– Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Hà Lan; Tổng thống Mỹ D. Trump thăm Pháp; Anh công bố “Luật hủy bỏ” nhằm chấm dứt quy chế thành viên Liên minh châu Âu; Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ trước nguy cơ bùng phát; Thượng viện Brazil thông qua dự luật cải cách lao động gây tranh cãi… là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Vương quốc Hà Lan
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã thăm chính thức làm việc tại Vương quốc Hà Lan từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 7 năm 2017.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm và dự chiêu đãi với Thủ tướng Mark Rutte; gặp Chủ tịch Thượng viện Ankie Broekers-Knol và Chủ tịch Hạ viện Khadija Arib; thăm cảng Rotterdam và làm việc với Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb; thăm Đại học và Trung tâm Nghiên cứu Wageningen; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan và Tọa đàm Bàn tròn Doanh nghiệp, tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Hà Lan. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký Tuyên bố chung Hà Lan – Việt Nam, nêu rõ ý nghĩa chuyến thăm, các kết quả đã đạt được trong hội đàm, hội kiến.
Việt Nam và Hà Lan hài lòng ghi nhận quan hệ hai nước phát triển toàn diện và thực chất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước năm 2010 và Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực năm 2014. Hai Thủ tướng cam kết tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao và trao đổi đoàn, bao gồm tham vấn định kỳ giữa hai Bộ Ngoại giao về các vấn đề cùng quan tâm và có chung lợi ích. Các cơ quan đại diện ngoại giao hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, khi cần thiết, sẽ tham vấn và tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm.
Tuyên bố chung ghi nhận việc Việt Nam và Hà Lan sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2018 và nhất trí hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm sự kiện đặc biệt này.
Trong hội đàm, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ hài lòng với kết quả hợp tác cụ thể trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước. Đặc biệt, hai bên đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong hợp tác cải thiện liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long và trong các chính sách hướng đến sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long. Hai bên cam kết phát huy những thành công trên.
Tuyên bố chung đề cập đến các lĩnh vực hợp tác trong nông nghiệp; thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương; hỗ trợ phát triển ngành hàng không Việt Nam, vận tải thủy nội địa; thúc đẩy đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa các địa phương…
Về các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm, Tuyên bố chung có đoạn nhấn mạnh: “…Hai bên nhận rõ tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng tái tạo. Hà Lan sẵn sàng tham gia vào Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) và mong muốn sẽ được thảo luận với nhóm, đặc biệt về vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả”.
Về Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa họp tại Hamburg, Đức, hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), hợp tác ASEAN – Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, hội nhập kinh tế, tăng trưởng bền vững, bao trùm và thịnh vượng…
Hà Lan và Việt Nam bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác nhằm tranh thủ thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 600 triệu người tiêu dùng của ASEAN; hoan nghênh những tiến triển gần đây trong quan hệ đối tác năng động ASEAN – Liên minh châu Âu trong nhiều lĩnh vực; cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN – Liên minh châu Âu.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Mark Rutte và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng chiến lược của hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; hoàn toàn ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tổng thống Mỹ D. Trump thăm Pháp
Trong hai ngày 13 và 14-7-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm Pháp. Đây là chuyến thăm mang tính biểu tượng nhân kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới thứ I, đồng thời được coi là cơ hội để củng cố mối quan hệ gắn kết giữa hai nước Pháp – Mỹ.
Tại chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề song phương và một số chủ đề nổi bật như các giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria, những chiến lược chống khủng bố ở quy mô lớn hơn, xu hướng bảo hộ và quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Chuyến thăm Pháp lần này của Tổng thống Mỹ Trump mang ý nghĩa quan trọng, cho phép tái khẳng định những mối liên hệ lịch sử đã gắn kết hai nước Pháp và Mỹ cũng như gắn kết Mỹ với châu Âu. Trong bối cảnh chính quyền Washington đang khiến châu Âu bất bình sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, chuyến thăm này cho thấy cả Mỹ và Pháp cùng mong muốn gạt sang một bên những bất đồng. Đồng thời là cơ hội để hai nước tìm kiếm sự đồng thuận và từ đó tạo điều kiện tốt cho mối quan hệ liên Đại Tây Dương.
Anh công bố “Luật hủy bỏ” nhằm chấm dứt quy chế thành viên Liên minh châu Âu
Ngày 13/7, Anh đã công bố dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là “Luật Hủy bỏ”, nhằm chính thức chấm dứt quy chế thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu.
Dự luật trên được công bố trên trang web Quốc hội Anh, trong đó dòng đầu tiên của dự luật viết rằng “hòn đá tảng” pháp lý về quy chế thành viên của Anh – “Luật Cộng đồng châu Âu 1972” – sẽ “bị vô hiệu vào ngày ra đi”.
