VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 20/3/2020.

Italia vượt Trung Quốc về số ca tử vong vì Covid-19; Châu Âu oằn mình chống đỡ sự tấn công của Covid-19; Châu Á đối mặt làn sóng “nhập khẩu” Covid-19; LHQ cảnh báo khẩn; Covid-19 đang diễn biến rất xấu ở một số quốc gia; Hoàng thân Monaco trở thành nguyên thủ đầu tiên nhiễm Covid-19; Tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 tại Hàn Quốc cao nhất thế giới; CẬP NHẬT dịch bệnh COVID-19 và ứng phó: 180 quốc gia, vùng lãnh thổ…là những tin chính được cập nhật.

Italia vượt Trung Quốc về số ca tử vong vì Covid-19

  Số ca tử vong Covid-19 tại Italy vượt qua Trung Quốc    Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nằm trong phòng điều trị tích cực ICU tại Brescia, Italy (Ảnh: AP)
Italia vừa trải qua một thời khắc vô cùng đen tối khi có thêm 427 ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng ở nước này tính đến hết ngày 19/3 lên 3.405 người, vượt cả Trung Quốc, nơi khởi phát dịch và hiện ghi nhận 3.245 trường hợp đã tử vong. Trong khi đó, tổng số ca dương tính với virus nguy hiểm ở quốc gia Nam Âu hiện là 41.035 người, chỉ hơn một nửa của đại lục (80.928 ca).
Theo BBC, gần 2/3 số trường hợp tử vong vì virus corona chủng mới tại Italia tập trung ở vùng Lombardy, phía bắc nước này. Thêm 5 bác sĩ ở Lombardy qua đời sau khi nhiễm virus, bao gồm cả một bác sĩ ở Bergamo, một chuyên gia về phổi ở Como và cựu giám đốc bệnh viện Crema, nâng tổng số nhân viên y tế thiệt mạng vì dịch lên 13 người.
Stephano Fagiuoli, một bác sĩ ở bệnh viện Bergamo viết trên trang cá nhân bằng tiếng Anh: “Chúng tôi đang rất cần cả bác sĩ và y tá cùng với các máy trợ thở và đồ bảo hộ”.
Thủ tướng Giuseppe Conte kêu gọi người dân Italia “cần phải đoàn kết hơn bao giờ hết” trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chính phủ của ông Conte đã thông qua gói hỗ trợ 25 tỷ Euro nhằm giảm bớt các thiệt hại cho nền kinh tế và các cộng đồng nước này trước sự hoành hành của virus quái ác.

