VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

‘Cơn khát’ của chuỗi cung ứng toàn cầu sau một năm đại dịch

    Bí kíp duy trì doanh nghiệp từ các cuộc suy thoái kinh tế trước đây không thể vận dụng trong đại dịch Covid-19, khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục quá nhanh.
Mùa xuân năm 2020, nhiều nhà sản xuất tại Mỹ đã buộc phải đóng cửa nhà máy và kho hàng để đối phó với dịch bệnh. Sau khi tiến hành tối giản dần dây chuyền sản xuất, nhiều nhà cung ứng đành tiếp tục cắt giảm chi phí và duy trì nguồn tiền mặt. Chính điều đó đã khiến họ không kịp trở tay khi nhu cầu tiêu dùng bật tăng trở lại chỉ vài tuần sau đó và xu hướng gia tăng không hề chững lại.
Không thể đến nhà hàng và đi du lịch, người Mỹ dồn tiền ô tô, đồ gia dụng, nội thất và máy công cụ. Các nhà sản xuất phải liên tục gồng mình để đáp ứng nhu cầu bất thường này. Thậm chí, sau gần một năm kể từ lệnh phong tỏa đầu tiên, người Mỹ vẫn trong “cơn khát” những món đồ sinh hoạt như dụng cụ thể dục, đồ dùng nhà bếp, đệm nằm và webcam còn sự thiếu hụt linh kiện bán dẫn trên toàn cầu lại khiến các hãng ô tô phải cắt giảm sản xuất.
Jack Springerm, giám đốc công ty đóng thuyền thư giãn Malibu, cho biết lĩnh vực xa xỉ này cứ ngỡ sẽ gặp suy thoái vì đại dịch thì nay doanh thu lại nhảy vọt không ngờ. Tháng 6/2020, các đơn đặt hàng đóng thuyền tăng đến 50% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu ngành đóng thuyền giải trí ở Mỹ năm 2020 đạt đỉnh trong 13 năm trở lại đây, theo Hiệp hội Nhà sản xuất NMMA.
Các nhà sản xuất không kịp trở tay khi nhu cầu tiêu dùng bật tăngCác nhà sản xuất không kịp trở tay khi nhu cầu tiêu dùng bật tăng
Hiệu ứng “cái roi da”
Theo cục thống kê liên bang, chi tiêu cho hàng hóa sử dụng lâu năm ở Mỹ tăng 6,4% nhưng sản lượng nội địa các mặt hàng này lại giảm 8,4% dẫn đến tình trạng thiếu cung và đẩy giá.
Chuỗi cung ứng sản xuất thường đổ vỡ trong các thời kỳ suy thoái khi doanh thu giảm, các công ty bán tồn kho để dự trữ tiền mặt thay vì mua thêm linh kiện và nguyên vật liệu. Điều này khiến toàn bộ nguồn cung bị rút cạn.
Khi nhu cầu tiêu dùng cải thiện, dù chỉ ở mức khiêm tốn, các nhà cung cấp sẽ phản ứng lại bằng cách chất lại kho hàng và tái khởi động công xưởng sản xuất. Đây được gọi là hiệu ứng “cái roi da” (Bullwhip effect) – hiện tượng khuếch đại nhu cầu sản xuất trên toàn bộ chuỗi cung ứng xuất phát từ người tiêu dùng cuối.
Ngay lúc này, hiệu ứng Bullwhip càng trở nên rõ rệt hơn khi nhu cầu hàng hóa đang tăng cực kỳ cao. Cùng lúc đó, các công ty cũng đặt hàng nhiều hơn để bù trừ thời gian vận chuyển từ nhà máy đến bên giao hàng bị kéo dài do các biện pháp ngăn chặn Covid-19. Điều này khiến chuỗi cung ứng càng thêm bị dồn nén.
Khó khăn khi tái đẩy mạnh sản xuất
Công ty đóng thuyền Malibu với trụ sở tại Tennessee đã dự tính việc giảm doanh thu khi ngừng sản xuất. Điều không ngờ là, chỉ trong vài tuần, các đại lý bắt đầu báo về nhiều khách hàng mới. Khi mở cửa trở lại, công ty nhanh chóng gia tăng sản xuất thuyền kéo phục vụ trò trượt ván hoặc lướt nước để thoả mãn nhu cầu khách hàng.
Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp khác lại không được như vậy. Những công ty nhỏ với lượng tiền mặt ít hơn sẽ gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh sản xuất khi họ cần mua nguyên vật liệu, linh kiện từ nước ngoài, dẫn đến sự thiếu hụt những chi tiết như động cơ, cản gió và cả cáp nối.
