Biến chủng Delta lan ra 74 nước, Covid-19 lan nhanh “như cháy rừng”; Mỹ và các nước G7 chia sẻ với thế giới 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 nhưng con số này là quá nhỏ?; Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine phòng chống COVID-19; NATO thể hiện lập trường cứng rắn chưa từng có với Trung Quốc; Ông Pompeo: “Chính quyền Trump đã gần tìm ra nguồn gốc Covid-19”; Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 20; Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm song vẫn ở mức cao…là những tin chính được cập nhật.
Biến chủng Delta lan ra 74 nước, Covid-19 lan nhanh “như cháy rừng”
Biến chủng Delta đã khiến Ấn Độ rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng (Ảnh minh họa: Getty).
(DTO) Biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đã xuất hiện ở 74 nước và còn tiếp tục lan rộng, làm dấy lên lo ngại biến chủng này sẽ nhanh chóng “phủ sóng” toàn cầu.
Guardian dẫn số liệu thống kê cho thấy, biến chủng Delta đã xuất hiện ở 74 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Phi, khu vực Thái Bình Dương và bán đảo Scandinavia.
Theo ông Scott Gottlieb, cựu quan chức Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA), số ca nhiễm biến chủng Delta ở Mỹ cứ sau hai tuần lại tăng gấp đôi và hiện chiếm 10% tổng số ca nhiễm mới, trong khi đó, tại Anh, tỷ lệ này lên tới hơn 90%. Ông Gottlieb cho rằng, sớm muộn biến chủng Delta cũng sẽ trở thành biến chủng phổ biến ở Mỹ.
“Biến chủng này đang tiếp tục lây lan và dường như lây lan mạnh hơn. Dường như những người nhiễm biến chủng này có tải lượng virus cao hơn và duy trì trong thời gian dài hơn. Hiện tại, biến chủng Delta chỉ chiếm 10% số ca nhiễm mới ở Mỹ, nhưng nó tăng gấp đôi sau hai tuần và có thể sẽ sớm trở thành biến chủng áp đảo ở Mỹ”, chuyên gia Gottlieb nói.
Giới chức y tế trên khắp thế giới đang thu thập và chia sẻ dữ liệu về mức độ lây lan của biến chủng mới này. Nhiều người lo ngại, mức độ lây lan của biến chủng Delta ở các nước đang phát triển có thể khủng khiếp hơn báo cáo thực tế do hệ thống giám sát ở các nước này còn hạn chế.
Ashish Jha, hiệu trưởng trường y tế cộng đồng thuộc Đại học Brown ở Mỹ, tuần trước gọi Delta là “biến chủng dễ lây lan nhất mà chúng tôi từng biết từ trước đến nay”.
Mỹ và các nước G7 chia sẻ với thế giới 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 nhưng con số này là quá nhỏ?
– Kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Joe Biden tuyên bố kế hoạch của ông trong việc chia sẻ với thế giới 500 triệu liều vắc xin Pfizer đã “nhận được cam kết từ các đồng minh còn lại trong G7, theo đó họ sẽ cung cấp nửa tỉ liều vắc xin.”
Cam kết 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 là thông báo hàng đầu được đưa ra từ hội nghị thượng đỉnh G7. Đây là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đã trở lại trường quốc tế và điều này đang đem lại kết quả.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã rất tự hào về con số 1 tỉ liều vắc xin nói trên. Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken miêu tả đó là “một minh chứng mạnh mẽ cho việc phát huy nền dân chủ.”
Khi được hỏi cụ thể hơn về cam kết 1 tỉ liều vắc xin, một quan chức chính quyền của Tổng thống Biden cho biết, con số này bao gồm cả “đóng góp về tài chính được chuyển thành các liều vắc xin và những đóng góp về vắc xin.”
Có một sự khác biệt giữa đóng góp về tiền và đóng góp về vắc xin. Sáng kiến COVAX của WHO đang thiếu vắc xin không phải do thiếu tiền mua mà là bởi vì thế giới chưa sản xuất đủ lượng vắc xin và phần lớn vắc xin đều để phục vụ các nước giàu như các nước thành viên của G7.
WHO cho rằng cam kết 1 tỉ liều vắc xin của các nước G7 vẫn là con số cách xa rất nhiều so với con số 11 tỉ vắc xin cần để có thể chấm dứt đại dịch. Nhiều nhóm viện trợ và các quan chức chỉ trích con số đóng góp của các nước giàu là quá nhỏ. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown miêu tả con số 1 tỉ liều vắc xin là “một thất bại về đạo đức không thể tha thứ.”
Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine phòng chống COVID-19
(Chinhphu.vn) – Sáng ngày 15/6/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. Thực hiện kết quả của các cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Đại sứ Nhật Bản đã chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine để phòng chống COVID-19.
NATO thể hiện lập trường cứng rắn chưa từng có với Trung Quốc
– Giới lãnh đạo NATO xem ảnh hưởng ngày càng tăng, sức mạnh quân sự và các hành vi quyết liệt của Trung Quốc là “những thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền”, thông cáo chung của NATO được đưa ra ngày hôm qua (14/6) đã nói như vậy.
