VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 1/2/2020.

Chơi đẹp, người Sài Gòn phát khẩu trang miễn phí phòng virus corona; Số người nhiễm virus corona đã vượt 10.000, 258 ca tử vong; Virus nCoV không tự lây truyền qua không khí; Website theo dõi tình hình lây nhiễm virus Corona 24/7;  Toàn cầu có thể mất hàng trăm tỷ USD vì dịch viêm phổi…là những tin chính được cập nhật.

Chơi đẹp, người Sài Gòn phát khẩu trang miễn phí phòng virus corona

 Chơi đẹp, người Sài Gòn phát khẩu trang miễn phí phòng virus corona    Người Sài Gòn phát khẩu trang miễn phí

Thanh niên cầm bịch nylon có hàng trăm khẩu trang y tế, xuống đường phát miễn phí như phát tờ rơi với mục đích tuyên truyền phòng chống dịch do virus corona.
Nam thanh niên cầm bịch nylon to chứa hàng trăm xấp khẩu trang y tế liên tục lao ra đường khi xe máy dừng chờ đèn đỏ.
Tại đây, thanh niên phát từng xấp (khoảng 10 cái) khẩu trang cho người tham gia giao thông. Nhiều người tỏ ra bất ngờ và cảm ơn trước hành động quá đẹp này.
“Mình làm việc này chỉ vì ý thức cộng đồng với mục đích tuyên tuyền người dân nên có ý thức trách nhiệm trước dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus corona đang gây hoang mang dư luận”- thanh niên giấu tên cho hay.
Hình ảnh thanh niên cầm bịch nylon chứa hàng trăm khẩu trang y tế xuống đường phát miễn phí cho người đi đường với mục đích tuyến tuyền phòng chống virus corona
Cũng theo người này, anh phát gần 300 xấp khẩu trang y tế, chi phí tự túc.
“Mong rằng mọi người ra đường ý thức việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, đồng thời bịt khẩu trang nhằm tránh gây lan bệnh cho người khác để chung sức cùng cộng động chống lại dịch bệnh” – thanh niên chia sẻ thêm.
Cũng theo ghi nhận, dọc nhiều tuyến đường cũng có các điểm phát khẩu trang y tế miễn phí. Hành động này khiến người dân, người đi đường cảm thấy “ấm lòng”.
Rạng sáng nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới từ Trung Quốc là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC). Theo đó, tính đến ngày 31/1, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus corona này đã khiến 213 người thiệt mạng và hơn 9.000 người nhiễm bệnh ở Trung Quốc.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 30/1, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, đã phát hiện 3 người nhiễm virus corona gồm một người ở Thanh Hóa, đang điều trị tại BV tỉnh này; 2 trường hợp ở BV Nhiệt đới huyện Đông Anh, Hà Nội.
Người dân đã ý thức được mức nguy hiểm của dịch bệnh bệnh viêm phổi do virus corona gây ra
Ngoài ra, có 2 trường hợp là người Trung Quốc đã chữa trị tại BV Chợ Rẫy (người con đã âm tính, người bố đã ổn định, đang theo dõi điều trị).

Số người nhiễm virus corona đã vượt 10.000, 258 ca tử vong
Nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc cho biết đã có thêm 45 ca tử vong vì virus corona tại tỉnh này trong ngày 31/1, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 258 người.
Theo Reuters, nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 1/2 cho biết đã có thêm 45 ca tử vong tại tỉnh này vì virus corona, nâng tổ số người chết vì đại dịch lên con số 258.
Nhà chức trách Hồ Bắc cũng xác nhận 1.347 ca nhiễm virus corona trong ngày 31/12, nâng tổng số ca nhiễm virus tại tỉnh này lên 7,153. Tính trên toàn Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm virus corona đã vượt qua mốc 10.000 người.
Một người đeo khẩu trang ở London trong ngày 31/1, ngày cuối cùng nước này là thành viên EU. Cũng trong ngày này, Anh xác nhận hai ca nhiễm virus corona đầu tiên ở nước này. Ảnh: Reuters.
Một người đeo khẩu trang ở London trong ngày 31/1, ngày cuối cùng nước này là thành viên EU. Cũng trong ngày này, Anh xác nhận hai ca nhiễm virus corona đầu tiên ở nước này. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Mỹ đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia trong bối cảnh virus corona lan rộng. Washington cũng ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã đi tới Trung Quốc thời gian gần đây. Ngoài ra, công dân Mỹ đã tới tỉnh Hồ Bắc trong 2 tuần qua cũng bị cách ly 14 ngày khi về nước.
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 31/1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc, mô tả đây là “sự bùng phát chưa từng có tiền lệ”.
Theo New York Times, tuyên bố của WHO không mang giá trị về pháp lý nhưng đây là lời cảnh báo từ cơ quan tư vấn sức khỏe hàng đầu thế giới đến tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về tình hình nghiêm trọng hiện nay.
Theo đó, các nước sẽ tự đưa ra quyết định có nên đóng cửa biên giới, hủy chuyến bay, sàng lọc hành khách tại sân bay hoặc thực hiện những biện pháp bảo vệ khác.

