Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống D. Trump sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng (Mỹ) (Ảnh chinhphu.vn)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ
Sáng sớm 2/6 theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Sự kiện này được truyền thông Việt Nam, Hoa Kỳ và quốc tế đặc bệt quan tâm.
Trong thời gian 3 ngày (từ 29 – 31/5) tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc với 45 hoạt động. Tại thủ đô Washington DC, Thủ tướng đã cùng Tổng thống Donald Trump hội đàm, với sự tham gia của Phó Tổng thống Mike Pence, các Bộ trưởng, thành viên chủ chốt quan trọng nhất của chính quyền Hoa Kỳ, gặp gỡ báo chí. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kể từ khi hai nước có Ban Lãnh đạo mới.
Cũng tại Washington DC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp, làm việc với Bộ trưởng và Đại diện thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nông nghiệp; điện đàm với 4 nghị sĩ lãnh đạo của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa; dự tiệc chiêu đãi của Chính quyền Hoa Kỳ do Ngoại trưởng Hoa Kỳ chủ trì. Tại New York, Thủ tướng đã gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres  và cùng dự lễ kỉ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Cũng tại New York, Thủ tướng đã gặp gỡ các trí thức, doanh nhân Việt kiều và tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ. Tại các nơi đến thăm, Thủ tướng đã tới thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington…
Trong hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập và giàu mạnh. Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương, và nhất trí rằng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang có rất nhiều cơ hội phía trước. Hai bên khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực phát triển quan hệ hai nước ổn định, lâu dài, xây dựng và cùng có lợi, không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực song phương khác như hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, giao lưu nhân dân, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế quốc phòng – an ninh… Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển trong đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử hiệu quả và có ý nghĩa.
Tổng thống Donald Trump khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Hoa Kỳ – ASEAN; ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017 và cho biết Tổng thống mong đợi chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11 để dự cuộc họp các Nhà Lãnh đạo APEC.
Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hai bên nhất trí, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Liên hợp quốc cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới.
Cũng tại trụ sở Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc trước sự chứng kiến của Tổng Thư ký Antonio Guterres, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Peter Thompson, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc và Đại sứ, Trưởng đại diện của trên 100 phái đoàn các nước. Trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn là một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, tích cực cùng các nước thành viên đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và ủng hộ cải tổ Liên hợp quốc theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch, dân chủ hóa.
Trong thời gian thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như NASDAQ, ExxonMobil, Coca Cola, Nike, Boeing, ASG, McKinsey, General Electrics, Murphy Oil, Hilton… Tham dự các tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư, tài chính Việt Nam – Hoa Kỳ, dự tiệc chào mừng do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) đồng chủ trì với sự có mặt của Bộ trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ và hàng trăm doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam; Thủ tướng đã chứng kiến các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá hơn 8 tỉ USD…
Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đã đến thăm Viện Di sản (Heritage Foundation) – tổ chức uy tín hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu chiến lược độc lập và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình hoạch định, thực thi chính sách của Hoa Kỳ và nhiều vấn đề quốc tế. Tại đây, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng trước đông đảo chính giới, học giả Hoa Kỳ và Đại sứ, đại diện Sứ quán các nước ASEAN về chủ đề “Cơ hội, thách thức đối với hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”. Thủ tướng đã đối thoại cởi mở và trả lời nhiều câu hỏi nêu ra.
Khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 16
Hội nghị cấp cao An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 16 đã khai mạc vào tối ngày 2/6 tại Singapore. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã có bài phát biểu khai mạc dẫn đề tại diễn đàn an ninh quan trọng nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương này.
Theo dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis  sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể vào sáng 3/6 có chủ đề là “Mỹ và an ninh châu Á-Thái Bình Dương”. Trước đó, trên đường tới Singapore, Bộ trưởng James Mattis cho biết ông sẽ nhấn mạnh đến một “trật tự thế giới” cần thiết cho hòa bình tại châu Á, ngụ ý nhắc đến hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên.
Việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hai lần thử hạt nhân từ đầu năm ngoái đến nay đặc biệt gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế và sẽ trở thành vấn đề hàng đầu của Đối thoại Shangri-la năm nay. Vấn đề Biển Đông cũng sẽ được đề cập tới trong phiên thảo luận về “các biện pháp tránh xung đột trên biển”.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho biết Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 sẽ có 5 phiên thảo luận chính thức, thay vì sáu phiên như dự kiến ban đầu, bao gồm: Mỹ và an ninh châu Á-Thái Bình Dương; Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định; Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á-Thái Bình Dương; Xây dựng nền tảng an ninh khu vực chung; Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực.
Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa, Liên hợp quốc tăng cường trừng phạt
Ngày 29/5/2017, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành phóng một tên lửa đạn đạo từ vị trí gần sân bay Wonsan, thuộc tỉnh Gangwon của nước này, trước khi được cho là rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Nhật Bản. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho rằng tên lửa được CHDCND Triều Tiên phóng đi là loại Scud, đã bay được 450 km với độ cao tối đa là 560 km. Seoul cho rằng đây là tên lửa Scud tầm ngắn hoặc tên lửa Scud-ER tầm trung có khả năng tấn công phía Tây Nhật Bản.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên án mạnh mẽ đồng thời tuyên bố sẽ có hành động quyết liệt trước mọi động thái mang tính khiêu khích. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia thảo luận về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên và cam kết phối hợp hành động với quốc tế, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc nhằm kiềm chế các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là vấn đề “gây quan ngại lớn” và là “vấn đề của thế giới” song “sẽ được giải quyết vào một thời điểm nào đó”.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 2/6 đã bỏ phiếu công khai về nghị quyết do Mỹ soạn thảo, theo đó mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để phản ứng trước các vụ thử tên lửa liên tiếp của nước này. Kết quả là toàn bộ 15 nước thành viên HĐBA đã nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt để bổ sung 18 cá nhân và thực thể của Triều Tiên vào “danh sách đen” của Liên hợp quốc.
Liên quan đến hoạt động thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, tháng trước, chính quyền Mỹ đã đề xuất áp những lệnh trừng phạt mạnh hơn như lệnh cấm vận dầu mỏ, cấm vận chuyển hàng hải, hạn chế mậu dịch và cản trở Triều Tiên xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc chỉ xem xét bổ sung các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nếu như Triều Tiên tiến hành thử tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân. Trước khi dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu tại HĐBA LHQ, Mỹ đã đàm phán với Trung Quốc trong 5 tuần. Và đây là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Mỹ và Trung Quốc đạt được một nghị quyết liên quan đến Triều Tiên. Theo kế hoạch ban đầu, HĐBA sẽ tiến hành bỏ phiếu kín về nghị quyết này, song Washington đã thuyết phục được Bắc Kinh đồng ý tiến hành bỏ phiếu công khai, nhằm nhấn mạnh sự phản đối của HĐBA trước thái độ của Bình Nhưỡng bất chấp lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo của LHQ.
Hội nghị thượng đỉnh G7 đạt được nhiều kết quả tích cực
Sau hai ngày họp tại thành phố Taormina  trên đảo Sicily, miền Nam Italy (26 và 27/5/2017), các lãnh đạo của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra một tuyên bố chung về hàng loạt các vấn đề quan trọng toàn cầu.
Đáng chú ý là trên lĩnh vực kinh tế, G7 tái cam kết mở cửa thị trường và chống chủ nghĩa bảo hộ cũng như các hoạt động thương mại không công bằng, đồng thời nhắc lại cam kết về tỷ giá hối đoái (đã được các Bộ trưởng Tài chính G7 nhất trí trước đó).
Bên cạnh đó, trừ Mỹ, tất cả các nước G7 cũng đều cam kết thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh chóng việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, bản thông cáo chung này của G7 còn bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa trên các thực thể tranh chấp.
Những tín hiệu tích cực mà các nước G7 đạt được tại hội nghị này đã thắp lên tia hy vọng về tương lai hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cường quốc nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu.
Tổng thống Nga thăm Pháp
Ngày 29/5/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới thăm Pháp theo lời mời của tân Tổng thống Emmanuel Macron.
Tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Macron đã tập trung thảo luận về vấn đề thúc đẩy quan hệ chính trị – kinh tế và văn hóa song phương, cũng như chống khủng bố, vấn đề Syria, Ukraine và tình hình Bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, Tổng thống Pháp khẳng định sẽ sớm trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel  và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để các bên đưa ra một đánh giá toàn diện về tiến trình thực hiện Thỏa thuận Minsk, với mục tiêu tìm ra giải pháp giảm căng thẳng tại Ukraine.
Chuyến thăm của của Tổng thống Nga tới Pháp và cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo đang tạo ra bước khởi đầu mới để cải thiện mối quan hệ song phương lên mức độ “tin tưởng nhau hơn”.
Tranh luận gay cấn trên truyền hình ở Anh
Tối ngày 31/5/2017, đại diện 7 chính đảng ở Anh đã tham gia cuộc tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình BBC về những vấn đề mà cử tri Anh quan tâm trong cuộc chạy đua nước rút ở tuần cuối cùng trước khi Anh chính thức bước vào cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 8/6/2017 tới đây. Đây là cuộc tranh luận lớn nhất trong chiến dịch tranh cử đang diễn ra tại Anh.
Tại cuộc tranh luận, đại diện các đảng đã trình bày quan điểm về những vấn đề như làm thế nào để nâng được mức sống của người dân; nước Anh làm thế nào để có đủ lao động tay nghề cao thời hậu Brexit; nguồn tiền sẽ được lấy từ đâu để chi cho cải thiện dịch vụ công; làm thế nào để nước Anh được an toàn hơn; và các đảng sẽ dẫn dắt nước Anh như thế nào nếu thắng cử.