Dự luật hủy bỏ là trọng tâm trong kế hoạch của chính phủ nhằm đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2019, tạo cơ chế cho việc chấm dứt thẩm quyền của luật Liên minh châu Âu đối với Anh sau Brexit.
Việc công bố dự luật là bước đầu tiên trong cả tiến trình pháp lý kéo dài. Dự luật hủy bỏ cũng sẽ phải đối mặt với sự giám sát của các công ty Anh, mà rất nhiều trong số đó đã phải bỏ ra hàng năm để cố gắng tìm hiểu sự thay đổi khi Anh rời Liên minh châu Âu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ ra sao. Một sự thay đổi thành công luật pháp của Anh được cho là có ý nghĩa sống còn với nhiều ngành công nghiệp của Anh vốn bị phụ thuộc vào các quy định của Liên minh châu Âu.
Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ trước nguy cơ bùng phát
Ngày 14/7, Moskva tuyên bố sẵn sàng trả đũa Washington trong vấn đề tài sản ngoại giao và trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra tuyên bố trên, đồng thời nhấn mạnh Nga không bao giờ mong muốn áp đặt các biện pháp cực đoan trong quan hệ với Mỹ, nhưng “nếu vụ việc không có biến chuyển, Moskva buộc phải áp đặt các biện pháp trả đũa”. Hơn nữa, theo bà Zakharova, Washington còn từ chối cấp thị thực cho các nhà ngoại giao Nga sang thay thế các nhân viên sứ quán Nga bị trục xuất khỏi Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái.
Cuối tháng 12/2016, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông qua một gói các biện pháp trừng phạt Nga do “can thiệp bầu cử” và “gây áp lực lên các nhà ngoại giao” Mỹ đang làm việc tại Nga. Trong số các biện pháp trừng phạt có việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và tịch biên một số tài sản của Đại sứ quán Nga tại Mỹ. Khi đó, phía Nga quyết định không áp đặt các biện pháp trả đũa với hy vọng quan hệ với Mỹ sẽ được cải thiện khi Nhà Trắng có chủ nhân mới. Tuy nhiên, bế tắc trong quan hệ giữa Moskva và Washington dưới thời chính quyền mới ở Mỹ vẫn chưa được khai thông.
Tuần trước, ngay trước cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ông Trump loại bỏ việc trả lại tài sản ngoại giao của Nga ra khỏi “bất cứ cuộc hội đàm và thảo luận nào”. Moskva nhiều lần tuyên bố áp đặt các biện pháp trả đũa hành động của Washington. Thư ký báo chí Tổng thống Nga ông Dmitry Peskov tuyên bố “sự chịu đựng đã hết”, còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi tình hình xung quanh vấn đề trên là “đáng công phẫn”.
Trước đó, báo Izvestia của Nga đầu tuần qua dẫn nguồn tin riêng từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva đang lên kế hoạch trục xuất gần 30 nhà ngoại giao Mỹ và tịch biên một số tài sản của Đại sứ quán Mỹ tại Nga. Biện pháp này của Moskva được cho là nhằm đáp trả quyết định của Washington không trả lại tài sản của Đại sứ quán Nga tại Mỹ bị tịch biên từ tháng 12/2016.
Theo một số nhà phân tích, sự kiện này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu ngoại giao mới giữa Nga và Mỹ.
Thượng viện Brazil thông qua dự luật cải cách lao động gây tranh cãi
Thượng viện Brazil vừa thông qua những cải cách lao động sâu rộng vốn gây ra các cuộc biểu tình phản đối chính sách khắc khổ biến thành bạo loạn đường phố ở nước này trong thời gian qua.
Tổng thống Brazil Michel Temer cho rằng dự thảo Luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua là một trong những cải cách tham vọng nhất trong vòng 30 năm qua. Theo ông, việc Thượng viện thông qua dự luật này là một chiến thắng của Brazil trong cuộc chiến chống nạn thất nghiệp và xây dựng một quốc gia có sức cạnh tranh hơn.
Trước đó, dự thảo luật này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân và các tổ chức công đoàn ở Brazil. Trước đó, sau khi Hạ viện Brazil thông qua dự thảo Luật Lao động sửa đổi hôm 26/4, các cuộc đình công đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn của nước này để phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính quyền Tổng thống Temer. Các tổ chức công đoàn cho rằng chủ trương của chính phủ sẽ càng làm gia tăng tình trạng thất nghiệp hiện đã lên tới mức kỷ lục, khoảng 13,3% dân số và đứng đầu khu vực Nam Mỹ. Dự thảo bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 60 lên 65 đối với nam và từ 55 lên 62 đối với nữ, kéo dài thời gian đóng bảo hiểm lao động bắt buộc từ 40 năm lên 49 năm để có thể nhận lương hưu toàn phần, cũng như tạo thuận lợi cho việc sa thải nhân công.