Virus nCoV không tự lây truyền qua không khí
nCoV lây lan qua các giọt dịch thể của người bệnh khi họ ho, hắt hơi, đặc biệt nguy hiểm trong khoảng cách dưới 2 mét nhưng không tự lây lan qua không khí.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết nguy cơ lây nhiễm tăng cao khi tiếp xúc với người mắc bệnh trong vòng 2 mét trở xuống. Người nào vô tình hít phải hoặc tiếp xúc với các giọt bắn bám trên các bề mặt, quần áo, tay, chân sẽ bị nhiễm.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy nCoV ủ bệnh trong khoảng 5 ngày, thời gian có thể rộng hơn từ 2 đến 14 ngày. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng sốt, ho, hắt hơi.
Khả năng lây lan trong thời gian ủ bệnh của nCoV và virus nói chung thấp, do virus chưa bị cơ thể đào thải thông qua các hoạt động ho, hắt hơi.
Về khả năng lây lan, khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng, virus nCoV sẽ lây nhanh và mạnh hơn so với chủng virus Corona gây bệnh SARS và MERS.
“Virus phải thông qua các giọt bắn, dịch tiết từ nguồn bệnh mới có thể xâm nhập vào cơ thể người và không tự lây truyền qua đường không khí”, bác sĩ Hà nói.
Vì vậy nên đeo khẩu trang để che chắn đường hô hấp và tránh hít phải các giọt bắn có nCoV. Thay khẩu trang thường xuyên và không tiếp xúc với mặt ngoài của khẩu trang.
Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo nên che miệng bằng khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi để ngăn chặn virus phát tán ra môi trường xung quanh. Người dân cũng cần duy trì rửa tay thường xuyên để giảm tiếp xúc với virus gây bệnh và tránh mút tay, đưa tay lên miệng, mắt.
Những người đi từ vùng dịch về nên tuân thủ việc khai báo y tế và cách ly trong 14 ngày do có thể đã mang mầm bệnh nhưng chưa khởi phát, dễ lây lan cho cộng đồng.
Nếu sau 14 ngày không phát bệnh, người đó có thể hoạt động bình thường.

