VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

– Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Vương quốc Thái Lan; Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp APEC (SOM3) và các cuộc họp liên quan; Quan hệ Mỹ – Venezuela tiếp tục căng thẳng; Colombia tuyên bố kết thúc xung đột với FARC; Tây Ban Nha hứng chịu liên tiếp các vụ tấn công khủng bố…là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Bangkok Thái Lan

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Vương quốc Thái Lan;

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chanocha, từ ngày 17–19/8/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã thăm chính thức Vương quốc Thái Lan.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan tiếp tục được củng cố và ngày càng phát triển tốt đẹp. Theo chương trình chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Prayuth Chanocha; gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan Pornpetch Wichitcholchai; gặp Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Thái Lan Prem Tinsulanonda.

Quan hệ Việt Nam – Thái Lan trong những năm vừa qua, có những điểm nổi bật sau đây:

Việt Nam và Thái Lan đã ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2014 – 2018 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan năm 2014, bao gồm tất cả các lĩnh vực hợp tác. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 10 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với gần 460 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 8,2 tỷ USD. Việt Nam đang có 11 dự án đầu tư tại Thái Lan với tổng vốn gần 29 triệu USD.

Trong khu vực, Thái Lan là nước coi trọng hợp tác trong ASEAN. Việt Nam và Thái Lan có chung lập trường trong xây dựng Hiệp hội, về giữ vững đoàn kết trong ASEAN.

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976 nhưng quan hệ Việt Nam-Thái Lan bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức Thái Lan tháng 9/1978 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước dần được cải thiện và phát triển mạnh, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.

Đặc biệt, nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 6/2013), Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược” và trở thành hai nước trong khối ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau. Tiếp đó, hai bên đã ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2014 – 2018, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha (tháng 11/2014).

Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau. Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được hai nước thông qua và hoạt động rất hiệu quả. Nổi bật là các cơ chế: Họp nội các chung Việt Nam – Thái Lan; Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan; Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước…

Hai nước đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Đầu năm 2015, hai bên nhất trí mở kênh hợp tác lao động – một lĩnh vực hợp tác mới đang được thúc đẩy.

Hai nước hợp tác chặt chẽ và luôn hỗ trợ nhau trong các khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực, khu vực và tại các diễn đàn quốc tế… Đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập từ ngày 31/12/2015, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường phối hợp, góp phần củng cố đoàn kết, hợp tác trong ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trong chuyến thăm Thái Lan lần này của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai bên cũng đã thảo luận, đánh giá về những hoạt động hợp tác song phương thời gian qua; thống nhất phương hướng và các biện pháp thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng và hiệu quả giữa hai nước trong thời gian tới; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp APEC (SOM3) và các cuộc họp liên quan

Ngày 18/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan đã chính thức khai mạc.

Diễn ra từ 18-30/8, SOM 3 bao gồm 75 cuộc họp, hội thảo, đối thoại… của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, kinh tế mạng, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, tăng trưởng chất lượng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học, công nghệ và sáng tạo, chống tham nhũng, y tế, ứng phó tình trạng khẩn cấp, cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực tham gia hội nhập kinh tế…

Trong dịp này, các đại biểu APEC sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn trên các lĩnh vực then chốt hướng tới triển khai ngày càng cụ thể 4 ưu tiên của Năm APEC 2017 cũng như mục tiêu dài hạn của APEC về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Các Ủy ban, Nhóm công tác của APEC cũng sẽ thảo luận hướng các văn kiện trình các Bộ trưởng APEC thông qua, tạo cơ sở để chuẩn bị nội dung và chương trình của Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng.

Theo Ban Tổ chức, tại Hội nghị lần này, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ Chủ trì Hội nghị các quan chức cao cấp, Cuộc họp Nhóm Bạn của Chủ tịch về kết nối, Hội thảo về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, Phiên kết luận của Đối thoại cấp SOM về RTAs/FTAs.

Cũng trong dịp này, 8 bộ, ngành của Việt Nam gồm: Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác của APEC.