Đây là lần đầu tiên NATO chính thức đề cập đến mối đe dọa gây ra từ những tham vọng quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, liên minh quân sự phương Tây chưa gọi Trung Quốc là “đối thủ” hay “kẻ thù”.
Giới lãnh đạo NATO đã đề cập chi tiết đến Trung Quốc trong trang 55 của thông cáo chung dài 79 trang. NATO bày tỏ nỗi quan ngại ngày càng tăng về “các chính sách dọa dẫm” của Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, “Trung Quốc đang tiến ngày một gần đến chúng ta” liên quan đến sự xâm phạm về mặt quân sự, đầu tư về cơ sở hạ tầng và các hoạt động trên mạng nhưng nói thêm rằng NATO “không tham gia vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc và Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta, không phải là kẻ thù của chúng ta.”
Tuy nhiên, thông cáo chung của NATO đề cập đến Nga 62 lần, so với chỉ 10 lần nhắc đến Trung Quốc. Điều này cho thấy, ưu tiên chính hiện tại của NATO vẫn là nước láng giềng ở mặt trận phía đông của Châu Âu.
3.000 cảnh sát, hàng rào dây thép gai bảo vệ cuộc gặp lịch sử Putin – Biden
Dân trí Thụy Sĩ đã triển khai hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ trong tuần này.
02:13
Các nhà chức trách Thụy Sĩ có kế hoạch tạm thời hạn chế không phận đối với thành phố Geneva và triển khai tới 3.000 binh sĩ và cảnh sát để bảo đảm an ninh cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này.
Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ tuần trước đã thông qua các biện pháp an ninh tạm thời, bao gồm việc triển khai 1.000 binh sĩ và hoạt động giám sát không phận do lực lượng không quân Thụy Sĩ phụ trách trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ vào ngày 16/6.
“Thụy Sĩ có nghĩa vụ bảo vệ những người được hưởng sự bảo vệ đặc biệt theo luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên thủ quốc gia của Mỹ và Nga”, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ cho biết.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ, các chuyến bay thương mại hạ cánh và cất cánh từ sân bay của Geneva sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế không phận kéo dài từ 8 giờ sáng ngày 15/6 đến 5 giờ chiều ngày 16/6.
Ông Pompeo: “Chính quyền Trump đã gần tìm ra nguồn gốc Covid-19”
(DTO) Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tiếp tục lên tiếng về những tranh cãi liên quan tới nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Trả lời phỏng vấn Fox News hôm 13/6, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói có bằng chứng nghi ngờ giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo lời ông Pompeo, chính quyền của ông Trump đã “gần tìm ra câu trả lời liệu chuyện gì đã xảy ra”. Tuy nhiên, ông không cho biết chi tiết và cũng không cung cấp bằng chứng cho những cáo buộc.
“Chúng tôi, không chỉ Bộ Ngoại giao Mỹ, mà cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cùng nhiều cơ quan khác, đã nỗ lực gây sức ép với Trung Quốc”, cựu Ngoại trưởng Mỹ nói.
Khi còn đương nhiệm, ông Trump nhiều lần gọi virus gây đại dịch Covid-19 là “virus Trung Quốc” bất chấp phản đối của Bắc Kinh. Cựu chủ nhân Nhà Trắng cũng nghi ngờ rằng virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, dù không đưa ra bằng chứng cụ thể cho các cáo buộc. Trong một bài phát biểu gần đây tại sự kiện gây quỹ của đảng Cộng hòa, ông Trump đề nghị Trung Quốc phải bồi thường cho thế giới ít nhất 10.000 tỷ USD vì những thiệt hại về người và kinh tế do đại dịch gây ra.
Những tranh cãi về nguồn gốc đại dịch nóng lại gần đây khi giới khoa học và giới làm chính sách Mỹ bất ngờ lật lại giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc. Một báo cáo của tình báo Mỹ dưới thời ông Trump nói rằng, 3 nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện với các triệu chứng giống Covid-19 hồi tháng 11/2019, không lâu trước khi Trung Quốc công bố các ca bệnh đầu tiên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tháng trước đã yêu cầu cộng đồng tình báo nỗ lực gấp đôi để đưa ra kết luận rõ ràng hơn về nguồn gốc Covid-19 trong vòng 90 ngày. Tại hội nghị G7 cuối tuần qua, ông Biden cũng kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn và cho phép các điều tra viên tiếp cận đầy đủ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Mỹ và nhiều nước châu Âu đồng loạt kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở rộng điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc với lý do giai đoạn đầu điều tra ở Vũ Hán hồi tháng 2 vẫn còn bị hạn chế.
Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 20
(VNN) Còn hơn một năm nữa là đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Có nhiều dự đoán về việc bố trí nhân sự cấp cao, đặc biệt là trong Quốc vụ viện (Chính phủ) nước này.
Cho đến nay có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Đại hội 20. Cộng sự của ông là Lý Khắc Cường, dù chưa vượt qua giới hạn tuổi tác nhưng đã giữ chức Thủ tướng 2 nhiệm kỳ liên tiếp, nên theo Hiến pháp sẽ buộc phải điều chuyển vị trí.
