VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Dịch corona ngày 3/2/2020.

Dịch corona ngày 3/2: Hơn 17.000 người mắc và 361 người tử vong; Kết hợp thuốc HIV và cúm để khắc chế virus corona; Lo ngại virus corona, người nước ngoài đồng loạt rời khỏi Trung Quốc; Tuyên bố chặn được corona, Mỹ đề nghị giúp và phản ứng lạ của Trung Quốc; Ca thứ 8 mắc virus corona ở Việt Nam…là những tin chính được cập nhật.

Dịch corona ngày 3/2: Hơn 17.000 người mắc và 361 người tử vong

  Kết quả hình ảnh cho nCov"   Ảnh minh họa.
– Tính đến 7h30 ngày 3/2, tổng số bệnh nhân mắc virus corona trên thế giới là 17.387; số trường hợp tử vong là 362 người, tăng hơn 50 người so với ngày hôm trước.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 07 giờ 30, ngày 03/02/2020, tổng hợp tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới cho thấy, tổng số trường hợp mắc 17.387 ,trong đó tại lục địa Trung Quốc 17.205.
Tổng số trường hợp tử vong 362, trong đó tại lục địa Trung Quốc 361, tại Philippine 1
Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc 182. Việt Nam đã có 8 người được xác định dương tính với corona.
26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc như sau:
1. Nhật Bản: 20 trường hợp
2. Thái Lan: 19 trường hợp
3. Singapore: 18 trường hợp
4. Hàn Quốc: 15 trường hợp
5. Hồng Kông (TQ): 14 trường hợp
6. Úc: 12 trường hợp
7. Đài Loan (TQ): 10 trường hợp
8. Đức: 10 trường hợp
9. Mỹ: 9 trường hợp
10. Malaysia: 8 trường hợp
11. Ma Cao (TQ): 8 trường hợp
12. Việt Nam: 8 trường hợp
13. Pháp: 6 trường hợp
14. Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất: 5 trường hợp
15. Canada: 4 trường hợp
16. Ý: 2 trường hợp
17. Anh: 2 trường hợp
18. Nga: 2 trường hợp
19. Philippine: 2 trường hợp (01 trường hợp tử vong)
20. Ấn Độ: 2 trường hợp
21. Campuchia: 1 trường hợp
22. Phần Lan: 1 trường hợp
23. Nepal: 1 trường hợp
24. Sri Lanka: 1 trường hợp
25. Thuỵ Điển: 1 trường hợp
26. Tây Ban Nha: 1 trường hợp
Việt Nam xác nhận ca dương tính thứ 7 với virus Corona/nCoV
Virus corona: Tăng hơn 2000 ca mắc và hơn 50 ca tử vong sau 1 ngày
Hàng loạt lễ hội dừng tổ chức vì virus corona
Hơn 11.000 người nhiễm và 259 người đã tử vong vì virus nCov

 Kết hợp thuốc HIV và cúm để khắc chế virus corona
Bộ Y tế Thái Lan công bố đã dùng thuốc kháng HIV kết hợp thuốc chữa cúm, điều trị thành công bệnh nhân viêm phổi nCoV.
Bệnh nhân 71 tuổi người Trung Quốc, mắc viêm phổi do chủng virus corona mới, đã có kết quả âm tính với nCoV chỉ sau 48 giờ điều trị bằng phác đồ pha trộn trên, giới chức cho biết ngày 2/2.
Bác sĩ Kriengsak Attipornwanich, người tham gia điều trị, cho biết: “Từ tình trạng kiệt sức trước đó, bệnh nhân có thể ngồi dậy trên giường sau 12 giờ. Và sau 48 giờ, kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV đã chuyển sang âm tính”.
Các bác sĩ kết hợp thuốc trị cúm oseltamivir với thuốc chống HIV gồm lopinavir, ritonavir để điều trị cho bệnh nhân. Hiện Bộ y tế Thái Lan tiếp tục nghiên cứu thêm về hiệu quả của hỗn hợp thuốc này trong điều trị virus corona chủng mới.
Đến nay, Thái Lan đã phát hiện 19 trường hợp nhiễm nCoV, phần lớn là du khách từ Trung Quốc đến Thái Lan. Một tài xế người Thái Lan bị lây bệnh ngày 30/1. Hiện 8 bệnh nhân đã hồi phục và trở về nhà, 11 bệnh nhân vẫn nằm viện.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tính tới ngày 2/2, số người chết do nCoV tăng lên 305 người, trong đó có một trường hợp tử vong tại Philippines. Hơn 14.500 người dương tính với nCoV. 25 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV. 328 bệnh nhân bị nhiễm virus corona chủng mới đã khỏi bệnh và được xuất viện. Các chuyên gia y tế của Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong…vẫn đang cố gắng để điều chế và thử nghiệm vắc xin để điều trị nCoV.

