VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 4/6/2021.

     Hai thái cực đối lập trong cuộc chiến Covid-19 trên thế giới; Mỹ công bố kế hoạch hỗ trợ vắc xin các nước, trong đó có Việt Nam; Vaccine Covid-19 thế hệ 2 sẽ “lợi hại gấp đôi” phiên bản đầu tiên?; Bất chấp dịch Covid-19, kinh tế Hàn Quốc vẫn bùng nổ, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 32 năm; Trung Quốc toan tính gì khi đặt giàn khoan khai thác khổng lồ ở Biển Đông?; Thế giới ghi nhận gần 173 triệu ca nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Hai thái cực đối lập trong cuộc chiến Covid-19 trên thế giới
Hai thái cực đối lập trong cuộc chiến Covid-19 trên thế giới  - Ảnh 1.  Đại dịch Covid-19 đang dần lùi xa khỏi cuộc sống hàng ngày của nhiều người Mỹ. Ảnh: AP
VOV.VN – Đại dịch Covid-19 đã giảm nhiệt tại Mỹ và Anh nhưng vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi khác trên thế giới. Sự xuất hiện của nhiều biến thể SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp ở nhiều nơi đã dẫn đến làn sóng Covid-19 mới tồi tệ.
Chênh lệch về khả năng tiếp cận vaccine Covid-19
Tại Mỹ, cuộc sống đang dần trở lại trạng thái bình thường. Các nhà hàng và quán bar đông đúc trở lại, người dân đặt khách sạn cho kỳ nghỉ và các chuyến bay đang hết vé. Tại các sự kiện thể thao, những người hâm mộ không đeo khẩu trang ôm nhau và reo hò cổ vũ.
Lý do của trạng thái trên xuất phát từ việc đa số người Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Số ca mắc bệnh và ca tử vong mới hàng ngày đều ở mức thấp nhất trong gần 1 năm. Đại dịch đang dần lùi xa khỏi cuộc sống hàng ngày của nhiều người Mỹ khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại và chính quyền địa phương nới lỏng các biện pháp hạn chế. Anh, quốc gia hôm 1/6 thông báo lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong do Covid-19 mới kể từ tháng 3/2020, cũng có thể chứng kiến tương lai tươi sáng sau đại dịch.
“Covid-19 sẽ không kết thúc bằng một tiếng nổ lớn hay một cuộc diễu hành. Trong suốt lịch sử, các đại dịch đã kết thúc khi căn bệnh không còn chi phối cuộc sống hàng ngày và lui về sau như những thách thức thông thường về sức khỏe”, Devi Sridhar, chủ tịch phụ trách y tế cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh cho biết.
Tuy nhiên, ngoài Mỹ và Anh, đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi khác trên thế giới. Sự xuất hiện của nhiều biến thể SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp ở nhiều nơi đã dẫn đến làn sóng Covid-19 mới tồi tệ.
Chú thích ảnh   Ảnh minh họa Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19
Đại dịch vẫn chưa kết thúc
Vì một số lý do, việc triển khai vaccine ở các quốc gia này bị chậm lại do thiếu nguồn cung. Koji Tomita, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, cho rằng đất nước của ông và các quốc gia Đông Á ban đầu cố gắng kiểm soát sự lây lan của virus, nhưng chưa xây dựng được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Theo các chuyên gia y tế và các tổ chức quốc tế, vấn đề chính nằm ở khoảng cách trong tỷ lệ tiêm chủng. Trong khi Mỹ đang nghiên cứu về các mũi tiêm nhắc lại cho người dân, các nhân viên y tế tuyến đầu ở một số nước đang phát triển thậm chí vẫn chưa được tiêm liều vaccine đầu tiên. Trong một tuyên bố chung, những người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm đẩy nhanh việc phân phối vaccine cho các nước nghèo và thu nhập trung bình, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa năng lực sản xuất trên toàn thế giới.
“Việc phân phối vaccine không hợp lý đang khiến hàng triệu người dễ bị nhiễm virus, trong khi các biến thể nguy hiểm vẫn xuất hiện và lây lan trên toàn cầu. Khi các biến thể lan rộng, ngay cả các quốc gia có chương trình tiêm chủng tiến bộ cũng buộc phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và hạn chế đi lại. Đại dịch đang làm sâu sắc thêm sự phân hóa về cơ hội kinh tế và gây ra hệ quả tiêu cực cho mọi người”, lãnh đạo các tổ chức quốc tế cho biết.