Do quy định giới hạn tuổi 67 có thể tiếp tục lưu nhiệm, 68 tuổi sẽ nghỉ hưu, trong số 4 Phó thủ tướng Trung Quốc hiện nay, ngoài ông Hồ Xuân Hoa xếp vị trí thứ 3, còn có Hàn Chính, Tôn Xuân Lan và Lưu Hạc đều sẽ quá tuổi tại thời điểm diễn ra Đại hội.
Vì vậy, sau kỳ Đại hội này, Quốc vụ viện Trung Quốc ít nhất sẽ có 3 Phó thủ tướng mới, đó là vẫn chưa tính đến sự thay đổi vị trí của Hồ Xuân Hoa trong thời gian tới.
Ứng viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Trung Quốc
Theo phân tích của một số chuyên gia, trình độ, kinh nghiệm và thành tích chính trị trước đây của Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa đều rất nổi bật. Hiện ông được coi là ứng cử viên thích hợp nhất để thay ông Lý Khắc Cường tại Đại hội 20.
Ông Hồ Xuân Hoa, 58 tuổi, là người trẻ nhất trong số các Phó thủ tướng Trung Quốc hiện nay.
Tại Đại hội 19, ông đã được bầu vào Quốc vụ viện với tư cách Phó thủ tướng. Trong 4 Phó thủ tướng, ông Hồ Xuân Hoa xếp vị trí thứ ba, sau Hàn Chính và Tôn Xuân Lan.
Tiền đồ chính trị của ông Hồ Xuân Hoa trong tương lai rất rộng mở, khả năng cao sẽ được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 20. Đây là lý do tại sao ông là nhân sự cấp cao được dư luận chú ý trước thềm Đại hội.
Trong cơ cấu chính trị của Trung Quốc, Phó thủ tướng Quốc vụ viện, với tư cách là ủy viên Bộ Chính trị sẽ trực tiếp tham gia hoạch định các chính sách quốc gia. Mặt khác, họ còn là người trực tiếp phụ trách cấp điều hành, có kinh nghiệm và tư duy “tuyến đầu” đối với sự vận hành của quốc gia và xã hội, ở vị trí then chốt trong toàn bộ cơ cấu chính trị, là cấp trung gian kết nối giữa cấp trên và cấp dưới.
Ngoài ra, Phó thủ tướng thường sẽ đóng vai trò là “nguồn dự trữ nhân tài” và “lò luyện” – nơi họ làm quen với các công việc liên quan đến kinh tế quốc dân trước khi có thể chính thức tiếp quản chức vụ Thủ tướng.
*** Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm song vẫn ở mức cao (ĐCSVN) – Đến sáng 15/6, thế giới có tổng số 177.020.331 ca nhiễm và 3.827.430 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 300.255 và 6.671 ca trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất trên thế giới do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 15/6, đã có 161.201.623 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 11.991.278 ca bệnh đang điều trị, có 11.906.651 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 84.627 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 62.597 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (40.865 ca) và Mỹ (9.918 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.452 ca, sau đó là Brazil (928 ca) và Argentina (686 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 53.668.128 ca. Trong đó, 748.866 ca đã tử vong do COVID-19 và 50.805.927 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 29.570.035; 5.336.073 và 3.039.432 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 377.061; 48.795 và 82.217 ca.
Với 47.221.897 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 15/6, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó có 1.086.985 ca tử vong và 44.569.468 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 32.890 ca nhiễm và 672 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.741.354; 5.222.408 và 4.573.419 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.907 ca, sau khi có thêm 3 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (127.038 ca) và Nga (126.801 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 18.048 ca nhiễm COVID-19 và 377 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 40.194.322 và 908.006 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 34.335.105 ca nhiễm và 615.225 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.454.176 và 1.403.285 ca nhiễm, cùng 230.148 và 25.944 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 100.082 ca nhiễm và 2.748 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 30.759.833 ca và 946.914 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 21.292 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 17.454.861 vào thời điểm hiện tại, và 928 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 488.404 ca.
Tính đến sáng 15/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.105.027 ca, trong đó có 135.389 ca tử vong và 4.559.525 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.752.630 ca nhiễm và 57.879 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 5.548 ca nhiễm và 114 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 523.999 và 370.224 ca nhiễm bệnh cùng 9.213 và 13.567 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 70.403 ca nhiễm (tăng 112 ca) và 1.255 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 14 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.262 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, vấn đề sản xuất, phân bổ và tiêm phòng vaccine đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới chuyên gia quốc tế cho rằng cam kết của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn là quá ít và quá muộn.
Chương trình ACT Accelerator – cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vaccine, chẩn đoán và điều trị COVID-19 -cho biết hiện cần hơn 16 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Tuy nhiên, theo cơ chế COVAX, đến nay mới vận chuyển được 85 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đến 131 quốc gia, ít hơn nhiều so với dự đoán.
Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết châu Phi sẽ được ưu tiên trong quá trình phân phối 870 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của G7 tặng./.