 25/5 đưa tin.
Lời kể của nhân chứng trên chuyến bay bị Belarus buộc hạ cánh
Nhiều hãng tin quốc tế lớn ngày 25/5 đã thu thập lời kể của những nhân chứng trên chuyến bay “đặc biệt” này. Hầu hết các hành khách đều ở trạng thái vô cùng hoảng sợ, trong đó, có một người đặc biệt kích động.
Hai tàu điện ngầm “đấu đầu” khiến hàng trăm người bị thương
Hãng Thông tấn nhà nước Malaysia ngày 25/5 đưa tin, hơn 200 người đã bị thương trong một vụ va chạm nghiêm trọng giữa hai tàu điện ngầm thuộc hệ thống đường sắt vận tải nhẹ (LRT) của nước này xảy ra vào tối trước đó.
Belarus – Latvia nổ ra căng thẳng “chưa từng có”
Reuters ngày 25/5 đưa tin, mối quan hệ giữa Belarus – Latvia hôm 24/5 đã trở nên căng thẳng “chưa từng có” khi cả hai nước này tuyên bố trục xuất toàn bộ nhân viên đại sứ quán của nhau.
Thảm sát ở Peru ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống
Quân đội Peru ngày 24/5 cho biết, ít nhất 14 người, trong đó có 2 trẻ em, đã thiệt mạng ở một vùng hẻo lánh của nước này, nơi nổi tiếng trồng và chế biến cây coca, chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống.
115.000 nhân viên y tế trên toàn cầu đã thiệt mạng khi cứu người trong dịch COVID-19
“Nhân viên y tế làm những việc anh hùng, nhưng họ không phải là siêu anh hùng”, Tổng Giám đốc WHO nói, cho biết thêm hơn 115.000 nhân viên y tế trên toàn cầu đã thiệt mạng vì COVID-19 khi đang nỗ lực cứu sống người khác.
TQ-TT