VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Khế ước Xã hội 2020: Xây dựng thế giới mới sau đại dịch Covid-19

 – “Công nghệ đã làm thay đổi thế giới. Điều này khiến chúng ta nghĩ đến một khế ước xã hội mới được hình thành để giải quyết những bất cập từ đại dịch COVID-19” – cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho nhận xét.

Xây dựng thế giới mới sau đại dịch Covid-19    Cựu Thủ tướng Phần Lan – ông Esko Aho phát biểu tại Bàn tròn “Khế ước Xã hội 2020 và Bảo vệ quyền riêng tư của con người trong đại dịch Covid-19”.

Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu sinh trắc học và việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số là những ứng dụng công nghệ trong việc kiềm chế sự lây lan của COVID-19 được triển khai ở một số quốc gia trên thế giới  nhằm giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm.

Tuy nhiên, sự đánh đổi giữa quyền riêng tư của mỗi cá nhân với sinh mạng sống của cộng đồng là vấn đề được đặt ra với nhiều quốc gia khi sử dụng các ứng dụng công nghệ trong việc phòng chống Covid-19.

Đây cũng là một trong những nội dung được thảo luận tại Bàn tròn “Khế ước Xã hội 2020 và Bảo vệ quyền riêng tư của con người trong đại dịch Covid-19” do Liên minh Lãnh đạo Thế giới-Club de Madrid (tổ chức của hơn 100 cựu tổng thống, cựu thủ tướng) và Diễn đàn Toàn cầu Boston đồng tổ chức gần đây.

GS Alex Pentland, Viện Công nghệ Massachusetts, đồng tác giả Khế ước Xã hội 2020, nói tại Bàn tròn, ngày nay, khi bạn bị ốm tới bệnh viện sẽ được phỏng vấn. Điều này gọi là truy tìm tiếp xúc (contact tracing) về những người bạn đã tiếp xúc và có thể sẽ lây bệnh cho họ. Đó là quy trình chuẩn. Dữ liệu đó sẽ được nắm giữ bởi bệnh viện và các cơ quan y tế công cộng. Nhưng với COVID-19, bạn sẽ phải nhớ lại rằng bạn đã giao tiếp với những ai trong suốt 2 tuần trước đó. Và rồi, điện thoại của bạn biết rằng bạn đã đi những đâu, bạn buộc phải chia sẻ nó với bệnh viện.

Đó là điều bắt buộc bạn phải làm vì dữ liệu bạn đang cung cấp cho bệnh viện có thể cứu những người khác. Như vậy, vấn đề được quan tâm ở đây không chỉ là quyền riêng tư của bạn mà là vấn đề mạng sống của người khác và lợi ích của toàn xã hội.
GS Thomas Patterson- Đại học Harvard: “Việt Nam đã hợp tác tốt, công khai, minh bạch với thế giới trong chống dịch Covid-19”.

Trước khi đại dịch Covid19 xảy ra, Cựu Thủ tướng Phần Lan ông Esko Aho, thành viên Liên minh Lãnh đạo Thế giới, nói ông đã cố gắng hỏi các nhà chức trách giáo dục rất nhiều lần rằng, các ông có chắc chắn chúng ta đang làm tất cả những gì có thể để kỹ thuật số hóa giáo dục hay không? Ông giải thích, đó là cơ hội rất tốt để nhìn thấy học sinh tiến bộ. Tuy nhiên, ông có vẻ thất vọng: “Họ luôn trả lời tôi rằng: chúng tôi đã làm tất cả rồi, mọi thứ đều ổn, đừng lo lắng!”.

Ông giải thích: “Sau khi đại dịch xảy ra, Phần Lan bắt đầu dùng các thiết bị điện tử tại các nhà trường, và ai cũng đều nhận ra rằng chúng tôi đều chưa chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó. Tất cả mọi thứ đều diễn ra quá nhanh. Những sự thay đổi lẽ ra sẽ diễn ra trong vài năm như bình thường trước đây nhưng nay đã được tiến hành trong vài tuần. Chúng sẽ không bao giờ quay lại như cũ”.

Ông Esko Aho nhấn mạnh, nếu nhìn vào bất cứ một khủng hoảng nào, khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng toàn cầu, hay khủng hoảng môi trường đều có hai điều. Điều đầu tiên, sẽ không bao giờ quay lại với ngày xưa, sẽ luôn có một sự “bình thường” mới xuất hiện sau khủng hoảng. Thứ hai, sự bình thường mới này sẽ được dựa trên một điều cơ bản: đó là khủng hoảng làm năng lực tồn tại trở nên mạnh mẽ hơn, cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực.

Ông nói tiếp, đại dịch đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng giống như một cuộc chiến toàn cầu. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, các chính phủ đã phải họp bàn để tạo ra một hệ thống toàn cầu mới. Dần dần, chúng ta sẽ nhận ra rằng, để tiêu diệt đại dịch Covid19, chúng ta phải hợp tác cùng nhau, phải có một nỗ lực mang tính toàn cầu để chống lại con virus này.

Ông bổ sung thêm, có sự tương tác qua lại giữa khía cạnh kinh tế xã hội và ứng dụng công nghệ. Điều này khiến chúng tôi nghĩ đến một khế ước xã hội mới được hình thành để giải quyết những bất cập từ đại dịch COVID-19. Công nghệ đóng vai trò quyết định để tạo ra khế ước xã hội mới. Nước Mỹ đã dẫn đầu trong phát triển công nghệ di động cho đến những năm 80. Vào năm 1987, liên minh Châu Âu, các chính phủ, các công ty lớn và các Viện nghiên cứu đã tập hợp tại Copenhagen, và họ cùng nhau áp dụng tiêu chuẩn GSM (GSM standard). Tiêu chuẩn này trở thành một tiêu chuẩn toàn bộ châu Âu. Tất cả các chính phủ, các công ty đều sử dụng tiêu chuẩn này, chỉ trong vài năm nó đã trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu.