“Sẽ là một sai lầm lớn đối với bất kỳ quốc gia nào nếu nghĩ rằng mối nguy hiểm đã qua đi”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 31/5. Ông Ghebreyesus cảnh báo rằng, do sự phối hợp toàn cầu không đầy đủ, “chúng ta sẽ vẫn phải đối mặt với những lỗ hổng tương tự từng khiến một dịch bệnh trở thành đại dịch toàn cầu”.
Bất chấp dịch Covid-19, kinh tế Hàn Quốc vẫn bùng nổ, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 32 năm
(doanhnhan.vn) Việc mở cửa trở lại của nhiều nền kinh tế trên thế giới đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ của người dân giúp kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 3 thập kỷ, theo CNBC
Theo nguồn tin của CNBC dựa trên dữ liệu báo cáo từ Bộ Thương mại Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vừa ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 32 năm kể từ tháng 8/1998.
Quy mô xuất khẩu của xứ sở kim chi cũng mở rộng lên 45,6% so với một năm trước đó. Tuy nhiên con số trên vẫn thấp hơn mức tăng trưởng dự báo đạt 48,5% của Reuters.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trung bình theo ngày tăng 49% trong tháng 5, vượt xa mức tăng 29,5% của tháng trước đó. Lý do là sự gia tăng mạnh mẽ của các lô hàng với 41,2%. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù con số này thấp hơn so với mức dự báo 40,5% trước đó.
Một số mặt hàng xuất khẩu đáng chú ý của Hàn Quốc là ô tô với mức tăng trưởng 93,7%; các sản phẩm hóa dầu tăng 94,9% so với cùng kỳ năm trước.
“Thương mại toàn cầu đang dần hồi phục trở lại từ đại dịch, điều này đã giúp kinh tế của Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Việc đẩy mạnh tiêm chủng ở các nền kinh tế lớn như Mỹ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng”, Park Sung-woo, một nhà kinh tế tại DB Financial Investment cho biết.
Mỹ công bố kế hoạch hỗ trợ vắc xin các nước, trong đó có Việt Nam
(DTO) Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cung cấp 80 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho thế giới, đợt đầu tiên gồm 25 triệu liều cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Hỗ trợ 80 triệu liều vắc xin
Trang chủ Nhà Trắng ngày 3/6 cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ ít nhất 80 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước trong tháng 6 này. Trong đó, ít nhất 75% số vắc xin sẽ được hỗ trợ thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 25% còn lại sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các nước.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ cung cấp vắc xin cho các nước có nhu cầu sử dụng khẩn cấp, ưu tiên đội ngũ tuyến đầu chống dịch và các nhóm ưu tiên khác. Washington cũng cam kết việc chia sẻ này sẽ dựa trên các dữ liệu y tế, không bị chi phối bởi các mục đích chính trị.
Lô vắc xin hỗ trợ đầu tiên sẽ gồm 25 triệu liều, không bao gồm vắc xin AstraZeneca.
Trong đó, gần 19 triệu liều sẽ được cung cấp thông qua chương trình COVAX. Thông qua COVAX, khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ nhận được khoảng 6 triệu liều, Nam Á và Đông Nam Á khoảng 7 triệu liều, châu Phi 5 triệu liều.
Các nước ở châu Á sẽ được nhận hỗ trợ vắc xin từ Mỹ thông qua COVAX gồm có: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào, Papua New Guinea, một số quốc đảo Thái Bình Dương và đảo Đài Loan.
Khoảng 6 triệu liều còn lại sẽ được hỗ trợ trực tiếp cho Canada, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Vaccine Covid-19 thế hệ 2 sẽ “lợi hại gấp đôi” phiên bản đầu tiên?
VOV.VN – Các công ty dược phẩm trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu vaccine Covid-19 thế hệ thứ hai với nhiều ưu điểm hơn như giá thành rẻ, dễ phân phối và có thể chống lại nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2.
