VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Putin thay đổi bàn cờ chính trị thế giới năm 2016 như thế nào?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những bước đi chiến lược về vấn đề Syria, mối quan hệ sóng gió với NATO hay sẵn sàng hàn gắn quan hệ với Mỹ và nỗ lực hướng Đông trong năm 2016.

“Tài tình” trong ván cờ Syria

Chiến đấu cơ của Nga tại Syria. Ảnh: AFP

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria từ ngày 30/9/2015, sau khi Moscow nhận được đề nghị chính thức từ Damascus. Giới lãnh đạo Nga tuyên bố, chiến dịch không kích là nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố, giúp ổn định tình hình Syria, mở đường cho một giải pháp chấm dứt khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông. Moscow đã đồng thời mở hai mặt trận quân sự và ngoại giao trong “ván bài” Syria, trong đó quân sự là công cụ đòn bẩy then chốt để hướng các bên liên quan đi đến bàn đàm phán mà ở đó Nga là nhân tố quyết định hàng đầu, theo BaoDatViet.

Trận chiến chống khủng bố được Nga thực hiện một cách bài bản. Moscow đã tạo lập được một liên minh ngay trước khi tung đòn quân sự. Các cuộc không kích diễn ra với cường độ mạnh, sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao, Nga tạo thế để lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar Al-Assad đẩy nhanh chiến dịch phản kích quy mô lớn trên hướng nam và hướng tây, giành lại quyền kiểm soát ở nhiều khu vực từ tay quân khủng bố, lực lượng nổi dậy.

Nhiều bên “đối địch” với Nga cũng thừa nhận kết quả khả quan này. Do vậy, tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đẩy các bên liên quan buộc phải có những bước chuyển về ngoại giao. Đó là lý do mà người ta thấy giới chức cấp cao từ Mỹ, EU, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp có các cuộc tham vấn, tiếp xúc với Moscow.

Tới tháng 3, Tổng thống Nga Putin khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi bất ngờ tuyên bố rút “phần lớn” lực lượng quân sự hiện diện ở Syria suốt hơn 5 tháng qua. Các chuyên gia tập trung phân tích bước đi bất ngờ này của Moscow và cho rẳng việc ông Putin ra lệnh rút quân khỏi Syria có vẻ như là một bước đi mang tính chiến lược để duy trì vị thế của Nga tại bàn đàm phán hòa bình ở Geneva. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy Moscow không phải là bên “cố sống cố chết” giữ bằng được chính quyền Syria hiện nay.

Tháng 10, Nga điều tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cùng đội tàu hộ tống hùng mạnh gồm 7 tàu chiến khác lên đường tới Syria để chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Qua việc điều “át chủ bài” tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến vùng biển ngoài khơi Syria, Nga quyết định tăng cường sự hiện diện và sức mạnh quân sự tại quốc gia có vị trí địa chính trị trọng yếu tại Trung Đông. Động thái của Nga khiến Mỹ và phương Tây đặc biệt chú ý. Theo CNN, đây là “thông điệp mang tính biểu tượng của Moscow” và qua đó, Nga đã gửi cho thế giới “tín hiệu mạnh mẽ” về sự hiện diện quân sự của mình tại Syria.

Một toan tính khác đáng chú ý của Putin tại chính trường Syria trong năm qua là việc tổng thống Nga muốn không quân nước này ở lại căn cứ Hmeymim vô thời hạn. Các chuyên gia nhận định động thái của Nga muốn củng cố thêm vị trí của mình tại Trung Đông. Còn giới quân sự nhận định, Nga đang coi Syria là “sân khấu” quảng bá vũ khí. Đây được xem như là một tính toán khôn ngoan của Điện Kremlin khi một mũi tên trúng nhiều đích.

Kaliningrad – con bài để Nga “đe” phương Tây

Ngày 21/11, Nga tuyên bố tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ phía Tây nằm tách rời Nga, tiếp giáp với Ba Lan và Litva, để đối phó kế hoạch tăng cường lực lượng của NATO ở Đông Âu. Bộ Ngoại giao Mỹ lập tức cho rằng, việc Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 và “kẻ hủy diệt” Iskander tại vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga “đang gây bất ổn định đến an ninh của châu Âu”.

Trên tờ News.com.au của Australia, Tiến sĩ Igor Sutyagin, chuyên gia về Nga thuộc Viện Royal United Services, đã đưa ra một số nhận định về động thái này. Theo ông, Tổng thống Nga Vladimir Putin “rất tài tình” trong việc sử dụng chiến thuật tâm lý với đối thủ. “Những gì Kremlin đang làm hiện nay là thể hiện ý chí của họ mạnh mẽ hơn ý chí của phương Tây. Tất cả những chiến thuật như cảnh báo, triển khai là cách thức rèn luyện ý chí đó. Nó có mục đích chứng tỏ Nga sẽ mạnh hơn, không thể ngăn cản”, ông nói.

