– Đại dịch COVID-19 trên thế giới đã bước sang tháng thứ tư, với những kỷ lục về các ca nhiễm bệnh và tử vong liên tiếp được thiết lập. Tuy nhiên, hiện đã có những thông tin tích cực được phát đi từ “tâm dịch” châu Âu và thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) – nơi khởi phát và chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19 từ cuối năm 2019.
Các nhân viên y tế chào tạm biệt một bệnh nhân COVID-19 xuất viện ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)
Trong một thông báo phát đi tối 26/4, một quan chức thuộc Ủy ban Y tế Vũ Hán xác nhận, sau hơn 3 tháng chiến đấu gian khổ, Vũ Hán – thành phố từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, đã không còn trường hợp nhiễm bệnh nào đang điều trị tại bệnh viện.
Thông tin này được đưa ra sau khi một người đàn ông 77 tuổi (được nhắc đến với tên gọi là Ding) tại tỉnh Hồ Bắc cho kết quả âm tính lần 2 với COVID-19. Ông được kết luận là không còn triệu chứng lâm sàng của dịch bệnh và đủ điều kiện xuất viện.
Trong cuộc họp báo diễn ra ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc – ông Mi Feng ghi nhận, việc số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Vũ Hán được đưa về mức bằng 0 là nhờ nỗ lực mạnh mẽ của đội ngũ nhân viên y tế trên khắp đất nước, cả những người ở tại và được điều đến Vũ Hán.
Cùng với kết quả này, sự lây lan của đại dịch COVID-19 được đánh giá là đã tạm thời bị khống chế. Đây cũng được xem là một “bước ngoặt” trong việc đẩy lùi dịch bệnh tại thành phố Vũ Hán. Từ 5 ngày trước, số các ca nhiễm COVID-19 tại Vũ Hán đã giảm xuống còn 2 con số, trong khi 70 ngày trước đó, số bệnh nhân nhập viện có lúc đã đạt đỉnh 38.020 trường hợp.
Trong khi đó, tại tỉnh Hồ Bắc cũng không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong hơn 20 ngày qua, trong khi số người đang được điều trị đã giảm xuống dưới 50 trường hợp. Cuộc sống tại Hồ Bắc đang dần trở lại bình thường, với 98,2% các hãng công nghiệp lớn đã nối lại việc sản xuất và hầu hết các lao động cũng đã quay trở lại làm việc. Dự kiến, vào ngày 6/5, các học sinh năm cuối trung học phổ thông sẽ quay trở lại trường học.
Các “điểm nóng” tại châu Âu tiếp tục hạ nhiệt
Trong một thông báo phát đi vào cuối tuần trước, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đánh giá, làn sóng lây nhiễm COVID-19 ban đầu có dấu hiệu đã vượt đỉnh tại 20 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Nhận định này đang tiếp tục được củng cố bởi những con số.
Theo số liệu thống kê mới nhất do Cục bảo vệ dân sự Italy vừa công bố, đại dịch COVID-19 hoành hành tại quốc gia châu Âu này đã cướp đi sinh mạng của 26.644 người, trong tổng số 197.675 ca nhiễm. Tuy nhiên, số các ca tử vong và nhiễm mới cùng các bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt vẫn tiếp tục giảm.
Trong vòng 24 giờ qua, số ca tử vong vì COVID-19 tại Italy là 260 trường hợp, mức thấp nhất kể từ ngày 15/3 cho tới nay. Số các ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 2.324, giảm 33 trường hợp so với ngày trước đó và là mức thấp nhất ghi nhận được trong 6 ngày qua. Số các bệnh nhân COVID-19 đang phải chăm sóc đặc biệt tại Italy cũng tiếp tục giảm, sau khi xu hướng này bắt đầu xuất hiện kể từ 3 tuần trước.
Trong một thông báo phát đi ngày 26/4, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, kể từ ngày 4/5 tới, các công ty sản xuất, xây dựng và hoạt động trong lĩnh vực bán buôn có thể bắt đầu làm việc trở lại. Tiếp theo sau là việc nối lại hoạt động của các hãng bán lẻ, bảo tàng, các phòng trưng bày và thư viện sẽ được thực hiện từ ngày 18/5 tới. Còn hoạt động của các quán bar, khách sạn, tiệm cắt tóc và dịch vụ làm đẹp sẽ được nối lại từ ngày 1/6.