Nhu cầu cải tiến vaccine Covid-19
Vaccine ngừa Covid-19 là một trong những loại vaccine tốt nhất từng được chế tạo, khi được chứng minh là an toàn và có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng mắc bệnh nghiêm trọng cũng như tử vong.
Theo USA Today, các công ty dược phẩm đang cố gắng làm cho vaccine Covid-19 trở nên tốt hơn nữa.
Các công ty dược phẩm đang thử nghiệm các loại vaccine không cần bảo quản lạnh, không cần tiêm 2 liều, có ít tác dụng phụ hơn, có thể sản xuất dễ dàng hơn và không cần sử dụng kim tiêm để dễ dàng phân phối ở các vùng nông thôn và các nước đang phát triển.
“Vaccine thế hệ thứ hai sẽ cải tiến hơn so với vaccine thế hệ đầu tiên”, Scot Roberts, Giám đốc khoa học của Altimmune, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Gaithersburg, Maryland (Mỹ), cho biết.
Nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 thế hệ 2
Cả vaccine của Moderna và Pfizer/BioNTech đều được sản xuất nhanh chóng, có hiệu quả cao và dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA). CureVac, một công ty của Đức, bắt đầu nghiên cứu mRNA nhiều năm trước, đang cố gắng bắt kịp công nghệ này và có thể dẫn trước trong việc sản xuất vaccine tăng cường.
Mariola Fotin-Mleczek, Giám đốc công nghệ của CureVac, cho biết, công ty đang tập trung vào nghiên cứu vaccine thế hệ thứ hai, dự kiến sẽ sẵn sàng đưa ra thị trường muộn nhất vào cuối năm 2021.
Theo Fotin-Mleczek, phiên bản thứ hai của vaccine CureVac sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch cao hơn so với phiên bản đầu tiên với liều lượng thấp hơn và sẽ không phải bảo quản lạnh giống như các vaccine mRNA khác. Tuy nhiên, chưa rõ sẽ cần tiêm 1 hay 2 liều vaccine để có hiệu quả bảo vệ lâu dài, bà Fotin-Mleczek nói.
Trung Quốc toan tính gì khi đặt giàn khoan khai thác khổng lồ ở Biển Đông?
(Enternews.vn) Giàn khoan “Biển Sâu số 1” nặng hơn 100.000 tấn được Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) lắp đặt, dự kiến sẽ khai thác khí tự nhiên trong tháng 6 này.
“Biển Sâu Số 1” là giàn khoan đầu tiên trên thế giới nặng tới hơn 100.000 tấn và sẽ được kéo ra khu vực khí Lăng Thủy ngoài khơi đảo Hải Nam trong nửa đầu tháng 6. Giàn khoan này bắt đầu công đoạn khai thác trong cùng tháng. Ước tính mỗi năm, giàn khoan “Biển Sâu số 1” có thể khai thác 3 tỉ mét khối khí tự nhiên.
Từ tháng 6/2020, CNOOC đã tiến hành khoan giếng khai thác đầu tiên trong tổng số 11 giếng cần khoan tại lô Lăng Thủy 17-2. Công ty này ước tính, sau khi đi vào hoạt động, lô Lăng Thủy 17-2 sẽ cung cấp 1/4 khí đốt hàng năm cho vùng Vịnh lớn Quảng Đông – Hong Kong – Macau, và sẽ trở thành một trung tâm năng lượng mới ở khu vực Biển Đông.
Trong những năm gầy đây, Trung Quốc liên tục triển khai nhiều giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Không ít lần các giàn khoan và tàu khảo sát địa chất đã được nước này sử dụng như công cụ thúc đẩy những yêu sách hàng hải phi pháp trong khu vực.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, CNOOC và các tập đoàn dầu khí, công ty thăm dò địa chất của Trung Quốc từng bị Mỹ đặt vào tầm ngắm vì hỗ trợ những yêu sách phi pháp của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông. Chính phủ Mỹ khi đó nhấn mạnh, nhiều phương tiện và giàn khoan thuộc sở hữu CNOOC đã được sử dụng như công cụ “quấy rối” và “đe dọa” các nước trong khu vực.
Ngày 14/1/2021, chỉ 6 ngày trước khi rời nhiệm sở, Bộ Thương mại Mỹ thuộc chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định áp lệnh trừng phạt lên CNOOC, cáo buộc công ty này “nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí” của các nước khác ở Biển Đông.
Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết dù vị trí dự kiến hạ đặt giàn khai thác biển sâu của Trung Quốc chưa vi phạm chủ quyền Việt Nam, nhưng giàn khai thác này giống như một “lãnh thổ di động” của Trung Quốc, do đó Việt Nam cần theo dõi sát di chuyển (nếu có) của nó.
Nhận định về ý đồ của Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung cho rằng, Trung Quốc muốn cho khu vực quen thuộc với hình ảnh của giàn khai thác biển sâu này, phô trương sự vượt trội về mặt kỹ thuật và kích thước của nó. Sau này, khi Trung Quốc kéo vào khu vực tranh chấp sẽ hạn chế các phản ứng gây xung đột mạnh mẽ.
*** Thế giới ghi nhận gần 173 triệu ca nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 4/6/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 172.803.731 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.714.392 ca tử vong và 155.523.205 ca bình phục.
      Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 386.837 ca mắc và 8.305 ca tử vong mới vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 34.167.875 ca nhiễm COVID-19, trong đó 611.496 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (131.371 ca); Brazil (83.391 ca); Mỹ (12.772 ca); Iran (9.657 ca); Nga (8.933 ca); Pháp (8.161 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (2.706 ca); Brazil (1.682 ca); Mỹ (478 ca); Nga (393 ca)…
Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 46.768.530 ca mắc COVID-19, trong đó 1.075.854 ca tử vong. Hết ngày 3/6, châu lục này ghi nhận đã có thêm 49.019 ca nhiễm mới và 1.204 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 5.694.076 ca mắc COVID-19 và 109.857 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 3/6, Pháp có thêm 8.161 ca nhiễm mới và 71 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Châu Á hiện đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 51.903.817 ca nhiễm và 699.076 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 210. 042ca mắc và 4.100 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 48.228.504 ca được điều trị khỏi; 2.976.237 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 29.256 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 3/6, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 131.371 ca mắc mới và 2.706 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 28.572.359 ca và 340.719 ca.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 25.932 ca mắc mới và 537 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 4.105.698 người mắc COVID-19, trong đó 80.255 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Myanmar.
Indonesia hiện vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất khu vực ASEAN. Ngày 3/6, quốc gia này ghi nhận có thêm 5.353 ca nhiễm mới, trong đó 187 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, nước này đã có 1.837.126 ca nhiễm và 51.095 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tạ Malaysia, tình hình dịch COVID-19 vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 3/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 103 trường hợp tử vong. Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định ra lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh.
Singapore ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ ngày 16/5 với 45 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó có 35 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca bệnh tại Singapore hiện nay là 62.145 ca, trong đó có 33 ca tử vong.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 21.364 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 39.893.570 ca, tổng số người tử vong là 900.643 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 32.798.368 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.423.928 ca nhiễm và 228.146 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 29.247.308 ca nhiễm; 905.765 ca tử vong và 26.391.979 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 94.829 ca nhiễm và 1.988 ca tử vong vì dịch bệnh. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 16.803.472 ca nhiễm, trong đó 469.388 ca tử vong.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.920.762 ca mắc COVID-19, trong đó 131.787 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.680.373 trường hợp, trong đó 56.765 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, Papua New Guinea, New Zealand và Fiji là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 7 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 30.137 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 910 trường hợp tử vong vì COVID-19. French Polynesia, Papua New Guinea, New Zealand và Fiji lần lượt là các quốc gia xếp sau Australia về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID tại châu lục.
Liên quan đến tình hình vaccine COVID-19, ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chi tiết về kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều đầu tiên trong 80 triệu liều vaccine phòng COVID-19 mà ông đã công bố trước đó cho các quốc gia khác trên thế giới.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ nêu rõ, Mỹ sẽ đóng góp gần 19 triệu liều vaccine thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Trong đó, khoảng 6 triệu liều vaccine sẽ dành cho khu vực Mỹ Latinh và Caribbe, khoảng 7 triệu cho khu vực Nam Á và Đông Nam Á và gần 5 triệu cho châu Phi. Ngoài ra, khoảng hơn 6 triệu liều sẽ được chia sẻ trực tiếp cho những nước gồm Canada, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc./.

TQ-TT