Lo ngại virus corona, người nước ngoài đồng loạt rời khỏi Trung Quốc
Trước tình hình dịch bệnh do virus corona vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm, người lao động và sinh viên nước ngoài đang tiếp tục tìm cách rời khỏi Trung Quốc.
Nhiều nước đã thực hiện các chuyến bay đưa công dân nước mình trở về từ Vũ Hán – tâm điểm của đợt bùng phát dịch viêm phổi do virus corona gây nên, nhưng ở những thành phố khác trên khắp Trung Quốc, nhiều người nước ngoài đang chủ động rời khỏi quốc gia này.
Khi các phương tiện giao thông công cộng phải dừng hoạt động, lớp học tạm hoãn vô thời hạn và ngày càng có ít hãng hàng không vận hành đường bay từ Trung Quốc, các sinh viên và lao động nước ngoài cảm giác rằng không còn lý do gì để ở lại, khi quốc gia này đang phải vật lộn với dịch bệnh do virus corona gây nên.

Tuyên bố chặn được corona, Mỹ đề nghị giúp và phản ứng lạ của Trung Quốc
– Mỹ đã áp dụng những hành động quyết liệt để bảo vệ người Mỹ khỏi mối đe dọa gây ra từ dịch bệnh bùng phát nhanh chóng gây ra từ virus corona, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (2/2) cho biết. Mỹ đã đề nghị giúp đỡ Trung Quốc nhưng một cố vấn hàng đầu của ông Trump tiết lộ Bắc Kinh đã không chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ này.
Tổng thống Trump đã có phát biểu trấn an nỗi quan ngại về virus corona – một loại virus đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người ở Trung Quốc và đang lan ra hơn 20 nước. Ông chủ Nhà Trắng trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Fox đã tự tin nói rằng: “Chúng ta phải xem những gì xảy ra nhưng chúng tôi đã chặn được nó, đúng vậy”.
Quan ngại về virus corona đã khiến Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng và cấm không cho nhập cảnh vào Mỹ các công dân nước ngoài gần đây đến Trung Quốc.
Theo những quy định mới có hiệu lực từ 5h chiều theo giờ Mỹ ngày hôm qua (2/2), các công dân Mỹ đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày sẽ được đưa đến một trong 7 sân bay để kiểm tra.
“Chúng ta không thể cho phép hàng chục nghìn người vào Mỹ – những người có thể có vấn đề với virus corona”, Tổng thống Trump cho hãng tin Fox biết trong cuộc trả lời phỏng vấn được phát sóng ngày hôm qua. Theo ông Trump, giới chức Mỹ đã đề nghị “sự giúp đỡ to lớn” dành cho Trung Quốc trong quá trình xử lý dịch bệnh.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng rẽ khác, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump – ông Robert O’Brien cho biết Trung Quốc đã công khai, minh bạch hơn về virus corona so với những lần khủng hoảng khác nhưng vẫn chưa chấp nhận sự giúp đỡ của Mỹ.
“Đến nay, Trung Quốc đã trở nên minh bạch hơn rất nhiều so với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và chúng tôi đánh giá cao điều đó”, ông O’Brien cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình “Face the Nation” của đài truyền hình CBS.
Theo cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, Bắc Kinh vẫn chưa trả lời trước đề nghị giúp đỡ được đưa ra từ Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh cũng như từ các chuyên gia y tế khác của Mỹ.
“Chúng tôi có nguồn chuyên gia khổng lồ. Đây là một mối quan ngại toàn cầu. Chúng tôi muốn giúp các đồng nghiệp Trung Quốc nếu chúng tôi có thể và chúng tôi chờ xem liệu họ có chấp nhận đề nghị giúp đỡ hay không”, ông O’Brien nói.