Tại Tây Ban Nha, các nhà chức trách y tế nước này cho biết, số ca tử vong vì COVID-19 tính đến ngày 26/4 là 23.190 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 288 ca tử vong mới, đây là mức thấp hơn nhiều so với con số 378 ca tử vong của một ngày trước đó và cũng đánh dấu lần đầu tiên số ca tử vong theo ngày thấp hơn mức 300 từ khi dịch bệnh lây lan mạnh. Trong khi đó, số bệnh nhân phục hồi tại Tây Ban Nha cũng vừa tăng 3.024 người lên tổng số 98.732 trường hợp.
Tại Pháp, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 242 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số các trường hợp tử vong lên 22.856 người. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng kể từ 1 tuần qua. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 461 ca tương tính, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia này lên 124.575 trường hợp. Hiện đã có 44.903 ca được chữa khỏi bệnh và xuất viện.
Những dấu hiệu khích lệ trên là tiền đề để Pháp cân nhắc tới việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần qua vào ngày 11/5 tới, với chiến lược cụ thể dự kiến sẽ được Thủ tướng Pháp Edouard Phillippe đệ trình lên Quốc hội vào ngày mai (28/4).
Sau những ngày điêu đứng vì dịch bệnh, các bệnh viện tại Bỉ đã ghi nhận một xu thế giảm các bệnh nhân mới mắc COVID-19. Trong vòng 24 giờ qua, số bệnh nhân COVID-19 được nhập viện là 204 trường hợp, trong khi số ca khỏi bệnh là 368. Hiện số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viên tại Bỉ là 3.959 trường hợp – mức thấp nhất kể từ ngày 28/3 cho tới nay.
Trước những dấu hiệu cho thấy đại dịch đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, ngày càng có thêm nhiều nước châu Âu lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách thận trọng. Tại Áo, cuối tuần trước, Bộ trưởng Giáo dục nước này – ông Heinz Fassmann đã thông báo về việc mở cửa trở lại các trường học theo từng bước. Theo đó, học sinh năm cuối sẽ quay trở lại trường học trước tiên còn lớp học cũng sẽ được chia làm hai nhóm để bảo đảm sự giãn cách. Chính phủ Áo cũng lên kế hoạch cho phép các cửa hàng được hoạt động trở lại từ ngày 1/5 tới.
WHO và các đối tác thúc đẩy phát triển công nghệ y tế chống COVID-19
Ngoài những thông tin đáng khích lệ về kiềm chế sự lây lan của đại dịch, trong tuần qua, thế giới đón nhận một thông tin tích cực từ châu Âu liên quan tới việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dưới sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo và đối tác toàn cầu đã phát động một sáng kiến quốc tế mang tính bước ngoặt, nhằm thúc đẩy việc phát triển các công nghệ y tế chống COVID-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tin tưởng rằng, sáng kiến này có thể giúp bảo đảm rằng, tất cả mọi người đều được tiếp cận với mọi công cụ để đánh bại COVID-19.
“Đây là một sự phối hợp mang tính bước mặt để thúc đẩy việc phát triển, sản xuất và phân phối công bằng vắc-xin, các dụng cụ chẩn đoán và phác đồ điều trị COVID-19” – ông Ghebreyesus nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định nước này sẵn sàng phối hợp và sẽ đóng góp đáng kể cho một hội nghị về COVID-19 dự kiến diễn ra vào đầu tháng tới. “Chúng ta chỉ có thể đánh bại con virus này nếu như chúng ta cùng hợp lực và hình thành nên một liên minh mạnh mẽ” – bà Merkel bày tỏ.
Như vậy, cho tới nay, cuộc chiến chống COVID-19 không chỉ nhận được sự hưởng ứng, chung tay góp sức từ nhiều nước mà còn từ nhiều tổ chức cùng các quỹ trên thế giới, trong đó có Global Fund, UNITAID, Wellcome Trust, Quỹ Bill and Melinda Gates và Ngân hàng Thế giới (WB)… Với những nỗ lực này, cùng những bước tiến khoa học khi vắc-xin chống COVID-19 do trường đại học Oxford (Anh) nghiên cứu đã bước vào công đoạn thử nghiệm lâm sàng vào cuối tuần trước, những hy vọng về việc đẩy lùi dịch bệnh đang được thắp sáng.