Theo Tiến sĩ Sutyagin, bản thân việc triển khai trên không làm thay đổi nhiều lập trường quân sự vì Nga cần phải thay thế các tên lửa đã lỗi thời đặt ở đây từ những năm 1970. Tuy nhiên, thời điểm triển khai có thể hiểu là một thông điệp phát đi trong lúc trật tự chính trị ở Mỹ đang có biến động. “Đó là một thông điệp rằng: chúng tôi mạnh mẽ và các bạn cần phải coi trọng chúng tôi, nhằm tạo ra một thẻ mặc cả nào đó với chính quyền mới của Mỹ”, ông Sutyagin nhận định.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Putin có những toan tính đưa Kaliningrad trở thành “con bài” để Nga “đe” phương Tây. Năm ngoái, Moscow liên tiếp thực hiện những cuộc tập trận khiến phương Tây cảm thấy bất an và cho rằng đây là những hành động của Moscow nhằm vào liên minh. Nhiều năm qua, Nga đã sử dụng Kaliningrad để khiêu khích và cảnh cáo phương Tây, theo Moscow Times.

Với việc Nga triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander tại Kaliningrad để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, có thể thấy mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa Nga và NATO tiếp tục đứng trước những chông gai mới.

Hàn gắn quan hệ với Mỹ, tiếp tục hướng Đông

Quan hệ của Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga là một trong những chủ đề được quan tâm trong mùa bầu cử Mỹ 2016. Tỷ phú bất động sản Mỹ ca ngợi Putin là một nhà lãnh đạo cứng rắn còn ông chủ Điện Kremlin dành lời khen đối phương “thông minh”, đồng thời dự đoán ông Trump sẽ nhanh chóng thấu hiểu trọng trách của mình trên  cương vị tổng thống.

Trong thông điệp liên bang hôm 1/12, Tổng thống Putin tái khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với chính phủ của ông Donald Trump ngay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2017.

Có thể thấy ông Trump và ông Putin tìm thấy được nhiều điểm chung. Cả hai ông dường như đều nhìn thế giới qua lăng kính tương tự nhau: trò chơi “một mất một còn” và đối thủ thì ở khắp nơi. Theo nhà báo Masha Gessen, Putin cho rằng Nga bị đối thủ bao vây và công việc của một tổng thống là phải đủ mạnh để xua đuổi các mối đe dọa đó. Trong khi đó, Trump cũng thấy Mỹ đang phải đối mặt với một thế giới đầy kẻ thù và đối thủ, với các nhà lãnh đạo “khôn ngoan” hơn Mỹ rất nhiều.

Việc Putin và Trump thường dành cho nhau “lời đường mật” và hứa hẹn hàn gắn mối quan hệ Nga Mỹ khiến NATO lo ngại. Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump từng nói sẽ xem xét liệu Mỹ có công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hay không. Phát biều này đặc biệt khiến NATO lo ngại. Nếu ông Trump biến lời nói này thành hiện thực thì đây sẽ là “món hời lớn” với chính quyền Tổng thống Putin.

Trong khi đó, khi kinh tế Nga phát triển chậm lại, Moscow không muốn từ bỏ thực hiện kế hoạch “chuyển hướng sang châu Á”. Viettimes.vn dẫn nhận định của học giả chính trị, cựu quan chức ngoại giao M. Bhadrakuma viết trên tờ Thời báo châu Á cho rằng, việc “chuyển hướng sang châu Á” của Nga là một “sản phẩm phụ”, căn nguyên là quan hệ với phương Tây xấu đi và chính quyền Nga nhận thức được rằng: Đến nay châu Á là trung tâm tăng trưởng kinh tế của thế giới.

Giữa vòng xoay chuyển hướng đó, người ta dễ nhận thấy Moscow đang xích lại gần Trung Quốc. Trong thông điệp liên bang vừa qua, Tổng thống Putin cũng dành nhiều lời khen ngợi cho quan hệ hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc, gọi đây là hình mẫu của các quan hệ quốc tế nói chung dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi. Ông Putin cũng nói “rất hài lòng” khi thấy quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp.

Khi thực hiện chính sách “hướng Đông”, mong muốn của Nga giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế của nước này vào phương Tây (và đặc biệt là châu Âu). Một lý do khác là sức thu hút của các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Nguồn Tintuc-TT