Châu Âu oằn mình chống đỡ sự tấn công của Covid-19
Tại Tây Ban Nha, một “điểm nóng” về dịch Covid-19 ở châu Âu chỉ sau Italia, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới tăng vọt lên mức 18.077 người với 831 trường hợp đã tử vong chỉ trong vòng 24 giờ tính đến sáng sớm ngày 20/3.
Trong bài phát biểu thứ hai trước toàn thể người dân hôm 19/3 (lần phát biểu đầu tiên như vậy là sau cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của vùng Catalonia), Vua Tây Ban Nha Felipe VI tuyên bố nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới, chưa có tiền lệ.
Nhà vua bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng như những gia đình đã mất đi người thân vì mầm bệnh nguy hiểm. Ông cảm ơn các y, bác sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch và kêu gọi người dân cùng đồng lòng, chung tay ngăn chặn virus lây lan.
Trong cùng thời gian, Anh ghi nhận thêm 643 ca nhiễm mới và 40 trường hợp tử vong vì Covid-19, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus corona chủng mới tính đến sáng sớm ngày 20/3 lên ít nhất 3.269 người và tổng số người thiệt mạng là 144 người. Trước diễn biến dịch phức tạp, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố đóng cửa mọi trường phổ thông và cao đẳng, đại học trên toàn quốc kể từ ngày 20/3.
Tại buổi họp báo ngày 19/3, ông Johnson bày tỏ lạc quan rằng, nước Anh có thể “xoay chuyển tình thế” trong vòng 12 tuần tới nếu người dân tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ về phòng chống Covid-19. Theo ông Johnson, chính phủ Anh có thể cân nhắc xúc tiến thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn ngừa dịch lây lan ở thủ đô London, nhưng sẽ không tạm ngưng hoạt động của hệ thống giao thông công cộng.
Lãnh đạo đảo quốc sương mù cũng tiết lộ việc bệnh nhân Covid-19 đầu tiên bắt đầu tham gia thử nghiệm các loại thuốc có thể giúp điều trị được bệnh. Ngoài ra, London  đang đàm phán để mua các bộ xét nghiệm kháng thể nhằm xem liệu ai đó đã nhiễm virus corona chủng mới hay chưa.
Tại Đức, nhà chức trách cũng ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm mới Covid-19 và 16 trường hợp tử vong vì nhiễm virus trong ngày 19/3. Đến thời điểm hiện tại, ít nhất 15.320 người đã dương tính với virus corona chủng mới với 44 trường hợp tử vong ở quốc gia này.
Hôm 19/3, lần đầu tiên trong khoảng 15 năm lãnh đạo nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã xuất hiện trên truyền hình để truyền đi một thông điệp mạnh mẽ tới người dân, gọi dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất của nước Đức kể từ Thế chiến hai. Bà Merkel kêu gọi người dân đoàn kết, hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona và cùng chính phủ nỗ lực ngăn chặn đại dịch.
Cùng ngày, Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Anh rời EU (Brexit) thông báo, ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Tuy nhiên, ông Barnier khẳng định trên Twitter rằng bản thân “hiện vẫn ổn và tinh thần tốt”. Ông cũng cho biết đang tuân thủ tất cả các hướng dẫn cần thiết của đội ngũ chuyên gia y tế.

Châu Á đối mặt làn sóng “nhập khẩu” Covid-19
Các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát virus corona chủng mới lần thứ hai, bắt nguồn từ những ca bệnh “nhập khẩu” từ bên ngoài vào các nước này.
Kể từ khi dịch bùng phát, Trung Quốc hôm 19/3 lần đầu tiên xác nhận không có bất kỳ ca lây nhiễm Covid-19 nội địa mới nào trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, nhà chức trách y tế địa phương thông báo có thêm 34 ca dương tính với virus corona chủng mới ở những người từ nước ngoài trở về đại lục gần đây. Tính đến sáng sớm 20/3, đại lục có tổng cộng 80.928 trường hợp nhiễm Covid-19 với 3.245 ca tử vong.
Để đề phòng dịch tái bùng phát mạnh trở lại, nhà chức trách ở nhiều nơi tại Trung Quốc vẫn tiếp tục cho đóng cửa các trường học, duy trì kiểm tra thân nhiệt nghiêm ngặt tại các công sở. Các nhà hàng vẫn chưa phục vụ thực khách tại chỗ mà chỉ cung cấp dịch vụ bán đồ mang đi.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), đặc khu này ngày 19/3 cũng ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đáng nói, 13/14 ca trong số ca bệnh mới là người đi từ nước ngoài. Nhằm đối phó với diễn biến phức tạp này, chính quyền Hong Kong đã áp lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày đối với bất kỳ ai đến đặc khu kể từ ngày 19/3. Quy định mới có hiệu lực trong 3 tháng và bất kỳ ai vi phạm có thể phải ngồi tù 6 tháng cũng như nộp phạt tới 25.000 HKD (gần 75 triệu đồng).
Theo BBC, Singapore cũng ghi nhận thêm 47 ca nhiễm mới Covid-19, bao gồm cả 33 trường hợp “nhập khẩu” là các công dân hồi hương. Để giải quyết vấn đề, kể từ ngày 16/3, tất cả khách được phép nhập cảnh vào Singapore đều phải cách ly kiểm dịch tại nơi cư trú ở nước này. Họ cũng phải cung cấp chứng nhận nơi cư trú trong thời gian cách ly ở Singapore và có thể bị yêu cầu xét nghiệm Covid-19 nếu cần thiết.

