VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Thế giới hậu Covid-19 – Phần 3

 – Vốn được xem như “cứu nhân”, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm nảy sinh hoài nghi mới, coi toàn cầu hóa là “tội đồ”, reo rắc coronavirus ra khắp toàn cầu và gây ra đại họa như hiện nay.
 Thế giới hậu Covid-19 – Phần 3   Công nhân mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang khi làm việc tại một nhà máy của Trung Quốc. (Nguồn: Market Watch)
LTS:Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu mạch bài viết dự báo về những biến đổi địa chính trị trên thế giới sau đại dịch Covid-19 của Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.

Rõ ràng, nếu mức độ liên kết và toàn cầu hóa không cao và chặt chẽ như hiện nay, Coronavirus không thể có cơ hội phát tán nhanh và làm tê liệt toàn thế giới trong một thời gian ngắn như vậy.

Do đó, không khó để đoán trước ngay sau khi đại dịch kết thúc, Mỹ, Nhật, EU và một loạt nước phương Tây trong G20 sẽ đưa ra và áp đặt hàng loạt quyết sách quyết liệt lên các đại công ty lớn, cách thức kiểm soát công dân và hành vi của họ, nhằm giảm thiểu tối đa sự lây lan của bệnh dịch tương tự, cũng như các tác động kinh tế, an ninh khôn lường trong tương lai.

Điều đó sẽ tác động sâu sắc đến việc thay đổi nhận thức của chúng ta về “kịch bản toàn cầu hóa mới 2.0”, trong đó xuất hiện làn sóng dịch chuyển, sắp xếp lại lớn nhất và với tốc độ nhanh nhất mà thế giới chưa từng chứng kiến về đầu tư, sản xuất, thương mại, cung ứng, hậu cần, dịch vụ…tức những nhân tố cấu thành “nền kinh tế chuỗi” của quá trình toàn cầu hóa 1.0 hiện nay.

Theo đó, toàn cầu hóa 2.0 sẽ mang trong mình nội hàm mới, một sắc thái mới mà tất cả các nước dù muốn hay không cũng buộc phải tìm cách thích nghi.

Toàn cầu hóa, theo cách hiểu đơn giản nhất, là quá trình tiến ra và hội nhập với thế giới bên ngoài của con người và các quốc gia trên quy mô và phạm vi toàn cầu. Hiểu theo cách này, toàn cầu hóa không phải là điều gì mới mẻ, mà là tiến trình thể hiện ước muốn vươn ra và hội nhập với bên ngoài của con người, của các quốc gia từ ngàn đời nay.

Sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa, với nền tảng khoa học kỹ thuật trong tay, nguồn lực tài chính khổng lồ cộng với động lực tìm kiếm lợi nhuận tối đa… các công ty đa quốc gia tìm mọi thủ đoạn vươn vòi bạch tuộc ra bên ngoài để mở rộng thị trường và kiểm soát tài nguyên khắp thế giới nên toàn cầu hóa ở khía cạnh nào đó đã được gắn với cái tên là “Mỹ hóa” hay “tư bản hóa.”

Tuy nhiên, chỉ khoảng 3 thập kỷ gần đây toàn cầu hóa có một xung lực phát triển mạnh mẽ nhờ hai yếu tố chính. Một là, sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc sau quá trình cải cách và mở cửa thành công, và sự tham gia tích cực của nước này trong tiến trình hội nhập với thế giới, với vị thế là đại công xưởng và cường quốc thương mại hàng đầu thế giới. Nhiều người, nhiều quốc gia nhìn Trung Quốc lúc này với sự lo ngại, thiếu thiện cảm, thậm chí họ còn gán tên của toàn cầu hóa thành tiến trình “Trung Quốc hóa thế giới”.

Hai là, những tiến bộ như vũ bão về giao thông vận tải, khoa học công nghệ, đặc biệt là hàng không và công nghệ thông tin, trong khoảng hai, ba thập kỷ qua đã thúc đẩy sự gắn kết con người với nhau, sự lưu thông của hàng hóa và dịch vụ… ở mức độ chưa từng có và tạo ra một thế giới chúng ta đang sống phụ thuộc lẫn nhau và gắn kết với nhau hơn bao giờ hết.