Theo số liệu thống kê do worldometers.info công bố sáng sớm 27/4, thế giới ghi nhận 2.993.203 ca nhiễm COVID-19, với 206.914 ca tử vong và 877.409 ca phục hồi sau dịch bệnh. Mỹ hiện đang đứng đầu bảng thống kê, với 987.100 người nhiễm COVID-19 và 55.412 ca tử vong.
Hiện tổng số ca nhiễm tại châu Âu là 1.276.808 trường hợp, với 121.885 ca tử vong. Nước chịu tác động nặng nề nhất bởi COVID-19 tại “lục địa già” hiện vẫn là Tây Ban Nha, với 226.629 ca nhiễm bệnh và 23.190 ca tử vong.
Tính đến sáng 27/4, số các ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ là 1.064.543 trường hợp, với 59.954 ca tử vong.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 472.267 trường hợp. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 293 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 17.224 trường hợp. Thổ Nhĩ Kỳ đang là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 110.130 ca nhiễm và 2.805 ca tử vong.
Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 32.657 trường hợp, với 1.426 ca tử vong.
Thụy Điển hy vọng sớm đạt ‘miễn dịch cộng đồng’
Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Olofsdotter tin rằng đa số dân Stockholm sẽ nhiễm nCoV và đạt “miễn dịch cộng đồng” vào tháng 5.
“Khoảng 30% dân số Stockholm đã đạt một mức độ miễn dịch nhất định. Chúng tôi có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ở thủ đô vào đầu tháng tới”, đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Ulrika Olofsdotter phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngày 26/4.
“Miễn dịch cộng đồng” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc người dân trở nên miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm nhờ phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc được tiêm vaccine. Một số chuyên gia tin rằng ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng của Covid-19 là khi 60% dân số bị nhiễm virus.
Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy người phục hồi sau khi nhiễm nCoV thực sự đạt khả năng miễn dịch trước loại virus này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết giả thuyết người nhiễm nCoV có thể đạt được miễn dịch vẫn chưa được chứng minh, đồng thời khuyến cáo các quốc gia không nên cấp “giấy chứng nhận miễn dịch” cho người từng nhiễm nCoV do tình trạng tái dương tính.
Đại sứ Olofsdotter thừa nhận vẫn cần thêm các nghiên cứu và thử nghiệm để tìm ra câu trả lời về khả năng miễn dịch với Covid-19, nhưng tin rằng chiến lược hướng tới “miễn dịch cộng đồng” của Thụy Điển đang gặt hái thành công, giúp nước này chống lại nCoV mà không cần áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Bà khẳng định chính phủ Thụy Điển sẵn sàng thay đổi chiến lược nếu cần thiết, song hiện chưa có kế hoạch từ bỏ việc theo đuổi “miễn dịch cộng đồng”.
Thụy Điển vẫn cho phép các trường học, nhà hàng và trung tâm thương mại mở cửa, dù đã ban hành các hướng dẫn cách biệt cộng đồng, khuyến cáo hạn chế đi lại không cần thiết và đề nghị những người trên 70 tuổi ở nhà. Giới chức cũng cấm các cuộc tụ tập hơn 50 người và các chuyến thăm viện dưỡng lão.
Phần lớn dân Thụy Điển chấp hành và làm theo khuyến cáo của chính phủ, song giới chức cảnh báo sẽ đóng cửa bất cứ nhà hàng hoặc quán bar nào không thực hiện cách biệt cộng đồng và để khách hàng tụ tập quá đông.
“Tôi không muốn thấy bất cứ nhà hàng ngoài trời chật cứng nào ở Stockholm hay những nơi khác. Nếu không, các cơ sở kinh doanh sẽ bị đóng cửa”, Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Mikael Damberg nói ngày 24/4.
Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển (Folkhalsomyndigheten) cho biết nước này ghi nhận 18.640 ca nhiễm, trong đó 2.194 người chết. Số liệu cho thấy tình hình Covid-19 tại Thụy Điển không tốt lắm khi so sánh với các quốc gia Bắc Âu khác.
Thêm nhiều bang Mỹ bắt đầu dỡ phong tỏa
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì sự tấn công của virus corona chủng mới, với tổng số ca nhiễm (985.062 người) và số trường hợp tử vong (55.357 người) tính đến sáng 27/4 đều cao nhất thế giới. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 24.000 ca nhiễm mới Covid-19 cùng 1.101 trường hợp tử vong vì dịch. Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm mầm bệnh nguy hiểm đã giảm đáng kể ở nhiều “điểm nóng” về dịch, kể cả tâm chấn New York.
