VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Thế giới bước vào “cuộc đua” tiêm chủng vaccine COVID-19

      Vương quốc Anh hôm nay (8/12) trở thành nước phương Tây đầu tiên và là quốc gia thứ hai trên thế giới sau Nga bắt đầu quá trình tiêm chủng diện rộng vaccine ngừa COVID-19, trong động thái được đánh giá là sẽ mở ra một giai đoạn mới trong “cuộc đua” đẩy lùi đại dịch toàn cầu.
Gần một tuần từ thời điểm Cơ quan quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 do hai hãng dược Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp sản xuất, hãng tin AP ngày 7/12 cho biết, lô 800.000 liều vaccine đầu tiên, được bảo quản nghiêm ngặt trong hàng chục tủ đông cỡ lớn, đã được giới chức Anh chuyển đến 50 cơ sở y tế trên toàn vương quốc, sẵn sàng cho thời điểm nước này khởi động quá trình tiêm chủng diện rộng hậu thử nghiệm, bắt đầu từ sáng nay (8/12, giờ địa phương).
Trong giai đoạn đầu, các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế hay những người dễ bị tổn thương bởi COVID-19 như người cao tuổi sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước. Các bệnh viện sẽ mời những người trên 80 tuổi đến tiêm vaccine từ ngày 8/12, đồng thời đàm phán với một loạt viện dưỡng lão để bố trí nhân viên y tế tới tiêm tận nơi. Do vaccine của Pfizer/BioNtech gồm hai mũi tiêm nên những người nhận mũi tiêm đầu tiên sẽ phải trở lại cơ sở y tế sau 21 ngày để tiêm mũi nhắc lại. Quá trình tiêm chủng dự kiến sẽ kéo dài nhiều tháng.
Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNtech, được mô tả là có hiệu quả đến 95%. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock gọi thời khắc London bắt đầu tiêm chủng hàng loạt là “V-Day” – ngày nhân loại tuyên bố chiến thắng Phát xít trong Thế chiến II, theo AP.
      Giới chức Anh chạy đua với thời gian, sẵn sàng cho việc tiêm chủng diện rộng vaccine COVID-19 từ sáng 8/12. Ảnh: PA Images
Bước đi của Anh được cho là sẽ khiến các nước sốt sắng hơn trong nỗ lực sớm đưa vaccine vào tiêm chủng hàng loạt. Một số quan chức châu Âu ban đầu chỉ trích Anh nóng vội trong cách tiếp cận vaccine COVID-19. Tuy nhiên, Anh khẳng định quá trình cấp phép được đẩy nhanh hơn quy trình thông thường bởi họ đã bắt đầu xem xét vaccine của Pfizer/BioNTech từ tháng 6/2020 và đánh giá dữ liệu “suốt ngày đêm” ngay khi chúng xuất hiện, thay vì chờ tới lúc hãng dược nộp đơn xin cấp phép. Ngoài ra, do Anh đã rời Liên minh châu Âu (EU), nước này không còn bị ràng buộc bởi các quy định quản lý dược, vaccine của khối.
Theo WSJ, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép các vaccine cho EU, tuyên bố, họ cũng đang nỗ lực sớm phê duyệt vaccine, song thủ tục sẽ tốn nhiều thời gian vì phải căn cứ vào nhiều dữ liệu hơn so với Anh. Dự kiến, EMA hoàn tất quá trình thẩm định sớm nhất là vào ngày 29/12. Khối EU sau đó mất thêm vài hôm để các quốc gia thành viên trước phê duyệt khi vaccine được phân phối. Toàn châu Âu, không tính Nga, hiện ghi nhận khoảng 16 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 380.000 người đã thiệt mạng. Mỗi ngày, “lục địa già” báo cáo thêm trên dưới 150.000 ca nhiễm mới, cao hơn 7-8 lần so với đỉnh dịch đầu tiên hồi tháng 3-4. Chính quyền các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ… hiện đều đang khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng và phân phối vaccine sớm nhất có thể.