LHQ cảnh báo khẩn
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 19/3 khẩn thiết kêu gọi các lãnh đạo thế giới cùng nhau hành động để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới.
“Nếu chúng ta để mặc virus lây lan như cháy rừng, đặc biệt tại những khu vực dễ bị tổn thương của thế giới, nó sẽ giết chết hàng triệu người. Sự đoàn kết toàn cầu không chỉ là một mệnh lệnh đạo đức mà còn vì lợi ích của tất cả mọi người”, ông Guterres nhấn mạnh.
Người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh cũng kêu gọi các chính phủ, các cơ quan, tổ chức quốc tế hãy hỗ trợ tốt hơn cho những đối tượng dễ bị tổn hại nhất về kinh tế như các lao động thu nhập thấp hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Guterres cho biết thêm, một cuộc suy thoái toàn cầu hiện “gần như chắc chắn” xảy ra.

Covid-19 đang diễn biến rất xấu ở một số quốc gia
– Tính đến sáng nay (19/3), trên toàn thế giới đã có 218.752 trường hợp mắc virus Covid-19, trong đó tại Trung Quốc đại lục là 80.906 ca và tại 173 quốc gia và vùng lãnh thổ có 137.846 ca nhiễm. Tại một số quốc gia, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất xấu
Tính đến 7h30 sáng nay, toàn thế giới đã có 8.944 ca tử vong, trong đó tại Trung quốc đại lục là 3.237 và tại 173 quốc gia và vùng lãnh thổ có 5.707 nạn nhân thiệt mạng. Đáng chú ý, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất xấu ở một số quốc gia ngày hôm qua.
Tính đến sáng nay (19/3), Ý đã có 35.718 ca nhiễm với 2978 người tử vong, gần bằng với số tử vong từ đầu mùa dịch đến nay tại Trung Quốc đại lục. Tại Iran, con số tử vong cũng vượt 1.100 người, trong khi Tây Ban Nha chỉ qua ít ngày đã có tới 638 ca tử vong. Ngoài ra, những quốc gia có trên 100 ca nhiễm khác là Mỹ (151); Pháp (264); Anh (104).
Các nước có số ca tử vong tính đến hàng chục cũng khá nhiều. Cụ thể, Hàn Quốc (84); Hà Lan (58); Thụy Sĩ (33); Nhật (29); Đức (28); Indonesia (19); Philippines (17); Bỉ (14); San Marino (14); Iraq (12); Thụy Điển (10).
Đáng chú ý, có những nước chỉ mới có 1-2 ca nhiễm nhưng đã có ca tử vong như Cayman Islands (1 ca nhiễm và đã tử vong); Sudan (2 ca nhiễm và 1 ca tử vong). Ngay như Cuba, một quốc gia được cho là phát triển về y tế dù mới có 10 ca nhiễm nhưng đã có 1 ca tử vong.
Trong khi đó, Đức là một quốc gia đáng kinh ngạc trong phòng chống dịch khi mà có tới 12.327 ca nhiễm nhưng chỉ có 28 ca tử vong. Ngược lại, Pháp có số ca nhiễm ít hơn rất nhiều (9.134 ca) nhưng số tử vong cao gần gấp 10 lần Đức (264).
Tại Úc, số ca nhiễm virus Covid-19 cũng tăng nhanh với 596 ca nhiễm và 6 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm này không phản ánh tình hình thực tế tại Úc, bởi những người bệnh nhẹ được khuyên ở nhà tự điều trị với các loại thuốc cảm cúm thông thường. Một số người có triệu chứng cũng không dám đi làm xét nghiệm bởi chi phí rất tốn kém. Đây cũng là thực tế ở nhiều quốc gia khác chứ không riêng gì Úc.
Ngoài Trung Quốc đại lục thì tổng số trên toàn thế giới tính đến sáng nay đã có 173 quốc gia/vùng lãnh thổ có bệnh nhân Covid-19, trong đó có 15 quốc gia đã có số người nhiễm lên trên 1.000.
Campuchia đến nay đã có 36 ca nhiễm và 1 ca tử vong. Trong khi đó, Lào và Mianma đang là một ẩn số khi chưa có báo cáo nào ghi nhận có ca nhiễm hoặc tử vong.
Việt Nam, tính đến sáng nay đã có 76 ca dương tính với Covid-19 và ngày hôm qua, số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, với 10 ca trong ngày. Tuy đến nay vẫn chưa có ca bệnh nào tử vong, nhưng có 2 ca đang trong tình trạng rất nặng và dự báo những ngày tới, dịch bệnh còn rất phức tạp.