Wanxiang America, chi nhánh tại bang Illinois, Mỹ của một trong những hãng sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất Trung Quốc, đã nhanh chóng mở cửa trở lại ngay mùa xuân năm ngoái. Nhưng tắc nghẽn trong vận tải quốc tế đã kéo dài thời gian vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc sang thành phố Chicago lên 10 tuần thay vì 4 tuần như trước đây.
“Một ô tô cần đến ba, bốn hoặc năm linh kiện, chỉ cần thiếu một món là không thể hoàn chỉnh xe để xuất xưởng”, ông Pin Ni, chủ tịch Wanxiang America cho biết. Ông Pin đành phải vận chuyển các linh kiện nhỏ bằng đường hàng không nhưng thời gian cũng kéo dài gấp 10 lần so với năm 2019.
“Chuỗi cung ứng toàn cầu không thực sự mạnh và bền vững như người ta vẫn nghĩ”, ông Pin nói.
Nhiều thập kỷ qua, các doanh nghiệp Mỹ miệt mài xây dựng các công xưởng tinh gọn, ít chi phí và hiệu quả hơn bằng cách chuyển kho bãi và hoạt động sản xuất sang các nước thứ ba. Chính điều này đã khiến chuối sản xuất của họ càng dễ bị tổn thương hơn trước hiệu ứng Bullwhip.
Người tiêu dùng bức bối
Một số khách hàng tỏ ra khó chịu vì phải chờ đợi quá lâu mới mua được phương tiện giải trí, dụng cụ tập thể dục và các mặt hàng khác.
Khi trường đại học Michigan đóng cửa phòng gym nội khu vì đại dịch, Jonny Chow, một sinh viên công nghệ thông tin lên kế hoạch tập luyện tại nhà nhưng anh lại không thể mua được tạ cao su thương hiệu Rogue Fitness ưa thích vì sản phẩm này luôn hết hàng. Anh lập trình hẳn một phần mềm gửi tin nhắn qua Facebook cho mình khi nào sản phẩm có lại trên website và con số người dùng phần mềm này của Chow đã lên tới 1700 người sử dụng. Điều này chứng tỏ, hầu hết các thiết bị được ưa chuộng nhất vẫn hết hàng.
Rogue Fitness cho biết họ liên tục nhập hàng nhưng đều nhanh chóng bán hết dù đã tăng gấp đôi số nhân công và mức lương tối thiểu lên 25 USD/ giờ để tăng cường sản xuất. “Cả chuỗi cung ứng đều quá tải trong năm 2020 và đến giờ vẫn vậy”, Bill Henniger nhà sáng lập Rogue Fitness cho biết. “Máy móc, nhân công và công xưởng của tôi làm việc 24/24”.
Sự khó khăn của chuỗi cung ứng thiếu hụt
Những công ty phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn hơn do không thể lấy hàng vì tình trạng dồn ứ container tại các cảng. Năm 2020, hãng sản xuất xe đạp thể dục kết nối điện tử Peloton Interactive có đến 2 triệu người đặt mua mỗi tháng và công ty đã phải chi hơn 100 triệu USD để giảm thời gian vận chuyển.
Ngay cả các nhà sản xuất hoàn toàn nội địa cũng gặp phải vấn đề liên quan. Như tại công ty sở hữu thương hiệu ghế Simplicity Sofas, Dimarnel cho biết họ không thể tìm đủ nhân công may để vận hành dây chuyển sản xuất mới. Doanh nghiệp này thậm chí còn tính tiền tấm bọc sofa vốn là quà miễn phí để khách không mua hàng.
STI Fabrics, nhà cung ứng sản phẩm cho Dimarnel cũng không được đủ nguyên liệu sợi thô từ công ty Drake Extrusion với lý do ¼ số công nhân đã bỏ việc sau 2 tháng ngừng sản xuất và công nhân mới thì làm việc không hiệu quả bằng người cũ. Điều này khiến Drake chỉ vận hành được 15% công suất tối đa trong khi nhu cầu từ các hãng xe ô tô và đồ gỗ lại tăng đến 50%.
Thiên tai vào mùa thu cũng làm gián đoạn việc cung ứng polypropylene, nguyên liệu chính của quá trình sản xuất sợi, dẫn đến sản xuất cầm chừng và giá cả tăng gấp đôi.
Điều chỉnh chiến lược
Tuy nhiên, nếu có chiến lược cung ứng kịp thời thì hậu đại dịch chính là khoảng thời gian vàng để các doanh nghiệp tăng nhanh nguồn thu như công ty sản xuất thiết bị điện, cờ lê, thước đo dây và dao gia dụng Stanley Black & Decker.