Chiến trường Syria: Cả Nga và đồng minh Assad đều bị cảnh cáo nghiêm khắc
– Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng các biện pháp thêm nữa để chống lại những cuộc tấn công nhằm vào lực lượng cũng như dân thường của họ ở tỉnh tây bắc Idlib của Syria, Hội đồng An ninh Quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (30/1) đã cảnh báo như vậy sau cuộc họp kéo dài gần 5 giờ đồng hồ do đích thân Tổng thống Tayyip Erdogan chủ trì.
Các cuộc oanh tạc của quân chính phủ Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga nhằm vào tỉnh Idlib đã làm gia tăng nỗi lo ngại về nguy cơ xảy ra một làn sóng người tị nạn mới đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 29/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã không giấu nổi sự tức giận với cả Nga và Syria. Ông Erdogan bày tỏ rằng, Ankara đang mất dần kiên nhẫn trước chiến dịch tấn công của quân đội Syria nhằm vào Idlib đồng thời cáo buộc Nga vi phạm các thỏa thuận mà hai bên đã được nhằm ngăn chặn tình trạng bủng nổ xung đột ở Idlib.
“Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp chống lại các cuộc tấn công khủng bố đang tiếp tục nhằm vào lực lượng an ninh của chúng tôi cũng như dân thường ở nhiều khu vực khác nhau của Syria, chủ yếu là Idlib. Chúng tôi sẽ hành động bất chấp những thỏa thuận đạt được với các nước đang hoạt động ở Syria vừa được tái khẳng định”, Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Anh chính thức rời Liên minh châu Âu
Đúng 23h đêm 31/1 theo giờ London (6h sáng 1/2 theo giờ Việt Nam), nước Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của tổ chức này.
Động thái diễn ra theo đúng thỏa thuận “chia tay” mà chính phủ Anh đã ký với EU hồi tuần trước. Hiện sẽ là giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng để cả London và Brussels có thể giải quyết các vấn đề kinh tế còn tồn tại với trọng tâm là các quan hệ thương mại trong tương lai.
Con đường dài, đầy trắc trở để dẫn tới cuộc “ly hôn” lịch sử này đã bắt đầu cách đây 3 năm rưỡi khi 52% người Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý ủng hộ việc đưa đất nước rời khỏi EU. Ba thủ tướng, 2 cuộc tổng tuyển cử cùng rất nhiều lo lắng, tranh cãi và bế tắc xảy đến tiếp sau đó nhưng ngày định mệnh rốt cuộc cũng đến.
Theo BBC, cả hai phe ủng hộ và phản đối Anh rời khỏi EU (Brexit) đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện trong ngày 31/1 tại đảo quốc sương mù. Trong khi phe ủng hộ Brexit ăn mừng tại nhiều địa điểm trên khắp toàn quốc thì một nhóm nhỏ khoảng vài trăm người phản đối Brexit đã tuần hành để bày tỏ sự phẫn nộ tại phố Downing ở thủ đô London, nơi đặt văn phòng Thủ tướng Anh.
Trong một thông điệp ghi âm sẵn để phát một giờ trước thời khắc lịch sử, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, Brexit là cơ hội để khiến nước này trở thành nơi tốt đẹp hơn.

Website theo dõi tình hình lây nhiễm virus Corona 24/7
Dưới đây là những trang web cung cấp các thông tin chính xác và tin cậy nhất về tình hình lây nhiễm của virus Corona tại Việt Nam và trên thế giới.
Coronavirus hay virus Corona là tên gọi chung của loại virus gây nên dịch viêm phổi tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 22 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.
Tính đến thời điểm ngày 31/1/2019, thế giới hiện ghi nhận 9.833 trường hợp lây nhiệm virus Corona. Trong đó, có tổng cộng 213 người đã tử vong. Tại Việt Nam, số người mắc virus Corina hiện có 5 trường hợp.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Hiện trên các trang mạng xã hội đang lan truyền nhiều thông tin thất thiệt về tình hình lây nhiễm của virus Corona. Điều này đã gây ra tâm lý hoang mang cho cộng đồng và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống sự lan truyền của virus.
Để theo dõi thông tin về tình hình lây nhiễm của virus Corona trên thế giới, bạn đọc có thể truy cập vào website gisanddata.maps.arcgis.com của Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật trực thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Để theo dõi một cách liên tục và chính xác hơn về tình hình lây nhiễm của virus Corona tại Việt Nam, độc giả có thể tìm đến website của Bộ Y tế (moh.gov.vn) và Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế (vncdc.gov.vn).
Đây là những nguồn thông tin khả tín, nơi cập nhật chi tiết các số liệu liên quan đến tình hình lây lan của virus Corona trên toàn cầu. Ngoài ra, bạn đọc có thể theo dõi các tin tức được chia sẻ từ Bộ Y tế và các cơ quan báo đài chính thống.