Hoàng thân Monaco trở thành nguyên thủ đầu tiên nhiễm Covid-19
Cung điện Hoàng gia vừa ra thông báo cho biết, Hoàng thân Albert của công quốc Monaco đã nhiễm virus corona chủng mới, thủ phạm đang gây đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu.
Nhà chức trách Monaco cho hay, Hoàng thân Albert, 62 tuổi tiến hành xét nghiệm Covid-19 hồi đầu tuần này và hiện được xác nhận dương tính với mầm bệnh. Kết quả chẩn đoán đồng nghĩa, ông là nguyên thủ đầu tiên trên thế giới được ghi nhận nhiễm virus corona chủng mới.
AP dẫn thông báo của Cung điện Hoàng gia cho hay, sức khỏe của Hoàng thân Albert hiện “không đáng lo ngại” và ông đang tiếp tục làm việc trong điều kiện cách ly tại tư dinh. Tuy nhiên, bác sĩ riêng cũng như các chuyên gia y tế tại Bệnh viện Công chúa Grace (cơ sở được đặt theo tên của mẹ ông – Grace Kelly) đang theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của ông.
Hiện chưa rõ vợ của Hoàng thân Albert – bà Charlene, 42 tuổi đã xét nghiệm Covid-19 hay chưa.
Sau khi thông tin được công bố, Hoàng thân Albert kêu gọi toàn bộ người dân của Monaco tuân thủ nghiêm các quy định cách ly để ngăn chặn sự lây lan của virus nguy hiểm chết người.
Tính đến hết ngày 18/3, công quốc nhỏ bé với dân số chỉ vẻn vẹn 39.000 người này có 9 ca nhiễm Covid-19, với trường hợp đầu tiên được ghi nhận hôm 28/2.
Giải đua xe Công thức một Monaco (Monaco Grand Prix) cũng như nhiều sự kiện khác trong khuôn khổ các giải đua xe công thức một thế giới đã bị hoãn trước những lo ngại về sự lây lan virus.

Tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 tại Hàn Quốc cao nhất thế giới
(Vnews/Vietnam+)Trong khi nhiều nước châu Á đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới từ những người hồi hương từ các vùng dịch, Hàn Quốc nổi lên như điểm sáng về nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định Hàn Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song rõ ràng các nỗ lực không biết mệt mỏi của chính phủ nước này trong việc phòng chống dịch những ngày qua đã có những kết quả khá tích cực.
Theo một số chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất giúp Hàn Quốc giảm tốc lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đó là chương trình xét nghiệm rộng khắp. Tỷ lệ xét nghiệm trên dân số của Hàn Quốc là cao nhất thế giới.
Với việc tiến hành 15.000 ca xét nghiệm/ngày, các quan chức y tế Hàn Quốc đã xét nghiệm sức khỏe của khoảng 250.000 người từ tháng Một tới nay, tức là cứ 200 người Hàn Quốc thì có 1 người được xét nghiệm./.

CẬP NHẬT dịch bệnh COVID-19 và ứng phó: 180 quốc gia, vùng lãnh thổ
(Chinhphu.vn) – Báo Điện tử Chính phủ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus COVID-19 và các chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, 179 quốc gia/vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc lục địa ghi nhận trường hợp mắc.
Cập nhật lúc 07h ngày 20/3:
Thế giới: 224.793 người mắc, 8.988 người tử vong, trong đó:
– Lục địa Trung Quốc: 80.930 người mắc; 3.245 người tử vong.
– 179 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc: 163.863 người mắc; 6.785 người tử vong.
Việt Nam: 85 trường hợp mắc COVID-19.
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

ILO: 25 triệu lao động sẽ thất nghiệp vì Covid-19
SGGP-Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hiệp quốc cảnh báo, dịch Covid-19 có thể kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đẩy 25 triệu người trên thế giới lâm vào cảnh thất nghiệp nếu các chính phủ không nhanh chóng hành động.

 Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, toàn cầu đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ và các quy tắc thông thường không còn phát huy tác dụng.
(TTXVN/Vietnam+) Ngày 19/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu, trong khi những hành động ứng phó ở từng quốc gia riêng lẻ hiện nay sẽ không đủ để chống chọi với quy mô rộng lớn và phức tạp của đại dịch COVID-19.
Phát biểu họp báo trực tuyến đầu tiên kể từ khi trụ sở Liên hợp quốc tại New York tạm dừng các hoạt động họp thường kỳ, ông Guterres khẳng định cộng đồng quốc tế cần hành động theo chính sách phối hợp, quyết liệt và sáng tạo với đầu tàu là những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo ông Guterres, toàn cầu đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ và các quy tắc thông thường không còn phát huy tác dụng. Ông Guterres bày tỏ hy vọng cuộc họp khẩn của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tuần tới sẽ là dịp để các nước đưa ra những giải pháp hữu hiệu đối với dịch COVID-19.
Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau đoàn kết để tìm ra giải pháp tốt nhất đối phó với đại dịch. Ông khẳng định việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của Liên hợp quốc.
Ưu tiên thứ hai là giải quyết những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với xã hội và nền kinh tế toàn cầu.  Theo tính toán mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dịch bệnh COVID-19 sẽ khiến người lao động toàn cầu thiệt hại khoảng 3,4 nghìn tỷ USD tiền thu nhập từ nay đến cuối năm.
Chính vì vậy, ông Guterres kêu gọi các nước cần tập trung hỗ trợ những người lao động thu nhập thấp thuộc nhóm dễ tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đưa ra giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu phá sản và thất nghiệp.
Theo ông Guterres, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính quốc tế khác sẽ đóng vai trò chính trong công cuộc phục hồi kinh tế thế giới sắp tới.
Trong khi đó, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức y tế thế giới (WHO), bà Matshidiso Moeti cho rằng châu lục này đang phải chứng kiến những diễn biến cực kỳ nhanh chóng và phức tạp của đại dịch COVID-19.
35 trong tổng số 54 quốc gia châu Phi ghi nhận các ca mắc COVID-19, với gần 650 trường hợp. Hiện một số nước châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn dụng cụ y tế, đặc biệt là các bộ kit xét nghiệm.
Bà Moeti bày tỏ quan ngại về những biện pháp hạn chế đi lại và các tác động của nó đối với khả năng cung cấp nguồn lực cần thiết trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Hiện WHO đang xem xét thiết lập các hành lang nhân đạo ở châu Phi./.

***   Khi châu Âu đối đầu với dịch COVID-19
Dòng xe tải xếp hàng dài tới 40km xuất hiện tại biên giới Đức và Ba Lan là hệ quả nhãn tiền mà các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới được các nước châu Âu đưa ra để ngăn COVID-19 lan rộng. Giờ đây, Liên minh châu Âu (EU) không còn sự lựa chọn nào khác, khi mà số ca tử vong vì COVID-19 tại châu Âu, lần đầu tiên, đã cao hơn châu Á.

Ông Trump hủy gặp trực tiếp các nhà lãnh đạo G7 vì COVID-19
Nhà Trắng ngày 19/3 thông báo, Tổng thống Donald Trump sẽ hủy cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo G7 tại Camp David vào tháng 6 vì dịch COVID-19, thay vào đó sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến.

Nga có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19
Một cụ bà 79 tuổi có tiền sử bệnh tim và tiểu đường được xác nhận là bệnh nhân đầu tiên của Nga tử vong vì viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra, AP ngày 19/3 đưa tin.

