Đầu tháng 3 năm nay, hàng loạt tin tức cho thấy Biển Đông đang là miếng nam châm thu hút sự hiện diện của tàu chiến các nước.
Tàu Pháp tham gia cuộc tập trận với Mỹ và Nhật hồi tháng 2. Ảnh: Japan’s Maritime Self-Defense Force
Chính quyền mới của Mỹ đã triển khai liên tiếp hai chiến dịch FONOP (tuần tra tự do hàng hải) đi qua Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau khi điều tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude và tàu hậu cần Seine tới Biển Đông đầu tháng 3, Pháp lại đưa tiếp tàu đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục Surcouf đi qua vùng biển này để tham gia cuộc tập trận hải quân chung quy mô đầu tiên với Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản vào tháng 5 tại châu Á – Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Anh lớn nhất HMS Queen Elizabeth vừa xuất xưởng cũng thực hiện chuyến đi xa đầu tiên của mình tới khu vực này. Đức cũng tuyên bố kế hoạch cử tàu chiến tới Biển Đông tháng 8. Như vậy các nước G7, trừ Italia, đều có kế hoạch cử tàu chiến đến đây.
Đáp lại, Trung Quốc đã triển khai một cuộc tập trận lớn kéo dài trong cả tháng 3 với sự tham gia của 2 tàu sân bay và các khoa mục đổ bộ đánh chiếm đảo nhằm khẳng định quyết tâm mà họ gọi là không từ bỏ “một tấc đất nào do tổ tiên để lại” và chống mọi mưu toan sử dụng quyền tự do hàng hải, hàng không vào mục đích chính trị.
Vì sao Biển Đông lại thu hút sự chú ý lớn đến như vậy của các nước ngoài khu vực khi cả Pháp, Anh, Đức đều là những nước ở xa và đều có quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc?
Mối quan tâm với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Trước hết, tăng cường hiện diện trong khu vực là nhằm mục đích bảo vệ tự do hàng hải, bảo vệ thương mại cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Đây là động thái thực tế sau Công hàm chung của 3 nước Pháp, Anh, Đức ngày 16/9/2020 phản ứng với các yêu sách quyền lịch sử, Tứ Sa, cách vẽ đường cơ sở quần đảo cho các quần đảo xa bờ, mở rộng lấn chiếm trên các thực thể nửa nổi nửa chìm không phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) của Trung Quốc cũng như yêu cầu tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không của các nước.
Công hàm và việc cử tàu chiến thực hiện các hoạt động tự do di lại theo luật quốc tế cho thấy các nước này quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bảo vệ các quyền lợi kinh tế và muốn hợp tác với các nước thuộc nhóm Bộ tứ.
Pháp có các vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế ở Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương. Anh có mối quan hệ truyền thống với Hong Kong, có 12% thương mại hàng hải hơn 130 tỷ USD xuất nhập khẩu đi qua Biển Đông mỗi năm và 80 tỷ USD giao thương với Trung Quốc (trong khi Trung Quốc đầu tư vào Anh hơn 20 tỷ USD).
Anh rất cần có sự ổn định vào thị trường Trung Quốc và thực hiện chiến lược “nước Anh vĩ đại” sau Brexit.
Đức không có các liên hệ lịch sử nhưng cũng đang muốn có vị thế trong khu vực có tầm quan trọng đáng kể này. Đây là các yếu tố thúc đẩy mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa các nước này với các nước trong khu vực.
Thứ hai, các nước này muốn thể hiện sự trung thành và ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Các nước muốn tranh thủ sự quay lại trong chính sách đối ngoại của Mỹ về khôi phục liên minh bền vững giữa EU, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và mở rộng với Ấn Độ để giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới.
Họ đều muốn được Mỹ tham vấn và nâng cao vai trò của mình trong các quyết sách chính trị đối với khu vực. Đối với Trung Quốc, đây được coi là sự “theo chân” Mỹ trong việc triển khai một chiến lược riêng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ ba, Trung Quốc cũng cho rằng tăng cường hiện diện quân sự của các nước gây bất ổn cho khu vực và nhằm đẩy mạnh xung đột, đẩy mạnh bán vũ khí.
Thứ tư, hoạt động này nhằm thực thi cách tiếp cận cân bằng chiến lược, gây sức ép để đạt được các mục tiêu kinh tế, đồng thời cũng nhằm tránh gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Vì vậy, có thể thấy hoạt động tàu chiến của các nước này sẽ khác với các chiến dịch của Mỹ tại vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và khiêu khích Trung Quốc và phạm vi có hạn. Chúng phục vụ cho mục đích và lợi ích của chính các quốc gia này.
Do sức mạnh có hạn và các vấn đề nội bộ mỗi nước, các hoạt động này mang tính chất biểu tượng hơn thực chất, ít nhất trong giai đoạn đầu.
Lo ngại quân sự hóa quá nóng
Các nước trong khu vực, bất bình với các hành vi thái quá, sử dụng sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông vừa mong muốn có các hoạt động cân bằng chiến lược vừa lo ngại Biển Đông sẽ bị quân sự hóa quá nóng dễ gây ra xung đột và chiến tranh cục bộ, đồng thời không muốn bị đẩy vào lựa chọn khó khăn.
Hoạt động tự do hàng hải do Mỹ và các đồng minh tiến hành là một trong những phương thức thể hiện tính hiệu lực của luật pháp quốc tế. Hoạt động này tự thân nó không ngăn cản được tham vọng của Trung Quốc. Song cùng với các hoạt động khác, nó góp phần quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, Đây không phải là vấn đề của quan hệ Trung Quốc – Mỹ.
Biển Đông cần được xử lý trên cơ sở các nguyên tắc và quy phạm của luật quốc tế, nhất là của Công ước Luật biển 1982. Các hành vi cưỡng chế, yêu sách thái quá cần có sự phản ứng rõ ràng của thế giới và khu vực: “Một hành vi đã rồi không phải là hành vi được chấp nhận”. Tất cả các nước cần đoàn kết, phối hợp để có những hoạt động thiết thực bảo đảm tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp.
NGuồn VNN-TT