Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh chinhphu.vn)
Thủ tướng  Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản
Từ ngày 4 – 8/6/2017, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê), Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Nhật Bản tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23 tại Tokyo. Trong thời gian chuyến thăm từ ngày 4-8/6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, gặp gỡ lãnh đạo các giới chính trị, kinh tế Nhật Bản; cùng Thủ tướng Shinzo Abe tham dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đi thăm một số tỉnh ở khu vực Kansai của Nhật Bản
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra tuyên bố chung  46 điểm về  việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản. Tuyên bố chung có đoạn viết:
Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực kể từ khi nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á năm 2014; các chuyến thăm và tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao sự tin cậy chính trị; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng được tăng cường, góp phần thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế; hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, nông nghiệp, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, lao động, xây dựng, thông tin, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân…có nhiều tiến triển thực chất.
Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước hiện nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện chính sách kinh tế Abenomics nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Nhật Bản và tin tưởng rằng sự phát triển của kinh tế Nhật Bản sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế của khu vực và toàn cầu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Nhật Bản, đối tác cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất đã hỗ trợ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội bền vững và xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam; đánh giá cao vai trò và sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác để giải quyết các vướng mắc cản trở việc thực hiện thuận lợi các dự án ODA của Nhật Bản.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau, có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng; nhất trí việc hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nhật Bản tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Thủ tướng Abe đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng quan trọng và những đóng góp tích cực của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực, khẳng định tiếp tục coi trọng vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ Việt Nam – Nhật Bản toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực thông qua việc tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy kết nối kinh tế, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, trao đổi giữa các chính đảng, quốc hội hai nước kể cả tại các diễn đàn, hội nghị đa phương.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước”…
Là quần đảo nằm ở Tây Bắc lòng chảo Thái Bình Dương, ngoài khơi phía Đông lục địa châu Á, lãnh thổ Nhật Bản trải theo một vòng cung hẹp với độ dài 3.800km. Quần đảo Nhật Bản bao gồm hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Với tổng số dân ở khoảng mức 127,1 triệu người, Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ trung bình 83,5, thuộc diện cao nhất thế giới. Hiện tại, mặc dù cũng phải đối mặt với một số khó khăn, song Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới.
Khủng hoảng ngoại giao tại Trung Đông
Sóng gió mới lại nổi lên ở Trung Đông sau khi một loạt quốc gia đã tuyên bố cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng nước này can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, hậu thuẫn khủng bố và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.
 Ngày 5/6, Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đã tuyên bố ngừng tất cả quan hệ ngoại giao với Qatar. Sau đó, các nước gồm Maldives, Ai Cập, Yemen và Libya cũng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như các nước đồng minh trong khu vực và cắt đứt các mối quan hệ bang giao với Qatar.
Điều đáng nói là 5 nước Ả rập gồm: Ả rập Xê út, UAE, Bahrain, Yemen và Ai Cập không chỉ đột ngột đình chỉ các mối quan hệ ngoại giao với Qatar như đã từng làm trong quá khứ mà còn được nâng lên một mức cao hơn khi cắt đứt các hoạt động đi lại bằng đường bộ, đường không và đường biển với Quatar. Tất cả 4 nước còn lại trừ Ai Cập gồm: Ả rập Xê út, UAE, Bahrain và Yemen đều đã chỉ thị các công dân của mình rời khỏi Qatar.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Qatar đã ra tuyên bố tỏ rõ sự tiếc nuối và ngạc nhiên trước động thái được xem là “không công bằng và vô căn cứ” của các nước khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha.
Ngoại trưởng Qatar Mohammad Bin Abdul Rahman Al Thani nêu rõ, quyết định về ngoại giao của các nước vùng Vịnh đã làm dấy lên câu hỏi nghiêm túc về tương lai của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Ba Tư (PGCC). Ông Thani tuyên bố, Qatar sẽ đánh giá lại mối quan hệ giữa nước này với PGCC nếu như nhận thấy có dấu hiệu của sự can thiệp từ phía bên ngoài vào công việc nội bộ của Qatar. Đại diện ngoại giao này tin tưởng người dân Qatar sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình huống mới phát sinh và sẽ tiếp tục duy trì cuộc sống bình thường.
Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Đông thường được ví là “thùng thuốc súng đang trực chờ phát nổ” với các mối đe dọa về khủng bố, cực đoan cùng một loạt cuộc khủng hoảng còn chưa tìm được lối thoát. Điều này lại càng nhấn mạnh vai trò của những nỗ lực ngoại giao nhằm dập tắt cuộc khủng hoảng vừa bùng phát trong khu vực nhằm tránh kịch bản Trung Đông sẽ bị đẩy vào một tình huống mới, với những khó khăn chồng chất.
Khai mạc kỳ họp thường kỳ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ 35
Ngày 6/6, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) khai mạc kỳ họp thường kỳ lần thứ 35 tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ).
Kỳ họp lần này của Hội đồng Nhân quyền sẽ kéo dài đến ngày 23/6, với chương trình nghị sự bao gồm các buổi đối thoại với đại diện Ủy ban quốc tế điều tra độc lập về Syria, các báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền tại Belarus, Burundi, Eritrea và Myanmar. Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân quyền cũng sẽ có các buổi đối thoại, cập nhật thông tin về tình hình nhân quyền tại Congo, Côte d’Ivoire, Ukraina, Palestine và các vùng lãnh thổ Ả rập bị chiếm đóng, về giám sát thực hiện nghị quyết liên quan đến hợp tác với Georgia trong vấn đề nhân quyền.
Chương trình nghị sự của kỳ họp lần này cũng có các thảo luận thường niên về quyền của phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực với phụ nữ, sự tham gia của nam giới và các trẻ em trai vào việc ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, về tình hình thực hiện Chương trình phát triển bền vững 2030 liên quan đến sức khỏe và bình đẳng giới.  Nâng cao năng lực trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, trẻ em và trẻ vị thành niên di cư một mình và quyền con người, quyền được giáo dục, vấn đề nghèo đói, nạn buôn người… cũng là các chủ đề thảo luận của kỳ họp Hội đồng Nhân quyền lần thứ 35. Hội đồng Nhân quyền còn có những thảo luận chuyên đề về hợp tác kỹ thuật với chủ đề “ Một thập kỷ hợp tác kỹ thuật và tăng cường năng lực cho Hội đồng Nhân quyền: những thách thức và hướng đi trong tương lai”.
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc,Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự sự kiện này.
Việt Nam đã kết thúc 3 năm nhiệm kỳ thành viên HĐNQ cuối tháng 12/2016. Tại kỳ họp này, với tư cách quan sát viên HĐNQ, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động và tham gia tích cực vào công việc của HĐNQ, đặc biệt là tham gia Nhóm nòng cốt xây dựng nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp, đồng thời tham gia thảo luận tại một số  đề mục quan trọng của khoá họp, cũng như tham gia đàm phán xây dựng các nghị quyết khác của HĐNQ. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tổ chức 01 sự kiện bên lề khóa họp là Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu. /.
Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu
Ngày 1-6-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ông coi đây là “một hiệp định tồi” vì cho rằng hiệp định này bất công đối với Mỹ, làm giảm việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.
Với bước đi này, tổng thống Trump đã hiện thực hóa cam kết tranh cử song điều này được cho là cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.
Và ngay lập tức, dư luận nội bộ Mỹ và các nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng phản đối quyết định trên của tổng thống Trump vì cho rằng quyết định này sẽ gây ra những “hậu quả tai hại” cho Trái Đất.
Trước đó, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên. Khi đó, văn bản này đã đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử nhận được sự tham gia mạnh mẽ và đông đảo, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu. Theo qui định, một nước thành viên có thể chính thức rút khỏi hiệp định sớm nhất là tháng 11-2020.