Châu Âu muộn màng “thấm thía” nỗi đau COVID-19
Đầu bếp người Ireland Cuan Greene vừa mỉm cười khi thấy bài viết trên tờ Observer nói rằng món ăn của anh khiến khách hàng “cuồng nhiệt”, thì vài tiếng sau, anh bị thôi việc. COVID-19 đã cướp đi công việc của anh, giống như cách dịch bệnh này cướp đi việc làm của biết bao công dân châu Âu khác.

Những bà trùm trong thế giới ngầm
Những người phụ nữ ngày càng đảm nhận nhiều vai trò hơn trong những guồng máy tội ác, số lượng những người phụ nữ bị bắt giữ và bị xử án do có liên quan đến những hoạt động tội phạm có tổ chức, đặc biệt là tội phạm ma túy, không ngừng tăng lên nhưng hiện tượng này cho đến nay còn ít được chú ý.

Bangladesh: 25.000 tín đồ tụ tập cầu nguyện đuổi COVID-19
Hơn 25.000 tín đồ Hồi giáo ở Bangladesh hôm qua (18/3) đã tụ tập ở một cánh đồng để tham gia cầu nguyện, mong COVID-19 biến mất khỏi quốc gia Nam Á này.

Trung Quốc muốn chiến thắng trong cuộc đua điều chế vaccine COVID-19
Quân đội Trung Quốc đã được lệnh tham gia và “chiến thắng” trong cuộc đua phát triển và thử nghiệm vaccine COVID-19, theo SCMP ngày 19/3.

Putin được bảo vệ khỏi dịch COVID-19 ra sao?
Nga áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổng thống Vladimir Putin khỏi dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó có yêu cầu bất cứ ai làm việc cùng ông phải được xét nghiệm với bệnh này.

Hàn Quốc đang chạy đua xét nghiệm để “hãm đà” COVID-19?
Những lán xét nghiệm đang xuất hiện nhiều hơn trên đường phố Seoul, Hàn Quốc nhằm phục vụ chiến dịch xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn của nước này. Hàn Quốc đang ráo riết chạy đua, nhất là khi số ca nhiễm của nước này đang quay đầu tăng trở lại.

Hơn 8.000 tín đồ Hồi giáo đổ về Indonesia bất chấp COVID-19
Hàng nghìn người hành hương Hồi giáo từ khắp châu Á đã tập trung tại Indonesia tối 18/3 bất chấp những lo ngại về sự lan rộng của đại dịch COVID-19, chỉ hai tuần sau khi một sự kiện tương tự diễn ra ở Malaysia gây ra hơn 500 ca nhiễm.

Ngày “chết chóc” tại Italia: COVID-19 liệu đã đạt đỉnh điểm?
Chỉ cách đây một tháng, cả thế giới đang dồn mọi sự chú ý tới Trung Quốc, thì giờ đây, mọi tâm điểm đều hướng đến thành Rome. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới nào. Cũng trong 24 giờ qua, Italia ghi nhận tới 4.207 ca nhiễm mới, với 475 bệnh nhân từ vong.

COVID-19: Trung Quốc không ghi nhận thêm ca nhiễm nội địa
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 1/2020, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca nhiễm trong nước.

Thêm nghị sĩ Mỹ dương tính với COVID-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/3 đã ký thành luật gói cứu trợ dịch COVID-19 gồm các điều khoản cho phép xét nghiệm miễn phí, nghỉ ốm có trả lương…

Trung Quốc tặng Philippines 100.000 bộ xét nghiệm COVID-19
Trung Quốc sẽ gửi tặng Philippines 100.000 bộ dụng cụ xét nghiệm virus Corona và 100.000 khẩu trang, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết ngày 18/3.

Iran tuyên bố tiếp tục trả thù vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani
Hồi đầu tháng 1, Mỹ đã ám sát Qassem Soleimani, chỉ huy lâu năm của lực lượng Quds của Iran, khiến Iran tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào hai căn cứ của Mỹ ở Iraq cũng như Vùng xanh của Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.

Tổng hợp-TT