Mỹ đưa hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông vào tầm ngắm
Hải quân Mỹ ngày 25-12 lên tiếng bác bỏ và gọi tuyên bố của Trung Quốc về việc hải quân và không quân nước này đã “trục xuất” khu trục hạm USS John S. McCain khỏi lãnh hải Trung Quốc là sai sự thật. Cùng lúc, báo chí Trung Quốc cho biết do sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông nên một số lực lượng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kéo dài thời gian trú đóng ở Biển Đông.
Tiếp tục dồn quân ở Biển Đông
Tờ Thời báo Hoàn cầu trích dẫn phát biểu của Đại tá Tian Junli, người phát ngôn Chiến khu miền Nam thuộc PLA, ngày 22-12 cho biết quân đội nước này đã trục xuất tàu khu trục USS John S.McCain ra khỏi vùng biển gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Theo mạng Military.com của Mỹ, Đại úy Joe Keiley, người phát ngôn Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, khẳng định: “Tuyên bố (của Trung Quốc) về sứ mệnh này là sai sự thật. USS S.McCain không bị trục xuất khỏi lãnh hải quốc gia nào”. Trước đó, ngày 22-12, khu trục hạm John S. McCain đã thực hiện chiến dịch “tự do hàng hải” ở Biển Đông. Ông nêu rõ đây là “tuyên bố mới nhất trong hàng loạt” nỗ lực của Trung Quốc nhằm bóp méo các chiến dịch hàng hải hợp pháp của Mỹ trong khu vực.
Tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình Mỹ USS John S.McCain tại Biển Đông
Trong khi đó, theo báo South China Morning Post xuất bản tại Hồng Công, do căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm nay, một số lượng quân PLA sẽ tiếp tục ở lại Biển Đông thêm khoảng 4 tháng, thay vì kết thúc thời hạn để thay đổi luân phiên.
Các binh sĩ kéo dài thời gian phục vụ nhằm duy trì hoạt động nhiều đội tàu chiến mà Bắc Kinh mới đưa vào Biển Đông. Theo chuyên gia quân sự Li Jie, hành động của PLA là phản ứng trước sức ép của các lực lượng Mỹ trong khu vực.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược Hàng hải năm 2021, đưa các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông vào tầm ngắm. Quân đội Mỹ cảnh báo sẽ “quyết đoán hơn” đối với Bắc Kinh, đồng thời cho rằng Trung Quốc là đối thủ duy nhất đưa ra thách thức lâu dài đối với Mỹ. Chiến lược này đưa ra các mục tiêu của Hải quân, Lính thủy đánh bộ và Cảnh sát biển Mỹ trong năm 2021.
Theo đó khẳng định Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận theo chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông. Tài liệu khẳng định phải hoạt động quyết đoán hơn để giành ưu thế, duy trì trật tự dựa trên quy tắc và ngăn chặn các hành động xâm lược có vũ trang.
Sớm nối lại đàm phán COC
Theo ông Nick Marro, nhà phân tích tại tạp chí The Economist, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden “sẽ dốc toàn lực” trong việc giải quyết đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế của Mỹ, nhưng sẽ “duy trì áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc”. Đặc biệt, với vấn đề Biển Đông, ông Nick Marro cho biết, Tổng thống đắc cử “không có khả năng” thay đổi chính sách về vùng biển này do lập trường cứng rắn của lưỡng đảng đã được hình thành.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Huang Xilian, mới đây đã khuyến khích Trung Quốc và 10 thành viên của ASEAN tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp nhanh chóng về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo Đại sứ Huang Xilian, Bắc Kinh bày tỏ ưu tiên cho thời hạn hoàn tất đàm phán COC vào năm 2021.
Theo ông này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc đã đề xuất tổ chức các cuộc tham vấn trực tiếp ở Trung Quốc khi điều kiện cho phép. Đại dịch đã tạm thời trì hoãn quá trình tham vấn, nhưng Trung Quốc, Philippines, với tư cách là điều phối viên quan hệ Trung Quốc – ASEAN và các nước ASEAN khác vẫn đang duy trì liên lạc về việc nối lại tham vấn COC.
Trước đó, tháng 8-2018, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua một dự thảo bộ quy tắc ứng xử (COC), với một thỏa thuận đạt được vào tháng 11-2018 để hai bên hoàn thiện văn kiện trong 3 năm, từ năm 2019. Ông Huang nhấn mạnh Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp trên biển thông qua đối thoại phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực và vì lợi ích duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.