Ca thứ 8 mắc virus corona ở Việt Nam
Sáng 3/2, Bộ Y tế xác nhận nữ bệnh nhân 29 tuổi, là công nhân trở về từ Vũ Hán, dương tính với nCoV, nâng tổng số ca Việt Nam lên 8.
Bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, là một trong 8 người trở về từ Vũ Hán trên cùng một chuyến bay, trong đó có 3 người đã xác định mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Ba người này đang cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Khoa nhiệt đới và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Đây là một trường hợp “tiếp xúc gần với các ca bệnh có nguy cơ cao”, Bộ Y tế nhận định.
Bộ Y tế đã chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm xác định tác nhân và chỉ đạo đưa ngay trường hợp này vào cách ly tại cơ sở y tế. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và đang trong tình trạng ổn định.
Về tiền sử dịch tễ, bệnh nhân đi cùng 7 người Việt Nam, khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Cô trở về Việt Nam ngày 17/1 trên chuyến bay CZ8315 của Southern China.
Bệnh nhân về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, sau đó được công ty đón bằng xe công ty di chuyển về trụ sở công ty. Sau khi về công ty nhóm có tổ chức họp (bao gồm bệnh nhân với 7 người Việt Nam cùng đoàn). Tiếp đó cô di chuyển về nhà riêng cùng một đồng nghiệp trên cùng chuyến xe.
Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với virus nCoV, xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Phạt kịch khung nhà thuốc bán khẩu trang với giá gấp 16 lần
Nhà thuốc Kim Thoa bán một hộp khẩu trang y tế với giá 400.000 đồng/hộp nhưng giá trên sản phẩm chỉ 25.000 đồng.
Ngày 2/2, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng) ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với một nhà thuốc trên địa bàn vì hành vi kinh doanh khẩu trang y tế với giá cao gấp nhiều lần.
Trước đó, người dân và thông tin trên mạng xã hội phản ánh nhà thuốc Kim Thoa (địa chỉ số 23 đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền) bán khẩu trang y tế Lợi Thành với giá 400.000 đồng/hộp (giá trên sản phẩm là 25.000 đồng).
Lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra thì trong quầy và kho hàng của nhà thuốc này không còn sản phẩm nói trên và các loại khẩu trang khác.
Chủ cửa hàng là bà Lưu Thị Kim Thoa thừa nhận nhập loại khẩu trang nói trên với giá 16.000 đồng/hộp nhưng bán với giá 400.000 đồng.
Ngành chức năng đã lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính nhà thuốc này ở mức cao nhất nêu trên.
Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 7 Hải Phòng đã ra quân, xử phạt 2 cơ sở y tế khác về hành vi tương tự với tổng số tiền 40 triệu đồng.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc).
Tính đến sáng 2/2, tổng số ca nhiễm trên thế giới được ghi nhận là 14.551 trường hợp. Số ca tử vong đã lên tới 304. Cũng trong sáng 2/2, Philippines công bố ca tử vong vì virus corona đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Xem Trung Quốc xây bệnh viện ‘thần tốc’ điều trị virus corona
Bệnh viện Hỏa Thần Sơn chuyên chữa trị cho những người nhiễm virus corona ở Vũ Hán, Trung Quốc, sẽ bắt đầu hoạt động từ 3/2.
Điều đặc biệt là cơ sở y tế rộng lớn này được xây dựng trong vòng chưa đầy hai tuần.
Bệnh viện Hỏa Thần Sơn (Huoshenshan) rộng 25.000 m2 là một trong hai cơ sở y tế được xây dựng để đối phó với nạn dịch virus corona.
Hình ảnh ghi lại được cho thấy việc xây dựng bắt đầu từ ngày 24/1. Qua video tua nhanh dự án, một khu vực lớn được dọn dẹp gần như ngay lập tức và bệnh viện dần mọc lên rồi hoàn thiện.
Virus corona bùng phát ở Vũ Hán, còn được gọi là virus Vũ Hán, đã cướp mạng sống của hơn 300 người trên toàn Trung Quốc. Loại virus chết người này đã lan tới 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho khoảng 14.000 người.
Tân Hoa Xã đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông qua việc điều 1.400 nhân viên y tế từ các lực lượng vũ trang tới điều trị cho các bệnh nhân tại bệnh viện Hỏa Thần Sơn ngay ngày đầu tiên bệnh viện đi vào hoạt động.