Hơn 90% dân số Mỹ từng phải tuân thủ các biện pháp phong tỏa bắt buộc cùng lúc để dập dịch. Song, một số bang đã bắt đầu dỡ bỏ các sắc lệnh trên từ cuối tuần trước. Theo AP, các bang Georgia, Oklahoma, Alaska và Nam Carolina đã cho phép một số doanh nghiệp tái mở cửa.
Tại bang Montana, các nhà thờ bắt đầu khôi phục hoạt động từ ngày 26/4, trong khi các nhà hàng và trường học dự kiến sẽ tái mở cửa vào ngày 7/5. Thống đốc bang Colorado thông báo, các xe bán lẻ ven đường có thể hoạt động trở lại từ đầu tuần này, nhưng các tiệm cắt tóc, quán xăm sẽ tái mở cửa muộn hơn vào ngày 1/5.
Bang Tennessee cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại vào ngày 27/4, cùng thời điểm lệnh phong tỏa bắt buộc ở bangMississippi hết hiệu lực.
Tuy nhiên, các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch New York và Michigan tuyên bố sẽ duy trì sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà để phòng chống Covid-19 tới ít nhất giữa tháng 5.
Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm đặc trách Covid-19 của Nhà Trắng cho biết, chính phủ sẽ duy trì khuyến cáo người dân tiếp tục thực thi giãn cách xã hội trong suốt mùa hè để đảm bảo công tác dập dịch thành công.
Châu Âu dè dặt nới lỏng các biện pháp hạn chế
Dịch Covd-19 có dấu hiệu chững lại ở châu Âu khi một số nước từng là “điểm nóng” chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 giảm mạnh.
Italia ghi nhận 260 ca tử vong vì virus corona chủng mới trong vòng 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong ngày kể từ giữa tháng 3, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc tính đến sáng 27/4 lên 26.644 người trong tổng số gần 198.000 ca nhiễm Covid-19.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã công bố lộ trình khôi phục nền kinh tế đất nước sau 7 tuần áp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus. Cụ thể, các nhà máy, công trường xây dựng và các doanh nghiệp bán buôn có thể hoạt động trở lại ngay sau khi triển khai các biện pháp an toàn phòng chống Covid-19. Từ ngày 4/5, các công viên và vườn quốc gia sẽ tái mở cửa, các đám tang được phép tổ chức, các vận động viện được phép khôi phục hoạt động và người dân có thể đi thăm họ hàng sống trong cùng một vùng.
Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, các bảo tàng và cửa hàng sẽ khôi phục hoạt động từ ngày 18/5, còn các nhà hàng, quán cà phê và salon làm đẹp từ ngày 1/6.
Tuy nhiên, ông Conte cảnh báo, nếu người dân ra đường không đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp giãn cách cộng đồng, dịch Covid-19 có thể tái trỗi dậy lần thứ hai và gây tổn hại khôn lường.
Tại Tây Ban Nha, “ổ dịch” lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với 226.629 ca nhiễm và 23.190 trường hợp tử vong vì Covid-19, các quan chức y tế đã công bố các kế hoạch hành động hướng tới “trạng thái bình thường mới” khi số người thiệt mạng vì dịch của nước này trong 24 giờ qua lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 300 người sau nhiều tuần.
Chính phủ Tây Ban Nha ngày 26/4 đã cho phép trẻ dưới 14 tuổi lần đầu tiên được ra ngoài tập thể dục kể từ giữa tháng 3. Thủ tướng Pedro Sánchez cho biết, người lớn cũng sẽ được phép ra ngoài tập thể dục từ cuối tuần này.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã trở lại làm việc tại trụ sở chính phủ ở Phố Downing tối 26/4 sau khi thoát khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra và hồi phục sức khỏe. Hai tờ báo lớn ở đảo quốc sương mù đưa tin, ông Johnson có thể sớm công bố nới lỏng các biện pháp phong tỏa đất nước.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hàng đầu Anh như giáo sư John Edmunds, thành viên nhóm chuyên gia ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ cảnh báo, số các trường hợp nhiễm virus vẫn cao không cho phép nước này sớm dỡ bỏ hay nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Tính đến sáng 27/4, Anh đã có gần 153.000 người dương tính với virus corona chủng mới và 20.732 người thiệt mạng.