Ngân hàng trung ương Brazil dự báo nền kinh tế của nước này sẽ tăng trưởng 0,49% và lạm phát ở mức 4,36% trong năm nay. Nếu đạt được mức tăng dự kiến trên, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh sẽ thoát khỏi suy thoái sau 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm (ở mức -3,8% năm 2015 và -3,5% năm 2016). Năm 2015, tỷ lệ lạm phát Brazil vượt 10%, mức cao nhất kể từ năm 2002, và năm ngoái ở mức 6,29%.
Hiện uy tín của Tổng thống Temer đang ở mức rất thấp do ông đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến hành vi tham nhũng, điều có thể khiến nhà lãnh đạo này bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, ông Temer luôn bác bỏ mọi cáo buộc.
Dịch tả bùng phát ở Yemen, Liên hợp quốc quan ngại sâu sắc
Nhiều tháng nay, dịch tả tại Yemen bùng phát và vượt khỏi tầm kiểm soát. Cuộc nội chiến kéo dài suốt hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này được cho là nguyên nhân chính làm căn bệnh chết người này lây lan nhanh và khó kiểm soát.
Chiến tranh và xung đột đã khiến nạn đói hoành hành, tình trạng thiếu nước sạch xảy ra trên khắp đất nước Yemen. Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng y tế cũng bị tàn phá nặng nề, lượng thuốc men luôn trong tình trạng thiếu thốn.
Hiện Yemen có tới 19 triệu người đang cần cứu trợ nhân đạo, trong đó nhiều người đang bên vực của nạn đói; hơn 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số trẻ này là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước dịch tả do không đủ sức đề kháng chống lại căn bệnh.
Các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc mới đây lên tiếng cảnh báo rằng số ca nhiễm bệnh tả ở Yemen đã vượt 320.000 trường hợp, trong đó có ít nhất gần 1.800 người đã tử vong do căn bệnh chết người này.
Ông Stephen O’Brien, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo, nói rằng, Liên hợp quốc đã cấp gần 50 triệu USD để khắc phục hậu quả của dịch bệnh nguy hiểm này và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hỗ trợ Yemen tái thiết lập các trung tâm y tế khẩn cấp, trả lương cho đội ngũ nhân viên y tế, đồng thời yêu cầu các bên xung đột mở lại các sân bay, bến cảng để sử dụng cho công tác nhân đạo, nhất là giải quyết dịch tả đang hoành hành dữ đội và cứu chữa kịp thời các bệnh nhân, nhất là trẻ em, tại quốc gia Trung Đông đầy bất ổn này.
Wimbledon 2017: Roger Federer lập kỷ lục mới
Ở trận đấu Tứ kết Wimbledon 2017 diễn ra đêm qua, Roger Federer không chỉ đòi nợ thành công Milos Raonic sau trận thua ở Bán kết Wimbledon hồi năm ngoái, mà anh còn xô đổ thêm một cột mốc khác trong lịch sử giải Grand Slam trên mặt sân cỏ.
Trong trận đấu thứ 100 của anh ở All England Club, tay vợt người Thụy Sĩ đã thi đấu xuất thần và vượt qua “Máy bắn bóng” người Canada chỉ sau 3 set đấu với tỉ số 6-4, 6-2 và 7-6 (4). Trước cuộc chạm trán này, nhiều người đã mường tượng tới cảnh “ông già” Federer sẽ bị tra tấn thể lực ra sao để có thể cầm cự chứ đừng nói đến việc hạ tay vợt 26 tuổi tràn đầy sinh lực một cách chóng vánh. Thế nhưng thực tế lại quá dễ dàng. Federer đã chơi một trận hay nhất kể từ đầu giải. Trận đấu khiến những ai chứng kiến sẽ liên tưởng anh với biệt danh “Tàu tốc hành” thời kỳ đỉnh cao.
Với chiến thắng này, Federer đã lần thứ 12 góp mặt ở trận Bán kết Wimbledon, nhiều hơn bất kỳ tay vợt nào trong lịch sử. Tại vòng đấu giành cho 4 tay vợt mạnh nhất, hạt giống số 3 của giải sẽ đối mặt với Tomas Berdych – người đã giành được tấm vé vào Bán kết khá dễ dàng sau khi đối thủ của anh là hạt giống số 2 Novak Djokovic buộc phải rút lui giữa chừng vì chấn thương khuỷu tay./.