Điểm nổi bật của Đảng Bảo thủ trong tranh luận là đảng này vẫn tiếp tục lấy vấn đề Brexit và nhập cư làm điểm mạnh để thu hút cử tri, trong khi Công đảng thì lại tập trung vào vấn đề cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua những chính sách an sinh xã hội như y tế, giáo dục, công bằng xã hội.
Trong suốt cuộc tranh luận, có thể thấy rõ Đảng Bảo thủ cầm quyền đã bị các đảng khác chỉ trích khá nhiều ở các vấn đề. Ngay việc Thủ tướng Anh Theresa May, Chủ tịch đảng Bảo thủ, không tham dự buổi tranh luận mà cử Bộ trưởng Rudd cũng là một lý do khiến các đảng tham gia tranh luận chỉ trích gay gắt.
Đánh bom tàn khốc tại Kabul
Ít nhất 80 người đã thiệt mạng và 350 người khác bị thương trong vụ đánh bom xe vào giờ cao điểm buổi sáng 31/5 tại khu vực ngoại giao đoàn ở thủ đô Kabul của Afghanistan – Bộ Y tế Afghanistan cho biết.số thương vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng, do vẫn chưa có thống kê đầy đủ.
Cảnh sát Afghanistan cho biết, vụ đánh bom sáng 31/5 được mô tả là một trong các vụ tấn công lớn nhất tại thủ đô của nước này, xảy ra ở khu vực Quảng trường Zanbaq, gần nhiều cơ quan chính phủ và các Đại sứ quán nước ngoài.
“Vụ nổ quá lớn đến nỗi phá hủy hết cửa sổ nhà tôi. Tôi chưa từng nghe thấy tiếng nổ nào lớn như vậy”, một người dân ở Kabul có tên Fatima Faizi cho biết.
Theo phát ngôn viên cảnh sát Kabul – ông Basir Mujahid, vụ đánh bom xảy ra ở gần Đại sứ quán Đức, nhưng có nhiều cơ quan, văn phòng khác cũng ở gần đó, “nên thật khó để nói mục tiêu cụ thể là gì”.
Hiện chưa có nhóm nào nhận là thủ phạm của vụ tấn công trên. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra trong bối cảnh nhóm Taliban và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào thủ đô Kabul.
Đây là vụ tấn công mới nhất xảy ra tại thủ đô Kabul. Trong 3 tháng đầu năm 2017, Kabul ghi nhận số thương vong cao nhất do nhiều vụ tấn công xảy ra tại đây, trong đó nạn nhân chủ yếu là những người dân thường.
Vào tháng 4 vừa qua, cuộc tấn công của Taliban nhằm vào một đơn vị quân sự của Afghanistan đã làm ít nhất 140 binh lính thiệt mạng. Đầu tháng 5 này, có 8 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết nhằm vào một phái đoàn của NATO.
Vụ đánh bom sáng 31/5 xảy ra tại khu vực được cho là an toàn nhất ở thủ đô Kabul của Afghanistan  với các Đại sứ quán được bảo vệ bởi hàng chục bức tường và các cơ quan chính phủ được các lực lượng an ninh canh giữ, bảo vệ.
Lũ lụt kinh hoàng tại Sri Lanka
Ngày 26/5, Trung tâm ứng phó thảm họa thiên nhiên của Sri Lanka cho biết, ít nhất 91 người đã thiệt mạng và hơn 100 người mất tích sau khi mưa lũ đổ bộ vào vùng Tây Nam nước này.
Khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hàng loạt vụ sạt lở đất là thành phố Ratnapuram, cách thành phố Colombo và Kalutara 100km về phía Đông Nam.
Hiện quân đội đã được triển khai cho các hoạt động cứu hộ và Bộ Nội vụ nước này cũng đã thiết lập trung tâm cứu trợ 24h.
Những trận mưa lớn suốt tuần qua do ảnh hưởng bởi cơn bão Roanu đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng. Con sông lớn Kalani bị tràn bờ đã nhấn chìm 21 ngôi làng, buộc hàng trăm nghìn người dân di dời. Tổng thống Sri Lanka sau chuyến thị sát ngày hôm qua (22/5) đã yêu cầu tăng cường tối đa nguồn lực để trợ giúp những khu vực ảnh hưởng, đồng thời kêu gọi hỗ trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế.
Văn phòng Chính phủ Sri Lanka cho biết, Tổng thống Maithripala Sirisena đã trở lại Colombo vào đêm 26-5 sau chuyến thăm Australia và chuẩn bị cho một cuộc họp khẩn với các quan chức để bàn về hoạt động cứu trợ./.
 Nguồn ĐCSVN-TT