Chạy nạn thời dịch bệnh 2020: Chèo bồn tắm gỗ xuyên sông Trường Giang dài nhất Trung Quốc để thoát khỏi cơn càn quét của virus corona
Một người dân tỉnh Hồ Bắc vừa bị phạt tạm giam sau khi cố vượt qua con sông dài nhất Trung Quốc bằng cách chèo bồn tắm gỗ.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, khi virus corona vừa bắt đầu bùng phát ở miền Trung Trung Quốc, chính quyền đã thực nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng ở ít nhất 15 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, nơi có hàng chục triệu con người và phương tiện giao thông.
Một người đàn ông đến từ Hoàng Mai, thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc đã khai nhận sự việc với cảnh sát. Ngày 31/1, vì phải đến làm việc tại thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, trong khi cầu và phà rời khỏi tỉnh Hồ Bắc đã bị phong tỏa từ ngày 26/1. Nên anh ta bắt buộc phải rời tỉnh Hồ Bắc bằng một cách đặc biệt: Chèo bồn tắm gỗ băng qua con sông dài nhất Trung Quốc, sông Trường Giang.
Một bức ảnh đang được lan truyền rộng trên mạng xã hội được cho là những công cụ giúp người đàn ông này “vượt” sông Trường Giang: Một chiếc xô, một mái chèo, một bồn tắm gỗ…
Tuy nhiên, trước khi đến nơi mong muốn, anh ta đã bị chính quyền bắt giữ và đưa về nhà. Sau sự việc này, cảnh sát đã đẩy mạnh tuần tra dọc theo bờ sông Trường Giang. Hiện tại, các nhà chức trách đã cảnh giác cao độ sau nhiều trường hợp cố gắng trốn chạy lệnh hạn chế đi lại.
Trước đó, cảnh sát Thượng Hải cũng cho biết họ đang tìm kiếm một người đàn ông đến từ thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc. Anh ta đã lên một tàu chở dầu bất hợp pháp tại một cảng biển ở Thượng Hải.

Dừng tiếp nhận lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc
– Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động là người nước ngoài tại các địa phương tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc…
Chiều 2/2, Bộ LĐ-TB&XH đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.
Theo công điện, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị trong thời gian Việt Nam công bố dịch virus corona, dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; không tổ chức các hội nghị, hội thảo, phiên giao dịch việc làm… trường hợp cần thiết báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động là người nước ngoài tại các địa phương tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc và lao động là người nước ngoài di chuyển qua các vùng dịch trong thời gian công bố dịch bệnh virus corona.
Trong trường hợp đã tiếp nhận trở lại thì doanh nghiệp phải báo cáo danh sách những lao động của doanh nghiệp vừa trở về Việt Nam từ Trung Quốc cùng với những thông tin cần thiết theo yêu cầu, thực hiện các biện pháp cách ly tại nơi ở và nơi làm việc theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đồng thời theo dõi, kiểm tra sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam.
Cục Việc làm và Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế các địa phương tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh virus corona.