Ở bên kia Đại Tây Dương, giới chức Mỹ cũng đang đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine. Theo Reuters, các hãng dược Pfizer và Moderna đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), dự kiến có thể được “bật đèn xanh” sau vài tuần nữa. Tiến sĩ Moncef Slaoui, người đứng đầu Operation Warp Speed – Chiến dịch Thần tốc của Chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy nghiên cứu và cung cấp vaccine COVID-19, khẳng định, nước này sẵn sàng khả năng phân phối, tiêm cho 100 triệu người dân trước cuối tháng 2/2021, tức đủ cho những người Mỹ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là người già, nhân viên y tế và những người mắc bệnh nền nguy hiểm khác.
Trong khi đó, Nga, quốc gia đầu tiên thế giới cấp phép cho một mẫu vaccine COVID-19 khi nó vượt qua hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, vaccine Sputnik V, đã khởi động quá trình tiêm chủng diện rộng hậu thử nghiệm ở Moscow từ ngày 5/12, ưu tiên cho các nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội. Theo hãng tin RT, vaccine của Nga đã cho thấy hiệu quả lên đến 98,5% trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, khi chỉ 273 người trong tổng số 20.000 đã người tình nguyện tiêm vaccine, bị nhiễm COVID-19. Hiện, 70 cơ sở tiêm chủng khắp Moscow đang hoạt động hết công suất để tiêm vaccine cho người dân.
Trung Quốc, nơi COVID-19 khởi phát, các địa phương đã bắt đầu đặt mua loại vaccine sản xuất trong nước, dù giới chức chưa nói rõ về hiệu quả và phương thức triển khai đến 1,4 tỷ dân. Theo SCMP, quan chức Trung Quốc xác nhận nước này đủ khả năng sản xuất 600 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm nay và dự kiến sắp ra “một thông báo quan trọng” trong vài ngày tới, gợi mở khả năng chính thức phê chuẩn vaccine.
Theo AP, Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, vừa thông báo, họ đã nhận 1,2 triệu liều vaccine COVID-19 do công ty dược Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất vào cuối ngày 6/12. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng ngày tuyên bố 1,8 triệu liều vaccine khác sẽ được tung ra thị trường vào đầu tháng 1-2021. “Vaccine đã có sẵn để chúng tôi có thể ngay lập tức ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh COVID-19”, ông Widodo nói.
Theo phát ngôn của các hãng dược, gần như toàn bộ các mẫu vaccine được cấp phép hoặc đang xin cấp phép tại Nga, Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu có hiệu quả cao trên 90%. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi việc tiêm chủng diễn ra hai lần, cách nhau một khoảng thời gian, cũng như điều kiện bảo quản ngặt nghèo, gây khó cho việc tiêm chủng ở nhiều quốc gia kém phát triển hơn. Cách đây vài ngày, chuyên gia Mike Ryan, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo, các nước không nên chủ quan vì việc cấp phép và xây dựng mạng lưới phân phối vaccine chỉ là bước đầu trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch.
“Chúng ta cần nhiều loại vaccine hơn. Chúng ta cần tăng sản lượng. Chúng ta cần giảm giá thành. Và chúng ta cần loại vaccine một mũi tiêm, thay vì các loại vaccine cần tiêm tới hai mũi như hiện nay”, ông Ryan nói. Theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, thế giới sẽ chỉ có một số liều vaccine giới hạn cho gần 8 tỷ người nên đà gia tăng ca nhiễm mới sẽ khó được kiểm soát trong vòng 3-6 tháng. Chuyên gia WHO đề nghị người dân các nước tiếp tục tuân thủ giãn cách xã hội và các biện pháp phòng dịch vì đó là cách tốt nhất tự bảo vệ mình.
Ngoài ra, đại diện WHO cũng cảnh báo các nước cần tạo dựng lòng tin của người dân với vaccine COVID-19, trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận ở nhiều nước cho thấy tỷ lệ dân chúng sẵn sàng tiêm vaccine chưa cao.

NGuồn CAND-TT