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử xã, phường
Ngày 5-6-2017, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã thông báo kết quả ban đầu tại 1.646 xã, phường sau cuộc bầu cử diễn ra ngày 4-6. Theo đó, đảng cầm quyền CPP đã giành chiến thắng tại 1.163 xã, phường, trong khi đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đứng ở vị trí thứ hai với chiến thắng ở 482 xã, phường. Đảng Khmer hòa hợp dân tộc chỉ giành được thắng lợi ở 1 xã.
Chiến thắng của CPP là một minh chứng cho thấy người dân Campuchia tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền cũng như Thủ tướng Hun Sen. Nó phản ánh sự lựa chọn rõ rệt của cử tri “đất nước chùa tháp” mong muốn duy trì sự ổn định và thịnh vượng có được từ sau khi CPP lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ diệt chủng năm 1979. Với thắng lợi này, CPP có bước khởi đầu suôn sẻ, tự tin bước vào cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018 tới đây, tiếp tục giành thắng lợi, theo đuổi sứ mệnh vì người dân Campuchia.
Montenegro chính thức gia nhập NATO
Ngày 5-6-2017, Montenegro đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trở thành thành viên thứ 29 của tổ chức này. Với Montenegro, đây là sự kiện lịch sử, là bước đi nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và có thể là cả sự thịnh vượng. Còn với NATO, quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này có ý nghĩa chiến lược. Gia nhập NATO, việc kết nạp thêm Montenegro sẽ giúp NATO hoàn tất sự hiện diện của mình ở vùng biển Adriatic sau khi Hy Lạp, Albania và Croatia đều đã là các nước thành viên của khối.
Tuy nhiên, động thái này cũng sẽ khiến Mongtenegro phải đối mặt với sự trả đũa mạnh mẽ từ Nga và khiến nội bộ quốc gia Balkan này thêm chia rẽ. Với Nga, việc Montenegro gia nhập NATO được xem như “hành động đe dọa an ninh của Nga”. Trước hành động của Montenegro, Nga đã cảnh báo sẽ đáp trả động thái mở rộng biên giới tới sát Nga này của NATO.
Trong khi đó, với người người dân Montenegro, việc tham gia NATO cũng được cho là có thể gây chia rẽ nội bộ nước này, bởi trước đây nước này vốn vẫn được xem là thành trì của Nga. Một khảo sát dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ và phản đối Montenegro gia nhập NATO vẫn ở mức gần như tương đương, 39,5% và 39,7%.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm về vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Iran
Ngày 7-6-2017, các hãng truyền thông Iran cho biết 4 tay súng đã xông vào tòa nhà Quốc hội Iran và nổ súng. Chưa đầy nửa giờ sau, 2 đối tượng có vũ trang khác đã đột nhập và phóng hỏa vào khu lăng mộ của cố lãnh tụ cách mạng Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini ở phía Nam thủ đô Tehran, cách tòa nhà Quốc hội Iran khoảng 20km và bắn bị thương một số người.
Theo báo cáo mới nhất, 17 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong hai vụ tấn công khủng bố trên. Sáu thủ phạm trong hai vụ tấn công trên cũng đã chết tại hiện trường.