Có khoảng 2.100 đại biểu quốc tế và trong nước đã đăng ký tham dự sự kiện này, đại diện 21 nền kinh tế thành viên, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), các tổ chức quan sát viên của APEC (ASEAN, PECC, PIF) cùng đại diện một số tổ chức quốc tế và khu vực, giới doanh nghiệp và học giả quốc tế.

Quan hệ Mỹ – Venezuela tiếp tục căng thẳng

Ngày 11/8/2017, phát biểu tại câu lạc bộ golf Bedminster ở New Jersey sau khi có cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Cố vấn an ninh quốc gia Herbert Raymond McMaster và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Washington đang cân nhắc nhiều giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela, theo đó không loại trừ các biện pháp quân sự nếu cần thiết.

Phản ứng trước tuyên bố trên, ngày 16/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa có hành động quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela, khẳng định khu vực Mỹ Latinh đã thoát khỏi sự can thiệp bên ngoài và điều này phải được bảo vệ.

Ông Guterres nói: “Một điều rõ ràng là Mỹ Latinh đã thành công trong cuộc đấu tranh trong những thập kỷ qua nhằm giải phóng khỏi chế độ độc tài và sự can thiệp bên ngoài. Một bài học rất quan trọng là đảm bảo di sản này phải được bảo vệ và cụ thể là trong trường hợp Venezuela, xét trên cả hai khía cạnh”.

Trước đó, ngày 12/8, chính phủ Venezuela đã phản bác mạnh mẽ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino đã chỉ trích gay gắt phát biểu của Tổng thống Trump, đồng thời nêu rõ quân đội Venezuela sẽ bảo vệ lợi ích và chủ quyền đất nước. Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreada thì cho rằng những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump là sự đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền cũng như quyền tự quyết của Venezuela…

Trong khi đó, cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh cũng đã lên tiếng phản đối tuyên bố của tổng thống Mỹ Trump. Nhiều nước Mỹ Latinh, ngay cả Colombia, Mexico – những nước lâu nay vẫn chỉ trích Tổng thống Venezuela Maduro – cũng cho rằng phát biểu của Tổng thống Trump đã đi ngược các nguyên tắc của Liên hợp quốc.

Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Venezuela kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến Venezuela ngày 30-7, cho thấy những diễn biến phức tạp liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela.

Tuần hành biến thành bạo lực tại Virginia (Mỹ)

Ngày 12/8, một cuộc tuần hành mang tên “Ðoàn kết phe Cánh hữu” ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, của hàng ngàn người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan da trắng cùng các nhóm ủng hộ cánh hữu ở Mỹ đã biến thành một cuộc bạo động do vấp phải sự phản đối từ những nhóm ủng hộ quyền lợi cho người da đen và chống phân biệt chủng tộc. Thảm kịch này đã khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Ðây được xem là thảm kịch tồi tệ nhất do mâu thuẫn sắc tộc ở Mỹ trong những năm gần đây. Các nhà phân tích cho rằng, sự việc xảy ra tại Virginia là kết quả phát sinh từ những mâu thuẫn âm ỉ từ lâu trong lòng nước Mỹ và nay có điều kiện bùng phát thành hành động bạo lực. Kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11-2016, các phong trào cực hữu ủng hộ da trắng và phân biệt chủng tộc đã hồi sinh mạnh mẽ trở lại. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho chính quyền Mỹ cần tìm giải pháp để đoàn kết dân tộc và đưa tất cả người Mỹ xích lại gần nhau hơn.

Colombia tuyên bố kết thúc xung đột với FARC

Ngày 15/8, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố, cuộc xung đột kéo dài 50 năm qua tại nước này với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) “đã thực sự kết thúc”, với việc giải giáp vũ khí cho nhóm nổi dậy này đã hoàn tất.

Tại buổi lễ ở Pondores, phía Bắc Guajira, Tổng thống Santos tuyên bố: “Với việc hạ vũ khí, cuộc xung độ này đã thực sự qua đi. Đây thực sự là một thời khắc lịch sử cho đất nước chúng ta”.