Thách thức với cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán
Bất chấp những nỗ lực đối phó dịch viêm phổi cấp, giới chuyên gia vẫn bỏ ngỏ khả năng kiềm chế virus lây lan do thiếu thông tin từ Trung Quốc.
Lệnh phong tỏa trên quy mô lớn chưa từng có được Trung Quốc áp dụng tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV), khiến hơn 50 triệu người bị cách ly. Chính phủ đóng cửa trường học và các chợ động vật sống. Các sân bay trên toàn cầu cũng quét nhiệt những hành khách tới từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Một số nước như Pháp, Hàn Quốc, Morocco, Anh, Đức, Canada và Nga tiếp tục thực hiện hoặc xem xét sơ tán công dân khỏi Vũ Hán, nơi dịch khởi phát. Philippines quyết định dừng cấp mới visa nhập cảnh tại chỗ cho khách Trung Quốc để giảm bớt các đoàn du khách từ nước này. Hong Kong tiến hành loạt biện pháp hạn chế giao thông mạnh tay nhằm ngăn dòng người từ Trung Quốc đại lục tới đặc khu.
Tuy nhiên, ba tuần sau khi dịch viêm phổi trở thành cuộc khủng hoảng y tế và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, giới chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, ngay cả trong tương lai gần.
Một số dấu hiệu ban đầu không khả quan khi 6 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã xác nhận sự lây nhiễm của virus nCoV từ người sang người, khiến khả năng ngăn chặn dịch bệnh trở nên đáng lo ngại. Các ca bệnh ở Trung Quốc tăng lên theo cấp số nhân, trong khi 5 triệu dân Vũ Hán đã rời thành phố trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực hôm 23/1. Trong số họ chắc chắn có người mang mầm bệnh.
“Chủng virus này thực sự có khả năng không thể ngăn chặn”, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden cảnh báo.
Các quan chức y tế công cộng hôm 28/1 cho biết họ đang vật lộn với một loạt câu hỏi như mức độ đe dọa tính mạng của nCoV, mức độ lây truyền, liệu nó có lây nhiễm thông qua những người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng hay không, hoặc khả năng kiềm chế dịch bệnh trên quy mô lớn tại Trung Quốc. Đây là những cơ sở giúp xác định mức độ thành công trong công tác đẩy lùi dịch bệnh.
“Thật đáng sợ khi thấy những con số tăng lên nhanh chóng”, Trish Perl, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm và y học nhiệt đới thuộc Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas, Mỹ, cho hay. “Tôi thấy lo lắng trước tình trạng này và nghĩ rằng dịch bệnh khó kiểm soát, nhưng vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ ràng”.

 Toàn cầu có thể mất hàng trăm tỷ USD vì dịch viêm phổi
Quy mô kinh tế Trung Quốc tăng và GDP được dự báo giảm mạnh quý I đồng nghĩa dịch nCoV có thể gây ra thiệt hại gấp vài lần SARS.
Warwick McKibbin – Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 17 năm qua, dịch cúm lần này sẽ có tác động lớn hơn rất nhiều so với SARS. Trước đây, ông ước tính SARS khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỷ USD.
“Đây chỉ là vấn đề toán học thôi mà”, McKibbin cho biết trên Bloomberg, “Hầu hết GDP mất đi trong dịch SARS, cả theo mô hình và trên thực tế, đều là do kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Vì thế, khi quy mô nền kinh tế này lớn hơn, thiệt hại cũng sẽ lớn theo”.
Năm 2003, Trung Quốc chỉ đóng góp 4% GDP toàn cầu. Nhưng hiện tại, tỷ lệ này đã lên 17%, đồng nghĩa tác động lan tỏa nếu kinh tế Trung Quốc lao dốc sẽ lớn hơn.
Dù khó đưa ra con số chính xác, do cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra, McKibbin cho rằng ảnh hưởng của việc này chủ yếu do sự thay đổi về “tâm lý con người”. “Sự hoảng loạn dường như là mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế, hơn là số người tử vong”, ông nói.
Đầu tuần này, công ty quản lý tài sản Amundi Asset Management cũng ra báo cáo nhận định các thị trường toàn cầu đang chịu ảnh hưởng khi nhà đầu tư hoảng loạn. Virus viêm phổi nCoV đã chấm dứt đà tăng kéo dài vài tháng qua trên các thị trường chứng khoán.
Dự báo của McKibbin cũng khớp với nhiều nhà phân tích khác. Nomura International cho rằng mức độ bị kéo tụt của kinh tế Trung Quốc có thể vượt xa thời dịch SARS. Hồi quý II/2003, tăng trưởng của Trung Quốc giảm tới 2% so với quý trước đó.
Còn theo Bloomberg Economics, GDP Trung Quốc có thể chỉ tăng 4,5% trong quý này, giảm so với 6% quý cuối năm ngoái. Sang quý II, tốc độ này sẽ hồi phục, giúp GDP cả năm tăng 5,7%. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn so với 6,1% năm 2019 và 5,9% so với dự báo trước đó.
Viêm phổi Vũ Hán lây lan nhanh hơn SARS, nhưng gây tử vong ít hơn. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, hôm nay thông báo có thêm 42 ca tử vong vì nCoV, nâng số người chết do dịch viêm phổi lên 213. Số người nhiễm virus tại nước này đã tăng lên 9.356 sau khi phát hiện thêm 1.220 ca dương tính với nCoV. Trong khi đó, SARS khiến hơn 8.000 người lây nhiễm từ tháng 11/2002 đến năm 2003.