Không thể phủ nhận toàn cầu hóa đã đem lại nhiều giá trị nhiều thay đổi tích cực cho hầu hết các quốc gia tham gia vào tiến trình này như:

(i) Hàng tỷ người trên khắp thế giới đã thoát khỏi cảnh đói nghèo khi tham gia và trở thành một mắt xích trong nền kinh tế chuỗi, sản xuất, cung ứng và dịch vụ toàn cầu.

(ii) Một số quốc gia, điển hình là Trung Quốc và các quốc gia khu vực Đông Á, tạo được sự phát triển thần kỳ và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia công nghiệp hàng đầu trên thế giới.

(iii) Nhờ cạnh tranh mang tính toàn cầu, các phát minh và cải tiến liên tục được đưa ra và áp dụng, còn cuộc sống của người dân trên khắp thế giới được cải thiện đáng kể do được hưởng lợi từ việc mua được các sản phẩm hữu ích, chất lượng tốt với giá phải chăng.

(iv) Nhiều giá trị hữu ích mang tính toàn cầu như dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển xanh và bền vững, chống biến đổi khí hậu… được phổ biến và trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, toàn cầu hóa cũng được xem là gây ra không ít mặt trái như:

(i) Tạo ra tình trạng nghèo đói và bần cùng hóa mới. Người dân ở nhiều quốc gia tuy không còn tình trạng thiếu ăn hoặc thiếu mặc như trước, nhưng ngày càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội đồng đều về y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, thu nhập.

Khoảng cách giàu, nghèo ở phạm vi quốc gia và trên thế giới ngày một rõ nét khi chưa đến 1% số người giàu có nhất nhưng lại kiểm soát đến trên 90% của cải của toàn xã hội.

(ii) Toàn cầu hóa cũng đưa đến việc phân công lao động bất bình đẳng trong phân công lao động quốc tế, trong đó các quốc gia đang phát triển và đi sau giờ đây ở vị thế là người cung cấp nguyên, nhiên liệu rẻ tiền, là thị trường tiêu thụ hàng hóa và là nơi hứng chịu sự ô nhiễm môi sinh và tàn phá của biến đổi khí hậu.

(iii) Toàn cầu hóa không giúp tạo ra một cơ chế quản trị toàn cầu, giúp dự báo, hoặc giảm nhẹ tác động của thảm họa toàn cầu, như Covid-19 hiện nay chẳng hạn.

Chẳng phải đợi cho đến khi khi đại dịch Covid-19 ra tay, mà chính quyền mới của Tổng thống Donald trump đã nhìn thấy sự “thua thiệt” của Mỹ trong cuộc đua toàn cầu hóa và đã “giáng” vào toàn cầu hóa những “đòn chí tử” ngay sau khi lên cầm quyền đầu năm 2017.

Được thúc đẩy bởi Mỹ và phương Tây nhưng nay “toàn cầu hóa 1.0” lại bị Mỹ xem là “lỗi thời”, đã hoàn thành “sứ mạng lịch sử” và không còn phục vụ hoặc phù hợp với lợi ích của Mỹ và phương Tây nữa.

Mỹ cho rằng Trung Quốc hiện là quốc gia đang tận dụng tốt cũng như “lợi dụng” các lỗ hổng của toàn cầu hóa để tăng cường sức mạnh quốc gia và tìm cách vươn lên vượt Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới.

Trump ngay sau đó đơn phương phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đồng thời tìm cách đàm phán, ký kết lại hàng loạt các Hiệp định thương mại song phương, đa phương mới. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dưới tác động của chính sách thương mại và kinh tế mới của Trump đã tạo ra các chuyển dịch ban đầu, nhưng hết sức mạnh mẽ trong việc định vị và sắp xếp lại “nền kinh tế chuỗi”, khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài đã rục rịch rút ra khỏi thị trường Trung Quốc đa dạng hóa đầu tư để tránh bị đánh thuế, giảm thiểu rủi ro từ việc để hết trứng vào một giỏ.