Theo lộ trình, FARC sẽ chính thức chuyển thành một đảng chính trị từ ngày 1/9 tới, sẽ sớm tổ chức đại hội thành lập đảng mới với tên gọi “Lực lượng cách mạng thay thế Colombia” (ARFC). Ngoài việc thành lập chính đảng, tổ chức này sẽ có 5 ghế tại Hạ viện.

Lộ trình hòa bình được thực hiện thành công đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 52 năm qua, mở ra hy vọng về một tương lai hòa bình cho người dân Colombia.

Tây Ban Nha hứng chịu liên tiếp các vụ tấn công khủng bố

Ngày 17/8, xảy ra vụ xe tải đâm người đi bộ ở đại lộ Las Ramblas, trung tâm thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương. Số người thiệt mạng trong vụ tấn công này có thể còn tăng cao do nhiều người bị thương nặng. Sau vụ đâm xe, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ được 2 nghi can gồm một người Tây Ban Nha và một người Maroc. Lực lượng chức năng Tây Ban Nha đang triển khai chiến dịch săn lùng tên lái xe vẫn đang bỏ trốn.

Chỉ vài giờ sau vụ tấn công ở đại lộ Las Ramblas, tại một ngôi nhà ở Alcanar, cách thành phố Barcelona khoảng 200 km về phía Nam cũng đã xảy ra một vụ nổ khiến ít nhất 1 người thiệt mạng.

Tiếp đó, ngày 18/8, chính quyền thị trấn Cambrils, vùng Catalonia của Tây Ban Nha, cho biết ít nhất 6 dân thường và 1 cảnh sát đã bị thương khi một chiếc xe tải lao vào người đi bộ ở thị trấn nghỉ dưỡng ven biển này. Cảnh sát đã tiêu diệt 4 kẻ tấn công và bắn bị thương 1 đối tượng khác, đồng thời cho rằng những đối tượng này có liên quan tới vụ đâm xe tại Barcelona và vụ nổ ở Alcanar.

Ngay sau khi các vụ tấn công xảy ra ở Tây Ban Nha, lãnh đạo nhiều nước và tổ chức trên thế giới đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết, sát cánh cùng Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống khủng bố.

Lở đất kinh hoàng ở Sierra Leone

Ngày 14/8, ít nhất 312 người đã thiệt mạng trong một trận lở đất ở chân núi Sugar Loaf, thuộc thị trấn Regent, ngoại ô thủ đô Freetown của Sierra Leone. Vụ lở đất cũng cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản và khiến người dân khu vực chìm trong hoảng loạn. Sau vụ lở đất, chính phủ Sierra Leone phải lập các trung tâm ứng phó khẩn cấp để ổn định tạm thời cuộc sống cho khoảng gần 5.000 nạn nhân thiên tai.

Như vậy, hai năm sau “cơn lốc” dịch Ebola từng khiến hơn 3.655 người chết, nền kinh tế và hệ thống y tế của Sierra Leone gần như kiệt quệ, quốc gia nghèo nhất châu Phi này lại phải tiếp tục hứng chịu sự phẫn nộ của thiên nhiên. Vụ lở đất lần này được ví như một cơn thịnh nộ của thiên nhiên, xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu và nạn phá rừng tràn lan.

Các kết quả nghiên cứu quốc tế vừa công bố tuần qua đã chỉ ra rằng, hiện tượng Trái đất ấm lên đang làm thay đổi chu kỳ lũ lụt tại nhiều nơi trên thế giới, khiến mực nước tại các sông lên xuống thất thường, tác động trực tiếp tới cuộc sống của con người. Báo các quốc tế cũng xác nhận năm 2016 là năm nóng nhất trên toàn cầu trong 137 năm qua. Nhiệt độ đại dương và đất liền, mực nước biển và lượng khí nhà kính đều phá các mốc kỷ lục từng được ghi nhận./.

Nguồn ĐCSVN-TT