Khi virus corona đã len lỏi vào Nhà Trắng, một câu hỏi quan trọng là việc điều hành đất nước sẽ thế nào nếu cả tổng thống và phó tổng thống bị nhiễm.
Cuối cùng virus corona cũng đã xâm nhập vào Nhà Trắng, toà nhà được bảo vệ an ninh tối tân nhất thế giới. Một nhân sự thuộc diện tiếp xúc gần với ông Trump và thư ký báo chí của Phó tổng thống Mike Pence bị xác nhận dương tính với virus corona. Không lâu sau đó, Nhà Trắng cho biết hai vị lãnh đạo đều được xét nghiệm âm tính.
Tuy nhiên, diễn biến này đặt ra câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trump hoặc ông Pence, hoặc thậm chí cả hai ông, ngã bệnh vì virus corona.
Ông Trump đi thăm một cơ sở sản xuất khẩu trang N95 ở Phoenix, bang Arizona, ngày 5/5. Ảnh: Getty.
Kịch bản đã có sẵn
Hậu quả của tình huống trên có rất nhiều hướng phát triển, từ sự gián đoạn tạm thời cho đến một khủng hoảng toàn diện trong việc thực thi trách nhiệm tổng thống. Các chuyên gia và quan chức Nhà Trắng đương nhiệm, hoặc đã rời chính quyền, nhận định mức độ của tác động về kinh tế và địa chính trị sẽ tuỳ vào tình trạng nghiêm trọng của bệnh, đặc biệt phụ thuộc việc ông Trump có thể tiếp tục làm việc trong lúc nhiễm bệnh hay không, theo Bloomberg.
“Quy trình ứng phó cho kịch bản này đã được thiết lập. Chúng tôi thường xuyên tập dượt sẵn sàng cho những tình huống như khủng bố hoặc tấn công hạt nhân. Nhưng thú thật tôi chưa bao giờ dự đoán về tình huống bệnh dịch như thế này”, David Axelord, cựu cố vấn cao cấp của cựu tổng thống Barack Obama, nói.
Ông Ian Bremmer, chủ tịch tập đoàn tư vấn rủi ro địa chính trị Eurasia, nói thị trường cổ phiếu chắc chắn sẽ biến động và rớt giá về tin tức bệnh tình của tổng thống. Tuy nhiên, giới đầu tư có thể sẽ được trấn an từ việc Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng mắc bệnh và hồi phục.
Mặc dù ông Johnson uỷ quyền cho Ngoại trưởng Dominic Raab phụ trách một số công việc trước khi vị thủ tướng chuyển sang giai đoạn điều trị đặc biệt vào ngày 7/4, việc chuyển giao quyền lực thực sự chưa từng được tiến hành. Hiện ông Johnson đã trở về làm việc bình thường và nhận lại toàn bộ chức trách.
“Nếu ông Trump cũng bị nhiễm virus và phải cách ly tại Nhà Trắng, nhưng vẫn nắm quyền điều hành chính phủ và vẫn đăng Twitter liên tục, tôi nghĩ tác động đến thị trường sẽ nhỏ thôi”, ông Bremmer nói.
Hoặc ngay cả khi ông Trump có thể bị triệu chứng nặng hơn, thì nước Mỹ đã thiết lập quy trình, và cũng từng có tiền lệ, để các tổng thống tạm thời bàn giao quyền lực. Tu chính án thứ 25 của hiến pháp Mỹ cho phép ông Trump chuyển giao việc điều hành cho phó tổng thống, và sau đó nhận lại toàn quyền khi điều kiện sức khoẻ cho phép.
Tổng thống George W. Bush (Bush “con”) đã hai lần viện đến quy trình này trong nhiệm kỳ của ông trước khi trải qua điều trị y tế. Tổng thống Ronald Reagan cũng từng một lần uỷ quyền sau khi ông phải nhập viện điều trị vì bị bắn.
Liệu tranh chấp quyền lực có xảy ra?
Hiến pháp Mỹ cũng đã tính đến kịch bản xấu nhất, mà khả năng xảy ra gần như bằng không, là khi cả tổng thống và phó tổng thống đều mất năng lực điều hành.
“Trong trường hợp này thì thứ tự kế vị chức tổng thống đã quy định rất rõ ràng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ nắm quyền tổng thống”, Ilya Somin, giáo sư luật tại Đại học George Mason, nói. Thứ tự này được quy định trong Đạo luật kế nhiệm tổng thống 1947.
Tuy nhiên, các chuyên gia hiến pháp cảnh báo hỗn loạn là gần như chắc chắn nếu kịch bản này xảy ra, bởi việc xử lý một tình huống như vậy không được quy định rõ ràng trong các điều luật.
Kể từ đầu tuần này, Nhà Trắng yêu cầu toàn bộ nhân viên ra vào khu Cánh Tây đều phải đeo khẩu trang để hạn chế lây lan virus corona. Ảnh: Reuters.