WHO khuyến cáo cách phòng ngừa và kiểm soát virus corona tại nhà
Tổ chức Y tế Thế giới WHO vừa qua đã đưa ra các cách phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng trong quá trình chăm sóc sức khỏe chống virus corona.
1. Rửa tay sạch sẽ
WHO khuyến cáo cách phòng ngừa và kiểm soát virus corona tại nhà
Việc giữ đôi tay sạch là điều vô cùng quan trọng, bởi tay bạn thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với các virus, vi khuẩn bên ngoài cuộc sống. Nên nhớ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, có thể rửa tay bằng nước rửa tay có cồn giúp sát khuẩn.
Các thời điểm nên nhớ vệ sinh tay sạch:
– Trước, trong và sau khi nấu ăn
– Trước khi ăn
– Sau khi đi vệ sinh
– Sau khi tiếp xúc với động vật hoặc phân động vật
– Sau khi chăm sóc người bệnh
– Sau khi đi vệ sinh
– Sau khi ho, hắt hơi
2. Bảo vệ bản thân và cộng đồng
WHO khuyến cáo cách phòng ngừa và kiểm soát virus corona tại nhà
Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu mắc virus corona, cần tự cách ly và tránh tiếp xúc với người khác. Sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt ngay vào thùng rác khăn giấy sau khi không sử dụng. Đặc biệt, bạn nên tránh việc ho hoặc khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, đông người qua lại và nhanh chóng tới cơ sở y tế nếu nhận thấy triệu chứng ho, sốt, khó thở…
3. Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm
WHO khuyến cáo cách phòng ngừa và kiểm soát virus corona tại nhà
Vệ sinh an toàn thực phẩm là điều mà mọi lúc, mọi nơi nên đảm bảo. Bởi việc này không chỉ ngăn ngừa virus, dịch bệnh mà còn giúp bạn luôn khỏe mạnh. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo các gia đình nên sử dụng 2 loại thớt riêng, dao thái riêng khi nấu ăn hai loại thực phẩm sống – chín. Rửa tay trước khi chạm vào thực phẩm chín và sau khi chạm vào thực phẩm sống. Virus hoàn toàn được tiêu diệt nếu qua quá trình chế biến nấu chín hoàn toàn, vì vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm nếu giữ thói quen ăn chín, uống sôi lành mạnh. Bên cạnh đó, hãy tránh xa các loại thịt từ động vật chết, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.

Kinh tế Trung Quốc ‘bầm dập’ do dịch viêm phổi Vũ Hán
Dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát khiến nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chỉ số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 1/2020 sẽ chỉ ở mức 4%.
Thậm chí, họ còn cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán đang dần trở thành mối đe dọa khủng khiếp đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hơn cả những thiệt hại từ dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) 17 năm về trước.
Dịch bệnh viêm phổi đã khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ về đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc. Từ khả năng thực hiện đầy đủ những cam kết thỏa thuận thương mại ‘bước một’ ký hồi giữa tháng 1/2020 của nước này với Mỹ, cho đến mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản phẩm nội địa (GDP) của chính quyền Bắc Kinh trong năm 2020 so với mức GDP hồi 2010.
Dịch viêm phổi bùng phát cùng thời điểm chỉ số tăng trưởng của ‘quốc gia tỷ dân’ chỉ đạt mức 6,1% trong năm 2019, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. Và khi dịch bệnh đang tiếp tục lây lan, những biện pháp của chính quyền Bắc Kinh nhằm khống chế dịch bệnh đã buộc các hoạt động giải trí và giao thông, vốn tụ tập rất đông người buộc phải hủy bỏ. Điều này khiến dịp nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, vốn là mùa mua sắm, trở thành một thời kỳ yên ắng.
Trong khi nhiều người hy vọng đợt dịch bệnh lần này sẽ chỉ là một tác động ngắn hạn đối với sự tăng trưởng kinh tế giống với dịch SARS, thì các nhà phân tích lại nhận định rằng tình hình hiện nay đã thay đổi đáng kể so với lúc dịch SARS hoành hành hồi đầu thế kỷ 21. Và điều này đồng nghĩa với việc dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ để lại nhiều ‘vết sẹo sâu hơn nữa’ cho nền kinh tế Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Zhang Ming thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, giả sử trong trường hợp ‘lạc quan nhất’ khi dịch bệnh được khống chế vào cuối tháng 3/2020, thì mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 1/2020 sẽ ở dưới mức 5%.
Và kể cả khi thiệt hại dịch bệnh lần này ngang với dịch SARS gây ra trước đây, thì tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ “rất đáng kể”. “Hồi năm 2003, kinh tế của Trung Quốc đang đi lên, tuy nhiên hiện nền kinh tế lại đang đi xuống”, SCMP trích nhận định của ông Zhang.
Nhà kinh tế học Li Xunlei thuộc Tập đoàn chứng khoán Trung Thái nhận định, dù dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán không “thay đổi sự phát triển kinh tế Trung Quốc trên toàn cầu”, nhưng tác động của bệnh dịch đối với nền kinh tế nội địa là “không thể xem thường”. Theo ông, mức tăng trưởng của ngành dịch vụ tại Trung Quốc sẽ chỉ đạt 1% trong năm 2020, và điều này sẽ khiến toàn bộ GDP của Trung Quốc trong 2020 mất khoảng 0,5%.