Nếu như không có sự “chuẩn bị” từ trước, nhiều khả năng nước Mỹ sẽ còn bị động và tổn thương hơn rất nhiều do tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay. Dự báo một số thay đổi của toàn cầu hóa thời kỳ “hậu Covid-19” như sau:

– Xu hướng chung là không từ bỏ, nhưng “liên kết” và “hội nhập” sẽ được các quốc gia tiến hành một cách thận trọng và có kiểm soát chứ không để phát triển tràn lan, vô tổ chức như hiện nay với những hệ quả khôn lường.

– Xu hướng “phi Trung Quốc”, tức “thoát”, hoặc giảm tối đa sự lệ thuộc vào một thị trường hoặc một đối tác có tính chi phối như Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh, với việc các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật, Đức… đi tiên phong trong xu hướng này.

Một thị trường lớn thứ hai thế giới với 1,4 tỷ “khách hàng” như Trung Quốc là điều hấp dẫn khó cưỡng đối với bất kỳ công ty hay quốc gia nào. Do đó, việc bỏ trứng vào một giỏ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, do sự lệ thuộc quá lớn nên khi Trung Quốc “hắt hơi” do Covid-19 thì cả thế giới trở nên “khó thở”. Đơn cử như mặt hàng thuốc kháng sinh, Trung Quốc cung cấp tới 90% nguyên liệu.

Thay cho “outsourcing”, từ ngữ mới hiện nay Mỹ bắt đầu sử dụng là “expensing”, tức chính quyền Mỹ sẵn sàng chi trả 100% chi phí của các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc và chuyển sản xuất về Mỹ hoặc sang các nước khác.

Chính quyền Mỹ đã chuẩn bị khoản tiền này và sẵn sàng “mở hầu bao”, thực hiện ngay lập tức sau hậu Covid-19. Theo sau Mỹ, Nhật cũng dự trù khoản ngân sách khoảng 2 tỷ USD để hỗ trợ cho các công ty Nhật rút nhà máy khỏi Trung Quốc mang về nước hoặc chuyển sang các nước khác.

Một khi cuộc hôn phối “Chimerica” (sự kết hợp của hai từ China và America”) trị giá 2.000 tỷ USD (gồm tổng thương mại hai chiều Mỹ-Trung, trị giá trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang sở hữu trên 1.000 tỷ USD và đầu tư hai chiều của Mỹ vào Trung Quốc và ngược lại) còn đi đến hồi kết bằng cuộc “ly hôn” thì không có gì là không thể xảy ra.

– Sự định hình của “nền kinh tế chuỗi” mới sẽ có một số đặc điểm sau:

(i) Các nhà hoạch định chính sách giờ đây có nhiệm vụ mới là phải lập kế hoạch tự cung, tự cấp để quốc gia họ có khả năng sống sót trong trạng thái biệt lập hoàn toàn từ ba tháng đến ba năm.

(ii) Các quốc gia sẽ chạy đua, tìm mọi cách để tự sản xuất hoặc lập các kho dự trữ các mặt hàng y tế thiết yếu (biệt dược, kháng sinh, chất khử trùng, máy thở, quần áo bảo hộ…), và các hàng hóa có tính chiến lược, không phụ thuộc vào nguồn cung của các nước khác.

(iii) Cách tiếp cận là “không bỏ hết trứng vào một giỏ”, mà phải đa dạng hóa tối đa các nguồn sản xuất, nguồn cung cấp nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ, trong đó thị trường nội địa được ưu tiên và khai thác tối đa.

– Xu hướng đa dạng hóa và chuyển dịch đầu tư, sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc sẽ hình thành một làn sóng chuyển dịch đầu tư sang các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á và một số khu vực khác.

Các nước như Việt Nam cần sớm nhìn ra cơ hội, không chỉ lo việc trước mắt là chuẩn bị cho khả năng khôi phục sản xuất sau dịch, mà cần nắm được xu hướng chuyển dịch đầu tư mới này của thế giới, sớm xây dựng chiến lược phù hợp, chủ động đón các dòng vốn đầu tư lớn, đồng thời với việc chuẩn bị các cơ sở hạ tầng giao thông, hậu cần, hàng không, cảng biển, nguồn nhân lực và phương cách quản trị quốc gia mới.

Nguồn VNN-TT