Các giáo sư hàng đầu của Đại học Harvard, MIT, đồng thời là Hội đồng các nhà tư tưởng của Diễn đàn Toàn cầu Boston đã trình bày Khế ước Xã hội 2020. Đây là bản kế thừa Khế ước Xã hội của Jean Jacques Rousseau thế kỷ 18, và có bổ sung những tư tưởng mới trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, cũng như những nguyên lý tổ chức một thế giới mới để giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra từ đại dịch COVID-19.

Ngày nay, thế giới đã kết nối với nhau qua Internet, chuẩn mực để kết nối trên Internet là TCP/IP. Toàn cầu hoá đã trở nên sâu sắc, nhưng từ đó bộc lộ những bất cập: thiếu những chuẩn mực chính trị xã hội để kết nối giữa các quốc gia, giữa các nhánh quyền lực trong xã hội (Chính phủ, Quốc Hội, Toà Án, Doanh nghiệp, Công dân). Khế ước Xã hội 2020 được hy vọng là chuẩn mực để kết nối các thành tố xã hội, như là chuẩn TCP/IP kết nối Internet.

Các học giả cho rằng, kinh tế thế giới ngày nay cũng cần có những chuẩn mực để liên kết, hợp tác, không chỉ trên nền tảng lợi nhuận như thông thường. Bản Khế ước Xã hội 2020 chỉ rõ, chỉ những quốc gia đáp ứng những chuẩn mực kết nối chính trị xã hội mới có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm bảo đảm cho một thế giới an toàn, hoà bình, hiệu quả, thịnh vượng. Chuỗi mới này gọi là Chuỗi cung ứng 2020.
Xây dựng nền dân chủ thông minh là tư tưởng chính của khế ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo nhằm tạo ra một xã hội trung thực, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, có hiệu quả cao, linh hoạt, với các quyết định thông minh.

Liên hệ với Việt Nam, Giáo sư Thomas Patterson, Đại học Harvard, đồng tác giả Khế ước Xã hội 2020 cho rằng: Việt Nam giành được nhiều thiện cảm vì  Việt Nam đáp ứng được khá nhiều chuẩn mực của Khế ước Xã hội 2020 để tham gia Chuỗi cung ứng 2020. Chẳng hạn, Việt Nam đã hợp tác tốt, công khai, minh bạch với thế giới trong chống dịch Covid-19; Chính phủ Việt Nam gần như đáp ứng yêu cầu về quyền công dân truy cập thông tin, quyền tiếp cận, học tập kho tri thức của nhân loại văn minh.

GS Nazli Chourci, đồng tác giả Khế ước Xã hội 2020 nhấn mạnh: Khế ước Xã hội 2020 là nền móng để xây dựng nền dân chủ thông minh với sự ứng dụng sâu rộng của AI nhằm khắc phục những bất cập của nền dân chủ hiện tại.

Nền dân chủ thông minh kế thừa nền dân chủ hiện tại, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các chính phủ ra quyết định thông minh, quản trị xã hội và cung cấp dịch vụ công đạt hiệu quả cao. Ở phía ngược lại, cơ chế này giúp công dân giám sát chính phủ, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cũng như các giám đốc doanh nghiệp nhằm bảo đảm những chuẩn mực văn minh trong xã hội.

Hệ thống toà án cũng có thể dựa trên cơ chế trên để ra những những phán quyết chính xác, khách quan và công bằng. Một nền dân chủ thông minh sẽ bớt đi thời gian tranh cãi, bớt đi những quyết định thiếu căn cứ, thậm chí sai lầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng…

Những gì con người có thể làm việc online, và làm việc từ nhà thì có thể áp dụng ngay từ bây giờ. Những dịch vụ công, những dịch vụ có thể tự động hoá nay cần được cung cấp trên mạng thay vì phải giao dịch qua văn phòng truyền thống. Cách thức tổ chức mô hình hoạt động làm việc mới này sẽ giúp giải quyết vấn nạn lớn của toàn thế giới hiện đại: tắc nghẽn giao thông.

Xây dựng nền dân chủ thông minh là tư tưởng của xã hội trí tuệ nhân tạo – đó là xã hội trung thực, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, có hiệu quả cao, linh hoạt, với các quyết định thông minh từ mọi nhánh quyền lực, đó là xã hội có sự hợp tác chặt chẽ  giữa các chính phủ, các quốc gia để bảo đảm hoà bình, an ninh trên một chuẩn mực văn minh chung.

Nhưng làm thế nào để những chuẩn mực tốt đẹp đó trở thành hiện thực? Khế ước Xã hội 2020 nêu giải pháp cải tổ Liên Hợp Quốc và thiết lập Liên minh Dân chủ trong Quản trị Số. Trong giai đoạn đầu tiên có 8 quốc gia nòng cốt, thoả mãn các chuẩn mực của Khế ước Xã hội 2020 là Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Pháp, Canada, Ấn Độ, Úc.

Khế ước Xã hội này và các giải pháp kèm theo sẽ được tiếp tục thảo luận tại Hội nghị về thiết lập trật tự thế giới mới sau đại dịch COVID-19, do Liên Minh Lãnh đạo Thế giới-Club de Madrid và Diễn đàn Toàn cầu Boston tổ chức qua online ngày 1/7/2020 tới đây. Dự kiến một hội nghị nữa do Đại học Harvard, MIT đồng tổ chức vào trung tuần tháng 9 tới với sự tham dự của 15 người gồm các Cựu và đương chức Tổng thống, Thủ tướng, cùng những nhà tư tưởng lớn trên thế giới.

Nguồn VNN-TT