Ngay sau đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (Nhà nước Hồi giáo) đã lên tiếng thừa nhận 6 phần tử thuộc tổ chức này đã tiến hành hai vụ tấn công trên. Hai vụ tấn công này được đánh giá là nghiêm trọng nhất tại Iran kể từ những năm đầu bất ổn sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Việc những kẻ tấn công khủng bố đều là người Iran gia nhập Nhà nước Hồi giáo cho thấy các phần tử cực đoan Iran đã cấu kết với Nhà nước Hồi giáo tại những khu vực mà tổ chức này kiểm soát tại Syria và Iraq. Sau những thất bại gần đây của Nhà nước Hồi giáo tại hai nước này, các đối tượng khủng bố đã quay trở lại tấn công Iran.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May không giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn 
Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Vương quốc Anh đã được công bố. Đảng Bảo thủ giành được 318 ghế, mất 12 ghế so với kỳ bầu cử trước, còn Công đảng giành được 262 ghế, tăng 30 ghế so với kỳ bầu cử trước. Dù dẫn đầu, song đảng Bảo thủ của bà May không giành được 326 ghế cần thiết để thành lập chính phủ, do đó, đảng này cho biết có thể sẽ thành lập chính phủ thiểu số với sự hỗ trợ của đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, đảng giành được 10 ghế trong hạ viện.  Đảng Dân tộc Scotland về thứ 3 trong cuộc bầu cử với 35 ghế, giảm 21 ghế so với cuộc bầu cử năm 2015, tiếp đó là đảng Dân chủ tự do tăng thêm 4 ghế, được 12 ghế. Đặc biệt đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) theo đường lối dân túy đã “trắng tay” khi mất ghế duy nhất trong hạ viện.
Trước đó, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã kêu gọi Thủ tướng May từ chức khi ông phát biểu chiến thắng tại khu vực bỏ phiếu ở Islington North. Theo ông, bà May nên ra đi và mở đường cho một “chính phủ thực sự đại diện cho đất nước”.
Thất bại của đảng Bảo thủ được nhìn nhận có thể dẫn tới một giai đoạn bất ổn chính trị. Sự chậm trễ trong việc hình thành một chính phủ mới có thể trì hoãn và làm xáo trộn các cuộc đàm phán của Anh về việc rút khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, dự kiến bắt đầu vào ngày 19/6 tới. Đó là chưa kể tác động tới nền kinh tế khi tỷ giá đồng bảng Anh sụt giảm so với đồng USD.
Trong khi chờ hoàn tất, kết quả kiểm phiếu nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc thành lập một chính phủ liên minh hoặc thiểu số. Điều đó làm tăng tỉ lệ đặt cược vào khả năng cuộc bầu cử mà bà May kỳ vọng tạo ra một “chính phủ mạnh và ổn định” này sẽ chỉ đem lại bất ổn và tạo cơ hội cho một cuộc bầu cử sớm khác. Mặt khác, kết quả của cuộc bầu cử cũng gây ra những nghi ngờ về vị trí của bà trong vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ, cũng như tạo sức ép từ chức lên nữ chính khách này.
Triều Tiên tiếp tục thử thành công tên lửa chống hạm phiên bản mới
Ngày 9/6, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin Triều Tiên đã phóng thử thành công một loạt tên lửa hành trình đất đối hạm mới trong ngày 8/6. Theo hãng tin trên, các tên lửa này “đã phát hiện chính xác và nhắm trúng các mục tiêu trên Biển Nhật Bản (vùng biển phía Đông Hàn Quốc) sau khi bay vòng quanh các mục tiêu này”.
 Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên từ đầu năm đến nay và là vụ phóng thứ 5 kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hôm 10/5 vừa qua. Cũng theo KCNA, đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo và giám sát vụ phóng thử tên lửa mới này.
Ngay lập tức, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố,  Hàn Quốc sẽ không lùi bước trước bất kỳ sự khiêu khích nào của Triều Tiên. Tuyên bố trên được đưa ra ngày 8/6 trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), bao gồm các thư ký cấp cao của Tổng thống về vấn đề an ninh, Thủ tướng, Giám đốc Cơ quan tình báo, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Thống nhất. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định nước này sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cho người dân. Ông cảnh báo mạnh mẽ rằng Triều Tiên sẽ chỉ tự cô lập mình và chịu thêm các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế do những hành động khiêu khích liên quan tới các vụ phóng tên lửa của nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Moon Jae-in cũng đồng thời bảo lưu lập trường tìm kiếm các kênh đối thoại với Bình Nhưỡng để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nguồn ĐCSVN-TT