Singapore hiện là quốc gia trong sạch nhất châu Á, là nước đứng thứ 4 thế giới trong bảng xếp hạng các nước có tỷ lệ tham nhũng thấp.
Singapore. Ảnh: Straits Times
Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố cho thấy, điểm số của Singapore trong năm 2020 là 85, chỉ đứng sau Đan Mạch, New Zealand và bằng điểm với Thuỵ Điển, Phần Lan. Theo thang điểm, 0 là tham nhũng lan tràn và 100 là rất trong sạch.
Khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy, đa phần người dân ở Singapore chưa từng gặp trường hợp tham nhũng của các quan chức hay tổ chức công nào trong đời.
Theo báo Straits Times, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết có 4 yếu tố giúp nước này thành công trong việc diệt trừ tham nhũng.
Thứ nhất, Singapore được thừa hưởng một hệ thống làm việc trong sạch từ chính quyền thuộc địa Anh.
Người Anh đã để lại cho Singapore một hệ thống làm việc và các thể chế lành mạnh (luật Anh), dịch vụ công hoạt động tốt và cơ quan tư pháp trung thực, hiệu quả.
Điều quan trọng là, các viên chức dịch vụ thuộc địa Anh luôn duy trì các tiêu chuẩn cao. Những người như Sir William Goode – toàn quyền cuối cùng và người đứng đầu nhà nước, có ý thức về trách nhiệm và quản lý.
Thứ hai, khi người Anh rời đi, các lãnh đạo tiên phong của Singapore đã quyết tâm giữ cho bộ máy trong sạch.
Đảng Nhân dân Hành động (PAP) lên nắm quyền đầu tiên vào năm 1959 khi Singapore có quyền tự trị. Singapore khi đó phải đối mặt với vô số vấn đề như đói nghèo, y tế công yếu kém, thiếu nhà cửa trầm trọng, kinh tế trì trệ và một dân số bùng nổ.
Tuy nhiên, vấn đề quyết định đối với ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng sáng lập Singapore và nhóm của ông là ngăn chặn dịch vụ công trở nên thoái hoá biến chất. Một chính phủ yếu kém, tham nhũng sẽ không bao giờ có thể đoàn kết lại.
Vì thế, khi tuyên thệ nhậm chức, ông Lý Quang Diệu và các đảng viên PAP đã mặc áo trắng, quần trắng nhằm biểu thị quyết tâm giữ chính phủ trong sạch và liêm khiết. Điều đó đã tạo nên phong cách cho Singapore kể từ đó.
Thứ ba, với ý chí chính trị mạnh mẽ, Singapore đã thể chế hoá hệ thống khung chống tham nhũng toàn diện.
Tiếp đó, Singapore ban hành Đạo luật chống tham nhũng (PCA), đặt nghĩa vụ chứng minh lên các bị cáo để chứng tỏ anh ta có được tài sản một cách hợp pháp. Bất kỳ sự giàu có nào không giải thích được, không tương xứng với thu nhập sẽ bị coi là nhận hối lộ và có thể bị tịch thu.
PCA có hiệu lực kể cả bên ngoài phạm vi lãnh thổ. Các hành động tham nhũng của công dân Singapore ở nước ngoài cũng bị xử lý giống như trong nước, bất kể hành vi đó có gây ra hậu quả gì đối với Singapore hay không.
Cục Điều tra tham nhũng của Singapore (CPIB) có nguồn lực đầy đủ và độc lập. Nó được trao quyền để điều tra bất kể ai, ngay cả cảnh sát và các bộ trưởng, đồng thời có nhiệm vụ nâng cao nhận thức của công chúng và định hình các chuẩn mực xã hội.
Singapore trả cho các công chức mức lương công bằng và theo tiêu chuẩn thực tế như thu nhập của khu vực tư nhân. Đổi lại, Singapore đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhất về hiệu suất làm việc và sự liêm chính.
Thứ tư, Singapore đã nỗ lực chạy đua với thời gian để phát triển một xã hội và nền văn hóa nói không với tham nhũng.
Người dân Singapore mong đợi và đòi hỏi một hệ thống trong sạch. Họ không tha thứ, không chấp nhận hiện tượng “bôi trơn xã hội” để đạt mục đích. Họ sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng khi gặp phải chúng.
Người dân Singapore tin tưởng luật pháp áp dụng cho tất cả và chính phủ sẽ thực thi luật pháp mà không sợ hãi hay thiên vị, ngay cả khi nó có thể gây khó xử hoặc ngại ngùng.
Theo Straits Times, Singapore đã đạt được một số thành công trong diệt trừ tham nhũng, nhưng không ảo tưởng rằng mình đã giải quyết được vấn đề này một cách hoàn toàn hay vĩnh viễn.
Tham nhũng bị chi phối bởi lòng tham của con người. Dù hệ thống có chặt chẽ đến đâu, thì đôi khi một số cá nhân vẫn có thể vi phạm. Khi họ làm vậy, Singapore đảm bảo họ sẽ bị bắt và xử nghiêm. Singapore giữ cho hệ thống trong sạch còn góp phần bảo vệ uy tín quốc tế của mình.
“Không có công thức để trả lời bí ẩn từ ngàn xưa này, nhưng chúng tôi quyết tâm duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về sự liêm chính từ lãnh đạo cao nhất của Chính phủ trở xuống”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Nguồn VNN-TT