Trong tháng 4/2020, họ đã cắt giảm đến 40% đơn hàng mỗi tuần nhưng chỉ đến tháng 5/2020, giám đốc điều hành James Loree của Stanley lại nhận định doanh thu từ các cửa hàng bán lẻ của hãng lại tăng hơn 30% so với năm 2019. Lý do có thể vì có một lượng khách hàng lớn siêng làm việc nhà hơn.
Dù vậy, CEO James Loree vẫn không gia tăng đơn đặt hàng nguyên vật liệu, họ lo ngại suy thoái và không muốn tồn kho. Loree và các lãnh đạo công ty đã cân nhắc giữa lựa chọn cắt giảm sản xuất và công ty sẽ không kịp cung ứng hàng, hoặc gia tăng sản xuất với niềm tin các nhà bán lẻ sẽ nhanh chóng trữ hàng trở lại nhưng rủi ro là công ty có thể tồn hàng suốt sáu tháng.
Sau khi cân nhắc, Loree quyết định bỏ ra 600 triệu USD để  sản xuất các dụng cụ như khoan điện, cưa điện và hộp đồ nghề gia đình. Các sản phẩm này được nhanh chóng bán hết vào đầu hè 2020 giúp doanh thu mảng dụng cụ của Stanley tăng hơn 25% và lợi nhuận tăng đến 57% vào quý 4 năm 2020, một phần nhờ khả năng đẩy giá. Doanh thu máy mài điện chỉ trong quý đầu năm 2021 thậm chí cao hơn 4 lần năm 2020.
“Thị trường đi xuống quá mạnh rồi lại tăng vọt quá nhanh”, Loree cho biết.
Để đạt được thành quả đó, Standley đã phải vượt qua không ít khó khăn. Công ty đã cử nhân viên đi đến hơn 100 nhà cung ứng ở Trung Quốc và Mexico để thuyết phục họ ưu tiên cho các đơn hàng của Stanley. Công ty còn thuê chuyên gia y tế để giúp nhân viên công ty tránh lây nhiễm Covid-19 từ dây chuyền, thuê xe chuyên chở nhân viên riêng để tránh lây nhiễm virus từ phương tiện công cộng, cung cấp phòng khách sạn cho nhân viên cách ly với gia đình.
“Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để giữ cho dây chuyền sản xuất hoạt động.”, Loree nói.
Lợi thế cho công ty nội địa
Một số công ty đã giành được chỗ đứng trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài nhờ lợi thế giao hàng. Beverly Semmann, chủ sở hữu hãng sản xuất bộ đồ ăn Rowe Pottery ở Wisconsin nhận thấy ​​doanh số bán hàng tăng vọt do khó nhập các sản phẩm sản xuất từ ​​nước ngoài.
Marlin Steel Wire Products, nhà sản xuất giỏ đan và giá đỡ dùng trong thiết bị khử trùng y tế có trụ sở tại Baltimore, từ năm ngoài cũng đã bắt đầu sản xuất giá đỡ kim loại cho chất khử trùng tay, thuốc tiêm tĩnh mạch và giá để ống nghiệm – các sản phẩm trước đây chủ yếu được nhập từ Trung Quốc.
“Các công ty đã nhận ra rằng việc bỏ tất cả trứng vào cái giỏ Trung Quốc là rất rủi ro”, theo Drew Greenblatt, chủ tịch của Marlin.
Ông Greenblatt cho biết việc tìm nguồn thép ở Mỹ để tăng sản lượng là một thách thức. Giá thép, đồng và các mặt hàng công nghiệp khác đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Điều đó đang gây áp lực lên biên lợi nhuận cho Marlin và các nhà sản xuất khác.
Các nhà sản xuất thép nội địa đã mạnh tay cắt giảm sản lượng vào mùa xuân năm ngoái do khách hàng của họ đóng cửa nhà máy và hủy đơn đặt hàng. Việc hợp nhất đang mang lại cho một số nhà sản xuất thép nhiều quyền định giá hơn trong quá trình phục hồi. Họ giữ một số công xưởng không hoạt động ngay cả khi giá thép cuộn giao ngay trên thị trường tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 8/2020 lên 1.200 USD/ tấn.
Việc giảm sản xuất kim loại chuyên dụng trong nước bao gồm thép không gỉ thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Vào cuối năm nay, sẽ chỉ có ba công ty ở Mỹ cung cấp nguyên liệu này. Gregg Boucher, chủ tịch phân phối của công ty sản xuất thép Ulbrich cho biết: việc giảm nguồn cung sẵn có thép không gỉ trong nước sẽ khiến nhiều người có nhu cầu nhập hàng từ nước ngoài hoặc ngừng kinh doanh.
 “Khách hàng lo ngại không có sẵn hàng. Họ không muốn rơi vào tình huống bị lỡ mất đơn hàng vì thiếu hàng tồn kho”, Boucher cho biết.

Nguồn doanhnhan,vn-TT