32 địa phương cho học sinh nghỉ học
Đến sáng 3/2, bốn địa phương có người nhiễm nCoV và 28 tỉnh, thành khác đã cho học sinh nghỉ học từ hai ngày đến một tuần.
Danh sách địa phương cho nghỉ học như sau:
STT     Tỉnh/thành     Thời gian nghỉ
1     Vĩnh Phúc     3-9/2
2     Thanh Hóa     3-9/2
3     Hà Nội     3-9/2
4     Long An     3-9/2
5     Kiên Giang     3-9/2
6     Bình Thuận     3-9/2
7     Cần Thơ     3-9/2
8     Vĩnh Long     3-9/2
9     TP HCM     3-9/2
10     Bình Dương     3-9/2
11     Bà Rịa – Vũng Tàu     3-9/2
12     Tây Ninh     3-9/2
13     Hà Giang     3-9/2
14     Hưng Yên     3-9/2
15     Lai Châu     3-9/2
16     Đà Nẵng     3-9/2
17     Quảng Ninh     3-9/2
18     Khánh Hòa     3-9/2
19     Đồng Nai     3-9/2 (trừ thành phố Biên Hòa nghỉ ngày 3-4/2)
20     Sóc Trăng      3-9/2
21     Hà Nam     3-9/2
22     Đồng Tháp     3-9/2
23     Hòa Bình     3-9/2
24     Ninh Bình     3-9/2
25     Tuyên Quang     3-9/2
26     An Giang     3-9/2
27     Hậu Giang     3-4/2
28     Cao Bằng     3-4/2
29     Tiền Giang     3-5/2
30     Lào Cai     3-5/2
31     Ninh Thuận     3-5/2
32     Hải Phòng     3-5/2

Nhiều tỉnh, thành đồng loạt thông báo nghỉ học sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non đến THPT nghỉ học. Chủ tịch UBND các tỉnh quyết định cụ thể việc nghỉ học cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Không chỉ học sinh phổ thông, nhiều đại học đã lên kế hoạch dời lịch học sau Tết Nguyên đán. Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học, hơn 70 trường đã điều chỉnh lịch học từ ngày 3/2 lên ngày 10/2, thậm chí có trường đến 17/2.
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus corona của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết việc các trường cho phép sinh viên được lùi thời gian nhập học là phù hợp với Luật Giáo dục đại học, thể hiện quyền tự chủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương, trường đại học cáo cáo kịp thời tình hình phòng, chống dịch của địa phương, cơ sở đào tạo về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus corona của Bộ qua email trước 15h30 hàng ngày để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia.
Đây là lần đầu tiên các tỉnh thành cho học sinh nghỉ học vì dịch truyền nhiễm. Trước đó, học sinh phổ thông cả nước được nghỉ Tết từ 7 đến 16 ngày. Tại Hà Nội, sau 8 ngày nghỉ Tết, đến 30-31/1 học sinh quay trở lại trường và được khuyến cáo đeo khẩu trang trong lớp.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tới sáng 3/2, 360 người ở Trung Quốc và một người ở Philippines thiệt mạng, hơn 17.300 người nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hiện ngoài Trung Quốc, 24 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV.
Tại Việt Nam, ngày 1/2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch. Đến sáng 3/2, có 8 ca nhiễm nCoV.