Trung – Mỹ hục hặc vì dịch viêm phổi
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đã có phát ngôn và hành động “thiếu thiện chí” về dịch viêm phổi do virus corona.
“Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ và đề nghị giúp đỡ Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau. Ngược lại, Mỹ có những bình luận và hành động không thực tế và cũng không phù hợp. Ngay khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu các nước tránh áp đặt hạn chế đi lại với Trung Quốc, Mỹ lại hành động ngược lại. Đó là một ví dụ rất xấu. Sự đồng cảm của họ ở đâu?”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ra tuyên bố tại Bắc Kinh hôm qua.
Bà Hoa đề cập đến phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 30/1 rằng dịch viêm phổi ở Trung Quốc có thể giúp tăng việc làm ở Mỹ, trong khi các quan chức chính quyền Trump ám chỉ Trung Quốc không muốn hợp tác với Mỹ để kiểm soát dịch. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa nâng mức cảnh báo đi lại tới Trung Quốc ngang bằng với Iraq.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những phát ngôn, hành động này của Mỹ là “vừa thiếu thực tế, vừa không phù hợp”.
Bà Hoa nói Trung Quốc đang chống lại sự bùng phát của dịch viêm phổi “với thái độ cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm”, thêm rằng chính phủ nước này đã công bố thông tin cũng như chia sẻ dữ liệu kịp thời với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ.
“Người bên mình lúc hoạn nạn khó khăn mới là bạn thật sự”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

62 nước kiểm soát dân Trung Quốc nhập cảnh
Nhiều nước thắt chặt quy định cấp thị thực, hạn chế nhập cảnh hoặc yêu cầu kiểm tra thân nhiệt đối với công dân Trung Quốc.
“62 nước thực hiện một số hình thức kiểm soát nhập cảnh. Trong đó, 6 nước thắt chặt quy định cấp thị thực và 4 nước hạn chế công dân Trung Quốc nhập cảnh. 5 nước đưa ra biện pháp hạn chế với những người từ Hồ Bắc hoặc mới tới tỉnh này. 47 nước yêu cầu công dân Trung Quốc kiểm tra thân nhiệt và nộp giấy khám sức khỏe”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong thông cáo ngày 31/1.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khuyến cáo công dân nước này sắp xếp kế hoạch di chuyển dựa trên tình trạng sức khỏe của họ và tuân thủ quy định nhập cảnh của quốc gia họ đến.
Các biện pháp hạn chế dân Trung Quốc nhập cảnh được nhiều quốc gia ban hành sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi cấp do virus mới thuộc chủng corona (nCoV) đang lan rộng. Tính tới ngày 1/2, 259 người tại Trung Quốc thiệt mạng, gần 12.000 ca dương tính với nCoV được phát hiện tại nước này cùng 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Czech, Kazakhstan, Nga, Philippines, Singapore và Việt Nam dừng cấp một số loại thị thực nhập cảnh cho công dân Trung Quốc. Armenia dừng chính sách miễn visa cho người Trung Quốc ngày 1/2-31/3. Nhiều hãng hàng không dừng các chuyến bay đi và đến Trung Quốc.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới. nCoV có thời gian ủ bệnh trong 2-14 ngày, có thể lây lan trước khi xuất hiện các triệu chứng qua dịch thể khi ho và hắt hơi giống các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Tổng hợp-TT