“Mọi chuyện sẽ rối tung hoàn toàn và có thể dẫn đến một sự sụp đổ hiến pháp toàn diện. Hướng giải quyết sẽ nhanh chóng được trình lên toà án, và họ cũng phải nhanh chóng quyết định bước kế tiếp. Việc không rõ ai sẽ là tổng thống, dù chỉ trong vài giờ, cũng sẽ gây ra nguy hiểm”, ông Brian Kalt, giáo sư luật tại Đại học bang Michigan, nói.
Cụ thể, ông Kalt cho biết hiến pháp không đề cập đến quy trình và cách thức để đánh giá thế nào là “mất năng lực điều hành”. Điều này có thể dẫn đến rủi ro tranh chấp giữa bà Pelosi, một thủ lĩnh kỳ cựu của đảng Dân chủ, khi tuyên bố trở thành quyền tổng thống trong khi ông Trump và ông Pence (hoặc luật sư của họ) khăng khăng vẫn ổn để điều hành. Trong trường hợp đó, một tranh chấp quyền lực là điều có thể xảy ra.
Hồi năm 1973, trong 8 tuần của giai đoạn phó tổng thống Spiro Agnew mới từ chức mà ông Gerald Ford đang chờ được phê chuẩn vào vị trí này, thì ghế phó tổng thống bị để trống. Do vậy, chủ tịch hạ viện khi đó là ông Carl Albert được đẩy lên vị trí đầu tiên trong trình tự kế nhiệm trở thành chủ nhân Nhà Trắng (lúc này là ông Richard Nixon)
. Khi đó, Albert, một thành viên đảng Dân chủ, khẳng định nếu ông trở thành tổng thống tạm quyền thì việc đầu tiên sẽ là bổ nhiệm một phó tổng thống là người của đảng Cộng hoà rồi từ chức, chứ không để đảng của ông vùng lên và chiếm lấy quyền lực.
“Kịch bản như vậy không phải là chuyện bạn có thể trông mong trong bối cảnh hiện nay”, giáo sư Kalt nói. Ông đã kêu gọi quốc hội điều chỉnh lại đạo luật kế nhiệm để đưa ngoại trưởng (hiện là ông Mike Pompeo) trở thành người thứ 3 trong danh sách kế vị tổng thống.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho rằng không có lý do gì để hốt hoảng. Phát ngôn viên nói chính phủ liên bang luôn có kế hoạch để duy trì việc vận hành bộ máy. Tuy nhiên, người này từ chối tiết lộ kế hoạch cụ thể sẽ như thế nào nếu cả ông Trump và ông Pence đều không thể đảm đương chức trách. Hiện cả hai ông đều được xét nghiệm hàng ngày.
Một số quan chức Nhà Trắng ngày càng lo ngại khả năng ông Trump có thể nhiễm virus. Đội ngũ của ông Trump và ông Pence thường xuyên làm việc chung trong những tuần qua. Nhiều người trong số họ không đeo khẩu trang, dẫn đến nguy cơ lây lan cũng gia tăng.
“Ông Pence cần tạm lánh khỏi Nhà Trắng trong một thời gian, như cách của phó tổng thống Dick Cheney sau vụ 11/9”, một cựu nhân viên của ông Trump nói.
Hiện tại ông Pence chỉ mới tránh tiếp xúc ông Trump nhưng vẫn không hoàn toàn cách ly với Nhà Trắng. Sau khi Katie Miller, thư ký báo chí của phó tổng thống, có kết quả dương tính vào ngày 8/5, ông Pence đã huỷ một cuộc họp với ông Trump và quan chức quân sự hồi cuối tuần qua. Tuy nhiên, ông Pence đã trở lại làm việc vào ngày 11/5 và vẫn ra vào Nhà Trắng.
Trong khi đó, tiến sĩ Anthony Faucy, giám đốc Viện bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia, và tiến sĩ Robert Redfield, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh dịch, đều tự cách ly hoàn toàn sau khi tiếp xúc gần với một nhân viên Nhà Trắng dương tính với virus corona.
Đối với ông Trump, mặc dù ông khẳng định rất ít tiếp xúc với phó tổng thống thời gian gần đây, ông nói sẽ tiến hành những biện pháp phòng ngừa cần thiết, bao gồm tạm thời không gặp trực tiếp ông Pence trong một thời gian.
“Đã lâu rồi tôi không gặp ông ấy. Chúng tôi có thể trao đổi qua điện thoại”, Bloomberg dẫn lời ông Trump.
Một diễn biến khác là toàn bộ nhân viên ở khu vực Cánh Tây đều đã được yêu cầu phải đeo khẩu trang khi đến làm việc ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, bản thân tổng thống không thuộc phạm vi hiệu lực của mệnh lệnh này.
Nguồn tintuc.vn-TT