Truyền thông và nhiều chuyên gia cho rằng chính sự chủ quan của chính quyền Ấn Độ đã khiến hệ thống y tế nước này gần như kiệt quệ trước làn sóng Covid-19 mới.
Một bệnh nhân với bình oxy chờ được nhập viện LNJP ở New Delhi hôm thứ Năm. (Ảnh IndianExpress: Tashi Tobgyal)
Trong khi nhiều quốc gia đang bắt đầu hồi phục kinh tế sau đại dịch, Ấn Độ lại đang chật vật đối phó với làn sóng Covid-19 mới với những thiệt hại còn tồi tệ hơn tình trạng gần một năm trước đây.
Quốc gia Nam Á là nơi ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày hàng đầu thế giới, tốc độ lây nhanh cũng đứng đầu với nhiều loại biến chủng phức tạp.
Có đến 2,7 triệu liều vaccine được cấp tới người dân Ấn Độ mỗi ngày, nhưng mới chỉ có 10% dân số nước này được tiêm 1 trong 2 liều bắt buộc. Hậu quả là đến ngày 23/4, Ấn Độ đã có tới 15,9 triệu người nhiễm bệnh và 184.657 trường hợp tử vong.
Đợt tăng đột biến virus trong 2 tháng qua đã khiến hệ thống y tế Ấn Độ rơi vào trạng thái kiệt quệ: Các bệnh viện quá tải bệnh nhân nhưng thiếu nhân viên y tế, tình trạng thiếu máy thở nghiêm trọng,… Số ca tử vong gia tăng nhanh đến nỗi nhiều nhà hỏa táng quá tải và một số phải thiêu tại nghĩa địa bằng củi.
Sự chủ quan của chính quyền
Theo AP, nhà chức trách Ấn Độ đã chủ quan khi các ca nhiễm tại đây bắt đầu giảm từ tháng 9 năm ngoái. Số ca bệnh giảm trong 30 tuần liên tiếp, tuy nhiên bất ngờ tăng vọt trở lại từ giữa tháng 2.
Các nhân viên y tế mang thi thể một nạn nhân Covid-19 đi hỏa táng ở New Delhi. Bức ảnh được chụp vào ngày 19 tháng 4 năm nay. Ảnh: AP
Ông K Srinath Reddy, chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ cho rằng Ấn Độ đã bỏ lỡ thời cơ vàng để tăng cường hệ thống y tế – vốn đã không được chú trọng trong nhiều năm qua để chuẩn bị cho các làn sóng Covid-19 mới. Theo AP, số tiền chi ngân sách cho y tế của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới.
Các nhà phê bình thì chỉ trích Chính phủ khi không tạm dừng các lễ hội tôn giáo hoặc các cuộc bầu cử của người theo đạo Hindu, một trong những nguyên nhân chính gây nên đợt bùng phát Covid-19 mới trong 2 tháng vừa qua.
“Các nhà chức trách trên khắp Ấn Độ đã đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu”, ông K Srinath Reddy nói với AP.
Tầm nhìn ngắn hạn
Tiến sĩ Vineeta Bal, một nhà khoa học tại tại Viện Nghiên cứu và Giáo dục Khoa học Ấn Độ nhận định nhà chức trách Ấn Độ đã không có tầm nhìn lâu dài về đại dịch.
Trong đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên năm 2020, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp đối phó mang tính tạm thời như giãn cách toàn quốc để ngăn bệnh viện quá tải. Nước này cũng kí hợp đồng ngắn hạn với nhiều nhân viên y tế, mở các bệnh viện dã chiến để tạm đối phó với Covid-19.
Tuy nhiên sau khi tạm kiềm chế được Covid-19, các nhà chức trách đã bỏ qua giải pháp lâu dài để phòng chống đại dịch như tăng thêm nhân lực thường xuyên tại các bệnh viện, xây dựng các nhà máy sản xuất máy thở, thuê các chuyên gia hàng đầu để nghiên cứu về hệ thống miễn dịch…
Theo AP, từ tháng 10 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ tuyên bố đang bắt đầu xây dựng các nhà máy sản xuất oxy y tế. Tuy nhiên đã 6 tháng trôi qua mà chưa có nhà máy nào được hoạt động. Điều này khiến đại dịch càng có điều kiện hoành hành tại quốc gia này.
Tình trạng thiếu oxy y tế và máy thở tại Ấn Độ nghiêm trọng đến nỗi tại một số nơi, chính quyền một bang cáo buộc một bang khác đã chặn xe bồn chở oxy để đáp ứng nhu cầu sử dụng tại địa phương.
Điều gì đang chờ đợi Ấn Độ?
Tin tốt với Ấn Độ là nước này là một trong những nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới. Ấn Độ hiện đã tuyên bố ngừng xuất khẩu vaccine từ hồi tháng 3 để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nhưng vấn đề là với dân số lên tới gần 1,4 tỷ người, việc sản xuất đủ cho nhu cầu nội địa vẫn là một thử thách lớn với các nhà sản xuất vaccine nước này.
“Tiêm phòng là biện pháp tốt giúp làm chậm sự lây lan của virus. Tuy nhiên biện pháp này phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai cũng như nguồn cung của vaccine”, ông K Srinath Reddy, chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ nói.
Để đẩy nhanh quá trình tiêm phòng, Ấn Độ đã quyết định cho phép sử dụng tất cả các loại vaccine Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép. Bộ Y tế nước này khẳng định sẽ sớm mở rộng chương trình tiêm chủng lên quy mô 900 triệu người, nhiều hơn dân số của toàn bộ Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ cộng lại.
Mặc dù quá trình tiêm phòng đang được đẩy nhanh, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh yếu tố quyết định để đẩy lùi Covid-19 đến từ hành động của các cá nhân. Các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu và tránh tụ tập đông người vẫn là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 ở Ấn Độ.
Nguồn doanhnhan.vn-TT