Lao động từ Trung Quốc về được cách ly trong doanh trại
Quân khu 4 chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận, cách ly gần 1.400 lao động của 6 tỉnh miền Trung sắp trở về từ Trung Quốc.
Chiều 2/2, Thiếu tướng Nguyễn Sĩ Hội – Phó tư lệnh Quân khu 4 cho hay Bộ chỉ huy quân sự 6 tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị kế hoạch, cơ sở vật chất để tiếp nhận, cách ly lao động Việt Nam từ Trung Quốc và các nước có dịch viêm phổi cấp do nCoV về nước.
Các đơn vị quân sự 6 tỉnh nêu trên sẽ tiếp nhận, lo ăn ở, hậu cần cho khoảng 1.400 lao động Việt Nam trong thời gian cách ly 14 ngày; phối hợp các ngành liên quan tổ chức lực lượng, phương tiện y tế nhằm đảm bảo sức khoẻ, giám sát dịch tễ, và xử lý các tình huống theo quy định.
“Những người có biểu hiện bệnh viêm phổi sẽ được điều trị tại bệnh viện, còn trường hợp khoẻ mạnh thì đưa về đơn vị quân đội để cách ly xem có bị lây nhiễm nCoV không”, thiếu tướng Hội nói và cho hay hiện cơ quan chức năng chưa xác định thời gian đưa các lao động về nước.
Quân khu 4 đã thành lập một đội quân y phản ứng nhanh; ba tổ quân y cấp cứu chuyên khoa truyền nhiễm và cơ động phòng, chống dịch. Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 với quy mô 400 giường bệnh và 208 nhân viên sẵn sàng khi có lệnh. Riêng Bệnh viện Quân y 268 sẵn sàng trưng dụng 200 giường bệnh để thu dung, điều trị khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.
Cùng ngày, ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho hay Sở này đang tích cực chuẩn bị đón lao động từ Trung Quốc về quê. Nơi cách ly là một doanh trại quân đội cũ ở huyện Cam Lộ và một trường quân sự ở thị xã Quảng Trị. Dự kiến trong thời gian lao động được cách ly, quân đội đảm nhiệm công tác hậu cần, còn ngành y tế lo công tác giám sát và chăm sóc sức khoẻ. “Đây là những lao động khoẻ mạnh về nước, được cách ly theo quy trình”, ông Hùng nói.
Dịch viêm phổi do nCoV khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, được báo cáo lần đầu ngày 31/12/2019. Tính đến sáng 2/2, hơn 14.000 người mắc bệnh, 304 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, sáng 2/2, Bộ Y tế xác nhận nam Việt kiều Mỹ đang cách ly ở TP HCM dương tính với virus corona, nâng tổng số ca tại Việt Nam lên 7.

Việt Nam có 73 trường hợp nghi ngờ mắc vi rút nCoV đang cách ly
(ĐCSVN) – Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến sáng 3/2, cả nước đang có 73 trường hợp nghi ngờ bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đang được cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, cả nước cũng đã ghi nhận 07 trường hợp mắc, trong đó có 01 trường hợp được xét nghiệm dương tính ngày 02/02/2020.
Đây là trường hợp người quốc tịch Mỹ, gốc Việt, về Việt Nam ngày 16/01/2020, lưu trú tại Khách sạn Kiều Hân, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, khởi phát ngày 26/01/2020 với triệu chứng sốt, ho khan, có lúc khó thở. Đến ngày 31/01/2020, bệnh nhân thấy mệt, nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 02/02/2020 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh dương tính với nCoV.
Theo thống kê mới nhất từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 7h00 giờ ngày 3/2/2020, thế giới đã ghi nhận 17.386 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV  trong đó tại lục địa Trung Quốc là 17.205 người măc;  362 trường hợp tử vong (361 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và 01 trường hợp tử vong tại Philippines).
Trên thế giới đã ghi nhận 181 trường hợp trường hợp mắc tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc, gồm: Nhật Bản: 20, Thái Lan: 19, Singapore: 18, Hàn Quốc: 15, Hồng Kông: 14, Úc: 12, Đài Loan: 10, Đức: 10, Mỹ: 9, Malaysia: 8, Ma Cao: 8, Việt Nam: 7,  Pháp: 6, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất: 5, Canada: 4, Ý: 2, Nga: 2, Philippine: 2 (01 trường hợp tử vong), Anh: 2, Ấn Độ: 2, Nepal: 1, Campuchia: 1, Tây Ban Nha: 1, Phần Lan: 1, Thủy Điển: 1, Sri Lanka: 1.
Thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai các công việc: Phối hợp với các Bộ, ngành để xuất và thống nhất các phương án liên quan đến tạm thời đóng cửa trường học, sử dụng máy đo nồng độ cồn, sản xuất khẩu trang vải.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp Bộ Tư pháp tham mưu Thủ tướng trình Ủy ban Thường Vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện danh mục vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch bệnh do nCoV./.
Tổng hợp-TT