CNN trích dẫn thông cáo của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này có thêm 1.990 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 26/4, mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 26.496 người. Nước đông dân thứ hai trên thế giới hiện ghi nhận 824 trường hợp tử vong vì dịch, trong đó bang miền tây Maharashtra là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Để ứng phó với dịch bệnh hoành hành, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 3/5. Song, nhà chức trách hiện cũng bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế, cho phép người dân thu hoạch mùa màng và một số cửa hàng kinh doanh không thiết yếu mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, phát biểu trên đài truyền thanh quốc gia, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm lệnh phong tỏa vì họ mới “ở giữa cuộc chiến chống Covid-19” và số ca mắc virus vẫn không ngừng tăng lên.
Hội đồng nghiên cứu Y khoa Ấn Độ thống kê, tính đến ngày 26/4, nước này đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho tổng cộng 625.309 trường hợp.
– Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận thêm 11 ca nhiễm Covid-19 và không có thêm ca tử vong, nâng tổng số nhiễm tại đại lục lên 82.827 người và 4.632 trường hợp thiệt mạng vì dịch. Đáng nói, thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát và là tâm chấn của dịch, hiện không còn ca bệnh Covid-19 nào tại các bệnh viện sau khi cho xuất viện 12 bệnh nhân cuối cùng hôm 26/4.
– Chỉ trong vòng vài giờ sau khi tuyên bố sẽ dỡ bỏ các lệnh giới hạn toàn quốc nhằm dập dịch Covid-19 từ ngày 27/4, Chính phủ Sri Lanka đã thu hồi lại quyết định và thông báo sẽ kéo dài những biện pháp trên thêm một tuần, tới ngày 4/5. Lãnh đạo quân đội Sri Lanka cũng ra lệnh cho các quân nhân phải hủy nghỉ phép và quay trở lại làm việc ngay lập tức. Động thái bắt nguồn từ việc số ca nhiễm mới Covid-19 ở nước này tiếp tục tăng mạnh, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên ít nhất 505 người với 7 trường hợp đã tử vong.
– Các quan chức Iran thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này chỉ có thêm 60 người thiệt mạng vì Covid-19, mức tử vong trong ngày thấp nhất nhiều tuần qua. Tính đến hết ngày 26/4, Iran vẫn là “ổ dịch” lớn nhất Trung Đông với gần 91.000 ca dương tính với virus corona chủng mới và 5.710 bệnh nhân đã tử vong.
– Để thử nghiệm nới lỏng các biện pháp hạn chế chống Covid-19 cũng như vực dậy nền kinh tế đang điêu đứng vì dịch, Israel đã cho phép một số doanh nghiệp tái mở cửa hôm 26/4 và đang cân nhắc cho trẻ em quay trở lại trường học. Song, cùng ngày, nhà chức trách đã áp lệnh phong tỏa đối với hai thị trấn còn các ổ dịch lớn. Chính phủ Do Thái cũng thông qua gói cứu trợ 80 tỷ shekel (23 tỷ USD) nhằm giúp nền kinh tế chống chọi với khủng hoảng khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng đến hơn 27%.
– Bộ trưởng Y tế Israel Yaakov Litzman tuyên bố sẽ từ chức trước những lời chỉ trích về cách ông xử lý cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra cũng như việc bản thân ông bị nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Theo báo Guardian, 201 bệnh nhân Covid-19 ở Israel đã tử vong trong tổng số 15.443 ca nhiễm trên toàn quốc.
– Ảrập Xêút hôm 26/4 đã bắt đầu nới lỏng lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 9-17h hàng ngày, nhưng vẫn duy trì việc phỏng tỏa suốt 24 giờ đối với thành phố thánh địa Mecca và các khu dân cư đã bị cách ly trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới. Quốc gia này hiện ghi nhận 17.522 ca mắc Covid-19 với 139 trường hợp đã tử vong. Riyadh mới đây ký một thỏa thuận trị giá 264 triệu USD với Trung Quốc để thực hiện 9 triệu xét nghiệm Covid-19 cho người dân nước này.
– Chile tuyên bố sẽ không từ bỏ kế hoạch phát hành “chứng nhận miễn dịch” đối với các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sau điều trị, bất chấp việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hiện chưa rõ con người liệu có khả năng miễn dịch với virus cororna chủng mới sau khi nhiễm mầm bệnh này hay không.
Tổng hợp-TT